Nhà thơ Hoàng Cầm cùng những trang thơ ấn tượng nhất phần 2

Nhắc đến những nhà thơ nổi tiếng của Việt Nam, chúng ta không thể không nhắc đến Hoàng Cầm. Ông là một nhà thơ tài hoa cùng những trang thơ mang những ý nghĩa sâu sắc đi sâu vào tâm hồn bạn đọc. Nếu bạn yêu thích nhà thơ này thì ngay bây giờ hãy cùng uct.edu.vn cùng nhau khám phá và tìm hiểu nhé!

Đôi lời tâm giao với người bạn thơ Tố Hữu

Nhân năm anh 80 tuổi (âm lịch)
Nhớ lại một thời chung chiến luỹ
Hồn tươi trong thắm thiết tình người
Rồi sau đó những ngày vào ra lẩn quẩn
Những khóc cười mừng giận
Giấc mê tôi đằng đẵng thăng trầm
Trời vẫn xanh mây trắng vắng tri âm
Tia chớp nhục vinh loé ngôi sao lạc
Ðã vèo đi nhanh thế một đời
Tồn đọng Anh và Tôi cùng bạc tóc
Ngẫm xa xưa mà gạn lọc chút yên vui.
Run rẩy niềm riêng Tôi so mình hạt cát
Nhìn sao rơi thăm thẳm đến vô cùng
Khi nhân loại sắp giao thừa thiên kỷ
Cầu Phật ban cho người ánh mắt bao dung
Hồn thi sĩ hẳn mấy lần khát vọng
Ôm vô thuỷ thiên hà vào mắt lệ vô chung
Anh với Tôi, đôi người thơ ngơ ngẩn
Lặng lẽ đồng hành về phía hư không
Chắc cõi ấy còn rưng thơ đất Việt
Mình sẽ gặp ai kia
Một thi sĩ đau thương đã viết:
“Bất tri tam bách dư niên…”

Em bé lên sáu

Mỗi chính sách của Đảng
Là một tia nắng hồng
Nắng vương mây sám lạnh
Cỏ hoa còn ngóng trông
Ước có nhiều trận gió
Thổi sạch quang vòm trời
Cho tia nắng nhảy múa
Vui hát thực trên đời
I
Em bé lên sáu tuổi
Lủi thủi tìm miếng ăn
Bố: cường hào nợ máu
Mẹ bỏ con lay lắt
Đi tuột vào trong Nam
Từ khi lọt lòng mẹ
Ăn sữa, ngủ giường êm
Áo hoa lót áo mềm
Nào biết mình sung sướng
Ngọn sóng đang trào lên
Ai nghĩ thân bèo bọt
Nhưng người với con người
Vẫn sẵn lòng thương xót
Có cụ già đói khổ
Lập cập đi mò cua;
Bố mẹ nó không còn
Đứa trẻ nay gầy còm
Bỗng thương tình côi cút
Cụ nhường cho miếng cơm
Chân tay như cái que
Bụng phình lại ngẳng cổ
Mắt tròn đỏ hoe hoe
Đo nhìn đời bỡ ngỡ:
“Lạy bà xin bát cháo
Cháu miếng cơm, thầy ơi!”
II
Có một chị cán bộ
Đang phát động thôn ngoài
Chợt nhìn ra phía ngõ
Nghe tiếng kêu lạc loài.
Chị rùng mình nhớ lại
Năm đói kém từ lâu
Chị mới năm tuổi đầu
Liếm lá khoai giữa chợ
Chạy vùng ra phía ngõ
Dắt em bé vào nhà
Nắm cơm dành chiều qua
Bẻ cho em một nửa.
Chị bần cố nông cốt cán
Ứa nước mắt quay đi:
— “Nó là con địa chủ
Bé bỏng đã biết gì
Hôm em cho bát cháo
Chịu ba ngày hỏi truy”
Chị đội bỗng lùi lại
Nhìn đưá bé mồ côi
Cố tìm vết thù địch
Chỉ thấy một con người
Em bé đã ăn no
Nằm lăn ra đất ngủ
Chị nghĩ: “sau lấy chồng
Sinh con hồng bụ sữa”.
III
Chị phải đình công tác
Vì câu chuyện trên kia
Buồng tối lạnh đêm khuya
Thắp đèn lên kiểm thảo
Do cái lưỡi không xương
Nên nhiều đường lắt léo
Do con mắt bé tẻo
Chẳng nhìn xa chân trời
Do bộ óc chây lười
Chỉ một màu sắt rỉ,
Đã lâu năm ngủ kỹ
Trên trang sách im lìm
Do mấy con người máy
Đầy gân thiếu trái tim
Nào “liên quan phản động”
“Mất cảnh giác lập trường”
Mấy đêm khóc ròng rã
Ngọn đèn soi tù mù
Lòng vặn lòng câu hỏi:
“Sao thương con kẻ thù ?
Giá ghét được đứa bé
Lòng thảnh thơi bao nhiêu!
Nhưng bụng nó lúc đói
Giống bụng ta khi nghèo”
Em bé đến ngoài cửa
Thành quen xin miếng cơm
Nhịn cho em một nửa
Chị đưa qua khe tường
Ngồi viết lên từng chữ
Sáng tình yêu con người
Ngoài kia sông núi mở
Thao thao đến chân trời
IV
Có đồng chí cấp trên
Lật từng trang kiểm thảo
Nước mắt mấy giọt liền
Rơi trên tờ báo cáo :
“Có bầu trời nhân đạo
Còn vương vất bóng đêm
Đồng chí đã thắp đèn
Dòng mực vắt như sữa
Nhức căng hai đầu vú
Nuôi ngày mai lớn lên”
Em bé lên sáu tuổi
Được chăm nuôi lớn dần
Đã tung tăng cặp sách
Cùng trẻ em nông dân
Bướm bay quanh mắt sáng
Cỏ xanh rờn chân em
Cỏ đang lấp bùn đen
Của nghìn năm tội ác
Chị đội thăm trường học
Cờ lên, em đứng chào
Mắt sáng như hôm nào
Được miếng cơm của chị.

Em có về không

Gửi Tuyết Khanh
Bật sáng chân mây một điệu đàn
Biển đông bừng chớp mắt Kiều Loan
Mắt điên mắt sóng men huyền diệu
Xanh thẳm hàng mi bến hợp tan
Cả Thái Bình DƯơng là giọt lệ
Một người đi biệt một hành tinh
Cả dãy Trường Sơn là dấu phẩy
Ngắt dòng thơ quằn quại u minh
Bảy sắc mây chìm đợi bão tan
Hôm nào nắng xóa vệt thời gian
Gò cao má ửng đùa thiên mệnh
Em có về không ?
Hỡi tiếng vang ?

Em cứ về bên ấy

Buồn rã rượi. Em cứ về bên ấy
Ai cướp hàng mi lên sáu tựu trường?
Ai đã yêu em như em biết vậy?
Để mấy lần tắm cạn giữa dòng thương?
Thu đến muộn. Em cứ về bên ấy
Gió hẹn mùa chờ xao xác thềm rêu
Em muốn đậu bến nào? – Sao thế vậy?
Đỡ em nằm, đâu thật cánh tay yêu?
Xuân đã qua. Em cứ về bên ấy
Váy Ngân Hà loang mặt tiểu hùng tinh
Ở bên này sao Ngưu đứng vậy
Nghẽn hương mùa mắt ướt oà xanh.

Gặp

Em đi liền bên anh
Vào chiều nay sương xuống
Vào chiều nay nắng hanh
Vào xa sau trầm tưởng
Là em từ góc bể
Bỗng gặp anh chân trời
Lồng chăn ấm trăng soi
Đắp bằng kín cõi đau vô tận
Vằng vặc ly thương hai kiếp người.

Giả vờ

Giả vờ chim chích lạc đường
Loáng qua cửa sổ anh từng ngó đêm
Giả vờ hỏi phố không tên
Ðể không ai biết chờ em phố nào
Giả vờ quên bẵng không chào
Ðể không ai thấy mình sao thẫn thờ
Giả vờ chuyện gẫu vu vơ
Như em anh chả bao giờ quen nhau
Giả vờ dao chém không đau
Cái hôm nổi bão gãy cầu vào em.

Giăng sao đi vòng

Giăng sao đi vòng khi mờ khi tỏ
Bài ca ngập ngừng lúc chậm lúc mau
Con mèo thôi trèo cây cau
Lừ đừ mắt xanh, nằm im xó bếp
Giữa xà nhà đàn chuột con chút chít
Vểnh tai nghe ghếch mõm gối lưng nhau
Gà sống trong chuồng nghe tiếng hát cao
Tưởng giời hửng sáng
Vỗ cách đập dồn nhớ bạn mái mơ
Chẫu chuộc nín hơi, cá nép rêu mờ
Đom đóm thiu thiu rễ bèo muốn ngủ
Tiếng hát song song
Những lúa ra đòng
Những ngô dài bắp
Những sấm chuyển về đông
Những chớp dồn về bắc
Ai xa quê hương đêm nay thức giấc
Nghe lời em gái xa xa
Doanh tay bay về ấp mái nhà
Bạc ánh trăng rằm, ngát mùi rơm mới.

Giữ lấy tuổi trẻ

(Thư của người em gái nông thôn hậu phương gửi người anh ngoài tiền tuyến tố cáo tội ác của giặc Pháp bắt phụ nữ làm lính)
Em viết thư cho anh
Trong làng còn lửa đỏ
Tay viết, lòng càng nhớ
Thày, giặc giết năm kia
Tiếng súng bờ sông khuya
Đến nay còn xé ruột
Thù, chưa nguôi chuyện trước
Giặc sắp chết càng hung
Vừa qua, nó đi lùng
Bắt chị em làm lính
Anh có nhớ chị Tính
Tuổi đương độ trăng tròn
Nó lôi tuột lên đồn
Tiêm thuốc cho mất đẻ
Người hiền lành, đẹp khoẻ
Nay ngơ ngác ủ ê
Nhà giam khóa bốn bề
Suốt đêm chị gào thét
Anh có nhớ chị Nguyệt
Hai má lúm đồng tiền
Sắp sửa đi ở riêng
Giặc bắt đem lên quận
Nó hút máu năm bận
Cứu mấy thằng võ quan
Chị lê lết về làng
Mặt xanh như tàu lá
Hiện giờ đang ốm lả
trong tay bà mẹ lòa
Em đến thăm chiều qua
Thấy khó lòng sống được.
Anh có nhớ chị Tước
Thường đánh khăng ngoài đồng
Năm ngoái mới lấy chồng
Nay đến kỳ ở cữ
Giặc bắt chị giữa chợ
Tiêm thuốc cho trụy thai
Rồi đem làm thú vui
cho bọn quỷ khốn nạn
Bắt chị cắt tóc ngắn
Mặc quần áo “khinh quân”
Lôi chị ra giữa sân
Bắt tập bò, tập bắn
Cả mười mấy chị em
Giặc đọa đầy như thế
Cho tuyệt đường sinh đẻ
Nhìn ống thuốc dã man
Nghĩ đến nước đến làng
Đến giống nòi chồng vợ
Hờn căm nghẹn ứ cổ
Nhổ vào mặt kẻ thù
Các chị đều hét to
Tao không đi lính ngụy !
Em thương xót các chị
Như dân làng thương em
Giặc dã man đê hèn
Em kể sao cho hết
Âm mưu giặc rãy chết
Phá xương thịt chúng ta
Diệt con cháu chúng ta
Từ khi còn trong trứng
Vầng đông trời đã hửng
Em hai mươi tuổi tròn
Như lúa lên đòng non
Như hoa cau trước ngõ
Máu em thịt anh đó,
Tóc em xương anh đây
Là của mẹ của thày
Là của làng của nước
Em đặt chông ngõ trước
Em gài mìn lối sau
Với chị em hẹn nhau
Giữ vẹn tròn tuổi trẻ
Mai sau đàn cháu bé
Nhất định sẽ ra đời
Chúng nó sẽ reo cười
khắp quê hương xanh tốt
Nửa đêm em đứng gác
Đồng xa gió giạt giào
Trời khuya lóng lánh sao
Em thấy anh bên cạnh
Cầm súng thép óng ánh
Bóng vươn dài lũy tre
Em với anh hẹn thề
Giữ tuổi xanh anh nhé
Em thấy bóng các chị
Dù bị giặc dày vò
Đôi mắt còn mở to
Nhìn trời sao sáng mãi
Tuổi trẻ quyết giằng lại
Chặt tay lũ súc sinh
Trong ấy bùng đấu tranh
Ngoài này súng lên đạn
Thư em viết không cạn
Lòng căm giận tràn đầy
Anh xuất trận đêm nay
Bao quân thù gục xuống.

Hai ngả

Anh đi về phía không em
Em đi về phía dài thêm bão bùng
Anh đi sắp đến vô cùng
Em đi sắp đến cánh hồng đang rơi
Bảy mươi đứng phía ngoẹn cười
Tám mươi đứng khóe nẻo đời chưa khô
Trăm năm nhào quyện hư vô
Biết đâu em vẫn lửng lơ hát buồn.

Hận Nam Quan

Một đêm giăng mờ lạnh lẽo. Tiếng tiêu nào trên ngàn xa văng vẳng trong sương. Trên một khu rừng gần Ải Nam Quan, chi chít cây cối, có một bóng đen vạch cây, rẽ lá tìm đường.
Gần chỗ ấy, Nguyễn Phi Khanh bị giam trong một cái cũi lớn. Lúc đó đã nửa đêm. Bốn bề tịch mịch. Duy có tiếng tiêu vẫn réo rắt, não nùng. Thỉnh thoảng có tiếng mõ cầm canh xa xa. Hồi lâu, Phi Khanh hơi cử động và ngồi dậy.
Phi Khanh
Đây biên giới hai nước thù đẫm máu;
Đây Nam Quan… con mắt khép tình thâm
Lối qua lại của một loài cuồng khấu
Là Nam Quan… chua xót bóng nghìn năm.
Đây Nam Quan, bốn bề sương lạnh lẽo,
Hồn thuở xưa lay động bóng tinh kỳ
Ai đi sứ nơi quê người lẽo đẽo
Cỏ hoa rừng dâng lệ khóc phân ly?!
Đây Nam Quan, những u hồn thấp thoáng
Đứng đầu non, trông rõi bóng quê hương
Đây Nam Quan, anh hùng xưa lảng vảng
Trỏ sang Tàu, vẽ máu trên đường gươm.
Đây Nam Quan, nơi tướng quân họ Lý
Đuổi quân thù để cứu lấy dân sinh
Lại phóng xá cho giống người tiểu kỷ
Rút binh về, múa tít lưỡi gươm linh
Đây Nam Quan, quân Nguyên rời biển máu
Thoát rừng xương, tơi tả kéo nhau về
Say chiến công, tướng nhà Trần lảo đảo
Nắng chiều hôm rung động ánh gươm thề.
Màu thời gian phất phơ làn khói biếc
Bóng người xưa lồng lộng tít trời xanh
Đến bây giờ Thăng Long nằm đợi chết
Đau lòng ta tiếng gọi dưới trăng thanh
Nước phá, nhà tan, muôn dân u uất!
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?
Mấy cha con như thần vụt tắt,
Đường xa xôi, huyết lệ chảy về đâu?
(Nguyễn Trãi đi đến, nép vào một bụi cây, lắng nghe)
Trãi
Góc trời Nam, ánh sao thần vụt tắt,
Thành Thăng Long nghi ngút chuyện thương đau
Phụ thân ôi! Chiến bào đầy nước mắt,
Biết bao giờ lau sạch máu trên đầu?!
Phi Khanh
Ai?
Trãi
Thưa phụ thân, con, đây Nguyễn Trãi!
Phi Khanh
Kìa, đêm khuya sao lại đến tìm cha?
Trãi
Đêm giá lạnh, quân canh vì trễ nải
Con băng rừng, tìm nẻo đến thăm cha.
Phi Khanh
Đây là chốn ải địa đầu nước Việt
Khắc trong lòng ghi nhớ hận Nam Quan
Bao năm trời nằm sương và gối tuyết
Cha hằng mong thiên hạ được bình an
Bên đất khách khi đến giờ nhắm mắt
Cha sẽ cầu con trả được thù chung
Ngày mai đây, tấm thân tàn sẽ mất
Nhưng linh hồn bay lại với non sông
Con về đi! Cha yên tâm chịu khổ!
Con về đi! Đúc thép chống giang san
Cha tin chắc đường gươm nơi đất Tổ
Sẽ có ngày sáng chói những vinh quang
Con về đi!
Trãi
Thưa cha đau đớn lắm,
Nỗi chia lìa tê buốt bóng trăng xa
Như thân con có quản gì bụi lấm
Xin theo hầu thân phụ đến Trung Hoa,
Để cùng cha, một mai cùng biết chết,
Cùng hai anh chia xẻ nỗi đau buồn.
Phi Khanh
A! Nguyễn Trãi! Hãy dẹp tình thảm thiết
Trông đằng sau: xương máu ngập giang sơn
Cha sinh con, nghĩa là gây sức mạnh
Cha nuôi con, là hy vọng về sau
Đến ngày nay, giữa đường cha đứt gánh
Thì con ôi! Tung kiếm cho quên sầu!
Con về đi! Cha vui lòng vĩnh biệt
Con về đi! Rửa nhục cho non sông
Con phải nhớ: con là dòng tuấn kiệt,
Trong người con cuồn cuộn máu anh hùng
Trãi
Nhưng bên trời, cha cùng anh tắm máu
Con lòng nào yên sống giữa quê hương
Ôi! Ðại Việt! vào tay loài thảo khấu,
Khói nghìn năm thoi thóp trên sa trường
Khắp non sông vừa tàn cơn ác mộng
Tình yên vui, trăm họ nén đau thương
Ai đồng chí trong đám người ham sống
Trên kinh thành lơ lửng một thanh gươm!
Kìa nghìn dặm trên đường về thui thủi
Lưới quân Minh căng đợi khách giang hồ
Một mãnh hổ chống sao đàn chó sói
Thân tan tành bêu máu chợ Kinh Đô
Con xin cha, cho con theo bóng áo,
Cùng ôm nhau, cùng chết dưới gươm thù
Không tận trung, thôi đành con tận hiếu,
Kiếp này mong khỏi thẹn với nghìn thu
Phi Khanh
Không thể được! Định sang Tàu chết nhục
Làm con ma uất hận giữa quê người!
Con hèn quá, con làm cha tủi cực,
Thôi! Mong gì báo đáp một ngày mai!
Giống Đại Việt không bao giờ hèn yếu,
Tự nghìn xưa ngẩng mặt lên trời cao
Ôi! Kiêu hãnh là những trang niên thiếu
Tự nghìn xưa không nhụt chí anh hào!
Gái cùng trai trên non sông gấm vóc
Đã thêu bằng huyết lệ, bằng gươm đao
Những trang sử đẹp như vàng với ngọc
Bóng muôn đời không thẹn với trăng sao!
Con là trai mà không bằng nhi nữ
Cha sinh con hổ thẹn với trời xanh
Mong chết uổng chỉ là người uý tử
Sống bẽ bàng thêm tủi mặt tài danh.
Người trượng phu nên tìm đường mà chết
Chết làm sao vang động khắp nghìn phương
Chết làm sao cho kẻ thù tiêu diệt!
Chết làm sao mà vạn thuở nhớ thương!
Kìa cái cchết bậc anh thư ngày trước
Muôn nghìn năm quốc sử ngát trầm hương
Con hãy trả xong thù nhà nợ nước,
Muốn theo cha thì chết trên sa trường!
Trãi
(mơ màng nhìn về phía xa)
Ôi! Bóng quê hương ngả nắng chiều
Những mùa thu cũ gợi thương yêu
Mái tranh xơ xác, thềm giăng lạnh
Sân mốc, vườn hoang, gió tịch liêu
Tre xanh san sát chuyện gươm đao
Đứng rũ tà huy nhuốm máu đào
Thép rỉ buồn tênh lời sắt đá,
Gươm cùn tựa nguyệt giấc chiêm bao
Chí khí phai dần trên kỷ niệm
Như đường tơ nhạt nếp thời gian
Bao giờ dứt lệ quên đau khổ
Tung kiếm nghìn thu quét bạo tàn.
Phi Khanh
Con yêu quý! Chớ xuôi lòng mềm yếu
Gác tình riêng, vỗ cánh trở về Nam!
Con về đi! Tận trung là tận hiếu
Đem gươm mài bóng nguyệt dưới khăn tang
Nếu trời muốn cho nước ta tiêu diệt
Thì lưới thù sẽ úp xuống đầu xanh
Không bao giờ! Không bao giờ con chết
Về ngay đi rồi chí toại công thành!
Nghĩ đến cha một phương trời ảm đạm
Thì nghiến răng vung kiếm quét quân thù
Trãi con ơi! Tương lai đầy ánh sáng
Cha đứng đây trông suốt được nghìn thu.
Trãi
(quỳ lạy)
Cha nói đến tương lai đầy ánh sáng
Khiến lòng con bừng tỉnh một cơn mê
Quỳ lạy cha, cha lên đường ảm đạm
Rời Nam Quan, theo gió, con bay về.
Phi Khanh
Ôi! Sung sướng, trời sao chưa nỡ tắt
Về ngay đi! Ghi nhớ hận Nam Quan
Bên Kim Lăng, cho đến ngày nhắm mắt
Cha nguyện cầu con lấy lại giang san.
Trãi
Hận Nam Quan, biết bao giờ phai nhạt,
Biết bao giờ cạn lệ khóc cha già
Lúc vĩnh biệt thật trăm nghìn chua xót!
Phi Khanh
Kìa con trông: nắng hé chân trời xa.
Trãi
Chân trời xa!
Phi Khanh
Về ngay đi Nguyễn Trãi
Nâng gươm thề, đem quốc sử mà soi.
Trãi
Đã đến giờ con lìa xa quan ải,
Kể từ nay Nam Bắc cách đôi nơi.
P
hi Khanh
Đêm sắp cạn, về ngay đi Nguyễn Trãi,
Nhớ Nam Quan là vết máu trên đầu.
Trãi
Đêm Nam Quan là con dao hai lưỡi,
Trích lòng con thành một vết thương sâu
Trông phía Bắc thì xót thương dòng máu
Ngó về Nam thì tan tác gia hương
Càng thảm khốc, càng bền gan chiến đấu
Bụi hồng bay, quay tít một thanh gươm
Giống nòi ấy, nghe lời oanh liệt cũ
Sẽ vùng lên như trận gió điên cuồng!
Hỡi quân Minh! Sao không nhìn lịch sử
Mà vội vàng ngạo nghễ xuống Nam phương?
Hãy chờ đấy mà nếm mùi thất bại,
Tàn ác đi rồi trả nợ về sau!
Hãy chờ đấy, trông sao thần sáng chói,
Trong trần ai, ai dễ biết ai đâu!
Một ngày mai con tung gươm cất cánh
Trời quê hương rực lửa những đêm thiêng
Cha phù hộ cho con tròn sứ mệnh
Bại hay thành là theo lệnh Hoàng Thiên
Một ngày mai, khi Trãi này khởi nghĩa,
Kéo cờ lên, phấp phới linh hồn cha
Gạt nước mắt, con nguyện cầu cùng thiên địa,
Một ngày mai, con lấy lại sơn hà.
Phi Khanh
Máu anh hùng! Trôi đi mà rửa nhục,
Kìa con trông: nắng nhuộm chân trời xa.
Trãi
Con xin về, mài gươm chờ báo phục.
Phi Khanh
Cha mỉm cười nhắm mắt bên Trung Hoa.
Trãi
Tình phụ tử chia lìa, ai nín khóc
Bóng đêm tàn cay đắng tấm lòng con!
Trời thẳm xa, đoạt mất quyền hoạ phúc.
Phi Khanh
Kìa con trông: nắng xoã trên đầu non
Trãi
Trên ngọn núi, nắng phơi màu hy vọng
Con biết rồi, bóng dáng của nghìn xưa
Con hiểu rồi, linh hồn cha cao rộng
Sẽ bay về theo lớp gió mây đưa
Tiếng chim ca vang lừng, sao mãnh liệt!
Gió bình minh phơi phới tuổi thanh xuân
(lùi dần vào các khóm cây)
Kính chúc cha lên đường sang cõi chết,
Vui từ nay cho đến lúc ly trần.

Hình rêu bóng nhớ

Gửi người vợ đã xa quê hương
Cả Thái Bình Dương là giọt lệ
Một người đi biệt một hành tinh
Em mất quê rồi, anh mất em
Vừa khi tóc trắng rụng bên thềm
Hôm nao chợt thấy làn rêu lạ
In đẫm hình em vách láng giềng
Lưới nhện giăng tơ bờ kỷ niệm
Tấm voan che nửa mặt phù du
Chiều chiều anh đứng nhìn rêu đá
Thương vóc em gầy xiêu dốc mưa
Nhện bỗng đi đâu quá nửa ngày
Gió cuồng si quét mạng tơ bay
Hình em chuyển dáng rêu di động
Em đã thành ra một gốc cây
Anh cứ ôm cây đứng đợi chờ
Gió hoà mưa thuận quấn rêu tơ
Chờ em óng ả xôn xao hiện
Gỡ mạng che thân lưới nhện hờ
Bảy sắc mưa chìm đợi bão tan
Bao giờ rêu xoá ngấn thời gian
Gò cao má ửng đùa thiên mệnh
Em có về không? – Hỡi tiếng vang!

Hoa gạo đầu đình

Hoa gạo đầu đình vẫy mãi người xa quê
Vì đâu anh đi không về
Chiếu vua lấy nhà
Quan làng lấy ruộng
Áo anh viền năm tà
Rách từ vai rách xuống
Khăn gói lúc chia li
Mang nặng trăm sông nghìn núi
Buộc chặt tình người quê hương thui thủi
Một nắm cơm tròn
Đường xa ăn chẳng biết ngon
Tiếng anh hát theo em vào bếp
Lửa bùng lên thoáng mặt anh cười
Trong tiếng rơm khô nghe vẳng một lời
Nghèo đói phải xa quê
Nuôi tóc đợi anh về
Tiếng hát theo em đi vớt bèo
Em vớt được mấy chùm sao sáng
Vớt đôi con mắt nhìn theo
Tiếng hát theo em đêm về xay lúc
Cối xoay tròn biết thuở nào xong
Tai cối đuổi nhau mãi mãi
Biết bao giờ nên vợ nên chồng?

Hội yếm bay

Yếm hãm xuân tình em hé đôi
Ngồi bên Liễu Hạnh nhếch môi cười
Em phải quỳ run xe tóc lạnh
Từ nay giải yếm cấm buông lơi
Buồn pha lê thiên hư đổ vỡ
Trời phạt may ra hiểu lẽ người
Chị Liễu liều ném tan chén ngọc
Mù xanh thủng đáy chúa tiên rơi
Còn em đày xuống làm thi nữ
Tay trói chân cùm chợt biết vui
Bỗng có đêm vàng yêu mải miết
Biết đâu là đất nhớ đâu trời
Tinh mơ chợt thấy trần như lá
Ngợp chớp toàn thân những mắt người
Vội tìm chiếc yếm vua cha dặn
Định dấu bầu men lánh nẻo xa
Ngất núi ô kìa anh vỗ nhịp
Bay cờ triệu yếm ríu ran ca
Ngũ sắc chen nhau cầu lễ hội
Nuột nà cởi bỏ áo hoa khôi
Em không buộc thắt lưng thon nữa
Thả búp tròn căng nuột ấy… ơi!
Nguồn sống tuôn thơm nhựa ứa đầy
Một chiều khổ cực bốn chiều say
Đã phanh yếm mỏng thì quăng hết
Những nếp xiêm hờ giả bộ ngây
Hương ngát em lồng kín cõi anh
Yếm đào trút lại phía vô linh
Đung đưa gác lửng nghênh xuân ấy
Đôi núm hồng em nở hết mình.

Hứa

Anh hứa rất nhiều
Anh cho em cả trời mây trái đất
Bệnh em cần một giọt nước mắt
Anh vội vàng đi hái thuốc tiên
Lên rừng xuống biển
Mặt lo toan nắng võ ưu phiền
Bơ phờ tóc héo
Vì yêu em
Hay vì chưa biết em.

In dấu chân

(Truyện người tù vượt ngục Sơn La và cô lái đò ở một bến sông miền trung du, năm Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời – 1930)
Người tù vượt ngục:
Sông gió khuya, bờ lau run tiếng gà,
Tuần canh điếm xa nôn nao tù và
Một ngôi sao nhòa rung rinh chợt khóc
Rớt xuống lòng sông
Cô người đâu ta
Thuyền ai nằm im khóm tre xoã tóc
Có sang ngang đưa người về thôn xa
Cô lái đò:
Thuyền tôi nằm im. Tóc tôi bỏ xoã
Bến sông này quan đã cấm sang ngang.
Quan bảo loạn từ đâu về thôn dã.
Nghe, chân trời đen: trống vỗ ầm vang.
Người tù vượt ngục:
Đêm đáng sợ, sao cô còn đứng lặng
Áo rách tà phần phật mách tin ai
Tôi chợt nghe nước mắt rơi nằng nặng
Hay đá lăn từ núi nhọn xuống sông dài
Cô lái đò:
Sóng kêu to lấp tiếng người thét gọi
Chồng tôi đi, đoàn tù rạc Sơn La
Tôi đứng mãi đây. Phương trời nhức nhối
Răng chồng tôi răng rắc khóm tre già
Người có thấy bao giờ vuông vải đỏ
Sớm tinh mơ bay phất nóc lều tranh
Bay mãi đi cuối trời xa rực lửa
Cháy ngục tù, nuôi mãi tóc đang xanh
Người có thấy bao nhiêu tờ giấy mỏng
Gieo từng lời sắt đá tới quê tôi
Mực đã khô bao nhiêu dòng máu đọng
Vò nuốt đi, ngực lép đã căng rồi
Đôi vú căng soi người đi biệt xứ
Làm dây đu bền chắc dẻo tay chồng
Vút cao lên ! Đây là hai núi sữa
Ngậm đau nhiều, phun trắng muốt nghìn sông
Tôi đứng đây sắp chìm trong vũng cát
Thuyền chông chênh kẽo kẹt mọt nhai ròn
Người là ai ? Giầu sang đi hóng mát
Hay đói nghèo đi bẻ trộm ngô non
Người tù vượt ngục:
Tôi, con đẻ của dân nghèo nước Việt
Cắt đứt dây thuôn lưỡi, lưỡi còn đau.
Tôi lại thấm dòng máu tươi Xô viết
Vô sản trồi lên lừng lững địa cầu
Vẫy cờ đỏ, bơi trong vừng trán rộng
Của Lênin, tay vịn nếp răn sâu
Như vịn chắc mái chèo khua biển động
Tìm tương lai lanh lánh hạt trân châu.
Dòng sông sữa đêm nay quan lấp bến.
Cô còn đau. Lau sậy nín hơi chờ
Giá có người tù Sơn La chợt đến
đòi sang ngang, thuyền có tỉnh cơn mơ
Cô lái đò:
Tù xa lắm, có về sao bến đẹp
Ngày được tha tóc trắng lại hơn bông
Vú sẽ cạn. Ngực tôi đành lép kẹp
Áo hở lườn, xương trắng lại hơn sông.
Người vượt ngục
Cô lại gần, nhờ ánh sao đằng trước
Nhìn mặt tôi lỗ chỗ vết dùi nung
Nhìn tay tôi xích lằn xương tím buốt
Rừng Sơn La chi chít tóc bòng bong
Tiếng trống đuổi từ núi cao xuống biển
Tù và xua dồn lưới khắp bờ đê
Nghìn nhánh sông đẩy thuyền quan cập bến
Lưới dăng đầy, không hở một cành tre
Tôi chẳng phải người chồng đu vú sữa
Tay đau nhừ không víu được đầu non
Về bên kia : xóm làng xưa thương nhớ
Mắt người em đen láy mở to tròn
Có mẹ già nghiến hàm răng sứt mẻ
Cắn rách tung nghìn mắt lưới bao vây
Chắp cánh rộng cho bàn tay nứt nẻ
Tôi thành chim, vĩnh biệt kiếp tù đày
Chim mỏ thép, cựa đồng bay bốn cõi
Mổ vỡ toang nghìn cửa ngục sắt dày
Ở nơi đâu con người còn chịu trói
Còn chịu quỳ, tôi đạp xích tung dây.
Người có thành chim ngất trời bay lượn
Sông mới thành sông sữa cô hằng mong
Lửa mới ngoạm nhà tù, và đất ruộng
Mới giồng đu, bổng tít cánh tay chồng.
Cô lái đò:
Chồng tôi đâu. Một trời sao lặng khóc
Tôi van người, cho được nắm bàn tay
Xoa vết sẹo, và lách vào rừng tóc
Nghe chồng tôi thở nhẹ một đêm nay
Thuyền đã tháo dây, mời người bước xuống
Trống làng bên đuổi gấp chiếc thuyền thoi
Tôi dướn mình trên mặt sông gió cuốn
Tiếng tù và chìm lịm dưới chèo bơi.
Kẻ đuổi bắt lênh nghênh trèo vai vợ
Dẫm mồ cha, xéo nát ngực đàn con
Đuổi bắt người, răng bập sâu tiền của
Đầu chó săn trùm mũ áo vàng son.
Nó phi ngựa, phóng xe, đè ngọn gió
đến bờ sông, cát bỏng sẽ chôn vùi
Sông nước này đâu phải là của nó
Mái chèo nhanh, – tiếng đập trái tim tôi
Người tù vượt ngục:
Đến đây rồi ! Đã thấy bờ cát trắng
Cô lái đò:
Chèo buông rồi. Tim ngừng đập phút giây
Ôi ! một chuyến đò ngang, lòng chở nặng
Những buồn đau tủi cực kẻ đi đày.
Người tù vượt ngục:
Gà gáy sáng. Chân trời chưa hửng nắng
Trống đồn canh thoi thóp bên kia sông
Thuyền nhẹ rồi ! Đã vơi cay đắng
Khuôn mặt bềnh bông, nước mắt ròng
Cô hãy khóc cho sông dềnh quá bãi
Chùi cát khô xoá sạch dấu chân này
Tôi sẽ đi đường cỏ xanh xanh mãi
Lúa bên đồng nghiêng đón bạn về đây
Cô lái đò:
Làm thế nào biết người đi đâu đó
Mà gửi theo đôi mắt đựng đêm sao
Mà gửi theo cả dòng sông trắng sữa
Nuôi chí người vùng vẫy rạng trời cao
Người tù vượt ngục:
Tôi sẽ đến nơi nào còn nước mắt
Còn tiếng kêu, còn máu nghẹn trong lòng
Tôi sẽ đến bên mồ người oan khuất
Những bộ xương xám ngoẹt ngóc đầu trông
Tôi sẽ đến nơi nào cây chẳng mọc
Đá ngậm hờn, sông trói khuỷu nằm yên
Tôi sẽ đến những ban thờ tang tóc
Xác chết khô còn cũi đóng gông chèn
Ngày sụp đổ những ngai vàng đất thó
Một lá cờ nhỏ bé vụt bay lên
Một cánh chim liệng khắp trời khói lửa
Trùm núi sông màu hạnh phúc lâu bền
Tù Sơn La tù Côn Lôn Lao Bảo
Cũng như tù trong góc ruộng cỏn con
Tù trang sách, chữ đen ngòm vênh váo
Cũng như tù óc lụi trái tim mòn
Tù phố hẹp tù dòng sông nước cạn
Tù hầm đen tù gác tía điểm tô
Sẽ phá hết ! – Trời tự do vô hạn
Tôi khát thèm hơn gái đẹp xuân tơ
Là sứ giả của tự do vô hạn
Tôi phá tan u uất nặng lòng người
Dù sợi tóc còn cứa vào nhân phẩm
Tôi còn hét to, dù khản tiếng tàn hơi
Cô lái đò:
Tôi sẽ khóc cho sông dềnh quá bãi
Chùi cát khô xoá sạch vết chân người
Bước chân tự do vang lừng bước mãi
Trong lòng tôi thình thịch trống liên hồi.
*
Người tù vượt ngục đi rồi
Dấu chân trên cát sóng chùi không tan
Bình minh cát rực tia vàng
Dấu chân tăm tắp lấp ngàn cỏ xa
Cô lái nhìn dấu chân trên cát nõn
Bàng hoàng nghe đau nhức bước chân chồng
Cô rón rén đặt bàn chân vừa gọn
Lồng bước đi trùng điệp rẻo bờ sông
Không thụ thai như người trong chuyện cũ
Cũng nghe mình rạo rực máu trào sôi
In dấu chân đã bước vào gai lửa
Cô cắn răng tay bám chắc chân trời.
Ngoảnh nhìn lại dòng sông quằn máu đỏ
Chớp loè mây đen nghịt thốc theo sau
Khuôn mặt bừng lên tóc ào ào quất gió
Mắt đọng trời xanh. Sấm động trên đầu…

Khi em đi xa

Khi em đi chưa mưa
Mới thấy mình vô lí
Sao dám gửi đăng thơ
Lên trang chiều ủy mị
Khi em đi mưa rơi
Lại thấy mình có lí
Vì phút giây bồi hồi
Biết nhìn sau giọt lụy
Khi em đi xa quê
Mới hiểu lòng ngõ vắng
Nghe bánh xe nặng nề
Nghiến phương mây thầm lặng
Khi em đi mịt mùng
Lại thấy mình bão táp
Đặt câu hỏi cuối cùng
Bao giờ em giải đáp
Bao giờ em có chồng ?

Khi mùa xuân đến

Khi mùa xuân đến mắt em
Bỗng dưng biển sóng trào lên ngang trời
Dâng theo cả chín trận cười
Đậu chênh vênh bến mi dài rợp xanh
Khi mùa xuân đến mắt anh
Chon von dòng tóc
…………….em thành sông xa
Bên này sông
…………đỏ phù sa
Bên kia sông
………trắng nhập nhòa khói sương
Em thường khấn nguyện
……………….mười phương
Mà quên cánh gió
…………….dân đường xuân đi
Đến nơi em cát khô lì
Gọi em em mải miết gì không thưa
Đến nơi anh ứa dòng mưa
Gạn trăm bến đục
Xuân chờ trong em.

Khi mùa xuân trở về

Khi mùa xuân trở về
Tiếng hát bốc lên đầu ngọn cỏ
Có những bài ca dao
Bao nhiêu năm lặng câm nằm ngủ
Trong lòng mẹ nghèo
Gặp đêm nay con gái chớm yêu
Bài ca thức giấc
Nhập vào miệng con
Một nụ hồng non
xòe nở
Tuổi già chưa phai mặt trăng tròn
Đã soi đêm cũ rằm xưa
Tuổi già mượn tấm lòng con
Hát lại tình yêu xa lắm
“Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ qua cầu gió bay”
Mẹ xưa dối bà, con nay dối mẹ
Tình không dối được nhịp cầu.

Khóc anh Lê Lương

Hỡi người cảm tử Lê Lương
Nà U sầm tối còn vương máu hồng
“Anh ơi tỉnh lại, em đây mà
Em khóc vì lòng em xót xa
“Đây khẩu liên thanh em cướp được”
“Anh ơi tỉnh lại ngó nhìn qua”
Lê Lương mở mắt nhìn không chớp
Khẩu súng quân thù máu đỏ vương
Anh nói: “Việt Nam… Hồ Chủ Tịch”
Rồi anh tắt thở giữa đêm sương
Hỡi người tử sĩ Lê Lương
Nà U phảng phất trầm hương nghìn đời
Có một chiều kia dưới mái gianh
Cụ Hồ bỗng nhận được tin anh
“Lê Lương đã chết”… hai hàng lệ
Ướt má Cha già, thấm áo xanh
Rồi một chiều xa khắp bốn phương
Tin buồn đưa đến lạnh như sương
Những người chiến đấu cho nòi giống
Bỗng khóc òa lên nỗi tiếc thương
Anh Lê Lương, anh hỡi Lê Lương
Núi sông nghi ngút trầm hương ngàn đời
Anh Lê Lương!
Anh gửi hồn thiêng đi bốn phương
Chia ra ngàn vạn mảnh phi thường
Nhập vào muôn vạn hồn trai trẻ
Để bốc lên cùng với máu xương
Đất Việt từ nay anh khuất bóng
Nhưng còn muôn vạn bóng Lê Lương
Những chàng trai trẻ là anh đó
Rầm rập tung cao bụi chiến trường
Rồi cũng như anh quyết tiến lên
Tơi bời thịt rụng máu triền miên
Lửa hờn dân tộc thiêu hồn giặc
Rừng thẳm quay cuồng núi đảo điên
Rồi cũng như anh máu chảy ròng
Chết vì Tổ quốc nhẹ như không
Chúng em chết hết mà không chết
Vì sống muôn đời với núi sông.

Trên đây, chúng tôi đã cập nhật và chia sẻ đến quý độc giả những trang thơ hấp dẫn và đầy ấn tượng của nhà thơ Hoàng Cầm. Hãy cùng nhau cảm nhận ngòi bút tài hoa của ông nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Xem Thêm: Nhà thơ Hoàng Cầm cùng những trang thơ ấn tượng nhất phần 1