Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 5

Thái Bá Tân là một nhà thơ nhưng có lẽ điều làm nên tên tuổi của nhà thơ này lại thông qua các bài thơ dịch. Thông qua đó ta có thể cảm nhận sâu sắc được những giá trị mà các tác phẩm nguyên văn muốn chuyển tải. Đây cũng chính là một cách mang cá giá trị văn chương đến gần với người hâm mộ. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu các bài thơ dịch Thái Bá Tân hay độc đáo nhất bạn nhé!

1 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Không gạn hỏi,
Không yêu cầu.
Cứ tạm lúc đầu – như trong trận giả.
Tôi chiêm nghiệm Việt Nam qua bản thân
Và nỗi đau,
Ðể kiểm tra mình đã hiểu chưa tất cả.

Không phải qua phim ảnh, qua đài
Mà tôi đau như ai hay vì ai.
Tôi tự bắt mình đổi chỗ
Làm một người Việt Nam nào đó.

Và đây: tôi – lại chàng trai hai mươi,
Lại nằm dưới bom, giữa đồng lúa tốt,
Như ở nước Nga, như năm bốn mốt,
Trong cuộc chiến tranh ta đã tưởng cuối cùng.

2 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Bên ngọn đèn dầu,
Dưới bóng dừa loang lổ
Tôi ngồi im một mình, lúc đầu
Tiếng nổ gợi tôi nhớ về tiếng nổ,
Lặng im – về lặng im.
Vẫn thế chiến tranh những buổi sáng im lìm
Thường báo trước một ngày ác liệt.
Và hôm nay,
Từ sự lặng im này
Tôi đang nghe tiếng chân thần chết.

3 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Ðây là nơi chúng giết vợ tôi.
Từ trên cao lao xuống, giết vợ tôi.
Bên đường là hố bom sâu hoắm.
Còn tôi, khi tiến khi lùi, khi nhanh khi chậm,
Tôi lái chiếc ZIS già đi bên hố bom,
Ðã bốn năm ròng tôi đi bên hố bom,
Bốn năm trường kỳ, không mỏi.

Và hố bom kia lâu ngày
Bây giờ kín cỏ,
Như đám tang luôn lắc lư trước tôi,
Khi bên này, khi bên nọ.

5 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Nhiều, nhiều đêm ác liệt
Bom và đạn nổ dồn.
Ðể lánh xa thần chết,
Ta đánh thức trẻ con,
Ta đánh thức trẻ con.

Ta dẫn chúng xuyên rừng
Ði từ Nam ra Bắc.
Che nước mắt rưng rưng,
Ta bắt con ta thức,
Ta bắt con ta thức.

Suốt ngày máy bay giặc.
Chúng chờ, không làm gì,
Nhưng ban đêm vẫn thức
Vì phải đi, phải đi,
Vì phải đi, phải đi!

Chưa sáng, bị đánh thức
Khi đang ngủ ngon lành,
Và để thắng buồn ngủ,
Chúng phải hát đồng thanh,
Chúng phải hát đồng thanh.

Ðứa bé nhất năm tuổi.
Ðứa lớn chỉ lên mười.
Trong suốt ba tháng trời
Chúng rất thèm được ngủ,
Chúng rất thèm được ngủ.

Chúng – đứa nào cũng khổ,
Mất mẹ hoặc mất cha,
Thêm cái khổ nữa là
Chúng rất thèm được ngủ,
Chúng rất thèm được ngủ…

Giờ thì đã không ai,
Dù lương tâm tỉnh dậy,
Lôi được cái thèm kia
Từ những đôi mắt ấy,
Từ những đôi mắt ấy.

Và cũng chẳng có gì,
Chẳng còn ai có thể
Lấy lại được tuổi thơ
Từ những đêm như thế,
Từ những đêm như thế.

6 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Trí nhớ bắt đầu từ đâu?-
Từ bạch dương?
Từ bãi cát ven sông?
Từ mưa bụi trên đường?
Sẽ thế nào, nếu từ cái chết?
Từ nước mắt, từ cái đau,
Từ những chiếc máy bay gào thét?
Từ tiếng còi báo động phòng không,
Từ những xác người phơi lấm bụi giữa đồng?
Từ cái ngỡ ngàng trẻ con: sao bỗng nhiên có thể
Ðang sống, con người chết nhanh như thế?

Thế mà điều này đã kéo dài
trong năm năm mười lăm năm, hai mươi lăn năm
hay lâu hơn nữa,
Chiến tranh luôn bắt đầu bằng trí nhớ.

ở Việt Nam là thế xưa nay.
Chúng ta thử hình dung điều này!

7 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Một đơn vị dân quân, bằng súng máy
Ðã bắn rơi máy bay.
Hắn ném bom ở đây –
những hố bom còn đấy.
Và hắn rơi, xác chôn đằng kia.

Người nông dân sôi nổi kể tôi nghe,
Tay giơ cao, vẽ những đường nhào bắn.
Tôi đã thấy, đã nghe hàng trăm trận.
Không là trẻ con, tôi rất hiểu điều này.

Người nông dân Việt Nam thế đấy,
Bắn rơi máy bay trên nóc nhà.
Và suốt bốn năm trên bầu trời nước Nga
Chiếc máy bay kia chưa một lần nhào bắn!

9 – Konstantin Mikhailovich Simonov

Nỗi đau này không của riêng ai –
Ai không hiểu, hay không tin điều ấy,
Thì người đó đang, và sẽ giết người,
Hay cũng gần như vậy.

Cuộc sống ở ta mến yêu ngươi – Konstantin Vanshenkin (Nga)

Cuộc sống ơi, ta mến yêu người,
Tự điều ấy không có gì mới lạ.
Cuộc sống ơi, ta mến yêu người,
Yêu chung thuỷ, yêu vẹn tròn tất cả.

Các cửa sổ đã bật đèn, và tôi
Từ nhà máy đi về nhà mỏi mệt.
Cuộc sống ơi, ta mến yêu người
Và mong muốn người mỗi ngày một đẹp.

Tôi được cho không ít ở đời này,
Cả sông núi, đại dương, mặt đất.
Tôi đã từng được biết niềm vui
Của tình bạn vô tư và chân thật.

Cuộc sống ơi, hãy thành công, hãy vui
Trong tiếng nhạc của mùa xuân mãi mãi.
Cuộc sống ơi, ta mến yêu người,
Và hy vọng cũng được người yêu lại.

Những người lính – Konstantin Vanshenkin (Nga)

Số người lính nằm trong lòng đất đen
Nhiều hơn trên mặt đất

Ở Ba Lan, Vonga, Smolensk
Bị vùi sâu, chôn chặt
Là hàng chục, hàng trăm sư đoàn
Trẻ trung và dũng cảm

Còn trên họ là màu xanh mơn man
Của bầu trời tháng tám

Hàng vạn người nằm dưới đất sâu
Hàng trăm nghìn đại đội
Trong khi đang hành quân trên đầu
CHỉ mươi người lính mới

Họ đi đâu, cái gì sẽ đi theo?
Kìa, bình minh đã dậy

Số người lính nằm dưới đất quá nhiều
Sau nhiều năm máu chảy

Tống Cúc tư trực – Lang Sĩ Nguyên (Trung Quốc)

Buổi sáng tuyết rơi, trời nhiều mây
Gió bắc thổi dồn, én không bay.
Tiễn bạn, tiếc nghèo không quà tặng,
Chỉ có màu xanh ngọn núi này.

Nhân dân tôi – Langston Hughes (Mỹ)

Trời đêm thật đẹp
Đẹp như gương mặt nhân dân tôi
Sao đêm thật đẹp
Đẹp như ánh mắt nhân dân tôi
Cũng đẹp vô cùng mặt trời thật đẹp
Cũng đẹp vô cùng tâm hồn nhân dân tôi.

Bài hát buồn – Latiff Mohidin (Malaysia)

Ngày buồn, chiều chủ nhật,
Từ cửa sổ nhìn ra,
Mưa phùn bay lất phất,
Thành những vệt trắng nhoà.

Bốn xung quanh vắng vẻ,
Không tiếng động, không người,
Chỉ tiếng ai khẽ hát
Buồn buồn theo mưa rơi.

Tiếng hát tan trong gió,
Thân thuộc đến se lòng.
Cái buồn lắng từng giọt
Như mưa dầm chiều đông

Giác quan thứ bảy – Leonid Martynov (Nga)

Đã xây dựng không ít nhà cao tầng
Thật đáng khen điều đó
Nhưng con người còn muốn nhà cao hơn
Tốt hơn những ngôi nhà nọ

Sách được viết càng ngày càng hay
Khó lòng ai đọc hết
Nhưng con người còn muốn sách tốt hơn
Hay hơn những gì đã viết

Các giác quan đã nhanh nhạy hơn nhiều
Không phải năm mà sáu
Nhưng con người còn muốn thêm giác quan
Để biết cái hay, điều xấu

Để khám phá đường đi, tìm tài nguyên
Còn nằm sâu đâu đấy
Thay giác quan thứ sáu có hôm nay
Sẽ là giác quan thứ bảy

Nhưng giác quan thứ bảy ấy là gì?
Hiểu thế nào cũng được
Cũng có thể đấy đơn giản là ta
Có khả năng nhìn thấy trước!

Bạch dương Lev Ivanovich Oshanin (Nga)

Cùng bóng tối, đêm buông
Xuống rừng dương im lặng,
Và áo trắng của em
Lẫn trong màu dương trắng.

Anh vội vàng đuổi theo,
Dẫm lên sương, lên cỏ,
Ðể bắt lấy tiếng cười
Của em vang đâu đó.

Anh đã thấy trên đời
Nhiều, rất nhiều áo trắng,
Nay anh tìm áo em
Giữa rừng dương im lặng.

Ðể tìm em, biết không,
Anh dành trọn đợt phép
Và sẽ tìm thấy em,
Cây bạch dương xinh đẹp.

Bài hát của cô gái – Lev Ivanovich Oshanin (Nga)

Rồi sẽ đến, mối tình đầu sẽ đến,
Tuy không ai biết được đến bao giờ.
Sẽ le lói trong trái tim e thẹn
Ngọn lửa tình cô gái trẻ ngây thơ.

Ngọn lửa ấy còn run run sợ hãi,
Vừa nhóm lên đang dễ tắt… Lúc này
Hãy giữ nó, giữ trong tim, bạn gái.
Và xin đừng, đừng để lộ ai hay.

Bạn hồi hộp đợi chờ và bối rối
Nghe chân ai đang bước nhẹ bên thềm,
Nhưng tình yêu lần đầu lên tiếng gọi,
Ðừng vội vàng đáp lại, hãy chờ xem.

Sẽ có lúc lửa tình yêu bùng cháy
Trong trái tim chân thật của hai người
Ðừng e lệ dấu tình yêu lúc ấy,
Hạnh phúc này đừng vô ý đánh rơi.

Cây phong – Lev Ivanovich Oshanin (Nga)

Bao lần bên cây phong,
Nơi chúng ta hò hẹn,
Anh đã chờ em đến
Bao lần bên bờ sông.

Bây giờ phong ra hoa,
Sương trên đồng phủ trắng
Như giấc mơ, lẳng lặng
Bây giờ tình em qua.

Và tim anh, tim anh
Rất buồn khi phải vậy,
Như mùa thu chợt thấy
Ðàn chim trên trời xanh.

Còn đâu, ôi còn đâu
Tình yêu em để mất,
Cỏ bây giờ kín đất
Nơi xưa ta chờ nhau…

Lê nin – Lev Ivanovich Oshanin (Nga)

Ngày tiếp ngày thời gian trôi qua,
Nhiều thế hệ sẽ thay nhau xuất hiện,
Nhưng không ai và không bao giờ
Quên cái tên Lê Nin trìu mến.

Lê Nin sống mãi muôn đời.
Lê Nin trong anh và tôi,
Trong hạnh phúc buồn đau và hy vọng.
Lê Nin luôn ở bên anh,
Lê Nin trong mỗi lá cành,
Trong mùa xuân, trong mỗi ngày ta sống.

Khi chính quyền Xô Viết mới phôi thai,
Trong những năm gặp nhiều gian khó nhất,
Lê Nin nói: Ta sẽ xây tương lai
Và hạnh phúc cho loài người trái đất!

Ta bước đi theo Ðảng quang vinh,
Xây tổ quốc thêm giàu, thêm mạnh.
Trong mỗi việc, mỗi bước đi của mình,
Ta luôn có Lê Nin bên cạnh.

Lê Nin sống mãi muôn đời.
Lê Nin trong anh và tôi,
Trong hạnh phúc, buồn đau và hy vọng.
Lê Nin luôn ở bên anh,
Lê Nin trong mỗi lá cành,
Trong mùa xuân, trong mỗi ngày ta sống.

Tin hay không tùy em – Lev Ivanovich Oshanin (Nga)

Tàu nhả khói đi xa,
Ði xa và xa mãi,
Chỉ ánh đèn thoáng qua
Như em cười nhắn lại.
Vẫn thế bầu trời đêm,
Vẫn con đường bụi bẩn,
Nhưng em đi, thiếu em.
Trong làng như vắng hẳn.

Tin hay không tuỳ em,
Nhưng trong làng vắng hẳn.

Hai năm em và anh
Sống cùng làng, hãy nhớ,
Nhiều hôm như vô tình
Ta gặp nhau bỡ ngỡ,
Anh tưởng anh quen em,
Quen thế thôi, lạnh nhạt.
Anh hiểu: anh yêu em
Ðúng khi tàu xuất phát.

Tin hay không tuỳ em –
Ðúng khi tàu xuất phát.

Tàu nhả khói đi xa,
Ði xa và xa mãi,
Chỉ ánh đèn thoáng qua
Như em cười nhắn lại.
Ðường em rộng thênh thang.
Chờ em bao điều mới,
Nhưng hãy nhớ ở làng
Có người buồn đang đợi.

Tin hay không tuỳ em,
Nhưng có người đang đợi.

Tôi muốn sống thật bình yên lặng lẽ -Loik Sherali (Tajikistan)

Tôi muốn sống thật bình yên lặng lẽ
Tránh thật xa phù phiếm cuộc đời trần
Không lầm lỡ, không kẻ thù, tội lỗi
Và hài lòng với chính bản thân

Nhưng cuộc sống trả lời tôi: “Không được!”
Sống mà không sôi động thật đáng buồn
Không phạm lỗi, không kẻ thù, lầm lỡ
Chỉ những người đã chết bị vùi chôn

Tôi quyết định: Thế thì ta bất chấp
Từ nay ta sẽ sống thật ngang tàng
Ta sẽ hái những vì sao để nghịch
Cho kẻ thù phải ghen tức, hoang mang

Nhưng cuộc sống lại nhắc tôi: “Đừng thế!”
Đừng nâng anh cao hơn quá đầu mình
Cây cao quá là mồi cho sét đánh
Đừng dướn người cho địch chém đầu anh

Lúc đi đường tôi cao chân rảo bước
Cuộc sống ngăn: “Chớ vội! Sẽ rất phiền!”
Tôi nghe thế bước chậm hơn, thong thả
Cuộc sống liền nhíu mặt: “Bước nhanh lên!”

Tôi cao hứng bay lên mây, mơ mộng
Cuộc sống kêu: “Khéo ngã chết bây giờ!”
Tôi tụt xuống đi vững vàng trên đất
“Không! Tâm hồn phải bay bổng ước mơ!”

Và cứ thế, giữa bầu trời, mặt đất
Giữa cái yên, cái tĩnh, giữa đêm ngày
Giữa hiện tại, tương lai và quá khứ
Tôi bị dồn, bị tung hứng lâu nay

Anh là gió – Marie-Louise-Taos Amrouche (Algeria)

Anh là gió, bay xa và mạnh,
Là cây thông đứng thẳng đêm ngày.
Anh là đại bàng đen cất cánh-
Điều này không ai không hay.

Người ta đoán anh gặp nhiều hạnh phúc.
Cổ anh mang bùa thiêng, điềm lành…
Sao hôm nay anh bắt em ngồi khóc
Lặng lẽ bên mồ anh?

Em chờ anh – Marie-Louise-Taos Amrouche (Algeria)

Như năm ngoái, đào trên cây lại chín
Đang đu đưa trên cành
Như năm ngoái, đào trên cây lại chín
Em vẫn chờ, chờ anh…

Đào lại chín trên cây như năm ngoái
Trông vườn sai trĩu cành,
Tháng và năm trôi qua không trở lại,
Nhưng em vẫn chờ, chờ anh..

Mới hôm qua còn nhìn em say đắm thế -Marina Ivanovna Svetaeva (Nga)

Mới hôm qua anh còn nhìn mắt em,
Thế mà giờ anh quay ngang bối rối,
Mới hôm qua anh còn ngồi suốt đêm,
Giờ cái gì cũng làm anh giận dỗi.

Anh thông minh, anh am hiểu nhiều điều.
Em chậm chạp, em là con ngớ ngẩn,
Nhưng em kêu như phụ nữ thường kêu:
“Em làm gì đáng cho anh tức giận?”

Với phụ nữ, nước mắt là nước sông,
Nhưng với họ, máu cũng là nước lã,
Và tình yêu là gì ghẻ con chồng,
Xin đừng đợi lòng thương và phép lạ.

Sống phải bùng như ngọn lửa trong đêm –
Anh dạy thế, nhưng rồi trong giá rét
Anh bỏ em. Anh là thế với em,
Nhưng với anh, em làm gì đáng ghét?

Em hiểu anh, anh không phải nói nhiều
Em không còn là tình nhân, em tỉnh.
Nhưng nơi nào đã để mất tình yêu.
Thì thần chết lên thay và quyết định.

Treo trên cây, khi quả táo chín mềm,
Sẽ tự rơi, đó là điều chắc chắn.
Nhưng dù sao, hãy tha thứ cho em
Những gì em đã làm anh tức giận.

Bài 041 Con ếch – Matsuo Basho (Nhật Bản)

Con ếch
Nhảy xuống ao tù.
Tiếng nước té.

Cũng chẳng sao – Maurice Carême (Bỉ)

Không ít khi ông chẳng biết nói gì.
Bà cũng chỉ ngồi im lặng lẽ.
Nhưng hai người vẫn rất hiểu, tin nhau,
Nên đã chẳng xa nhau vì thế.

Ông không biết rằng ông đã yêu bà.
Tất nhiên bà không hay điều đó.
Cũng chẳng sao, cuộc sống của hai người
Không do vậy mà thành đau khổ.

Ông không biết công việc tốt hay tồi,
Bà cũng chẳng quan tâm điều đó.
Nhưng đời họ không vì thế mất vui,
Vẫn lấp lánh đủ các màu lộng lẫy.

Ông là ai trong suốt cả đời bà?
Ông không biết, bà cũng không biết nốt.
Cũng chẳng sao, vì số phận cuộc đời
Đã gắn chặt cả hai làm một.

Có cây phong – Mikhail Arkadievich Svetlov (Nga)

Có cây phong mọc ở bên đường
Ðem lòng yêu tha thiết bạch dương.
Và bạch dương bên người yêu sớm tối
Trìu mến tựa vai phong nóng hổi.

Những buổi trời chang nắng gắt trưa hè
Thương bạch dương, phong giơ cánh tay che,
Những sáng mùa xuân chuyền cành chim nhảy nhót
Và bài ca tình yêu vang trời xanh chim hót.

Rồi một hôm trời bỗng nổi mây đen,
Bão điên cuồng, cây cối ngả nghiêng,
Thương bạch dương, phong giơ lưng chắn gió.
Một mình nhận mọi phũ phàng dông tố.

Xào xạc ngày đêm đứng ở bên đường,
Phong chỉ yêu, yêu tha thiết bạch dương.
Và cũng chỉ cho phong, bạch dương khoe áo trắng
Và cũng chỉ cho phong, thân mỗi ngày một thẳng…

Trên đây là các bài thơ Thái Bá Tân dịch thơ tác giả khác được đánh giá rất cao. Có thể thấy các bài thơ này được viết ở nhiều thể loại khác nhau với nhiều hệ ngôn ngữ khác nhau. Để từ đó ta có thể thấy được nét riêng trong từng tác phẩm. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo để cập nhật các bài thơ dịch của Thái Bá Tân hay độc đáo nhé!

Xem thêm: Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch tác giả khác phần 6