Nguyễn Trọng Tạo Và Tập Thơ Thế Giới Không Còn Trăng Phần 1

Nguyễn Trọng Tạo là một trong những nhà thơ có số lượng thơ lớn trong thời kì cách tân văn học. Với những bài thơ đi cùng năm tháng được nhiều bạn đọc yêu mến mà ông đạt được rất nhiều giải thương danh giá về văn học nghệ thuật. Với lời thơ nhẹ nhàng nhưng không kém phần ngọt ngào những bài thơ này chính là nguồn cảm hứng của nhiều bạn đọc yêu thơ
Sự ham học hỏi, lòng nhiệt huyết với nghệ thuật mà thơ ông có những nét đặc biệt không thể nhầm lẫn với những nhà thơ khác được. Cả cuộc đời ông nhiều thăng trầm nhưng ông vẫn không ngừng vươn lên trong sáng tác
Tập thơ ” Thế giới không trăng ” là một tác phẩm tiêu biểu cho sự tài hòa , tinh tế của ông. Thể hiện những xúc cảm chân thành của ông. Hãy cùng chúng tôi cảm nhận những bài thơ của ông nhé!

I. Vài Nét Về Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo

– Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 – 7/1/2019) là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ, sinh tại Diễn Châu, Nghệ An, đi lính năm 1969, học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi.
– Ông là Uỷ viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003–2004), từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi.
– Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha…
– Ngoài thơ, ông còn là nhạc sĩ, công tác tại Tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đã có 8 giải thưởng âm nhạc.
+ Các album đã phát hành:
– Tình khúc bốn mùa (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996)
+ Các bài hát nổi tiếng:
– Làng quan họ quê tôi (lời thơ của Nguyễn Phan Hách)
– Đôi mắt đò ngang
– Khúc hát sông quê (lời thơ của Lê Huy Mậu)
+ Ông đã vẽ khoảng 500 bìa sách, trong đó có:
– Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)
– Vẽ nhiều minh hoạ trên báo, tạp chí, và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt bộ đầu tiên (1990-1992), báo Thơ, mẫu măng-sét tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, v.v…
+ Các tác phẩm chính:
– Thơ: Gửi người không quen, Sóng thuỷ tinh, Đồng dao cho người lớn, Thư trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thơ trữ tình, Thế giới không còn trăng,…
– Trường ca: Con đường của những vì sao, Tình ca người lính.
– Văn xuôi: Miền quê thơ ấu, Ca sĩ mùa hè, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, Văn thơ nhạc tuổi thơ,…
– Tiểu luận phê bình: Văn chương cảm và luận

II. Tập Thơ Thế Giới Không Còn Trăng Ấn Tượng 

Thật không ngạc nhiên gì khi nói Nguyễn Trọng Tạo là một ngôi sao sáng trên nền văn học thơ ca. Ông là một tấm gương sáng cho nhiều thế hệ nhà thơ cần học hỏi. Thơ ông với những lời lẽ, ý tưởng độc đáo mà luôn được bạn đọc đón nhận . Có những bài thơ đi cùng năm tháng để lại tiếng vang lớn trong làng thơ ca.
Cùng nhau cảm nhận những bài thơ trong tập ” Thế Giới Không Còn Trăng ” của nhà thơ đầy nhiệt huyết này nhé!

Thế giới không còn trăng

Nghe tin một nhóm các nhà khoa học Nga kiến nghị chính phủ tiêu huỷ trăng để cứu thế giới
Thế giới không còn trăng! Tin nghe rùng rợn quá
chú Cuội cây Đa tan xác giữa thiên hà
không còn tết Trung Thu không còn đêm phá cỗ
không còn ánh trăng ngà cho thi sĩ làm thơ
Hàn đã quen có trăng như người tình muôn thuở
ta đã quen có em như trăng khuyết trăng tròn
Exenin uống trăng tan đầu ngọn cỏ
Lý Bạch đuổi theo trăng xuống tận đáy sông trong…
Thế giới không còn trăng. Sao có còn không nhỉ?
sao dẫu còn chẳng thay nổi trăng đâu
người cũng vậy, chết đi là vĩnh viễn
không còn người, dù nhân loại sinh sôi
Ta rờn rợn nghĩ tới lò hoàn vũ
một ngày kia hoả táng cả trăng vàng
đừng tưởng giết một tinh cầu giá lạnh
mà ngỡ mình vô tội với tình trăng…
Thế giới không còn trăng, dù chỉ là tưởng tượng
nấm mồ trăng chôn cất ở nơi nào
xin nhỏ lệ một lần cho mãi mãi
những tinh cầu ta ngưỡng mộ trên cao..

Phác hóa

Ngõ xóm tuổi thơ nguyên lành không đào bới không mở hành lang không đặt ống nước. Cây duối già chín mọng quả vàng quyến rũ trẻ con và rắn.
Đường phố vừa rải nhựa đào nửa đường bên trái đặt cống mới đào nửa đường bên phải đặt dây điện mới đốn đại thụ mở hành lang kiến trúc nhà mặt tiền mỏng tang hai mét. Trái tim đi đường bị ép mỏng như tờ giấy gió bay hàng mã.
Dự án A gói thầu B tiếp thị CDEGHIK…XYZ. Xe máy xe hơi xe tải xe thồ chân đất đánh giày quần ngố váy đầm hở vú hở đùi hở miệng cười hở rốn. Mỏ đỏ mắt xanh tóc trắng tóc vàng tóc đỏ tóc đen tóc hạt dẻ tóc bạch kim tóc hoe hoe không tóc. Tù đứmg tù ngồi tù béo tù gầy tù trong tù ngoài tù dân tù quan tù trí thức tù nội bộ tù treo tù tử hình tù không án.
Người sống chung với lũ. Lũ (chúng nó) không hiểu ý người. Lại đào đường thay cống mới. Bê tông đê bê tông sông bê tông biển bê tông đình bê tông chùa bê tông sân vận động bê tông cả hồn thơ chưa kịp ngân rung.
Thế là tôi kiểm duyệt tôi trước khi anh kiểm duyệt. Những người chết không biết nói. Tiếng quạ kêu nhắc nhớ mấy chiến trường. Tiếng chim sơn ca trong lồng hót theo ý chủ. Nay tế nhị mai nhạy cảm mốt tinh ý tinh vi tinh tường tinh tướng. Còn nhiều nữa những cản từ nguỵ biện. Thế là bao che thế là trừng phạt. Thế là ta mà chẳng phải ta. Thế là đối thoại một chiều hội thảo ngợi ca bỏ phiếu theo đáp án. Đêm giật mình sám hối vì đã trót có ý nghĩ thầm kín trong đầu.
Vẫn chưa hết những giấc mơ Nobel lý hoá sinh y kinh tế hoà bình văn học. Hình như ta đã một lần từ chối nửa giải Nobel. Phải cả giải nhưng bao giờ cả giải?
Đường phố lại đào lên. Cống rãnh lại có thêm dự án. Mưa sơ sơ đường lại hoá thành sông. Không ngọng nghịu cũng thốt lên: Hà Lội!
Những con bò đủng đỉnh ngang qua đường cao tốc.
Tôi mơ thấy ngõ xóm quê tôi thênh thang ô tô chở lúa. Nước máy vòi bơm róc rách quanh làng. Nhưng (lại nhưng) ngõ xóm tuổi thơ vẫn nguyên lành không đào bới không mở hành lang không đặt ống nước. Cây duối già chín mọng quả vàng quyến rũ trẻ con và rắn…

Số không

cái siêu hình được diễn tả bằng hình
nếu số một tượng trưng cho Thượng Đế
thì số không khởi thủy mọi số sinh
Sunya, sifr, zephirum, zephiro hay zero cũng vậy
là trống rỗng, là không, là có cái không
ngôn ngữ dẫu khác nhau mà số không chẳng khác
cái số không ôm gọn mặt trống đồng…
Số không ôm mặt trời mặt trăng trái đất
số không ôm súng đạn và bom
số không ôm đầu tôi đầu bạn
số không xuyên thăm thẳm những lỗ tròn
Ngay cả mắt đang nhìn cũng số không nhìn đấy
có bây giờ mai đã hóa không
và ta hiểu thế nào là tâm Phật
có có không không phận kiếp cứ luân vòng?
Tôi ngước nhìn trên lá những giọt sương
chúng biến mất lúc nào không hay biết
nhớ ai đó viết bài thơ Thêm Một
có thể là Thêm Một Số Không chăng?…

Điều bình thường lạ lẫm

Hình như Sex và Dâm cứ còn mãi trong đời
Tục và Nhạt cứ còn nơi cư trú
Văn bây giờ chẳng còn ranh giới nữa
Thơ mung lung sắp đặt lại chân trời
Chữ Trinh sa cơ ở trọ thân Kiều
Người cười mỉm người cau mày người khóc
Bạn lấm bùn sắm comple chính khách
Tài và Tiền cùng bắt chữ đầu T(tê)
Ghét và Yêu nhờn nhợt nếu không mê
Những đĩ nữ măng tơ những dê già lại đực
Chết sida chết ung thư chết tức
Chết từ từ chết đột ngột chết thờ ơ
Đêm cứ đen như trong một nấm mồ
Hai con mắt cũng như mười con mắt
Có bài hát không còn là bài hát
Bài hát thành vật chứng một thời xa
Hình như đời ưa nịnh ưa ngợi ca
Thì sự thật cũng chỉ là ảo ảnh
Người trồng hoa vẩy nước hoa cho hoa
Người ngồi ghế ngày ngày tô lại ghế
Giá trị cứ đổi thay. Ta cứ tin như thế
Rồi có lúc ta buồn ta lục vấn chính ta
Rồi có lúc câu thơ thay chủ đổi nhà
Xác mục rữa đẻ ra hồn tươi thắm
Điều bình thường vậy mà ta lạ lẫm
Mãi trong đời cứ còn Sex và Dâm…

Tội đồ của thời gian

1.
Có người càng gần càng lớn, càng xa càng nhỏ
Có người càng gần càng nhỏ, càng xa càng lớn
Có người gần xa không lớn không nhỏ
Cắt tóc thời gian
thời gian mọc lại
Dài ra. Cắt ngắn. Dài ra
Khi dưới mồ thời gian không buông tha.
Những phán xét từng giây từng giờ từng trăm năm từng ngàn năm
cả không phán xét
Những phán xét quan tòa hơn cả quan tòa.
2.
Ta loanh quanh không tiến không lùi
không gặm nhấm tương lai quá khứ
Em ơi đừng yêu ta
Chỉ cần em nảy ý yêu ta
em sẽ mồ côi.
Ta không sống khi yêu
Ta chết khi yêu
Những ý nghĩ Đông Tây đôi lần ta đã đọc.
3.
Người ước mình trẻ lại người ước mình già đi
Người ước mình vĩ đại người ước mình li ti
Ta không trẻ không già
không li ti không vĩ đại
Ta trung bình nhưng ta không giả dối
Là nghĩ vậy thôi chưa từng nói ra lời
Lời có khi phản ý
Ngay cả thời gian cũng chẳng vô tư như ta vẫn nghĩ.
4.
Không có gì buồn hơn khi thời gian khỏa thân mà ta bất lực
Thời gian yêu người – cuộc tình không cân sức
Người – tội đồ vĩnh cửu của thời gian!…

Không đề (III)

bạn thơ hay rượu ngon
trời trong mây trắng cỏ non
bạn nhà cao cửa rộng
vợ im ngủ ôm mơ mộng
qúa nửa đời người một giấc quan
khi ê kíp khi tập đoàn
ta không kẻ nhắm không người uống
thi sĩ ba đào một chấm than.

Rượu rắn cùng bạn thơ

nhớ mắt rắn nhìn rượu
nhớ thằng Sơn rượu nhìn
nhớ nửa đường mây khuất
thông reo về cõi Tiên
nhớ trẻ con đời xưa
mắt trong như nươc mưa
nhớ mấy người bạc tóc
nửa đêm nhớ nửa trưa
tôi không là lữ khách
chất chìm giữa bạn bè
tôi không là gió lạ
nổi nhạc jazz đêm khuya
thương mấy thằng bạn lạc
say thơ – thơ không vần
nhớ một thời trăng cũ
ôm rắn ngủ trong chăn.

Qua miền gái đẹp

người đẹp Tuyên Quang cổ mang vòng bạc
môi đỏ như ớt vừa ngọt vừa cay
da trắng chân dài đèo cao áo bay
xe qua Sơn Dương ngược đường lên tỉnh
người đẹp hái chè trẩy ngô ẩn hiện
mắt đen lúng liếng vú tròn đung đưa
xe qua xứ mưa xe về xứ lạnh
người đẹp vít cần nồng hơn rượu mạnh
đàn hát chao ôi nghe chạnh lòng nhau
bạc đầu cỏ lau bỏ sầu lâm khách
cổng thành nhà Mạc trẻ lại vì em
tiên sa nghiêng thuyền sông Lô bay lên
xe rời Thành Tuyên xa miền gái đẹp
còn vọng lời chào dính hơn xôi nếp
còn xanh lá tếch ai cầm trên tay
da trắng chân dài đèo cao áo bay…

Mẹ thời @

Mẹ đi xe máy mẹ lái ô tô
Mẹ cưng chiều con mẹ đi cặp bồ
Mẹ thuê thầy cô cặp kèm con học
Con chờ quà mẹ từng chiếc hôn dài
Mẹ đi mấy ngày con nằm mơ mẹ
Ở nơi rất xa chia quà cho trẻ
Trông nhà có chị tên là Ô Xin
Búp bê đầy tủ như một đàn em
Mẹ về râm ran bếp ga xào nấu
Con chạy cung quăng vòi ăn dưa hấu
Mẹ mê bóng đá Wold Cup, Euro
Con thích hoạt hình mua thêm ti-vi
Ôi mẹ chiều con hơn Tiên chiều Phật
Cả thế gian này con yêu mẹ nhất
Rồi con xe máy rồi con ô tô
Rồi quên hỏi mẹ vì sao cặp bồ…

Dấu vết thời gian

có những con đường chưa từng in dấu
người đi không thấu người khác lại đi
đi hết dòng sông mênh mông biển sóng
đi hết đời người đầy vơi khát vọng
cây hoa trái hạt trôi dạt mầm chồi
xuân hạ thu đông hò hẹn tái hồi
anh yêu em rồi nụ cười tương tư
em yêu người khác anh thành thầy tu
thầy tu phá giới hội hè du xuân
gặp người gái goá xoá nợ phàm trần
xoá những tháng ngày buồn tênh trống rỗng
xoá những đêm dài ắp đầy mơ mộng
bán buồn mua vui họp chợ đời người

Giao thừa

Em lễ hội hai nghìn áo mớ bảy mớ ba yếm đào khăn lụa
Rock xa lạ rống lên em khát anh em khát anh em khát anh
Ừ thì em khát anh nhưng mà anh cũng khát
Anh khát một vầng sáng dịu dàng đêm quả thị em trở về là em không phải là cô Tấm
Một dòng sông dân ca không cầu xin Tiên Bụt vẫn hiện lên
Chảy giữa hai ta ẩm ướt khói sương tinh khiết ngàn đời truyền giống
Nếu sự chết làm hồi sinh sự sống
Mùa đông là giá đỡ của mùa xuân
Hai thế kỷ giao thừa ăn nước một dòng sông
Hai thế kỷ giao thừa giữa điệu hát trống quân…

Ta của thời đang xuân

Sông mỏng tang tơ lụa
Đồng như áo mới may
Núi xếp khăn mỏ quạ
Người ửng hồng má say
Gió xuân vờn trước ngõ
Rắc vàng hoa xương rồng
Chim vừa bay vừa hát
Bài ca của lá non
Con đường con đường cũ
Người về lạ bước chân
Ai gọi tên mình đó
Ta của thời đang xuân?…

Ngày sáng thế

Không phải Michell Jakson. Đêm tự lột da mình
Thay làn da ánh sáng
Thời gian bay khoảnh khắc nghìn năm
Dối gian ơi dối gian không lặp lại
Chó cún sủa mặt trời to hơn và đỏ hơn
Tôi thay đổi họ tên những loài hoa năm ngoái
Ngày thì đẹp như ngày toàn con gái
Cỏ làm thơ gửi fax tới muôn loài
Tôi xâu chuỗi hạt cườm đeo vào cổ Ban Mai…

Vọng Huế

Tôi muốn khoác lên Huế một tấm lụa lá non sau mùa lũ úa
Nhưng mùa xuân đã nhanh hơn tôi
Tôi muốn rắc lên Huế những cánh mai óng ánh màu áo vua
huy hoàng cung điện
Nhưng mùa xuân đã nhanh hơn tôi
Những ngả đường hửng nắng nói cười
Những mặt người hồng hào qua vấn nạn
Tôi lên thuyền rồng du xuân cùng lăng tẩm
Vớt lên câu thơ đầm đìa nắng sáng cuối dòng Hương
Sao thèm hát một điệu gì xưa lắm
Thèm đọc một đoạn văn hoàng-phủ-ngọc-tường
Có ai đó rót chiều vào chén ngọc
Huế dịu dàng xây bằng khói và sương
Rồi xa vắng vỗ về tiếng chuông chiều Thiên Mụ
Trên đồi thông bầy chim mới ra ràng
Rồi tôi thấy người trổ mầm kết nụ
Những con đường hoa trái bước xênh xang…

Bốn câu

KHÓC RỪNG
Đến Trường Sơn nhớ Trường Sơn
đạn bom thuở ấy gian thương bây giờ
rừng đâu? Chỉ gốc cây khô
ta già mượn lệ trẻ thơ khóc rừng.

Lũ ngập ti vi nhà ngập nóc
hồn ta trôi dạt cuối Cửu Long
Đêm ngủ chợt nghe tiếng trẻ khóc
choàng dậy ôm chăn rét tận lòng.
TRĂNG
Rút nắng đan áo mặc
gom mây xếp khăn quàng
chẳng giống người mặt đất
mình thương mình phận trăng.
KHỦNG BỐ
Ai khủng bố ai ngoài trái đất
tôi nép bóng tôi sát chân tường
con ong cái kiến co mình lại
còn sống mà như đã tử thương!

Tưởng nhớ

Mãi mãi không còn Thọ ở Đồng Nai
không còn giọng nói thật vui qua điện thoại đường dài
không còn những câu hát bông phèng cười ra nước mắt
đêm Hà Nội dội cú phôn lạnh ngắt:
“Nguyễn Đức Thọ qua đời !”
Dẫu nhà văn, không cưỡng được mệnh trời
nhưng Thọ còn trẻ quá
như Hồi ức làng Che như Nỗi buồn Giao Chỉ
như ốc mượn hồn, Thọ mượn những trang văn
xây đền thờ nước mắt…
Đêm Hà Nội nghe trái tim se thắt
tôi nhớ sông Lam quê Thọ quê tôi
tôi nhớ những Nhàn những Nương những Đạt
người của người mà quê của người ta
Nếu những trang văn kết được vòng hoa
trên mộ Thọ vòng hoa không tàn úa
những nhân vật mãi cúi đầu tưởng nhớ
vỏ ốc khô ứa lệ khóc nhà văn!…

Giao thừa thế kỷ

Tôi ra lệnh cho giao thừa dừng lại
thế kỷ hai mươi khoan hãy ra đi
thế kỷ hai mốt đừng đến vội
hình như tôi chưa bàn giao xong tôi cho quá khứ
hình như tôi chưa chuẩn bị được gì để đi tới tương lai
không ai muốn đói nghèo bước chân qua thế kỷ
không ai muốn đạn bom cầu vồng qua thế kỷ
không ai muốn ngày mai như ngày qua
hỡi trái đất giao thừa hai bốn tiếng
vòng nguyệt quế pháo hoa cứ khoác mãi vào ngươi
tôi hy vọng con người sẽ nhìn ra sự thật
kẻ thông minh cưú giúp kẻ ngu đần
lòng từ thiện lên ngôi thay thù hận
hình như nước mọi dòng sông vẫn chảy
hình như cây vẫn nẩy lộc đâm chồi
chưa kết thúc hoà đàm hai thế kỷ
chưa bình yên trong mỗi trái tim người
tôi ra lệnh cho giao thừa dừng lại!
nhưng thời gian vẫn cứ trôi
và tôi …

Nhà văn

Thật may, anh là người chưa nhũn não
ngày lại ngày tự múc óc nuôi mình
ộc ra con chữ
ộc ra tâm can kiến tạo sinh thành
Người đời gọi anh là nhà văn
anh vẫn gọi anh là bác thợ cày
cày trên giấy trắng
những luống chữ đen đen
Anh là chiếc hộp đen tích đầy sự sống
lai ghép những mảnh đời thành nhân vật bước ra
chân thiện mỹ thấp hèn hay độc ác
chẳng là ta mà sao vẫn là ta?
Một thế giới riêng nhà văn mang tới
cho ta yêu cho ta giận cho ta thương
cho ta thấy nhân gian buồn vô tận
những nỗi buồn chấu cắn chẳng buồn hơn
Anh báo động một ngày tình tan rữa
sói thay người thống soái cả trần gian
trong tuyệt vọng anh tin từng con chữ
sẽ cứu rỗi địa cầu dù con chữ mong manh
Bởi anh là nhà văn
anh là người chưa nhũn não…

Những người đàn bà làm thơ

những người đàn bà làm thơ
mời gã đàn ông uống rượu
còn họ uống nước ngọt và ăn
đời họ đắng cay như thơ họ
sao họ thích ngọt thích vuốt ve nuông chiều
và thích yêu
đuôi mắt họ hằn những vết chân chim
bàn tay họ không chống nổi da mồi thời gian
gã đàn ông nhìn da mồi kính cẩn
tâm hồn họ không giống thân xác họ
họ yêu trai tơ yêu anh hùng tóc bạc
và ghen tuông hơn cả kẻ không chồng
chỉ có đắng và cay như rượu
đồng lõa với gã đàn ông
trong mắt say thi sĩ những dòng sông.

Exit

lối ra
giải thoát
chết lìa trần
mà cánh cửa vẫn chờ ai: exit.
không biết tiếng Anh
người vẫn thoát ra ngoài cánh cửa
khách sạn Vera
hội Nhà Báo
hội Nhạc Sĩ
hội Nhà Văn…
buồn
người nhập vào em
đói
người ăn trái tim em
khát
người uống cạn mắt em
và người ngủ trong da thịt em
gặp lại chiếc xương sườn xa vắng
chiếc xương sườn không chiều người rữa mục
em thành xác chết cầm tù gã đàn ông
hắn ngọ nguậy không tìm ra lối thoát
cánh cửa nào vẫn chờ người exit?

Bài học ve

Ve hát hết mình thình lình tắt tiếng
mùa nhặt xác ve xếp vào kỷ niệm
Hồn chẳng còn thơ hồn khóc lơ ngơ
ngày buồn ú ớ đêm vui lờ nhờ
Làm thơ không thành chuyển ngành làm báo
vua Thục thở than cuốc kêu tiếng sáo
Thôi đợi hè về nghe nhạc tìm ve
sao hoa phượng nhựa rơi đầy giỏ xe?…

Tự dưng

Cái thời xuân trẻ xa rồi
tự dưng trí nhớ trêu người mộng du
tự dưng xanh áo thầy tu
thịt da run rẩy chu du lá cành
tự dưng núi hoá thành tranh
sông thành gương sáng biển thành trời sâu
tự dưng đôi mắt mực Tầu
từ nơi xa thẳm lâu lâu lại nhìn
tự dưng gọi một tiếng Em
có người nghe được mà quên bật cười
tự dưng tôi lại nhìn tôi
thấy còn một nước mã hồi là hay
tự dưng hai mắt cay cay
thấy con chuồn ớt vụt bay về trời…

Giữa quán Lý Thông

Tôi hỏi công chúa: Thạch Sanh đi đâu?
Công chúa lầu bầu trả lời: Không biết!
Tôi hỏi Nguyệt Nga: Vân Tiên đi đâu?
Nguyệt Nga âu sầu: Hình như đã chết!
Tôi hỏi cave. Cave cười ngất…
Chợt nhận ra mình giữa quán Lý Thông.

Gửi H.

Bây giờ ngày ấy mai sau
em mười bảy tuổi và câu thơ buồn
giọt mưa rơi xuống cội nguồn
bởi chưng mái giột mưa còn ướt anh
một ngày héo một ngày xanh
một đời nhớ một đời thành lãng quên
mấy chàng yêu cũ điên điên
chuyền nhau điện thoại gọi em đường dài
yêu nhiều sao chẳng kết ai
trớ trêu đời thực sắc tài kỵ nhau
bây giờ ngày ấy mai sau
người không còn tuổi và câu thơ thiền…

Tiếng lá rơi nặng như một xác người
lá xanh
lá vàng
lá xám khô
lá đỏ…
Lá không phải là anh
lá không phải là tôi
lá đã hát
đã đau
đã khóc
lá đông vui đơn độc
và lá đã rơi nặng như một xác người
Tôi khâm liệm trong tấm khăn mây xám
rồi chôn lá vào hồn tôi thăm thẳm…

Cây sấu nhỏ trước nhà Văn Cao

Cây sấu xanh xuân nào không nhớ nữa
ngày hạ sang hoa trắng rắc đầy thềm
lá vàng thu lá bay qua ô cửa
có một người nhìn cây sấu lặng im
Chua và thơm và cay cay rượu gạo
sấu thay xanh người ấy trắng mái đầu
những bài ca bay ra ngoài tuổi tác
thơ không vần tươi thắm mãi từng câu
Những bức tranh vương sắc màu cây lá
trẻ con leo cột mỡ đón xuân về
chợ họp đông quây dưới tầng bóng nhỏ
người ấy nhìn như tỉnh lại như mê
Bỗng cây sấu gãy ngang mùa bão lớn
nỗi đau cây lây sang nỗi đau người
giờ trở lại cây người xa vắng cả
một khung trời trống trải chiếm hồn tôi!…

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng cho quý độc giả những bài thơ vô cùng ấn tượng trong tập thơ ” Thế giới không còn trăng ” của nhà thơ Hoàng Trọng Tạo. Hy vọng với bài viết này các bạn sẽ cảm nhận được sự tài hoa trong những sáng tác thơ của ông. Mời các bạn đón xem phần 2 vào một ngày không xa. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!