Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với các tập thơ nổi tiếng ( phần 3)

Nguyễn Khoa Điềm – một nhà thơ nổi tiếng của nền văn học Việt Nam. Với sự nghiệp thơ ca đồ sợ, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm có những đóng góp to lớn cho nền thơ ca Việt Nam.

Giới thiệu về tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943 guyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ… cho đến năm 1975.

Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.

Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau 1975, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế.

Ông có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.

Những tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm

  • Cửa thép (ký, 1972)
  • Đất ngoại ô (tập thơ, 1973)
  • Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974) 9 chương
  • Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986)
  • Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)
  • Cõi lặng (tập thơ, 2007)

Ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (NXB Tác phẩm mới, 1986).

Tuyển tập những thi phẩm “bất tử” cùng thời gian của Nguyễn Khoa Điềm

Giới thiệu đến quý độc giả những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Nói với bạn bè trong cuộc họp

Tôi tin rằng các bạn cũng như tôi
Mỗi chúng ta đều mang một khuôn mặt
Chúng ta có mặt bên nhau như những cây đời
Toả màu xanh cho nhau
Trước nhiệm vụ nặng nề này
Tôi đề nghị các bạn hãy nói rõ ý nghĩ của mình
Những khó khăn và sức lực của mình
Những khả năng làm tròn công việc
Với tất cả lòng yêu cuộc sống
Chúng ta không cần sự lặng im
Không có khuôn mặt
Giấu mặt mình sau người khác
Chúng ta không cần sự hô hào
Không gốc rễ với mồ hôi nước mắt
Chúng ta đây là những cây đời
Bện rễ vào mặt đất
Vươn lên dưới mặt trời
Chúng ta hãy làm việc
Làm việc một trăm lần tốt hơn
Làm việc một ngàn lần tốt hơn
Như sau phần việc này
Sẽ không còn việc gì nữa cả
Để làm nên chủ nghĩa cộng sản
Rồi chúng ta hãy biểu quyết
Không chỉ bằng một cánh tay…
12-1981

Nói với nhà văn quá cố

Tôi có điều may mắn
Là sau ngày các anh ra đi
Còn đọc đôi ba quyển mới các anh chưa đọc
Vui với trận bóng đưa Việt Nam vào vô địch
Chăm chú theo dõi cuộc bầu cử tận nước Mỹ xa xôi
Nhận ra nhiều người già đi quá nhanh sau ngày vắng mặt
Tôi có thể đi bộ một mình trên phố dài
Từ hiệu sách đến quầy bán thức ăn cá cảnh
Để hỏi thêm về chữ nghĩa, cách cá đẻ trứng, đôi khi chỉ số thị trường
Chứng khoán (cái mà tôi mù tịt)
Và yên lòng mình chưa thua thiệt
Ngày cuối năm buồn tẻ
Tôi may mắn hơn các anh
Còn gặm được khúc xương chớm mùi hoá thạch
Trên những bản tin kinh tế ngọt ngào
Của đủ loại báo đài, internet
Tôi nói thầm
Giá như các anh sống lại
Ngồi vào bàn viết, bên tôi
Chắc các anh sẽ nheo mắt cười
Tha thứ cho chúng tôi đã sống dai đến vậy
Xả rác ở các nhà xuất bản nhiều đến vậy
Mà được gì cho cuộc sống hôm nay?
Còn tôi
Trong cơn mưa lạnh cuối năm như vãi cát vào mặt
Cúi xuống tờ giấy trắng trơ như cánh đồng sau vụ gặt
Nhớ đến những thợ cày lực lưỡng đã đi xa
Lòng quặn đau rằng đất không thể ở không
Giấy phải làm ra chữ
Kẻ đến sau lại phải vun trồng
Cho đến chết với từng hạt, từng hạt…
2008

Ở tuổi sáu ba

Ở tuổi sáu ba
Bánh xe đạp không tròn nữa
Chỉ một hòn đá vô tình cũng đủ ngã lăn chiêng
Với tuổi sáu ba
Các cô gái đều lẫn vào mây trắng
Như thần tiên, như cánh diều vàng
Tuổi sáu ba
Biết sợ điều phiền toái
Thấy đám đôi co đã vội đánh bài chuồn
Thích gió nắng
Thích màn đêm tĩnh lặng
Nghe thong dong hơi thở xuống đan điền
Thích bạn kể những ngày trên núi Rệ
Chúng ta ăn trọn một suối rau rừng
Như thế đấy
Buồn hay vui bạn nhỉ?
Tuổi sáu ba
Gió núi mưa ngàn…
Ngày 30-8-2006

Sau ngày hội

Những lo âu chờ đợi cũng đi qua
Điều hay dở đã thuộc ngày hôm trước
Giấc ngủ của người trong cuộc
Đã nhẹ nhàng hơn
Nửa đêm tiếng mưa xa
Chợt gọi anh về
Vùng yên lặng những chập chờn quên lãng
Cũng vậy thôi, chẳng có gì hơn
Điều được mất
Ngày đi qua, quãng đường đã bước
Hăm hở lo toan, cay đắng vụng về
Chỉ còn trống vắng đêm thâu
Lặng lẽ một người
Lặng lẽ một đời
Như tảng đá
Tảng đá sạch rơi vào vùng núi cũ
Một Trường Sơn sương gió đã vào thu
Một tình yêu gửi gắm tự ngày xưa…
Ngày 14-10-2000

Sống

Không thể nào chấp nhận sống:
Cho dù được đặt hoa trước cửa
Hát véo von trên cánh đồng
Thắp hương người dưới mộ
Thiệp hồng như chim bay
Đồng tiền chuồi qua khung cửa.
Không thể nào chấp nhận sống:
Với lời cầu xin, lời doạ nạt
Con người luôn đi sau thời gian
Để thời gian chỉ còn báo mộng
Không thể nào bưng hai tay
Một bình an đặng sống
Không thể nào cúi đầu
Nhìn ngón chân bất lực.
Không thể nào chấp nhận sống:
Mà không biết mình về đâu
Không biết mình có thể làm gì
Buồn vui theo kẻ khác.
Không thể nào chấp nhận sống:
Trong sợ hãi, trong lọc lừa
Chẳng nhớ tim mình còn đập.
Không thể nào chấp nhận sống:
Khi mình chưa là mình
Trống trơ như vực thẳm…
Ngày ta sống
Khi mình là sự sống
Từ ra đi đến trở về
Từ hư vô đến bụi đời
Kim cương bất hoại.

Sông Hương

Đặt mình trên con nước, đầu hướng về biển, anh trôi đi
Cùng hình bóng các đền đài, những cạm bẫy của thời gian, nước mắt
người đã chết
Anh trôi đi cùng phù du phiêu sinh vật, những tiếng chuông không ngày về
Những ngọn cỏ khô không nguồn gốc, những người mẹ đắm đò,
những câu mái nhì mất tích
Anh trôi đi với trận bão năm Thìn, nhịp cầu bị đánh sập năm Thân
Những cây bèo tím
Sông Hương
Con sông của những người ra đi và trở lại
Đưa anh qua những ngày bình an như bàn tay mẹ
Không nỗi đau đớn nào sông không rửa sạch với từng giọt nước ngời sáng
Không một cơn khát nào không được san sẻ bằng vị ngọt thần thánh
Người có đủ nước cho những cánh đồng, đủ tôm cá cho phiên chợ sớm Diên Trường, đủ nước mặn cho những ao tôm ngoài cửa Thuận
Người đủ phù sa để làm nên một châu thổ không có trên bản đồ
Nhưng mãi mãi phì nhiêu trong tâm hồn người xa xứ
Người là bùn, là mây, là bến, là hành trình của nước không dừng lại một ngày
Những đêm mất ngủ
Anh nằm cong như một con thuyền neo trên sông
Anh nghe nước chuyện trò
Về cánh rừng nguyên sinh trên động Mang Chang với những cây trầm khổng lồ
Những con cá chình không bao giờ chết trong những hang sâu Thác Ông,
Thác Mụ
Những bãi cát thơm hương thạch xương bồ
Ngững tiếng gầm bị nén lại của thuỷ điện Tả Trạch
Anh trôi đi,
Không bắt đầu, không kết thúc, không bờ bến
Anh mang tự do của nước đến với cuộc đời
Như sông, từ hữu hạn đến vô hạn
Để mãi mãi có mặt
Để sống
Bên người
Phải chăng, Sông Hương?
8-10-2006

Sự thật của cuộc ra đi

Kính tặng Trịnh Công Sơn
Anh đi trong ngày 1 tháng 4
Cái ngày người ta có thể đùa bỡn một chút
Tôi phải hỏi hai lần
Để biết cuộc đi xa của anh là sự thật
Là sự thật
Anh rời bỏ chúng ta trước ngưỡng của thế kỷ
Hai mươi mốt
Là sự thật
Anh đã sống, đã ca hát với chúng ta một nửa thế kỷ
Hai mươi
Và chín mươi ngày của thiên niên kỷ mới.
Không có gì ngăn cản anh
Đến với Tình yêu
Đến với Đồng bào
Đến với Bạn bè
Đến với Tương lai
Trịnh Công Sơn, từ biệt
Ngày 2-4-2001

Tắm bến Hà Khê

Mười năm dầu dãi, đường xa ngái,
Bây giờ về tắm bến Hà Khê.
Nhìn lên tháp cổ cao trông đợi,
Cúi xuống dòng xưa chợt ấu thơ.
Huế, ngày 8/6/2007

Tặng một người sáng tạo

Gửi Hải Bằng, nhà thơ – người tạo hình rễ cây
Nơi người ta bỏ đi
Sau khi hái hoa, bẻ quả, trú chân,
Sau khi hôn nhau, đẵn gỗ
Con người kỳ dị của chúng ta
Đi tìm những cái rễ
Anh thuộc loại người quan tâm sự sinh trưởng ở bề sâu
Những mắt thường không thấy được
Sau khi chia sẻ với chúng ta vẻ đẹp những đền đài trang nghiêm óng ả
Anh lặng lẽ đi tìm những nghịch lý dưới đất
Như những cái rễ cây vươn vào tầng đất tối tăm không ai biết được
Anh đẩy trí tưởng tượng của mình nẩy mầm trên mỗi rễ còi cọc
Để thành chim – sự bay
Để thành cá – sự lặn
Thành cô gái – tình yêu
Thành nhà thơ – ngọn gió
Anh là kẻ phải đánh trận sau cùng
Người đi chuyến tàu vét
Kẻ được xé vé cuối cùng trong rạp hát
Sự may mắn của anh dính dáng ít nhiều với những rễ cây
Và khuôn mặt anh, cả tình yêu không dễ dàng của anh
Có họ hàng với những rễ cây trong lòng đất cứng
Vì vậy khi ta nghe anh cười
Thì sự hồn hậu của anh có đất đai làm chứng
Anh, cái rễ cây dai dẳng nhất
Vươn lên bám cuộc đời này
Dẫu có khi buồn vui, nước mắt
Anh vẫn tạc hình mình lên năm tháng chúng tôi
4-1984

Tập thiền

Con hãy đưa miếng cơm vào bụng như ngày hôm qua con chưa được ăn và ngày mai cơm không còn nữa,
Con hãy nhận ra từng hạt cơm dính với từng hạt cơm như bụi lúa đứng bên bụi lúa
Từng hạt, từng hạt nở trên cánh đồng như những vì sao chi chít bầu trời
Con hãy bưng bát cơm nặng đầy như phần thưởng mỡ màu mùa gặt hái
Rồi con nhớ lại trong đời con cũng đã từng đứt bữa
Cũng đã từng lấy cơm chấm cơm
Mỗi hạt cơm cõng một củ sắn, củ khoai hoặc chỉ là rau dại
Lúc đó mỗi hạt cơm trong miệng con thật ngọt bùi, thơm thảo
Con không cần ăn đến sơn hào hải vị
Để biết đến vị ngon có thể có trong đời
Chỉ cần trong một sát na biết lắng mình vào cuộc sống
Một hạt cơm là cả cuộc đời…
Ngày 21-12-2006

Tháng giêng về Văn Giang

Tháng Giêng, sao anh không về Văn Giang ngắm sông Hồng
Nhìn cỏ chân đê trôi trong sương khói
Mùa xuân ngủ ngon trên lưng những con bò vàng
Ngoài đồng đã kín những người đi tìm no ấm
Trong ngôi chùa cổ nở xoè pho tượng Quan Âm nghìn tay nghìn mắt
Tôi nắm tay những người nông dân ấm, mềm, chân thật
Như níu được nhau tự ngày xưa vỡ đê
Mừng đến rưng nước mắt
Nhà nối nhà, đã ấm, đã sáng, vọng một điệu chèo
Sông Hồng mải miết làm lịch sử…

Tháng tư

Tháng tư lá xà cừ xào xạc mặt đường
Dẫy tường cổ nẩy những chùm lá mới
Hà Nội thì thầm nghìn năm tuổi
Mừng Đảng qua một mùa đại hội.
Tháng tư chập chờn giấc ngủ tiếng sấm đầu mùa
Có tiếng trẻ khóc trong căn nhà hàng xóm mới xây
Cuộc sống bộn bề mà yên tĩnh
Quẫy đạp một hành trình mới
26-4-2006

Tháng tư, Trường Sa

Tháng tư mùa biển lặng
Những đảo xa ca hát
Lời thiếu nữ
Những đảo xa ngủ
Tóc đen dài
Tháng tư lính đảo
Nụ cười lấp loá nắng
Dưới hàng cây phong ba
San hô chập chờn đáy biển
Đảo phập phồng
Cát, lửa
Như trái tim tình yêu
Tổ quốc.
Song Tử Tây
Sơn Ca
Nam Yết
Trường Sa Lớn
Thuyền Chài…
Hãy đọc thầm tất cả
Dù một lần
Trước sóng gió mịt mù
Bằng tiếng Việt
Buồn vui máu lệ
Người lính đảo nhìn đăm đăm,
Cô gái trẻ
Khóc
Về giây phút thiêng liêng
Chợt hiện ra
Giữa biển
Một tình yêu hơn cả cuộc đời
Một điểm hẹn phóng vào vô tận
Ngày mai
Những nàng mềm mại
Những môi hồng ca hát
Ra đi
Còn lại giữa đại dương
Một bờ cát sỏi
Những người giữ đảo sạm đen
Ngồi bên súng
Đón mặt trời
Mọc từ biển, lặn về biển
Hát
Một lời nguyền sâu thẳm
Ngàn trùng
vạn lý
Trường Sa…
Tháng 4-2003

Thăm mộ ông bà

Mỗi năm dù đi đâu cũng gắng một lần dắt díu nhau về thăm ông bà
Bên khe Tra Am người sống, người chết xúm xít
Con cháu mắt mờ khói nhang
Bia cổ chữ còn, chữ mất
Ông bà xưa từ xứ Đông xa xôi
Đi bộ, đi thuyền, đi ngựa vào vùng sỏi đá này
Rách rưới và đói khát
Bùn và máu sạm mặt
Ông bà xưa, người làm quan, làm dân, vong gia thất thổ
Dù đói dù no, không ai làm giặc
Trai thời trung hiếu làm đầu
Gái thời tiết hạnh làm câu trau mình
Lụt lội, hạn hán, giặc giã triền miên hai đầu đất nước
Ông bà xưa rong ruổi phận thần dân
Trên vì nước, dưới vì nhà
Chưa một lần khuất mặt.
Bây giờ ông bà nghỉ dưới đám cỏ may
Trả việc đời cho con cháu
Lắng nghe tim mình đập trong lồng ngực tương lai
Mỉm cười ngàn năm sông núi
Ngày 31-1-2001

Thấy người trở lại

Tặng hai bạn Th, L.
Vẫn khoé môi dẩu lên như ngày nào
Vẫn bước chân nhanh, tiếng cười vang
Bình tâm ngắm em hạnh phúc
Con đường dài đã đi qua
Bao gió mưa
Giờ đi vào trọn vẹn.
Rồi em đi mãi
In dấu chân sớm chiều bận rộn
Nhắc chúng ta luôn trở về…

Thơ tặng cháu ngoại

Cháu vừa ra đời
Ta được làm ông ngoại
Sự kiện long trọng này không theo một tuyên bố nào cả
Mà bằng một tràng khóc ré
Của thằng bé ba cân tư
Việc đời nhẹ nhàng vậy đấy
Thế là mẹ cháu được ngủ ngon
Mà trẻ con thì cựa quậy
Vậy là trẻ con ngủ ngoan
Mà người lớn chạy lon xon
Nào sữa, nào tã lót
Thế giới quá rộn ràng
Khi trẻ nhỏ có mặt.
Từ nơi xa mỗi ngày ông ngoại lại thăm hỏi
Cháu ngủ ngon không
Bằng fax, bằng phone, email, mobile
Nghĩa là mọi phương tiện có được
Để nghe vũ trụ nhắn rằng:
– Cháu ngủ ngoan!
Nguyên Anh, cháu là đứa trẻ thời đại mới
Hãy ăn no, chóng lớn
Ngày 24-12-2006

Thời đại Hồ Chí Minh

Khi những anh hùng ngẩng cao đầu ngã xuống
Miệng hô vang Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh
Lịch sự như một con tài cất tiếng còi cháy bỏng
Báo ga này ga Hồ Chí Minh
Khi đoán cháu con lại nối tiếp cha anh
Tiến trên đường Hồ Chí Minh đuổi giặc
Lịch sử sẽ khởi hành trên con đường ngắn nhất
Vào tương lai thơi đại Hồ Chí Minh
Khi những em bé đến trường trong tình thương bè bạn
Những dân tộc vùng cao viết chữ cụ Hồ trong núi bắng
Lịch sử sẽ lật từng trang nhanh
Trong ánh sáng thời đại Hồ chí Minh
Từ đau thương ta đứng dạy quên mình
Lẽ sống là con đường diệt Mỹ
Dáng vóc lớn khi ta cầm vũ khí
Việt Nam hùng vĩ nước non này
Trên đất nước nghìn năm những nông dân lại tập cấy cày
Nhà bác học phải nghĩ suy từ ba sào chua mặn
Năm tấn thóc để làm thép gang mặt trận
Cũng là bài ca theo suốt những đoàn quân
Ta lại có tình yêu sáng ngời hơn trăm nét hoa văn
Có nỗi vui một câu ca dao, một trang Kiều mơ ước
Có trời xanh Ba Đình ai cũng nhìn ngắm được
Có đời ta trọn vẹn giữa đời dân
Ta thêm yêu tin mỗi thước đất ta nằm
Đường ra trận ta thương từng bóng lá
Ngủ hầm sâu ta quý từng lớp gió
Đất nước này ta yêu ta thân
Ôi đất nước Hồ Chí Minh
Chưa bao giờ nghĩ suy của ta cao rộng thế
Từ việc đầu tiên là việc đuổi Mỹ dựng nhà
Cho đến việc dạy em bé đừng đi chân không
Và chuyện riêng sinh đẻ
Ba mươi triệu người dân lo toan bằng tấm lòng người cha, người mẹ
Thời đại Hồ Chí Minh chúng ta
Sung sướng thay mỗi người dân đều được thấy Bác Hồ
Càng nhớ dáng những vua Hùng thời lập nước
Bốn ngàn năm nghĩa là bốn ngàn năm có được
Một bây giờ thời đại Hồ Chí Minh
Ôi ta đã góp những chiếc nôi ngày nhân loại khai sinh
Nay đã góp máu xương chọ trọn ngày chiến thắng.
Những Việt Nam xanh màu trên châu Phi cát trắng
Những Việt Nam khoác súng tường trên châu Mỹ La-tinh
Những Việt Nam chân lý Hồ Chí Minh
Ôi Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh…
Điệp khúc lớn những mùa thu ra trận
Chúng con đi bát ngát tự hào
Mảnh trời xanh sau rừng biếc bay cao
Như tay bác như tay thời đại vẫy
Đường giải phóng dù gian lao máu chảy
Chúng con đi bền bỉ sức thanh xuân
Đang lớn lên như Phù Đổng trăm lần
Quyết đánh thắng bầy hung nô thể kỉ
Quyết thắp sáng trong tầm cao ý chí
Chân lý người k có gì không có gì quý hơn
Độc lập tự do, Hồ Chí Minh thời đại sáng tên người

Tiễn biệt nhà thơ Tố Hữu

Người yêu thơ ông đã ngã xuống cánh rừng trai trẻ
Người đọc thơ ông thời hoa niên nay đã già
Từ nay
Chỉ còn nghe thơ ông trong ngôn từ cây cỏ
Trắng lặng thầm trong hoa táo tháng ba…
Nhưng tôi biết còn bao người đến với ông suốt thời thơ ấu
Trên những trang sách học trò
Tình yêu ông hồi sinh
Đánh vần trong trẻo
Mãi mãi ngọt ngào giọng Huế
Trong tâm hồn chúng ta…
9-12-2002

Trên đường

Rồi bạn đi với tôi qua những bờ tường trắng
Sau chiến tranh,
Những ngôi nhà như tinh thể kết bất ngờ trong hạnh phúc
Định hình tất cả niềm vui và sự thật
Bằng gỗ, bằng vôi và giấc mơ ngày lên đường
Những ngôi nhà thành phố tuổi thơ tôi.
Bạn cùng đi với tôi trên vỉa hè rạn vỡ:
– Đây là những gì chúng ta đã sống và chết
Người con gái áo trắng đi về tương lai nào đó:
– Đây là những gì chúng ta đã đổ máu và hát ca.
Những hàng phượng mang nắng từ trên vai thành phố:
– Đây là những gì giúp ta cao hơn một tầm nhìn
Một bà mẹ gánh nặng trở về:
– Đây là những gì chúng ta mang mẻ và hy vọng.
Bạn ơi
Bạn nghe tiếng trở mình của thành phố thân yêu
Mây trắng chất ngất và lòng ta đầy dự tưởng
Những em bé nhặt lá khô bên đường
Anh bộ đội vụng về sau ngày đánh giặc
Đằng sau chia ly, đằng sau lần gặp mặt
Tâm hồn ta như cánh rừng xa khuất
Lại xanh màu và mãi âm vang…
1975

Trong cánh rừng hiện đại

Nhiều khi như thấy mình đang ngồi trong rừng già
Rậm rịt những tàn lá xanh
Với bầy cọp gào thét bằng động cơ đốt trong
Với trái núi bê tông trước mặt
Tầng tầng giây leo là đủ loại cáp đồng tích điện
Tôi chìm đắm trong tự nhiên thoái hoá
Tôi, một sinh vật đái tháo đường
Mỗi bữa một bát cơm rau, ruốc ớt
Tôi là Homosapien
Nhưng tôi biết
Những ngọn nguồn trí tuệ
Đang bị bỏ quên trong núi vắng
Đâu đó người ta chỉ còn nói về dòng chảy lợi nhuận
Đâu đó những bãi biển tràn ngập sex
Những con sông kiệt sức chìm giữa đất liền
Những con sông sáng loá ánh đèn và xác lợn chết
Khóc lên nỗi bại hoại con người
Bây giờ tôi cúi mình rửa mặt
Trên ngọn nguồn tư tưởng nhân gian
Chợt thấy mình đã đầy lông lá.
Tháng 4.2013

Trong những buổi chiều

Trong những buổi chiều buồn bã
Tôi nói thầm với hàng cây trước nhà
Hãy dịu dàng hơn, hãy dịu dàng nữa
Trong những buổi chiều buồn bã
Đá cứng hơn, chân mềm hơn
Tôi trèo lên hừng hực ngọn bê tông núi lửa
Mãi khi vầng trăng treo trước cửa
Chợt nhớ khuôn mặt hiền xót xa
Nghiêng xuống cánh đồng ngày xưa
Vì sao không thể yêu mến hơn?
Vì sao không xanh tươi hơn?
Vì sao không trong sạch hơn?
Tháng 7-2004

Trở lại A Lưới

Những bước trùng điệp
Những bước núi rừng
A Co ngửa mặt mờ mây gió
Cô Ca Va lừng lững lưng voi
Dốc mèo gân guốc bàn tay nắm
An Hồ nghìn năm dầm mưa bay
A Lưới trập trùng chiều trở lại
Mưa nối mưa, nắng thay nắng từng giờ
Vẫy tay lau trắng lên sườn dốc
A Ling, A Sáp xuôi đất khách
Năm tháng trôi đi, năm tháng về
Em hát cái ngày đau xót đó
Bây giờ dịu ngọt cứ như không
Tóc không xanh tóc ngày xưa nữa
Máu nóng trong tim máu vẫn hồng
Em dẫn ta lên ngàn thước núi
Ngó về chất ngất bóng Ka Lưi
Nhớ Em lắt lẻo trên vai mẹ
Em có còn không, em Cu Tai?
Ta cõng em đi trọn một đời
Thơ ta, ta gửi đến bao người
Những lời ru ấy rơi trong núi
Biết có khi nào em đã nghe?
19-12-2006

Tự do

Xin bạn bình tâm
Tôi chẳng bao giờ là nhà thơ tên tuổi cả
Danh hiệu đó xin nhường cho người khác
Tôi chỉ mong mình tự do
Để được là mình
Viết điều mình mong ước
Giữa cái thời sống là đeo đuổi
Danh hiệu, bạc tiền, ghế cao, nhà rộng
Tôi chọn tự do
Thi sĩ
Tự do trước hết chính mình
Không chiều luỵ mình
Ngỏng cổ nghe lời khen tặng.
Với tôi
Sự ân thưởng một câu nói vui bạn bè
Chiếc lá xanh bên đường
Chân mây chiều rạng rỡ
Tự do là tất cả
Những ràng buộc trong sạch
Giữa con người và con người
Con người cùng ngoại vật
Không ngã giá
Thật bình dị
Tự do làm tâm hồn ta lớn lên
Trong chiều kích vũ trụ

Uống rượu với bác Dương Văn Vượng

Gửi nhà thơ Dương Thuấn
Ngày đó chúng tôi được bác cho uống rượu ngô
Đêm nghe mưa rơi trên bản Hon
Ngắm bếp lửa đung đưa sàn nứa
Ngày đó, sau chiến tranh
Bọn trẻ vừa mới lớn
Sông Năng quanh quất chân Phia Boóc
Tóc ai cũng còn xanh.
Ấy thế mà Vi Hồng đã ra đi
Bên kia hồ Ba Bể.
Bây giờ con cái nhà bác đi khắp đất nước
Họ Dương lắm con, lắm vợ, lắm chồng,
Ô tô, xe máy…
Thật kỳ lạ, giấc mơ của người sáng nghiệp
Con đường nhựa trước nhà vút qua suối xưa
Ngược dốc Đồn Đèn
Phóng một cái nhìn vào Việt Bắc
Ái chà, xem ra bác còn khoẻ hơn tôi
Bác gái cứ vào ra con cón
May thay chúng ta không phải lo con cái nữa rồi
Cũng chưa phải sống nhờ con cháu
Mừng bác một chén!
Ngày 25-12-2006

Vào hạ

Anh giã từ hết thảy
Những đá đã làm đau, những gió đã làm buồn
Nỗi sợ hãi làm héo hon
Chiếc bàn nhẫn nhục
Đây ban mai với mong ước ngàn lời
Mùa hạ sáng trong về
Em đứng nghiêng…
Về quê đón Tết
Trở về nhà
Nói cười trong gian bếp cũ
Đi vào đi ra
Ngồi bệt xuống thềm
Ngó mây bay trên vườn người khác
Mười năm đi xa
Mỗi năm một lần về quê ăn Tết
Người già nói ta còn trẻ
Cô gái trẻ cười ta mau già
Thử luồn tay vào tóc
Sợi bạc không che kín ngón
Mừng ông bà một nén hương mới
Khói thơm xanh trên nóc nhà
Bạn cũ đến chơi
Chép miệng sống cũng tạm được
Phải cái hơi móm
Cười trống trơ như Đỗ Phủ
Nhìn nhau thương con mắt
Còn lung lay ngọn lửa rừng
Thời bom đạn
Rót một chút rượu
Nào mừng một năm đi qua
Ít hoạn nạn
Mừng một ngày mới
Thong thả
Chưa cần tính tháng, tính năm…

Viết cho lần cuối

Anh chẳng mong chôn vào đá, vào đồng
Chỉ có thể là đất đai thân thuộc
Sâu một thước với tứ chi còi cọc
Cũng đủ mời giun dế đến lai rai
Anh chẳng thiêng, cũng chẳng doạ dẫm ai
Xin đừng ngại, ngọn cỏ hiền sẽ mọc
Trên mặt đất, một dáng hình đã khuất
Trong mây chiều hay sương sớm mai
Phải không em, chỉ nỗi khát làm người
Anh đã chọn với hai hàng nước mắt
Khi cái chết làm phép trừ vô cực
Anh là anh, mãi mãi vẫn là anh…

Viết cuối năm

Đã lâu anh chưa về Huế
Hẹn vào thu, rồi lỡ cả mùa đông
Anh mải miết trên đường hoạn lộ
Ngoảnh về quê hư ảo một vầng trăng
Đã lâu anh chưa về vườn cũ
Thương cây mai, cây nhãn, khóm hồng
Bức tường sẫm vệt vôi vàng trí nhớ
Bóng mẹ cha thăm thẳm bên lòng…
Thôi đã vậy, xin đừng buồn mẹ nhé
Con đi xa vẫn giữ trọn hình hài
Giấc mơ xưa dù bao dâu bể
Bên thềm xuân còn một nhành mai…
Tháng 12-1997

Viết ở Hàn Quốc

Ngã ba sông
Ngã ba sông lặng lẽ lại là nơi chia cắt đất nước
Đàn ngỗng trời bay qua vạch giới hạn con người
Chim muốn nhắc một lời nguyền cũ
Về núi rộng sông dài xứ sở Choson thắm tươi…
Ở Gyeongju
Bầy âu đen vẽ trên mặt hồ những đường bất định
Tiếng chuông trong núi sâu đánh thức những cây tùng xưa
Cuộc mưu sinh đang thay đổi thế giới tận gốc
Không biết do nhà máy thép Posco nhiều hơn hay ngôi đền Seokgulam
Nhiều hơn?
Séoul, 22-11-2002

Viết trong ngày Valentine

Viết từ Đà Nẵng
Cần phải cười đi, đùa đi, nếu không muốn rưng nước mắt
Ngoài kia Sơn Trà đã phủ sương…
Biết bao tin cậy giữa lòng mình
Khi mình giữa lòng Đà Nẵng
Ở đây anh không dễ trôi ra biển
Cũng không chịu dạt lên ngàn
Cùng một lúc anh có thể sinh tụ với muối
Khoác cẩm thạch lên mình và vẫy bàn tay hải âu
Trước cửa biển, đôi mắt mở lớn…
Đà Nẵng
Đà Nẵng của những con tàu nặng hàng ra đi
Lân tinh nhập nhoè hơi đèn thuỷ ngân
Tiếng động nghề nghiệp trong mỗi căn nhà
Sức lực em tràn ra như một trái dưa hấu
Những bông lúa lại rực vàng trên cánh đồng kỷ lục
Tiếng sóng đằm nền, tiếng xe ben đổ đất
Điện lực, điện lực
Nồng cháy hơi thở biển
Đà Nẵng tự đẻ ra mình từ khơi xa…
Dẫu sau những bức tường kia còn nhộn nhạo mưu mô những tên kẻ cắp
Tôi tin giấc mơ lành trong đêm có thể lấy lại được
Miễn là dám bước qua giới hạn của mình
Theo cách Đà Nẵng
Trước thềm biển
Ấy thế, mà em
Ơi cây rong xanh của biển chiều nay
Tôi làm sao bắt gặp em bên kia ngưỡng cửa đời mình
Khi ngoài kia, Sơn Trà phủ sương…
7-1984

Những câu hỏi đầu năm

Vì sao quất lại tròn đến thế?
Vì sao mai lại nở vàng?
Vì sao dáng chùa xưa lại đằm đến vậy?
Và mỗi mắt người sáng một niềm vui?
Vì sao ly rượu đưa lên, tay mình run khẽ
Chẳng chạm vào ai, cũng đã chạm với đời
Sao lại thế, nửa đêm thức giấc
Chợt thấy mình nhẹ bẫng giữa sương rơi?
Mãi mãi hồn ta không cũ nữa
Em chăng là nắng mới tinh khôi?

Những quyển sách

Sách vở nuôi niềm hy vọng mới
Hay cũng trôi đi
Như dòng nước đen?
Mắt mũi ngày càng kém
Chữ nghĩa rậm rịt điều cao xa
Bao giờ, nơi nào, anh đọc được mình
Qua nỗi đau nhân loại?
Vô ngôn
Hư tự
Sự sống sẽ cất lời
Ngày 15-1-2007

Những bài thơ tình của Nguyễn Khoa Điềm viết trong chiến tranh

Trong chiến trang Nguyễn Koa Điềm đã viết khá nhiều bài thơ tình để gửi gắm nỗi nhớ nhung, mong nhớ trong những ngày xa cách. Nga dưới đây là những bài thơ như thế.

Bài 1

Nếu anh được gặp em chiều nay
Anh qua
Một triền núi, một cánh rừng, một con suối, một hàng cây
Và gặp em ngồi trong ánh nắng!
Giá như anh chỉ phải đi từ đầu ngày đến cuối ngày
Chỉ cần dùng một vắt cơm
Với những thời khắc bình thường nhân loại
Để gặp em cùng nụ cười chói lọi
Như một bình minh ở cuối ngày?
Anh mong
Một ngày như thế
Để mọi bông hoa
Sẽ nói điều mới mẻ
Về tấm lòng
Anh mong em
Sau bốn năm cô đơn khao khát
Em trở về với đôi vai ấm áp
Nghiêng vào anh như con đường anh đi, qua tháng, qua năm
Nhưng ngày vẫn trôi đi
Dòng suối lung linh
Trong sáng và buồn bã
Anh vẫn còn đi trong rừng
Thương khó với nhân dân
Tâm hồn thành ngọn lửa
Và buổi chiều
Những buổi chiều
Đã vang dội
Cuối rừng
Như trước cơn giông…
Mong em đừng lựa chọn nào khác
Ngoài nỗi cháy lòng của câu thơ anh…

Bài 2

Khi yêu em rồi
Cuộc đời mình như một lời hẹn lớn lao
Hẹn với tháng năm và những con đường rải vào mai sau
Ta đi và về cùng ngưỡng cửa
Hẹn với tiếng ru em dành cho con
Anh nghe mà mất ngủ
Hẹn những câu thơ và bát cơm giản dị
Ta chia nhau cùng ánh nắng trước nhà
Hẹn với ấm nồng thịt da
Ta san sẻ trọn đời trung thực
Khi yêu em rồi
Anh ném mình vào những khoảng xa
Trái tim ngân bao niềm vui mới
Em ơi, những mùa thu sau còn đẹp hơn
Tình yêu ta còn đẹp hơn
Mắt em trong, thời con gái
Anh bàng hoàng không biết làm sao nói
Anh biến mình thành ngọn gió thời gian…
Anh đã đi bao năm
Giữa xích xiềng và gai góc
Bên đạn bom và chất độc
Ăn ngọn rau xanh hái vội bên đường
Nuôi dưỡng lòng tôn kính thiêng liêng
Về tự do và tình yêu cuộc sống
Về em
Người con gái yêu anh trọn đời
Em mãi mãi diệu kỳ
Anh yêu em trào nước mắt
Sao mắt này, tóc này
Tâm hồn này, da thịt này
Lại có thể của anh?
Sao chính em giữa bao người con gái
Lại đến với anh bằng bước chân này
Âm vang tim anh?
Sao em sâu xa như hạt mưa
Từ bầu trời thanh khiết, mênh mông?
Sao nỗi nhớ
Lại làm mình già đi
Và trẻ lại
Với mình?
Sao khổ đau không thể cắt nghĩa
Nào khác
Ngoài em?
Sao em cười và anh đánh mất mình trong đôi mắt
Đen?
Sao chân trời lại đầy biến động
Đêm xa vắng?
Em mãi mãi có thật, dịu dàng
Như căn nhà ngày ngày ấm lửa
Em nhé, mùa hạ này em đừng nhắc nữa
Sao chúng mình còn xa nhau
“Em hãy ở trong nỗi vắng anh như một ngôi nhà”
Một ngôi nhà có câu thơ làm chiếc then cài cửa
Suốt mùa chiến tranh…

Bài 3

Này con chim khảm khắc
Chim kêu chi rừng xa?
Này bông phong lan tím
Lặng nở vào tháng ba
Này con đường rừng nhỏ
Âm thầm trong lá khô
Ta yêu người như rứa
Đưa người về cho ta…

Bài 4

Em sẽ về bên anh
Cho tay tràn trên mặt
Mặt em tràn nước mắt
Mắt em hồn của anh
Anh sẽ về bên em
Ôm em đầy năm tháng
Hôn em đầy ánh sáng
Thương em đầy tay anh
Ngọn lửa làm cái chết
Giờ hố bom lạnh tanh
Chỉ tình yêu của anh
Là bầu trời rực nắng
Hãy bay lên sự sống
Với đôi cánh ngày về!

Trên đây là tuyển tập những bài thơ Nguyễn Khoa Điềm hay nhất, phần cuối. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết. Hi vọng, các bạn yêu thích những tác phẩm để đời này của ông. Kho tàng thơ Nguyễn Khoa Điềm khá đồ sộ. Nếu yêu thích, các bạn đừng bỏ lỡ nhé !