Nhà thơ Đỗ Trung Quân và tuyển tập thơ hay đặc sắc nhất phần cuối

Đỗ Trung Quân là một nhà thơ nổi tiếng với nhiều ca khúc đã được đông đảo bạn đọc yêu thích. Bởi qua các bài thơ này ta có thể cảm nhận được sự chân thành và giản dị. Dưới đây là những bài thơ hay độc đáo của Đỗ Trung Quân mà chúng tôi đã chọn lọc và muốn chia sẻ với bạn.

Thu với lại đông… kệ bà nó!

trời lạnh bởi vì nó áp thấp
thu thiếc con khỉ khô!

ta làm thơ đã đủ lâu để ngu
làm nữa có mà phát rồ!

sài gòn lạnh có đứa la toáng
đứa la mùa thu — đứa la mùa đông

ta nói mùa gì cũng mặc xác nó
ai còn chai rượu nào không?

Thư cho chị

1-
một cách cố ý
em để lại
những mẩu thuốc lá khắp nơi
trong vườn
trên lối sỏi viền quanh nhà mình
trên ô cỏ vuông
xén gọn gàng…

2-
một cách cố ý
em giữ thói quen kém văn minh
nơi xứ sở được xem rất văn minh:
ném tàn thuốc bừa bãi

3-
kệ! cứ giữ nguyên thói xấu ấy
như mùi bụi bặm
mùi phèn
em mang từ đồng ruộng nghìn đời sang
thăm chị
rồi về…

4-
những mẩu thuốc lá để lại
chỉ để
mỗi sớm, mỗi chiều chị ra vườn
tưới hoa, dọn cỏ
nhặt và mắng:
“cái thằng quân!…”

5-
thế là chị phải mắng và nhắc tên em
đấy là cách duy nhất
em
có thể

Thư gửi các thiên thần

Thưa các thiên thần bé nhỏ
tôi gặp sáng nay trên những con đường có hàng me xanh ngắt
những hàng me đã đi vào vô số nhạc và thơ
tôi xin tự giới thiệu
tôi – một người đã lớn
kẻ suốt đời đi tình tuổi thơ đã mất
tìm suốt đời vẫn hoài không gặp
tìm không gặp vẫn không được khóc
bởi vì tôi đã là người lớn rồi
người lớn khóc là một điều xấu hổ
Thưa các thiên thần bé nhỏ
đang đuổi theo những chiếc lá me lăn tăn ngoài phố
khăn quàng bay như màu lửa
À không !
tôi xin lỗi
khăn quàng đẹp như đuôi chú cá phướng trong chiếc lọ thuỷ tinh ở nhà
Sau trò chơi rượt đuổi
lại xếp hàng đôi – hàng ba
đi vào xem… máy chém
đi vào nơi trưng bày những chiếc lọ thuỷ tinh không có con cá phướng
chỉ bềnh bồng trôi – những xác người
những xác người ghê rợn
nhăn nhúm…
co quắp…
Thưa những người lớn đang làm nhà dìu dắt
có ai đi mua đồ chơi là chiếc máy chém tặng sinh nhật con mình?
Có ai tặng cho cô bé lên mười xinh xắn
những xác người ngâm trong lọ thuỷ tinh?
Thưa những người lớn đang hào hứng thuyết minh
đố quý vị đêm nay sẽ có bao thiên thần trong giấc ngủ giật mình
trong giấc mơ
ôm mặt khóc
với những giấc mơ đầy máu và xác người.
Đố quý vị đêm nay có bao nhiêu vì sao trên trời
những đám mây cầu vồng
những chú gấu bông
Bảy chú lùn và nàng Bạch Tuyết
Những bà tiên diu hiền trong cổ tích
lang thang trên trời
không xuống được cùng với giấc mơ trẻ nhỏ
Đố quý vị đêm nay có bao nhiêu hoa cỏ
rũ buồn
vì chờ mãi trong sân chơi chẳng có trẻ con nào tìm đến
vì những người lớn dắt đi xem máy chém
& mìn Claymore
lựu đạn
& nhà tù.
Tuổi thơ tôi là sa mạc hoang vu
những giấc mộng kinh hoàng
những mái nhà bốc lửa
chiến tranh đi qua đó
tuổi thơ đi đâu rồi?
Xin hãy giúp những thiên thần lên năm, lên mười hôm nay,
tất cả đều giống như cô bé Maika hỏi mãi một câu không có lời giải đáp
tội ác là gì?
cái chết là gì?
chiến tranh là gì?
Hãy giật mình khi trẻ thơ thắc mắc

máy chém
để làm chi?

Thương nhớ hoa đào

Sài Gòn không mưa bụi
mùa đông hay mùa xuân
phố dài lên áo ấm
khói lên chiều cuối năm

cành lan nào năm ngoái
em gửi trước sân nhà
lạnh rồi – hoa chớm nụ
em có về thăm ta?

em có về phơi áo
dây mướp đỏ hoa vàng
em có về gội tóc
giếng ta còn xanh trong

em có về mở cổng
gom lá cũ trong vườn
kịp cùng ta đốt lửa
hong tay vào khói sương

em có về – tiếng guốc
(dù đã quên lâu rồi)
khuya ngoài thềm gọi nhé
với riêng lòng ta thôi

em hiểu lòng ta với
còn thương nhớ hoa đào
em hãy về – áo đỏ
như Nguyên đán hôm nào

Sài Gòn không mưa bụi
mùa đông hay mùa xuân
em có là chim sẻ
tha mây về cuối năm?

Trả lời một cái mail mở vội bên bờ hồ Xuân Hương Đà Lạt

… tôi vừa đi bộ trong sương mù
mùi sương mỹ đặc biệt không có tên
những ngọn đèn vàng “không người lái`”
xô đẩy nhau

tôi hát bài “như có bác…”
điệp khúc có hơi khác —
giọng run run của người già:

hồng ơi! bồ lấy tui!
hồng ơi! bồ lấy tùi!

hồng ơi! bồ cứu tui!
hồng ơi! bồ cứu tùi!

hát mấy lần, hát nhỏ dần
cho hết đoạn đường phải đi — rồi tắt

tôi ở cách đó nửa vòng trái đất
cũng vừa đi bộ không sương mù
đi xuống đi lên
“mùi sương không đặc biệt” vẫn phịa được tên
mùi không sương — mùi tảo[] chết xanh lè mặt hồ tanh mất hồn dalat không hoàng nguyên[*]
dalat không huang-shiem
dalat không bêrê không khăn quàng

có cặp tình nhân vài chục năm sau lom khom về thăm
toàn kể chuyện cũ rich:

hồi xưa tui ở nhà này
hồi xưa anh ấy thường đứng đây
hồi xưa dalat nhiều mây
hồi xưa dalat đầy khói
dalat bến xe
ly cà phê
sáng sớm

cặp tình nhân hát điệp khúc của mình
của mình tất nhiên hơi khác:

giọng nam:
trời ơi! hồ quá tanh!
trời ơi! hồ quá xành!

giọng nữ:
hồi xưa! bồ tán nhanh!
hồi nay! bồ đứt phành!

cứ hát như thế
hát lai rai
hát hoài không dứt

Trắng

Mẹ ta tro bụi trên sông
Xuôi bèo hoa nẻo hư không mẹ về
Chiều hoa trắng rợn bốn bề
Trần gian thêm một kẻ về – mồ côi
Từ đây chỗ mẹ ta ngồi
Mây như tóc trắng
rối bời
mây qua

Trong mưa có cháy…

1-
sáng nay mưa
cũng như hôm qua mưa
vậy thôi….
anh vừa đi vừa hỏi
em có đủ sức yêu một ai đó không?
em có đủ sức đón bão không? nhưng những điều ấy lớn lao quá
anh hỏi những điều nho nhỏ vậy:
-em có đủ sức không bỏ chạy trước anh không?
-em có đủ sức không bối rối trước anh không?
-em có đủ sức khóc trên vai anh khi muốn không?
-em có đủ sức không run chân trước những lời đồn thổi
-có thật và không có thật từ anh không?
…nhưng ca ngợi lẫn nguyền rủa?
-em có đủ sức sống trong sợ hãi không?

2-
nếu không…
anh báo trước
đừng có nghịch lửa
cất cái zippo đi
tránh xa cây xăng
và tránh xa anh
trước khi quá muộn.
sáng nay mưa
như hôm qua mưa
trong mưa có gió
trong mưa có ướt

trong mưa có cháy
cẩn thận em…

Tưởng tượng

Hãy tưởng tượng…
sớm mai thức dậy chỉ còn lại một mình
những thân quen chẳng còn ai cả
chùm hoa mua về không cho ai
nằm buồn thiu trong túi áo
hãy tưởng tượng…
chiều cuối năm chỉ có một mình
cùng lá rụng
con đường hun hút buồn tênh
nghe bài hát quen không có ai để nhìn nhau gật đầu
ly cà phê lơ đãng
quên bỏ đường
cái đắng không ở trên môi
cái đắng trong nỗi niềm không bày tỏ được
hãy tưởng tượng…
chân quen nỗi buồn về thăm
ngõ quen chỉ còn là ngõ cũ
núm chuông nhỏ ngủ yên trên cửa
không còn dấu tay người
hãy tưởng tượng một ngày
ngước mặt nhìn trời gặp một chuyến bay
những chuyến bay chở sự sum họp của người này
nhưng chia li của người khác
lòng không dưng sợ hãi cả bầu trời
hãy tưởng tượng…
chiếc ghế quen ngồi
căn phòng quen đến
có một ngày người quen thôi đến
bụi thời gian thầm lặng
hơn cả nỗi lặng thầm
hãy tưởng tượng đi thôi
ngày đã cuối năm
trời đã cuối năm
gió đã cuối năm
ngõ đã chớm mùa xuân
giậu đã chớm vàng hoa cúc
hãy tưởng tượng đi thôi
thời gian đã hết
em sẽ thấy niềm vui của anh
niềm vui có thể làm ta hét lên
có thể làm khóc được
khi mở mắt ra- mọi điều tưởng tượng
tất cả đều chỉ là tưởng tượng
thế thôi…

Vàng thu cũng tiết…

ta gắn cho cây
khế đang hoa tím vòng dây trắng này
gắn cho con cún lạc bầy
tháng rồi mẹ nó treo ngoài quán kia
gắn cho tình nhỏ nhu mì
một bông hoa để đừng đi lạc đường
mưa dài tháng bảy hơi buồn
vàng thu cũng tiết cô hồn đó em…
buồn theo nhang khói buồn lên…

Viết giữa mùa hè

Những ngày em đi vắng
Mùa hạ bỗng dài thêm
Những cơn mưa chiều tưởng chừng không bao giờ chấm dứt
Anh mang về nhà chùm hoa mùa hè cháy rực
Nhờ thắp sáng hộ căn phòng
Những ngày em đi vắng
Anh nấu nồi cơm không ra hồn
Đành đến ăn nhờ nhà bạn
Anh ăn cơm ngoài chợ một mình
(Tự do có nỗi buồn của riêng nó)
Những ngày em đi vắng
Anh không biết làm gì
Đành đến gõ cửa nhà người bạn gái ngày xưa
Ôm đàn nghêu ngao vài bài ca ngày cũ
Uống cà phê và nằm dài trên ghế bố kể chuyện cổ tích cho lũ trẻ con nàng
Những đứa trẻ có khuôn mặt thiên thần hệt như mẹ chúng thời còn đi học

Những ngày em đi vắng
Có con nhện giăng tơ ngoài ô cửa vắng người
Có con thằn lằn đuổi nhau trên chiếc bàn vắng người
Chỉ riêng chùm hoa mùa hè lẻ loi
Thắp sáng giùm anh một nỗi nhớ không nguôi

Vọng âm

Gã bạn thân đi xa
Người bạn gái ở nhà đau ốm
Lũ bạn quen ồn ào như quạ
Vắng bặt áo cơm
Còn ta nằm không
Đưa võng ngó trời
Đôi khi không buồn không vui
Không nhớ ai, không giận ai
Chỉ thấy sống là khó
Sống tử tế
Càng khó

Thì làm một việc gì đó
Sơn lại chiếc ghế cũ
Phủ màu lên kiêu hãnh xưa
Trèo lên mái nhà sửa ngói
Và cởi truồng tắm mưa
Thấy mình hết trẻ – chưa già
Chưa khoái chim hoa lá kiểng
Còn thấy mình vọng âm tiếng biển
Đôi khi sóng tràn cơn mơ
Sáng ra muốn khóc
Mà đôi mắt ráo khô

Gã bạn thân đi xa chưa về
Người bạn gái đã qua cơn đau ốm
Chiếc ghế đã sơn xong
Mái nhà đã sửa
Thì làm một việc gì đó
Thì làm một việc gì nữa

Ta tự dặn ta
Đời chưa nguôi củi lửa

Vườn mưa

Những chiều mưa thế này anh nhớ khu vườn của em biết bao. Khu vườn có thật mà không có thật, bông hoa nào run rẩy trong mưa? Có thật là bông hoa run hay lòng anh run đấy? Tháng năm trời thấp vô cùng…
Những đêm mưa thế này anh nhớ ánh đèn nhà em biết mấy, vừa đủ ấm cho một người, vừa đủ ngon cho một miếng bánh ngọt màu cà phê, vừa đủ cho anh về ướt áo, sao em không trồng một cây ngọc lan hay bởi tóc em mùi hương vừa đủ?
Những ngày mưa thế này anh nhớ dáng em ngồi co ro biết mấy. Mười ngón chân chụm lại như trẻ con, mười ngón chân co quậy như những con sâu không làm ai sợ. Sao không đặt bàn chân lên tay anh, mưa có làm chân em nhớ phố?
Đêm, anh nhìn khu vườn của mình đầy bóng tối và lá rụng, ẩm ướt mùi nấm dại tường vôi, anh vẽ trong bóng tối một vòng tròn màu trắng, mưa làm tan đi. Sau cửa sổ nhà em đêm mưa có gì? Chiếc bàn còn bày hoa và bánh màu cà phê sữa như tối mưa nào… ?
… Sao em không trồng một cây ngọc lan? Hay bởi tóc em mùi hương vừa đủ?

Xin lại

Xin lại mùa xuân biếc
Tuổi lên năm lên mười
Vàng hoa ngoài đầu ngõ
Vàng nắng trong nụ cười

Hoa cúc màu bươm bướm
Áo đỏ như môi tươi
Guốc xinh ngoài hiên vắng
Tóc gió thả giữa trời

Xin lại mùa xuân biếc
Chẳng gặp ai ăn mày
Ai cũng nhiều áo mới
Phong bao đỏ cầm tay

Xin lại mùa xuân biếc
Ðêm thơm từ ngọn cau
Ngày thơm từ mái rạ
Hoa lá rũ ngang đầu

Xin lại mùa xuân biếc
Cho em và cho ta
Ðầu năm theo áo Mẹ
Ði lễ Chùa – nhặt hoa

Trên đây là những bài thơ cuối cùng của Đỗ Trung Quân mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn sẽ hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ này. Đó là những ngôn từ giản dị và rất thân quen. Và cũng rất dễ dàng đi vào lòng của người đọc. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cảm nhận những bài thơ hay bạn nhé!