Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Muhammad Rumi phần đầu

Thơ dịch của Thái Bá Tân được đánh giá cao. Bởi ông có khả năng sử dụng ngôn ngữ rất tốt. Trong số đó không thể không nhắc tới các bài thơ dịch Muhammad Rumi. Đây là một nhà thần học nhà thơ viết bằng tiếng Ba Tư. Và ông cũng được đánh giá là một trong số những nhà thơ nổi tiếng và vĩ đại nhất mọi thời đại. Hãy cùng tìm hiểu các bản thơ dịch của Thái Bá Tân về nhà thơ này bạn nhé!

Anh hề lấy cô điếm làm vợ

Ông hàng xóm bảo anh hề: “Vô cớ,
Sao anh lấy cô đứng đường làm vợ?

Nếu nhờ tôi, chắc tôi đã giúp anh
Lấy được cô con gái nhà lành!”

Anh hề đáp: “Thì các ông biết đấy,
Tôi cưới vợ đã chín lần cả thảy.

Đều những cô rất tử tế, chao ôi,
Thế mà sao thành vợ lại rất tồi.

Toàn lười biếng, toàn lừa chồng, đáng ghét,
Làm khổ tôi. Cứ nhìn tôi thì biết.

Nên bây giờ tôi lấy điếm, biết đâu
Cô ta tốt hơn chín vợ đầu.

Tôi trót khổ vì nghe theo lẽ phải.
Giờ tôi thử vận may – làm ngược lại.

Ba lời khuyên của con chim bị bắt

Chuyện kể rằng, không hiểu đúng hay không,
Có con chim bị bắt, nhốt vào lồng

Nó lên tiếng nói với người bắt nó:
“Thưa ông chủ, tôi gầy gò, bé nhỏ.

Không đáng ông ăn thịt, trong nhà
Ông có nhiều bò béo, lợn gà

Vậy xin ông hãy thả tôi, bù lại
Tôi cho ông ba lời khuyên thông thái.

Lời thứ nhất tôi sẵn sàng nói ngay
Cả khi ông còn giữ tôi trên tay.

Hai lời tiếp – sau khi tôi được thả
Còn sau đó, ba lời khuyên quý giá.

Sẽ giúp ông gặp may mắn suốt đời,
Sống hạnh phúc, lại giàu có hơn người.

Xin ông nghe, đây lời khuyên thứ nhất:
“Đừng bao giờ tin ai thề nói thật!”

Và ông kia, nhẹ dạ, thả chim bay.
Từ trên cao, nó nói xuống thế này:

“Giờ lời khuyên thứ hai, xin nhớ kỹ,
Rằng cái gì đã qua, dù rất quý,

Đừng khóc than, đừng luyến tiếc làm gì.
Chuyện đã rồi bcứ để nó quên đi.

Mà nhân tiện, xin báo ông một việc-
Sau khi nghe, có thể ông sẽ tiếc

Trong bụng tôi có một viên kim cương,
Nặng một cân, loại quý hiếm khác thường.

Giá mà ông không thả tôi, quả thật
Thế giới này ông là người giàu nhất!”

Ông kia nghe, tiếc của, một hồi lâu
Hết than khóc lại đấm ngực, ôm đầu.

“Thì tôi đã khuyên rồi, hay ông điếc?-
Con chim nói-chuyện đã qua, đừng tiếc

Tôi cũng khuyên rằng không được tin ai,
Giờ vô ích ông nhăn nhó, thở dài.”

“Thôi đành vậy, chỉ vì ta dại dột.
Còn lời khuyên cuối cùng, ngươi nói nốt.”

“Hai lời trước hãy giữ lấy cho mình
Lời khuyên này sẽ giúp ông thông minh:

Đừng phí công dạy khôn cho thằng ngốc,
Như đừng gieo xuống sông mà phí thóc.

Ngọc một cân trong bụng tôi? Thật hay,
Sao ông tin khi tôi bé thế này?

Thôi, cảm ơn ông đã tha. Tạm biệt
Ông là người thế nào, ông tự biết!”

Chuyện con voi

Người ta đem voi về từ Ấn Độ
Trong chuồng tối, cho nhốt riêng một chỗ

Ai muốn xem phải chi khá nhiều tiền
Được vào chuồng, nhưng chuồng tối đen.

Nghĩa là xem, nhưng không nhìn để thấy,
Mà chỉ sờ bằng tay, ai cũng vậy.

Chưa một ai thấy voi xứ này,
Nên mọi người giờ tranh cãi gắt gay.

Một người sờ đúng vòi voi, và nói:
Voi tròn tròn, dài dài như ống khói!”

Một người khác lại sờ đúng chân voi,
Nên tuyên bố: “Voi giống như cây sồi!”

Người thứ ba sờ tai voi, liền quát:
“Toàn nói láo! Voi có hình chiếc quạt!”

Người thứ tư sờ lưng voi, thở dài:
“Voi trông giống bức tường, thưa các ngài”.

Rồi cứ thế, thơ ngây và nhảm nhí,
Họ gọi voi mỗi người theo mỗi ý.

Nếu đơn giản được thấy voi ban ngày
Thì chắc họ chẳng cãi nhau thế này.

Chuyện anh lính canh và người say rượu

Một tối nọ, nửa đêm có anh lính
Thấy một người đang nằm say bất tỉnh.

Anh ta quát: “Thằng nát rượu, dậy nhanh!”
Anh kia ngáp: “Tôi ngủ, việc gì anh!”

“Mày uống gì mà say đến vậy?”
“Ừ thì bình có gì, tôi uống nấy!”

Anh lính gắt: “Mày nói rõ xem nào!”
“Uống cái đựng trong bình! Thì đã sao?”

Anh lính canh và anh chàng say rượu
Cứ hỏi đáp cả giờ mà chẳng hiểu.

Anh ta quát: “Hãy mở miệng nói Ô!”
“Thì Ô hô!, – hắn đáp. Ô hô!”

Mọi người nghe, lắc đầu chán nản:
“Ô, Ô hô! nhìn hai anh mà chán!”

Anh lính canh cáu tiết: “Rõ thằng say.
Vào nhà tù! Đừng giả bộ thơ ngây!”

Anh say đáp: “Anh cút đi thì có!”
“Mày – vào tù, và suốt đời ở đó!”

“Ừ thì đi, nhưng đưa tôi đi đâu?
Anh túm tóc thằng tôi, thằng trọc đầu?

Tôi mà tỉnh, mà có nhà tử tế,
Thì tôi ngủ ở nhà, không say thế.

Tôi sẽ là một ông chủ giàu sang
Ngồi bán hàng, nếu tôi có cửa hàng!”

Chuyện bọn cướp và ông già

Có bọn cướp ngoài thảo nguyên nước nọ,
Gây cho dân bao kinh hoàng, đau khổ.

Chúng một hôm vào xớm, xóm lại nghèo,
Chẳng có gì cho chúng cướp, mang theo.

Ngoài hai ông nông dân già khốn khổ
Với một ông, chúng buột dây vào cổ.

“Giờ phải đưa tiền chuộc, nếu không
Mày phải chết, xác quạ rỉa ngoài đồng!”

Ông già đáp: “Này các con, xin hỏi,
Giết lão chết thì được gì, ngoài tội?

Lão yếu già, lại tay trắng, ốm đau.
Ai túm tóc thằng ăn mày trọc đầu?”

“Không, chúng tao phải đem mày treo cổ
Để làm gương cho mọi người sau đó,-

Bọn cướp đáp. – Để thằng bạn của mày
Thấy mà sợ, và cho chúng tao hay.

Hắn giấu đâu bạc và vàng của hắn.”
“Nhưng ông ấy, nói các con đừng giận,

Về khoảng nghèo, còn nghèo cả hơn ta
Xin làm ơn đừng sát hại người già…”

Đúng lúc đó, ông già không bị trói,
Tức là ông thứ hai, liền nói”

“Đừng tin hắn! Hắn rất giàu, rất khôn,
Có nhiều vàng và bạc được đem chôn!”

Ông thứ nhất: “thôi một khi đã vậy,
Tôi tưởng tôi cũng nghèo như ông ấy.

Nhưng hoá ra không phải thế, bây giờ,
Để về sau khỏi rắc rối, nghi ngờ.

Xin các ông đem ông kia treo cổ,
Rồi vàng đâu, tôi dẫn đường, chỉ chỗ!”

Chuyện bốn chàng ăn nho

Không ít khi vì do hiểu nhầm nhau
Không ít anh phải sức trán, vêu đầu.

Có bốn chàng bạn thân người HY LẠP
Người BA TƯ, HIN-ĐU VÀ ARAB

Bỗng một hôm, đang đi dạo, bốn chàng
Được ai đó cho một đống tiền vàng.

Chàng Ba Tư vội kêu lên: “thật tiện,
Đi ra chợ mua angur mà chén!”

Chàng Hin-đu liền lên tiếng: “Theo tôi
Mua Izum chắc chắn sẽ không tồi!”

“Không, không được – anh chàng người Arab
Liền cắt ngang – Tôi muốn ăn einab!”

Chàng Hi lạp thig một mực lắc đầu:
“Tôi muốn ăn staphin từ lâu!”

Và cứ thế, do vì không nhất trí,
Họ cãi nhau rồi đánh nhau loạn xị.

Anh sứt răng, anh sái cổ, rách quần.
Anh gãy sườn, anh vêu trán, què chân…

Họ không biết, cũng chỉ vì ngu dốt,
Cái họ muốn thật ra là một.

Chuyện con cừu bị mất cắp

Có một người dắt cừu ra chợ bán
Người trước, cừu sau như đôi bạn.

Chợ đông người, và đang giữa đám đông,
Bỗng anh kia thấy dây thừng nhẹ không,

Rồi khẽ giật: Ra dây thừng bị cắt.
Trước còn cừu, nay con cừu đã mất!

Anh ta kêu, anh ta kiếm khắp nơi,
Thật vô ích và cũng thật buồn cười.

Trong khi dó, tên trộm cừu lếu láo
Đúng bên giếng, vờ khóc kêu, mếu máo.

Anh mất cưuchày đến hỏi: “Vì sao
Anh kêu khóc? Nói tôi nghe xem nào!”

Tên bợm đáp: “khổ thân tôi, sơ ý
Tôi để rơi xuống giếng này chiếc ví

Cùng một trăm, một trăm chẵn, đồng vàng
Ai xuống lấy hộ tôi, tôi sẵn sàng

Chia một nửa! Tôi xin thề đúng vậy!”
Anh kia nghĩ: “Một số tiền lớn đấy.

Ta mất cừu, nhưng trời đã giúp ta
Có thừa tiền mua gia súc, xây nhà!”

Rồi hăm hở, anh ta chui xuống giếng.
Còn tên trộm phía trên, cười nửa miệng.

Cuỗm quần áo anh ta, biến đi ngay,
Để cho đời một bài học thế này:

Đừng bạ ai nói gì tin ấy
Luôn cẩn thận với mọi người, thật vậy.

Còn những ai nhẹ dạ, tham tiền,
Sẽ bị lừa xuống giếng, tất nhiên!

Chuyện hai chiếc túi

Giữa sa mạc có một chú lạc đà,
Hai bên hông hai túi lớn bằng da.

Còn vắt vẻo ngồi trên lưng, đang ngủ
Là một người béo và to – ông chủ.

Đến trạm nghỉ, ngồi nói chuyện với nhau,
Một người hỏi: “Bác chở gì? Đi đâu?”

Ông kia đáp: Túi này toàn hạt dẻ,
Còn túi kia là cát thôi, chỉ thế.”

“Bác chở cát? Vì sao? Lạy Ala!”
“Vì sao ư? Cho cân đối thôi mà.

Không thì nặng một bên, đi sao được?”
“Tôi mà bác, tôi chia ngay từ trước,

Chia hạt dẻ thành hai phần bằng nhau.
Hàng sẽ nhẹ, lạc đà đi càng mau!”

Ông chủ hàng nghĩ một hồi, đáp lại:
“Bác quả đúng là một nhà thông thái!

Thế mà tôi chở cát, thật buồn cười.
Nếu bác đi cùng đường thì xin mời,

Con lạc đà của tôi giờ hàng nhẹ,
Chở cả hai chúng ta đi luôn thể”.

Và rồi đi, câu chuyện nở như hoa.
Đường ngắn hơn, đỡ mệt. Chủ lạc đà

Quay sang khách: “Một khi thông thái vậy,
Thì chắc bác là vị quan nào đấy?”

“Tôi mà quan? Tôi nghèo đói xưa nay.
Hãy nhìn xem, áo tôi rách thế này!”

“Chắc tại bác vi hành. Xin hỏi thật:
Bác có bao nhiêu nhà, bao nhiêu đất?”

Ông kia đáp: “Tôi chẳng có cái gì!”
“Bác lại đùa. Bác là một… nói đi,

Một thương gia nước ngoài giàu, giấu mặt?
Bác buôn gì, hàng đâu, xin hỏi thật?”

“Tôi đã nói, tôi là anh cùng đinh.
Tôi rất nghèo, cái bác bảo thông minh

Xin nói thật, chẳng qua do đói khổ,
Do vất vả kiếm miếng ăn mà có.”

Ông kia nghe, tức giận quát: “Hiểu rồi,
Vậy thực tình ông còn ngốc hơn tôi,

Vì thông minh mà nghèo là đại ngốc.
Trong khi đó, tôi giàu dù vô học.

Mời ông xuống, rồi ông đi đường ông,
Tôi đường tôi. Ngay bây giờ, biết không

Tôi cho cát vào túi kia, cứ thế,
Một bên cát và một bên hạt dẻ!”

Chuyện người bị nhầm là lừa

Một người nọ chạy vào nhà người ta,
Mặt tái nhợt, người run lên. Chủ nhà

Hỏi: “chuyện gì mà anh sợ vậy?
Hãy nhìn kìa, chân tay anh run rẩy”

Người kia đáp: “vua đang cần nhiều lừa,-
Vua là người rất tàn ác, biết chưa?”

Và theo lệnh của vua, trên các phố
Người ta đang săn lùng loài vật đó!”

“Ừ thì vua bắt lừa, đâu phải anh?
Anh là người – cảm ơn thánh lòng lành.

Anh không phải con lừa, do vậy
Không lo bắt, không việc gì phải chạy!”

“Đành là thế, nhưng đang hăng, than ôi,
Rất có thể người ta bắt cả tôi.

Với tên vua tham lam và độc ác,
Người hay lừa cũng thế thôi, không khác!”

Chuyện người du mục và con chó sắp chết

Có một người du mục khóc thương
Con chó quý sắp chết đói bên đường

Một người khách đi ngang nhìn thấy
Hỏi: “Chuyện gì làm anh buồn như vậy?”

“Con chó này tôi yêu quý từ lâu,
Làm sao tôi không luyến tiếc, buồn rầu?

Nó là bạn, luôn giúp tôi săn thú
Luôn canh giữ cả dàn cừu cho chủ”

Khách hỏi thêm: “Ông nói rõ xem nào,
Nó bị què hay đau ốm ra sao?”

“Không, không ốm, nó đang nằm chờ chết,
Chỉ vì do đói ăn, do mệt”.

“Thật đáng buồn, hãy gắng chịu, Alla
Sẽ giúp ông đưa nó sống về nhà.

Ồ, chiếc túi ông đang đeo trên cổ
Trông khá năng. Ông đựng gì trong đó?”

“Trong túi ư? Toàn bánh thịt, thức ăn
Những cái tôi chắc chắn sẽ rất cần”

Khách bỗng hỏi: “Ông nói sao? bánh thịt?
Sao không cho con chó ăn một ít”?

“Cho chó ăn? Nhưng sau đó thì sao?
Hết thức ăn, tôi biết kiếm thế nào?”

Nghe nói vậy, người khách kia liền quát:
“Ông quả đúng là một thằng đốn mạt.

Một thằng keo, ngu ngốc đáng chê cười
Con chó kia là bạn, cũng như người.

Ông coi trọng miếng ăn hơn nước mắt
Ông là người đáng khinh và xấu nhất!”

Qua các bản dịch thơ của Thái Bá Tân về các sáng tác của Muhammad Rumi ta có thể hiểu được tài năng của nhà thơ này. Ông đã có nhiều sáng tác mang tính triết học và phần hồi gióa mật tông. Thêm vào đó ông cũng sử dụng nhiều ngụ ngôn dân gian với lối viết dễ hiểu ngôn ngữ đại chúng. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật các bài thơ hay của Thái Bá Tân bạn nhé!

Xem thêm: Nhà thơ Thái Bá Tân và tuyển tập thơ dịch Muhammad Rumi phần cuối