Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 6

Thái Bá Tân dành rất nhiều thời gian để dịch thơ tác giả khác. Trong đó có nhiều bài thơ rất hay và được đánh giá cao. Điều này được thể hiện thông qua khả năng sử dụng ngôn ngữ của nhà thơ. Cũng như cách chuyển tải đúng ý mà vẫn giữ được các nội dung chính trong bài. Hãy cùng đón đọc các bài thơ dịch Thái Bá Tân hay đặc sắc mà chúng tôi đã tìm hiểu và giới thiệu dưới đây bạn nhé!

Đêm ngoại ô Matcova – Mikhail Lvovich Matusovsky

Không nghe cả tiếng xạc xào rất khẽ,
Vườn cây khuya đang đứng ngủ hiền hoà…
Giá bạn biết tôi yêu, yêu đến thế
Những đêm hè thanh vắng Mátxcơva

Dòng sông chảy mà như không hề chảy,
Được ánh trăng phớt nhẹ một lớp vàng
Hình như nghe mà không nghe đâu đấy
Có người nào đang hát, giọng trầm vang.

Sao em thế, em yêu, buồn, mệt mỏi,
Dáng nghiêng nghiêng, đầu cúi, đứng im lìm?
Hay muốn nói mà em không thể nói
Hết những điều đang xao xuyến trong tim?

Kìa, trời sáng, mặt trời lên rực rỡ
Sau một đêm rất yên tĩnh, hiền hoà,
Và cả em, em yêu, xin hãy nhớ
Những đêm hè thanh vắng Mátxcơva.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu – Mikhail Lvovich Matusovsky

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ bức tranh ta được xem ngày nhỏ
Từ những người bạn tốt vẫn cùng ta
Thường đi học và chơi chung một phố.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ bài hát mẹ ta ru âu yếm,
Từ những cái ta quyết giữ vẹn tròn
Cả trong những giờ khó khăn nguy hiểm.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ chiếc ghế ta vẫn ngồi trước ngõ,
Từ cây phong đơn độc giữa cánh đồng
Khẽ chào nhẹ mỗi lần có gió.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ bài hát đầu xuân con sáo hát
Từ con đường ven xóm nhỏ quanh co
Và biến mất trong sương chiều xanh nhạt.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?
Từ ánh đèn nhà ai đang run rẩy,
Từ chiếc mũ bố ta đội ngày xưa,
Mà bất chợt trong hòm ta lại thấy.
Cũng có thể Tổ quốc được bắt đầu
Từ tiếng gõ của con tàu mệt mỏi
Từ lời thề mà thời trẻ yêu nhau
Ta giấu kín trong tim không dám nói.

Tổ quốc bắt đầu từ đâu?

Anh và em mới lần đầu quen biết – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Thế là đã mùa thu, mùa thu như chiếc lá
Sáng hôm nay anh thấy, nhặt sau nhà
Anh đứng đọc những dòng mưa buồn bã
Như những dòng vĩnh biệt của ngày qua

Hồ nước xám…bức tường loang nứt nẻ
Nhà và cây tối xạm, đứng yên lành
Tất cả điều do em viết, vẽ
Nhưng chẳng bao giờ em viết nữa cho anh…

“Trên đồi trắng một màu sương” – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Trên đồi trắng một màu sương,
Bông hoa anh đào nở sớm.
Em có một người em thương,
Muốn nói mà em không dám.

Chân em đi trên đường làng
Mà lòng nghĩ về anh ấy.
Sao anh không hỏi một lần,
Sao nỗi buồn em không thấy?

Sao anh chỉ hỏi bâng quơ,
Đại khái: khỏe không, gì mới?
Chắc anh không muốn bao giờ
Nói thẳng vào điều em đợi…

Một mình em đi về nhà,
Một mình em cùng đau khổ,
Lẽ nào năm tháng trôi qua,
Trôi qua để tình em đó?…

Ánh lửa nhỏ – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Cô gái tiễn biệt hôm nào
Chàng trai ra tiền tuyến
Trời không trăng, không sao
Bên cổng nhà lưu luyến.

Chàng trai đi hồi lâu
Vẫn quay đầu ngoái lại
Vẫn thấy ngọn đèn dầu
Sáng trong phòng cô gái.

Và từ đó, chiến trường
Trong gia đình chiến sĩ
Xung quanh là người thương
Xung quanh là đồng chí.

Anh lĩnh vẫn nhớ nhiều
Về một khu phố nhỏ,
Về cô gái anh yêu
Về ánh đèn đêm nọ.

Và từ đó chiến trường
Vì tự do Tổ quốc
Vì ngọn đèn quê hương,
Anh càng hăng đánh giặc.

Cô lính thuỷ – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Có anh chàng lính thuỷ
Bảo tôi lúc lên đường:

Cho phép tôi tặng chị
Trái tim này yêu thương.

Và khi tôi đi vắng
Tận nơi nào xa xôi,
Mong chị, dù một tí,
Hãy buồn nhớ về tôi.

Tôi liền cười, đáp lại
Rằng tôi mừng, không sao,
Nhưng món quà lớn quá
Tôi biết giấu nơi nào?

Và rồi, thưa đồng chí,
Để được cô gái thương,
Và buồn, thì có lẽ
Ai đó phải khác thường…

Anh chàng hình như giận,
Liền vội vàng chia tay,
Vì vụng về không hiểu
Câu đùa vui thế này.

Còn riêng tôi sau đó
Chờ thư, chờ thư hoài,
Nhưng anh chàng lính thuỷ
Không hề viết cho ai.

Tôi buồn và đau khổ,
Tôi hối hận rằng mình
Đã nói năng tàn nhẫn,
Đã đùa không thông minh.

Buồn càng buồn gấp bội,
Rằng gặp tôi, người nào
Cũng gọi cô lính thuỷ,
Mà không biết vì sao…

Phong cầm cô độc – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Đêm về khuya bốn bề yên tĩnh
Cây không rung cửa đóng im lìm
Chỉ đâu đó lang thang trong giá lạnh
Một cây đàn đơn độc dạo trong đêm

Đàn thơ thẩn khi ra ngoài bãi vắng
Khi bâng khuâng trở lại đứng bên đường
Như đang cố tìm ai trong im lặng
Bao lâu rồi đàn chẳng thấy người thương?

Gió thổi nhẹ sương rơi như ai khóc
Mây bay vương vấn quanh làng
Ơi nghệ sĩ với cây đàn đơn độc
Ai anh tìm trong đêm vắng lang thang?

Có thể người anh yêu, anh tìm đó
Xa anh rồi, hay cứ ngỡ tìm ai
Sao suốt đêm anh cứ đàn không ngủ
Sao bắt bao cô gái thổn thức hoài?

Qua đồng ướt sương rơi – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Qua đồng ướt sương rơi,
Theo đường mòn len lỏi,
Một anh bạn tiễn tôi
Về nhà sau dạ hội.

Tới cửa, anh lại gần
Cẩn thận nhìn sau trước:
“Tôi muốn, dù một lần,
Xin hôn cô, nếu được…”

Tôi vội vàng bảo ngay
Rằng tôi không thích thế,
Rằng tất nhiên điều này
Không bao giờ có thể…

Anh chàng liền ỉu xìu,
Định về ngay lúc đó.
Nghĩ mình không được yêu,
Gặp làm gì thêm khổ.

Tôi ghé lại gần hơn
“Mà thôi, – và nói tiếp. –
Thế anh không thể hôn
Mà không cần xin phép?”

Thì ai mà biết đấy – Mikhail Vasilievich Isakovsky

Có anh chàng chiều tối
Quanh nhà tôi dạo chơi,
Nhìn tôi mắt nhay nháy,
Nhưng không nói một lời.

Thì ai mà biết đấy,
Sao anh ta mắt nháy.

Anh chàng luôn miệng hát
Khi tôi ra dạo ngoài,
Đến lúc về tạm biệt
Lại quay lưng thở dài.

Thì ai mà biết đấy,
Sao anh ta làm vậy.

“Sao anh buồn, – tôi hỏi,-
Có chuyện không vui à?”
“Không, tim tôi, – anh nói, –
Tôi để mất thôi mà”.

Thì ai mà biết đấy,
Sao để tim mất vậy.

Chiều hôm qua anh gửi
Hai bức thư lạ lùng –
Trong thư toàn chấm chấm –
Hỏi có đoán ra không !

Thì ai mà biết đấy,
Sao anh ta viết vậy.

Không hơi đâu tôi đoán,
Đừng hy vọng, đừng chờ.
Duy tim tôi không hiểu
Sao bồi hồi ước mơ…

Thì ai mà biết đấy
Sao tim tôi như vậy

Mùa thu – Miroslav Florian

Thế là đã mùa thu, mùa thu như chiếc lá
Sáng hôm nay anh thấy, nhặt sau nhà
Anh đứng đọc những dòng mưa buồn bã
Như những dòng vĩnh biệt của ngày qua

Hồ nước xám…bức tường loang nứt nẻ
Nhà và cây tối xạm, đứng yên lành
Tất cả điều do em viết, vẽ
Nhưng chẳng bao giờ em viết nữa cho anh…

Người khổng lồ mắt xanh – Nazim Hikmet

Có một người khổng lồ mắt xanh
Yêu một người đàn bà bé nhỏ
Người đàn bà chỉ mơ ước làm sao
Có ngôi nhà xinh xinh
Cùng giàn hoa bên cửa sổ.
Người khổng lồ yêu theo cách khổng lồ
Và làm việc – quen làm điều to tát.
Nên đã không xây tặng người yêu
Một ngôi nhà con con
Cùng giàn hoa râm mát.
Có một người khổng lồ mắt xanh
Yêu một người đàn bà bé nhỏ
Ngưòi đàn bà đi theo chàng, mỏi chân
Muốn ngồi nghỉ trong vườn đâu đó.
Rồi nàng nói với đôi mắt xanh:
“Chào vĩnh biệt!”
Một người lùn tử tế
Dẫn nàng vào một ngôi nhà xinh xinh
Mà nàng vẫn ước mơ –
Cùng giàn hoa nhỏ bé!

Giờ thì chàng khổng lồ hiểu ra
Rằng tình yêu khổng lồ chàng có
Không nhét nổi vào ngôi nhà cỏn con
Cùng giàn hoa bên cửa sổ.

Về sự ngạc nhiên – Nazim Hikmet

Tôi đang còn biết yêu,
yêu ra yêu, hẳn thế.
Và nếu cần, tôi có thể
Trao cho anh cả đôi mắt, trái tim.

Tôi còn biết giận thù,
dù không nghiến răng phẫn nộ.
Nhưng lạc đà cả khi điên cũng sợ tôi,
dù tôi không hận thù như nó.

Tôi còn biết phân biệt
cái gì là cái gì.
Biết ngửi mùi của tương lai lành dữ.
Và còn biết đấu tranh
cho những gì theo tôi là tốt đẹp.

Nhưng tôi đã không còn biết ngạc nhiên.
Cái ngạc nhiên luôn mở to đôi mắt
đã từ lâu bỏ tôi đi –
tiếc thật !

Loạn hậu đáo Côn Sơn cảm tác – Nguyễn Trãi

Mười năm thấm thoát đã xa nhà.
Quay về, tùng rậm, cúc ra hoa.
Có hẹn với rừng mà nhỡ hẹn.
Cúi đầu, chỉ biết trách mình ta
Làng quê quen thuộc mà như lạ.
Thân còn nguyên vẹn buổi can qua.
Bao giờ được dựng lều trên núi,
Múc nước khe sâu để uống trà?

Ngày hôm qua – Nikolai Alekseevich Nekrasov

Ngày hôm qua, khoảng sáu giờ, có việc,
Tôi đến Xennaia, và rồi
Thấy người ta công khai và tàn nhẫn
Ðánh một người phụ nữ trẻ bằng roi.

Người phụ nữ không hề rên hay khóc,
Chỉ tiếng roi nghe vun vút; Bấy giờ
Tôi khẽ bảo nàng thơ tôi: “Nhìn đấy,
Cô gái này là chị của Nàng thơ!”

Với bản thân – Nikolai Alekseevich Nekrasov

Với bản thân, tôi vô cùng khinh bỉ,
Vì năm tháng đời tôi, tôi bỏ phí,

Vì sức tôi, tôi chẳng biết làm gì;
Thường trách mình rất cay nghiệt nhiều khi.

Và lười biếng, tôi xem mình nhỏ bé,
Tình nguyện sống suốt đời như nô lệ;

Vì đến nay, ba mươi tuổi trên đầu,
Tôi vẫn chưa ki cóp đủ thành giàu,

Ðể bầy ngốc phải xun xoe sợ sệt
Và để cả người thông minh ghen ghét.

Tôi khinh tôi vì đã sống buồn sao,
Rất muốn yêu mà không yêu người nào.

Tôi khao khát, thèm được yêu tất cả
Mà phải sống trong cô đơn băng giá,

Và vì tôi, dù căm giận tràn đầy,
Nhưng mỗi lần cầm súng lại run tay…

Những dòng giản dị – Nikolai Nikolaevich Aseev

Anh không thể sống thiếu em.
Thiếu em, trời mưa thành hạn hán.
Thiếu em, ngày thành đêm,
Matxcơva thành hoang vu, chán nản.

Không có em bên anh,
Mỗi phút thành một giờ đằng đẵng.
Thậm chí cả bầu trời xanh
Cũng xám xịt như màu đá nặng.

Anh không muốn biết điều gì.
Cả bè bạn, cả kẻ thù cũng thế.
Anh không chờ đợi gì
Ngoài những tiếng chân em nhè nhẹ.

Sẽ trôi qua thế kỷ này sôi động – Nikolai Semenovich Tikhonov

Sẽ trôi qua thế kỷ này sôi động
Cùng bao nhiêu bí mật đến bây giờ
Còn giấu kín sẽ hiện lên. Cuộc sống
Sẽ chỉ dần gì cao đẹp, nhuốc nhơ

Và lúc ấy nhiều vết thương đau lại
Nhiều ngôi sao sẽ lụi tắt, thay màu
Nhưng đích thực những cái gì vĩ đại
Sẽ suốt đời vĩ đại, sẽ bền lâu

Lotta – Nikolaus Lenau

Theo lối nhỏ buổi chiều
Anh đi vào bãi sậy
Để ngồi chờ người yêu
Bên mặt hồ đâu đấy

Gió thổi, cành rung rinh
Lá rơi, trôi theo sóng
Cây sậy khóc, cúi mình
Trái tim anh xúc động

Vì lần nữa anh nghe
Tiếng dịu dàng em hát
Bài hát chốn đồng quê
Tan trong sương mờ nhạt

Mấy dòng thơ yêu – Paul Verlaine

Bỏ nhà thờ, anh em, ta vào quán,
Trước ông chủ ta cầu kinh không nản
Cuộc sống ta, ta để mất ở nhà thờ
Giờ lại thấy trong cốc này, các bạn.

Ở đời này khi say là tốt nhất
Nghe cô gái hát hay là tốt nhất
Và tốt nhất là người được nghĩ tự do,
Bao điều cấm không hay là tốt nhất.

Thằng nghèo tưởng mình là vua, khi say
Con gà tưởng mình là công, khi bay
Và khi say người già thấy mình trẻ lại
Người trẻ thông minh như người già, khi say

Đừng cầu xin tình yêu khi anh yêu tha thiết
Đừng đến nhà người yêu khi anh yêu tha thiết
Cứ bơ đi, bơ đi như anh chẳng cần gì
Có làm thế người yêu mới yêu anh tha thiết.

Tôi yêu hoa hồng bằng tình yêu của tôi,
Tôi tưới hoa hồng bằng nước mắt, mồ hôi
VÀ hoa nở, ngưòi hái hoa, ôi thượng đế
Sao là ai mà không là tôi?

Dù bị cấm, rượu ngon là cám dỗ
Mà người yêu đưa cho – càng cám dỗ
Cả thế gian là quán rượu đắt hàng
Gì bị cấm, than ôi, đều cám dỗ

Hãy rót nữa, rót cho tôi, rót nữa
Cho mặt tôi đỏ bừng lên như lửa
Khi tôi chết, quan tài xin cứ cột dây nho
Còn xác tôi – lấy rượu vang mà rửa.

Nếu bên cạnh là một cô má đỏ
Nằm rót rượu cho tôi trên thảm cỏ,
Thì tôi chỉ là thằng ngu, đáng khinh bỉ, chê cưòi
Nếu còn mơ một thiên đường nào đó

Rượu chỉ cấm với những người ngu ngốc
Chứ không phải người thông minh, có học
Uống rượu là cần, nếu anh biết rằng anh
Uống với ai, bao giờ và mấy cốc?

Nếu anh lạc vào bầy lừa có học
Thì hãy cố lặng im, vờ ngu ngốc
Vì những ai không có vẻ giống lừa
Họ sẽ xem là kiêu kì, ác độc.

Thời chúng ta người thông minh thì nghèo khổ
Thằng ngu dốt thì chức quyền, giàu có
Hay nên chăng uống rượu để thành ngu
Để có chức, có tiền như chúng nó?

Vì trí thức bây giờ không được giá
Và thằng ngu đang trị vị thiên hạ
Nên tôi say, tôi uống để thành ngu,
Mong nhờ thế thành giàu và danh giá.

Hãy coi chừng các cô mắt long lanh má đỏ
Vì cái đẹp, tình yêu – hai ngọn nguồn đau khổ
Cái đẹp, tình yêu không vĩnh cửu, lâu bền.
Chỉ đến bắt ta đau, rồi bay đi theo gió

Tôi muốn quên người yêu nay phụ bạc
Tôi muốn quên để yêu người khác,
Nhưng nước mắt than ôi, không muốn thế, cứ trào
Nhưng muốn che, không cho nhìn người khác.

Những phím đàn được tay ai hôn khẽ – Paul Verlaine

Những phím đàn được tay ai hôn khẽ
Đang ngân vang êm dịu giữa trời chiều
Cùng một lúc nâng lên đôi cánh nhẹ
Là một bài thơ cổ, đẹp, đáng yêu
Đang lơ lửng bay quanh, buồn êm ái
Trong phòng khách thoảng hương nàng để lại

Bài hát kia là gì mà có thể
Khiến trái tim đau khổ của tôi buồn?
Ôi bài hát muốn gì ta như thế?
Hay tìm gì trong hư ảo hoàng hôn
Để rồi chết, chết dần bên cửa sổ
Hé một nửa, nhìn ra khu vườn nhỏ?

Trên đây là các bài thơ Thái Bá Tân dịch thơ tác giả khác. Thông qua các bài thơ này ta đã có thể hiểu được các nội dung cũng như thông điệp mà nhà thơ muốn chuyển tải. Đó là những bài thơ hay độc đáo. Qua đây cũng cảm nhận được các dấu ấn văn chương và khả năng biên dịch của Thái Bá Tân. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo để cập nhật các bài thơ hay bạn nhé!

Xem thêm: Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 7