Sự nghiệp sáng tác thơ ca của nhà thơ Bằng Việt (Nguyễn Việt Bằng)

Nhà thơ Bằng Việt, tên thật là Nguyễn Việt Bằng, ông sinh ngày 15 tháng 6 năm 1941 tại Xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất Hà Nội. Ông là một thành của hội nhà thơ Việt Nam.

Tiểu sử

Ông tốt nghiệp hoa Pháp lý, Đại học Tổng hợp Kiev vào năm 1965. Sau đó ông công tác tại Viện Luật học thuộc Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.
Năm 1969, ông công tác tại hội nhà văn Việt Nam Năm 1970, ông tham gia công tác ở chiến trường Bình Trị Thiên, với tư cách là một phóng viên chiến trường và làm tại Bảo tàng truyền thống cho đoàn Trường Sơn. Năm 1975, ông công tác ở Nhà xuất bản Tác phẩm mới.
Năm 1983 ông được bầu làm Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội (1983-1989) và là một trong những người sáng lập tờ báo văn nghệ Người Hà Nội (xuất bản từ 1985).
Năm 2001, ông được bầu làm Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội và được bầu lại làm Chủ tịch Hội nhiệm kỳ 2006 – 2010.

Sự nghiệp sáng tác của nhà văn Bằng Việt

Nhà thơ bằng Việt làm thơ từ khi 13 tuổi, những tác phẩm thơ đầu tay của ông là thể loại thơ không vần, xuống thang rồi bắc thang.
Năm 1968 ông xuất bản tập thơ của ông và Lưu Quang Vũ với tựa đề Hương Cây- Bếp Lửa.
Ngoài ra ông còn dịch thơ của các tác giả nước ngoài.
Những tập thơ nổi tiếng của Bằng Việt:

  • Hương cây – Bếp lửa (tập thơ in chung với Lưu Quang Vũ, 1968)
  • Những gương mặt những khoảng trời (thơ, 1973)
  • Đất sau mưa (thơ, 1977)
  • Khoảng cách giữa lời (thơ, 1983)
  • Cát sáng (thơ, 1986)
  • Bếp lửa – khoảng trời (thơ tuyển, 1988)
  • Phía nửa mặt trăng chìm (thơ, 1995)
  • Ném câu thơ vào gió (thơ, 2001)
  • Thơ trữ tình (2002)
  • Thơ Bằng Việt (2003)
  • Mozart (truyện danh nhân, 1978)
  • Hãy nói bằng ngôn ngữ của tình yêu (dịch thơ Ritsos, 1978)
  • Lọ lem (dịch thơ E. Evtushenko, 1982)
  • Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX (hợp tuyển thơ dịch, NXB Văn học, 2005)

Ông là một trong những nhà thơ tài năng và đạt nhiều giải thưởng lớn như:

  • Giải nhất về thơ của Hội Văn học nghệ thuật Hà Nội năm 1967 với bài thơ Trở lại trái tim mình
  • Giải thưởng chính thức về dịch thuật văn học quốc tế và phát triển giao lưu văn hoá quốc tế do Quỹ Hoà bình Liên Xô trao tặng năm 1982
  • Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2001
  • Giải thưởng thơ của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2002 cho tập Ném câu thơ vào gió
  • Giải thưởng văn học ASEAN 2003 cho tập thơ Ném câu thơ vào gió
  • Giải thành tựu trọn đời của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2005 cho Thơ trữ tình thế giới thế kỷ XX

Bách thảo

Bách thảo hồn xưa cũ
Công viên đã quá già
Hoa còn gì đâu nữa
Lá khô đầy lối qua!
Ngựa voi về vườn Láng
Núi rêu phong một mình
Hàng rong chiều quạnh vắng
Leo lét ngọn đèn xanh.
Nhưng có phải không em
Có một thời, ở đó…
Có một mùa, ánh trăng…
Có một chiều, tuổi nhỏ…
Thế đủ là tất cả,
Dẫu công viên đã già
Dẫu cây giờ trụi lá
Dẫu cỏ giờ không hoa!
1989

Bài hát ru giữa trận B.52

“Không ai có thể bẻ gãy những chiếc cầu
đưa ta vào giấc ngủ, từ giấc ngủ đi tới những
giấc mơ, và từ những giấc mơ sẽ đi tới ngày
trường cửu”
Paul Eluard (Nhà thơ Pháp)
Trận bom vụt xé ngang trời
Cỏ gianh rực cháy, cây đồi tan hoang,
Bình tâm, em! Trước tro tàn
Trái tim vẫn đập đàng hoàng – là em!
Ba hồi bom trút cuồng điên,
Bốn lăm phút nữa, lại thêm ba hồi…
Tóc em, đất lấm như vùi,
Cứu thương, ánh mắt trong ngời, vẫn em!
Bên ngoài hoả ngục – là đêm,
Ta dồn sang cánh rừng yên, ngủ bù.
Từ trong lửa táp, bom mù,
Em ra, chớm lạnh rừng thu, gai mình…
Ngủ đi em, ngủ ngon lành,
Sức em trẻ lắm, còn dành ngày mai!
Trận bom gần sáng xa rồi,
Ngủ đi em, có anh ngồi thức ru…
Miền Tây Quảng Trị, 1972

Bài học từ cây

Mười lăm năm trước, tôi cùng em qua đây,
Hàng cây mới ươm, khô gầy, mỏng mảnh,
Hai ta không nỡ lòng dám ví
Rằng hàng cây như tình yêu chúng ta!
Mười lăm năm sau, tôi cùng em qua đây,
Hàng cây đã già, xù xì thân mấu,
Hai ta lại càng không dám ví
Rằng hàng cây như tình yêu chúng ta!
Có lẽ ngày xưa, chúng mình quá tự kiêu
Xem thường quy luật của thiên nhiên vĩnh cửu,
Còn bây giờ, chúng mình quá đắn đo và nhát sợ
Không dám nhìn xa hơn chính bản thân mình!
Nhưng cây cứ lẳng lặng, cứ điềm nhiên
Tiếp tục mãi ra hoa và đậu quả!
1979

Còn, mất… tuổi yêu đầu

Anh mất những gì trong em thuở nhỏ
Mất sự bình yên hay những niềm vui ?
Mà đến giờ vẫn tưởng còn nguyên vẹn
Vẫn tưởng còn nguyên cả cuộc đời ?
Anh đã buôn qua nhịp đập trái tim thơ
Như chim bay qua nỗi buồn một thuở
(Ôi đến nhiêu khê là nỗi buồn tuổi nhỏ!)
Áo ứơt chăng em ? Trên áo động xuân về…
Giá như là ta đã yêu nhau
Hẳn mộng ước vuông tròn hơn có phải ?
Nghĩ hối tiếc những ngày phung phí mãi
Ta đi quanh mà chẳng đến bao giờ!
Em có còn nhớ lại nữa không em
Ngày nắng, ngày mưa, bụi lầm gót đỏ
Hoa tím ngát thở dồn trong ngọn gió…
Ta đã mất gì suốt tuổi nhỏ trong nhau?…

Cứ như không

Lòng yêu đời có thật dễ đâu em?
Khi anh có, anh biết là thực khó,
Anh trả giá bằng rất nhiều cực khổ,
Để được cứ như không, thư giãn, nguyên lành!
Em lo lắng mà không hề trách móc
Chỉ nhìn anh, đoán được hết vui buồn,
Em mềm mại mà không hề khiếp sợ
Vượt thác rồi, chờ dốc khác cao hơn…
Từng đau đớn vì lòng người phản trắc,
Từng xót xa vì lắm nỗi tỵ hiềm…
Ta lại vẫn còn nhau, không mất mát,
Lòng yêu đời – có thật dễ đâu em!
1991

Đọc lại thơ thời Trần

Có một chút bùi ngùi không cưỡng nổi
Khi đọc lại thơ tám thế kỷ xa rồi:
Người xưa trong hơn ta, tĩnh hơn ta,
Người xưa gần bản thể hơn ta
Dầu sống ngắn hơn ta.
“Xuân vũ vô cao hạ,
Hoa chi hữu đoản trường”
Mưa xuân thoả thuê không phân biệt sang hèn
Hoa chỉ cần toả hương, ngắn dài ai để ý!
Minh triết chính từ cảm quan dung dị
Người hoà lẫn thiên nhiên trong triết lý đại đồng!
“Vị minh nhân vọng phân tam giáo,
Liễu đắc để đồng ngộ nhất Tâm”
Có cần gì dựng mọi tín điều hoá những bức thành?
Nho Lão Phật cũng vẫn đồng nguyên, hoà chung dòng chảy,
Chỗ điều tiết cao vời chỉ ở chính lòng ta,
Tâm sáng thì Đời sáng.
Người xưa hồn hậu hơn ta
Ít chịu ràng buộc vì thế tục,
Thoát nhẹ như không qua lỉnh kỉnh việc đời
Có là gì việc vị này mất quyền, vị kia làm tổng thống,
Có là gì chuyện giá vàng leo thang, chứng khoán tụt sàn!
Ta nhỏ nhen hơn xưa mà đa sự hơn xưa,
Ta tất bật để mà ta tồn tại!
“Thiên địa do đàn chỉ,
Sơn xuyên đảng thấu thanh
Tạm thời phong vũ động
Kê hướng ngũ canh minh!”
Ai biết nỗi lo ở thời nào cao hơn,
Ai biết cái nghĩ ở thời nào cạn hơn?
Ai biết con người đã từng thành khổng lồ
Lại có lúc hoá thành sâu kiến?
Nhưng thôi! Tiếng gà canh năm vẫn gáy
Nhưng thôi! Thời đại vẫn đang rung chuyển
Mưa thu qua, mưa xuân lại đến rồi!
2011

Em đừng ghen với quá khứ

Em đừng ghen với những thoáng say mê
Trong giấc mơ hoa niên, chỉ bay mà chẳng đứng!
Cơn gió nhỏ giữa chiều thu lơ lửng
Búp lá bên đường cũng thức dậy tình yêu!
Và mùa hè đầy ắp tiếng ve kêu
Hoa sen thắm đưa hương mười sáu tuổi,
Và những cái nhìn rất vội
Suốt cả mùa trăng, mùa trăng, mùa trăng…
Em đừng ghen với quá khứ trong anh
Những khuôn mặt đi qua, nụ cười và nước mắt,
Tuổi trẻ rì rầm những đêm không tắt
Thuở tình yêu như cánh gió không bờ!
Nhưng chỉ tới hôm nay, lắng hơn hết bao giờ
Khi chỉ có em thôi, mới thành đời sống thật,
Em ghen chi những điều đã mất
Như ánh sáng cầu vồng, bong bóng những cơn mưa!
*
Em từng khêu bấc dầu, những năm tháng gay go
Không phải để đọc thơ, mà để ngồi vá áo,
Em từng xách ba lô vẹo người trong mưa bão
Cho kịp chuyến xe tàu đi công tác nửa đêm…
Khi chia tay, em chỉ biết lặng nhìn
Chân trời đỏ, ánh đèn pha dữ dội…
Đôi mắt thẳm sâu, không còn có tuổi
Vừa gan góc lạ lùng, vừa yếu đuối, ngây thơ…
Thiêng liêng sao những phút ấy bây giờ!
Quá khứ đâu làm bận bịu hai ta,
Mà chỉ có hôm nay, những ngày đang sống thật,
Khi ta chỉ là ta, sau nhiều phen đánh vật
Cuộc đời càng khó khăn, càng phải biết thương đời!
Quá khứ đã thành xa xỉ lâu rồi
Tất cả tâm hồn anh có dừng đâu ở đó!
Chỉ tụ lại trong em mọi vui buồn sướng khổ…
Em đừng ghen với quá khứ trong anh!
1971

Giải thích

Anh dễ bị thương vì miệng lưỡi người đời
Và em cũng thế!
Nhưng anh muốn sống cho thật đúng mình
Và em cũng thế!
Anh đến được tình yêu khi anh là anh
Và em cũng thế!
1991

Hai bài tứ tuyệt

I
Ừ nhỉ, có gì sau trận bão
Mà suốt không gian bỗng thật đằm
Mặt người săn lại, lòng se lại
Lẽo đẽo theo mình một bóng trăng…
II
Men rượu vào thu thơm dậy đêm
Quả chín như mơ, đậu trước thềm
Nhưng cây chưa thức, khoan đừng hái
Đâu phải mùa xuân, cây dễ quên!
1992

Hoa vông vang

Tặng Như Tâm, nhân vật chính của bài thơ
“Nghĩ lại về Pauxtôpxky”, và cũng lại là
người từng rất yêu tập truyện ngắn “Hoa
vông vang” của nhà văn Đỗ Tốn.
Trước chiến tranh, ngày mới biết vô tư,
Em yêu sắc vông vang – những buồn vui quá khứ…
Anh bỗng gặp hôm nay trong ngôi chùa Lào cổ
Hoa – như điều chưa nói đã qua đi!
Cuộc sống bộn bề thay đổi nhường kia
Xa xôi quá là mối tình ngày trước!
Nhưng dầu chẳng dễ tới bờ hạnh phúc,
Còn lại gì… trong những khóm vông vang?
Atôpơ, 1973

Không đề (I)

Em cũng giống như cơn mưa, như trận gió lúc sang hè
Làm thức tỉnh hồn tôi nhiều biến động
Tôi im lặng, bàng hoàng khi được sống
Một ngày vui không dễ nói ra lời
Lối rất dốc. Màn sương và một chút mây trời
Một chút nắng làm hồng hào gương mặt
Một chút lặng thinh khi nhìn xa tít tắp
Một chút đợi chờ sẽ thổ lộ bâng quơ.
Ta cứ lên cao, cao mãi đến bao giờ
Bỗng phát sợ – nhỡ chúng mình biến mất!
Đá đẹp quá – tưởng chừng không có thật
Hoa dập dờn, nhưng chửa đến tầm tay!
Có chút gì thích thú rất thơ ngây
Là dự đoán về nhau, mà không cho nhau biết
Là nghĩ ngợi nhiều điều, nhưng nghĩ chưa tới hết
Hạnh phúc gieo từng chuỗi ú tim dài…
Và bến đò vui, thành khúc nhạc không lời
Bao cây số ta qua, nước với trời đồng vọng
Sau rốt, đến buổi chiều…khi tất cả đều yên lặng
Thì em lại như cơn mưa, như trận gió lúc sang hè!

Không đề (II)

Anh mất những gì trong em thuở nhỏ
Mất sự bình yên hay những niềm vui?
Mà đến giờ vẫn tưởng còn nguyên vẹn
Vẫn tưởng còn nguyên cả cuộc đời!
Anh đã buông qua nhịp đập trái tim thơ
Như chim bay qua nỗi buồn một thuở
(Ôi đến nhiêu khê là nỗi buồn tuổi nhỏ!)
Áo ướt chăng em? Trên áo động xuân về!
Giá như là ta đã yêu nhau
Hẳn mộng ước vuông tròn hơn có phải?
Nghĩ hối tiếc những ngày phung phí mãi
Ta đi quanh mà chẳng đến bao giờ!
Em có còn nhớ lại nữa không em
Ngày nắng, ngày mưa, bụi lầm gót đỏ,
Hoa tím ngát thở dồn trong ngọn gió,
Ta đã mất gì suốt tuổi nhỏ trong nhau?
1964

Lạnh

Chỗ em qua, gió bấc đã thay mùa,
Chân rạ mới se lòng mong lúa ấm
Những lá bàng rơi, càng khô càng thắm,
Lá khô hoài, có trút xuống nơi em?
1967

Một chút bùi ngùi trên biển

Trống Mái vẫn như xưa
Không ai nói đến lứa đôi bên bờ biển bão…
Những em bé gầy đen đi nhặt cá ven bờ
Tất cả đều dẫm lên những tổ dã tràng và những
viên bi vô tận,
Không ai ngạc nhiên trước vẻ đẹp những con sò!
Chúng ta biết quá nhiều điều vô ích
Trong cuộc đời vất vả, vội vàng thôi,
Chúng ta chẳng bao giờ đi vòng quanh Trái đất
Dù đôi khi biết vượt quá chân trời!
… Thôi em chớ trách anh phút này sao lặng lẽ,
Biển dữ dằn mà gió lại vô tâm…
Trống Mái vẫn như xưa! Nhưng có ích gì đâu
những mối tình của đá!
Sóng chưa chạm vào ta mà sóng đã như gầm!
Sầm Sơn, 1969

Một khúc tình ca lâu rồi không lặp lại!

Bần thần nghe động chồi Xuân
Tưởng quê nghìn dặm xích gần bên ta,
Ngọt se lòng phút nhớ nhà
Ngỡ đâu chút lửa chiều xa lạ lùng!
Chốn xưa, em có bận lòng
Giống như ta, thuở mây hồng lênh đênh?…
Dẫu sao cũng một mối tình
Ngày chưa đứng bóng, trời xanh thật rồi!
Trời xanh… đôi ngả bồi hồi,
Có còn kỷ niệm, hay nguôi lòng chờ?
Thuyền em cắm bến hững hờ
Dễ chừng… em cũng chưa ngờ Xuân sang!
1962

Mùa mưa

Tháng Ba, săng lẻ vừa ra lá,
Rừng lại mù mưa… Nước ngập rồi!
Xe đi trầy trụt, đường trơn quá
Áo quần mốc hết, bạn gùi ơi!
Kho bắc cao lên sát mái nhà
Từng đàn kiến cánh nối nhau ra,
Những chùm mốc trắng lan theo gió
Cơn lũ vừa im lại thốc qua.
Vắng tiếng người đi phía cửa rừng
Núi đặc sa mù, buốt thấu lưng,
Cây dựng thành cao, che kín mắt
Lũ suốt đêm ngày, lội nhớp chân!
Em vẫn như xưa, thầm lặng thế,
Giữa rừng săng lẻ, nhựa trào dâng…
Hoa trắng tưng bừng như tuổi trẻ,
Em với rừng sâu, suốt tám năm!
Binh trạm 12, xuân 1973

Năm anh gặp em

Năm anh gặp em, những cơn bão liên miên đang đổ
vào Hà Nội,
Bến xe mưa bay, em đứng đợi một mình…
Chân sưng khớp và đoạn đường xa ngái!
Đưa em lên ngọn sông Đà giá trải
Cứ mỗi lần trở rét, biết em đau…
Năm ấy, ta biết thế nào là yêu nhau:
Một bức thư đi hai tháng ròng, run tay khi nhận được,
Đọc nét chữ thuộc lòng, nhưng tưởng tượng hoài mà
không rõ mặt,
Hai trăm cây số đường vòng, đâu dễ đến bên nhau,
Nơi sơ tán rất xa… vô số những phà cầu!
Bóng tối những nhà ga, ta cùng gặp cùng quen,
Anh đi chuyến tàu nào cũng loáng thoáng mong em,
Trong ánh lửa đèn dầu, trong ánh chớp
chợp bùng, chợp tắt,
Nụ cười nào thoảng qua, anh cũng đều bắt gặp,
Đôi lứa nào chia tay, anh cũng hoá bâng khuâng!
Thấm thoắt mà đã bấy nhiêu năm,
Ta đếm được hết từng lần gặp gỡ…
Đi dọc sông Hồng, bao vệt lũ, vết bom, dấu nhà mới
vá chồng lên nếp cũ,
Ta cùng thấy mắt nhau thẳm sâu, trầm lắng lại,
Chất chứa bao điều về tình yêu và cuộc sống
giống in nhau…
Và đó là những gì duy nhất sẽ bền lâu!
1973

Ngẫu nhiên và tất nhiên

Tôi có một con tàu,
Em có một vì sao.
Tôi có một vầng trăng,
Em có ngày nắng ráo.
Tôi có một cơn mưa,
Em có dải rừng xa.
*
Tôi đem vầng trăng khớp lại với trời sao,
Đem cơn mưa đặt trước ngày nắng ráo
Đem con tàu chạy qua rừng hư ảo…
Và bất ngờ, em nói đến Tình Yêu!
1986

Nhớ

Lá gồi lợp kín ba gian
Rừng sâu, những buổi chiều càng lắng sâu…
Ước gì cơn sốt qua mau
Để ngồi yên được lâu lâu cùng chiều!
Cây cao chi đọng nắng nhiều
Em xa chi, nặng lòng yêu thế này!
Ngỡ như cách mấy tầm tay
Mà ra thành mấy ngàn ngày đạn bom!
Ngược xuôi, đá núi đã mòn,
Chút phân vân tuổi trăng tròn đã qua…
Em như một bóng cửa nhà
Sau gian nan, đủ ngỡ là bình yên!
Em như đốm lửa ưu phiền
Biết lo toan để nối liền ngày vui.
Em như lớp lớp sóng dồi,
Đắng cay đọng lại, ngọt bùi theo đi!
Trạm xá Trường Sơn, 1972

Những vỉa than ngầm

Tôi còn mãi buổi chiều xanh khắc khoải
Đi sao không hết lòng mình!
Những vỉa than ngầm thời trẻ
Bất thần bùng cháy lên.
Cỏ may mùa thu
Cỏ lạ lùng khô đắng
Cỏ suốt đời lang thang
Tôi còn mãi buổi chiều xanh khắc khoải
Cỏ may ghim đầy.
Đi sao không hết lòng mình
Không sao tìm ra giới hạn
Cỏ bỗng làm tôi rơi nước mắt
Những vỉa than ngầm thời trẻ
Đã bao giờ cháy hết đâu em ?…

Quá chừng

Biển quá chừng say, chuếnh choáng men,
Đồng quá chừng tươi, đất xốp mềm,
Trời quá chừng xanh, trời cổ tích,
Hút mắt trùng khơi, tôi với em!
Tôi quá chừng tôi trong sóng lớn
Thoả thích như quên hết tuổi mình,
Em quá chừng em trong gió cuốn
Gió vụt nâng thành đôi cánh tiên!
Cảm giác bồng bềnh theo sóng đi
Trôi mãi trong không chẳng vướng gì,
Trôi mãi trong thời gian bất tận
Nắng ngời trên má, sóng trên mi…
Vui quá chừng vui, sao quá ngắn
Chót đỉnh mong manh quá phập phồng,
Ta quá chừng ta, còn trở lại
Bãi biển thần tiên buổi ấy không?

Quá khứ buồn làm chi

Thành phố vẫn như xưa. Mọi xa lạ lại trở thành xa lạ,
Em lại đi đếm bước giữa đường đông…
Chút gió động lòng kia rồi cũng thành êm ả
Rồi sẽ quên đi tất cả chuyện tương phùng!
Rồi sẽ quên đi một vòm cửa sổ
Một lối dạo nhiều cây, một chiếc ghế tâm tình,
Rồi sẽ quên đi nỗi bùi ngùi tuổi nhỏ,
Qua sắc chói chiều xanh là sắc chói bình minh…
Quá khứ để làm chi? Bây giờ không hiểu nữa,
Chỉ biết cái cần qua thì cũng phải qua rồi!
Quá khứ buồn làm chi, cho lòng nhiều trăn trở,
Gợi lại mảnh đời con ngơ ngẩn nửa buồn vui…
1965

Quên và nhớ

Tuyết ở bên trời không có em
Cả chút mưa bay quá yếu mềm
Cả cánh đồng trăng màu lục nhạt
Như chỉ mơ hồ… nhớ để quên.
Em nhỏ và trong như nước mắt
Chia tay làm mặn mãi môi cười
Vị mặn hễ quên rồi lại nhớ
Nghìn trùng quay lại vẫn em thôi!

Rung động thuở đầu

Nếu coi em như cô em gái
Tôi sẵn lòng dạo phố cùng em,
Nếu coi em như trẻ nhỏ dịu hiền
Tôi đủ bạo – hôn em lên trán,
Nếu coi em như tấm tình bè bạn
Tôi dễ dàng chuyện vãn bình thường,
Cùng lắm, coi em như khách qua đường
Tôi vẫn có thể sẵn lời thăm hỏi…
Nhưng tôi lặng ngắm hoài em, không nói
Lẽ nào… tôi đã yêu em?

Sông

Anh ngỡ màu xanh sông rất yên
Đôi nét mi em chớp thật hiền…
Đâu biết lòng sông trầm lặng thế
Mà em thổi được thuỷ triều lên!
1967

Tản mạn về Trúc Lâm đại sĩ

Người hiền Trúc Lâm
Làm vua cũng vậy, làm sư cũng vậy,
Làm vua khi Nước gọi
Làm sư khi thân nhàn.
Nhất cử nhất động đều minh bạch
Soi mình trước Trời, Đất, Người.
Thiên hạ trong tay mình.
Mình trong tâm thiên hạ.
Thương người cũng hệt thương mình.
Cao sang lại về sống lẫn cùng dân
Danh vọng khuất trong nâu sồng hẻm núi
Tên tuổi ẩn cùng rừng thiêng ngàn tuổi
Thông tuệ khắc lên trang sách ngàn đời.

Tạnh mưa rừng

Em ơi, rừng bỗng yên
Thung lũng xanh màu khói
Ta đi ra đường mới
Đất phơi ánh mỡ gà
Sườn non dài cỏ biếc
Rung rinh đồi sương sa
Từng hồi gió phất phơ
Thổi ấm lần rạ mục
Lán vừa rỡ phên che
Tiếng rừng khô rạo rực
Mùi không gian mới tinh
Biết nói gì đây em
Sáu năm trời tất bật
Đất không còn ra đất
Đường vẫn đắp nên đường
Cái rét nhức vào xương
Bàn tay chai cứng lại
Mưa nguồn dai dẳng mãi
Thư nhà thưa chuyến lên!
Suốt mấy mùa thương em
Nhóm nồi cơm lâu cháy
áo khét mùi lửa sấy
Chân mềm xót nước ăn
Đất nhót rêu trong hầm
Máy bay thù nghiêng ngó
Pháo hiện từng chùm đỏ
Vẫn thông xe thông đường,
Giấc ngủ quen cầm chừng
Nghe hồi còi, lại tỉnh
Ôi cuộc đời người lính
Găng hơn mọi cuộc đời!
Gió lên, gió lên rồi
Trời non theo ngọn lá
Một màu trời kỳ lạ
Sáng lên từ hai ta,
Phút giây này choáng ngợp
Những tâm tình bao la,
Dọc con đường thần thoại
Trong mưa rừng đi xa…
Tâm tình với Olga Bergon
Và thế là họ xa nhau
Chỉ còn dòng Nêva cuồn cuộn chảy
Ngôi sao chiều bùng cháy
Tiếng chim kêu lạc lõng cuối trời xa…
Năm tháng trôi qua, năm tháng cứ trôi qua
Cô gái hiểu người yêu mình có lý
Khi bụi thời gian nhuộm những sợi tóc đẹp trên mái tóc óng ả
Khi ngọt ngào nhiều, cay đắng cũng nhiều hơn
Nàng nghĩ gì OngaBecgon ?
Câu thơ viết như một lời thú tội
Ôi cái tuổi ngây thơ chẳng bao giờ có lỗi
Khi nhắp vị ngọt ngào cay đắng của Tình yêu
Vẫn những bờ đá hoa cương, vẫn những buổi chiều
Và lớp trẻ lớn dần theo năm tháng
Sẽ hợp tan bao mối tình trong trắng
Sao vô tình chảy mãi hỡi Nê va ?
Đôi lứa nào sẽ vui trong hạnh phúc ngôi nhà
Và ai sẽ suốt đời phải mang câu hát tiếc một thời thiếu nữ
Ai nhớ hoài vì thuở xưa sẽ khóc than một thời trai trẻ
Năm tháng dẫu qua rồi, cái vết thương lòng vẫn chảy máu dọc thời gian
Nàng nghĩ gì hỡi OngaBecgon
Khi trở lại dòng sông Nê va vẫn sóng chiều dào dạt
Khi trở lại nơi ngày xưa câu hát giữa chừng lịm giữa làn môi
Chuyện cũ đã qua rồi
Nhưng xa đến vô cùng là người yêu thuở ấy
Sẽ lạnh lẽo giá băng hay âm thầm lửa cháy
Bởi câu hát khác xưa rồi, tiếng khóc cũng khác xưa
Chỉ còn những chiều sóng nước Nê Va
Và lời nhắn nhủ dặn về tuổi trẻ
Hãy rộng lượng, hãy là người tha thứ
Sẽ chẳng phải đau lòng khi trở về kỷ niệm đầu tiên.

Thơ tình viết muộn

Tôi đã qua rồi tuổi dễ khổ đau,
Tuổi dễ ưu tư, tuổi hay giận dữ,
Tuổi hình dung tương lai trong lòng tay
Giữ thật kín như vật gì dễ vỡ!
Tôi đã qua rồi tuổi dễ kiêu căng
Tưởng cuộc sống dễ dàng làm đổi khác,
Tưởng những gì mới phát minh trong óc,
Ắt ngày mai, nhân loại đã làm theo!
*
Em đến bên tôi, ngồi nghiêng không nói
Trên má em, vệt sáng của mùa đông,
Em cười thật khiêm nhường, nhỏ nhoi, trung thực,
Nào có gì đâu mà đau nhói tận lòng!
Em là chân lý của đời thường mạnh mẽ
Nét môi chẳng còn cong vì trải đắng cay rồi,
Em là vẻ đẹp của đời thường vĩnh cửu,
Là những gì quên mất ở trong tôi!
1986

Tiềm thức

Trưa nằm nghe bao tiếng rất xa xôi
Tiếng gà gáy âm âm tình dĩ vãng,
Xóm nhỏ sâu sâu, bờ ao lặng lặng
Tàu cau vàng trong nắng biếc ngẩn ngơ…
Tưởng còn nghe cả tiếng lá xoan rơi
Mùa nắng đổ, nghe rì rào phượng nở
Mùa ẩm gió, lá me bay đầy chợ
Tàu chuối ngoài hiên sột soạt áo tơ xanh.
… Trưa nằm nghe bao tiếng rất xa xôi
Những tiếng ủ hồn hương hoa dĩ vãng,
Như giữa thinh không nhập vào gió thoảng
Gợi dậy tâm hồn và thức dậy tình yêu!
1962

Trần Huyền Trân

Anh viết: “Cảm ơn Bằng Việt vì tất cả”
Nhưng nào tôi có giúp được gì,
ngoài việc in “Rau tần”- một tập thơ giấy “bổi”.
Những năm ấy, in thơ vô cùng vất vả
như vượt qua truông rậm, đầm lầy.
Nhà thơ không định đoạt được giá trị thơ mình
còn phải nhiều phen đánh vật cùng số phận.
Những câu lục bát vào hàng hay nhất Việt Nam:
“Xa nhau gió ít lạnh nhiều,
Lửa khuya tàn chậm, mưa chiều đổ nhanh”
đến những câu lửng lơ, ma mị, xuất thần:
“Tôi nghe xa lắm làn mây trắng
Rời bóng kinh thành lững thững đi”
không có chỗ đứng trong văn tuyển!
Vì thế mà suốt một phần tư thế kỷ
Trần Huyền Trân không in nổi tập thơ nào!
Hội Văn nghệ xin giấy phép in giùm
Thơ mỏng tang, in giấy “bổi” – đen sần như giấy nháp,
Những câu thơ sang trọng từ ký ức
nay hiện hình trên trang sách bình dân
dù sao, xuất bản vẫn hơn không
nộp lưu chiểu để mọi người cùng biết.
Rồi Trần Huyền Trân phải vào nằm viện,
không bao giờ anh còn trở ra.
Tập thơ lần đầu in giấy xấu đen thui
thành kỷ niệm muôn đời vô giá.
Tôi chẳng thể giúp anh thêm được gì nữa cả,
chỉ biết đam mê thơ, giúp được tích sự gì!

Vài kỷ niệm về Lê Đạt

1
Năm 96, cùng đi Pháp,
Anh muốn tôi xin cho anh về muộn
Còn đi chơi thăm Ý, Tây Ban Nha,
“Ba cái thứ đồ Tây, tao ăn đau bụng,
Mày đừng lo, tao ở lại làm gì!”
Tôi tin anh nói thật cứ như đùa,
Nửa tháng sau, quả nhiên anh về
Vẫn còn nhăn nhó cơn đau bụng!
2
Khi diễn thuyết trên sông Xen
Có người hỏi: Ông sống với chính quyền ra sao?
Nhà văn như ông có bị ai soi mói?
Lê Đạt nói: “Tôi diễn thuyết cùng quý vị,
Nào có ai theo, dòm nom, kiểm duyệt gì?
Bản thân việc tôi sang đây, tự do đi chơi,
Đủ phủ nhận mọi điều thường ngộ nhận!”.

Với tài năng sáng tác thơ văn từ khi còn rất nhỏ, nhà thơ Bằng Việt có một sự nghiệp thơ ca đồ sộ, trở thành một trong những nhà thơ Việt nam nổi tiếng, là thành viên nổi bật của hội nhà thơ Việt Nam. Cùng chúng tôi cập nhật, đầy đủ nhất về các tập thơ của ông mới nhất nữa nhé. 
Xem tiếp: Tập thơ: Bếp Lửa (1968) – Bằng Việt