Nguyễn Trọng Tạo Cùng Tập Thơ Sóng Thủy Tinh Đặc Sắc

Nguyễn Trọng Tạo là một cây bút đi đầu trong nền văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Ông có một chùm thơ vô cùng giá trị gắn liền với nhiều thế hệ bạn đọc. Ngòi bút tinh tế, độc đáo khiến những bài thơ của ông không thể nhầm lẫn với bất cứ nhà thơ nào được. Ông đã khẳng định khả năng sáng tác của mình qua một loạt những bài thơ đặc sắc gây nên chấn động lớn trong văn học Việt nam
Ông không ngừng học hỏi, dấn thân mình để khai thác những gì tinh túy nhất trong thơ. Chính sự cống hiến đó mà ông đã nhận được không ít những giải thưởng danh giá. Tất cả đều xứng đáng cho một tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn này
Ông có rất nhiều tập thơ nổi bật, trong đó có tập thơ Sóng Thủy Tinh đậm chất trữ tình, hãy cùng chúng tôi cảm nhận những bài thơ sâu sắc này nhé!

I. Vài Nét Về Nguyễn Trọng Tạo 

– Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 – 7/1/2019) là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ, sinh tại Diễn Châu, Nghệ An, đi lính năm 1969, học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi.
– Ông là Uỷ viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003–2004), từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi.
– Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha…
– Ngoài thơ, ông còn là nhạc sĩ, công tác tại Tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đã có 8 giải thưởng âm nhạc.
+ Các album đã phát hành:
– Tình khúc bốn mùa (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996)
+ Các bài hát nổi tiếng:
– Làng quan họ quê tôi (lời thơ của Nguyễn Phan Hách)
– Đôi mắt đò ngang
– Khúc hát sông quê (lời thơ của Lê Huy Mậu)
+ Ông đã vẽ khoảng 500 bìa sách, trong đó có:
– Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)
– Vẽ nhiều minh hoạ trên báo, tạp chí, và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt bộ đầu tiên (1990-1992), báo Thơ, mẫu măng-sét tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, v.v…
+ Các tác phẩm chính:
– Thơ: Gửi người không quen, Sóng thuỷ tinh, Đồng dao cho người lớn, Thư trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thơ trữ tình, Thế giới không còn trăng,…
– Trường ca: Con đường của những vì sao, Tình ca người lính.
– Văn xuôi: Miền quê thơ ấu, Ca sĩ mùa hè, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, Văn thơ nhạc tuổi thơ,…
– Tiểu luận phê bình: Văn chương cảm và luận

II. Tập Thơ Sóng Thủy Tinh Của Nguyễn Trọng Tạo 

Nguyễn Trọng Tạo với lòng nhiệt huyết khám phá, đắm mình vào thơ ca mà không ngừng sáng tác những bài thơ chất lượng, đánh gục mọi tâm hồn của những người thơ ca. Tập thơ ” Sóng Thủy Tinh ” như một dấu ấn lớn của ông khi chủ đề chính là về quê hương. Những bài thơ này đã không ít lần khiến bạn đọc cảm thấy bồi hồi xúc động khi chợt nhớ về nơi chôn nhau cắt rốn của mình.
Với lời lẽ thiết tha, ngọt ngào tập thơ đã để lại một dấu ấn sâu sắc cho bạn đọc. Hãy cùng chúng tôi điểm danh và cảm nhận những bài thơ tuyệt vời này nhé!

Bay

Bay. Ngót hai ngàn cây số
tôi nhớ những ga tàu tiếng trẻ bán hàng rong
tiếng trẻ hôm qua mà ngỡ từ xa lắc
Bay
trên những lo toan mặt đất
bay
trên những cơn mưa
bay
không thể mua bưởi đường Phúc Trạch
ai Hà Nội mong quà
em bán bưởi ga tàu dưới ấy ngóng tôi không?
Tám trăm ki-lô-mét giờ mà như không chuyển dịch
cô phục vụ phát trà và kẹo ngọt!
(mỗi tuần em mấy chuyến ở trên trời
tôi muốn hỏi ngại mình người mặt đất
thế là em mãi mãi chẳng quen tôi!)
Lại nhớ những ga tàu tiếng trẻ bán hàng rong
những đoạn văn xuôi đi tàu nhặt được
bay
đấy là THƠ tốc độ chống mặt
cho tôi tìm nhanh tới chốn tôi mong.

Nhịp điệu Tây Nguyên

…Tặng Trần Tiến
Những tia chớp rừng đen. Những tia chớp rừng đen
tiếng hát Y Moan trong nhà hát
ngực thiếu nữ Hơ-rai Ê-ling
bay về trời muôn hoa vàn rực rỡ
Đêm nhạc múa Tây Nguyên đêm bùng nổ
những bí mật núi rừng
kho châu báu trong lâu đài thân thể
ta lạc vào thần thoại sau tiếng “tách” gọn đanh công tắc điện
Ai đã bật công tắc điện?
Nhà chỉ đạo nghệ thuật Nia-kơ-đăm
nghệ sĩ ánh sáng A-duôn
hay ngọn thác Đrai Hơ-lin réo sôi truyền thuyết?
Mắt tôi thấy vòi rượu cần đích thực
bị bỏ quên. Và rượu chảy tràn
đêm mãi uống lóe lên ngàn chớp sáng
tiếng tơ-rưng, đàn điện tử, trống chiêng…
Những chàng trai vây em
em biến hiện qua những vòng sáng tối
những cô gái vây anh
anh cao vút như mặt trời không tới
Ngoài kia rừng cao su ứa nhựa
trái cà phê chín chen chúc
ngoài kia cô em bị phụ tình
phóng về đâu ngọn gió rừng?
Ngoài kia giám đốc nào mất chức
bức tranh nào chưa trưng bày
hãy về nơi bùng nổ
những tia chớp rừng đen đêm nhạc múa
Hãy về nơi bùng nổ
nhịp điệu Tây Nguyên vút cao muôn ngọn núi
ôi nhịp điệu – thân xác không mang nổi
ta thoát khỏi ta
như đứa trẻ thoát áo quần quá chật
Và tan vỡ bóng đêm trần tục
trong những tia chớp rừng: nhịp điệu Tây Nguyên.

Thành phố không người quen

Xa, rất xa… nơi đáy sâu trí nhớ
một thành phố
trắng
im
không gương mặt hiện lên
dù cố nhớ.
Thành phố không người quen
chỉ còn thành phố
chỉ còn
mưa pha lê
nắng pha lê
và gió trắng…
Những bông tường vi nở lẫn cùng hoa giấy
những con đường
đi
không dấu chân
viên sỏi nhỏ trong gót dày đêm đêm
sẫm nâu và mòn trơn.
Viên sỏi như bánh xe
có thể mang anh đi
xa
rất xa
về đáy sâu trí nhớ
có thể xa hơn
ra ngoài trí nhớ
Vẫn không gương mặt hiên lên!
Thành phố không người quen
chỉ còn
thành phố
trắng
im
đến nỗi không thể tin
đã một lần ở đó.

Thổi từ cát

Xa nhau một con đường đầy nắng
một cánh buồm biển tối sánh màu luyn
một chuyến máy bay mây mù xóc nẩy
một căn hầm khẩu súng qua đêm
đôi khi nhớ anh chàng hay đùa cợt
lại nhớ người như đá có trái tim
chiếc loa điện oang oang chiếc dương cầm bão táp
đàn ghi-ta người chơi đàn ngủ quên
nơi ga tàu ai đó chợt thét lên
kẻ cắp nhập đám đông bỏ lại người mất cắp
cuộc săn đuổi hoài công nhưng cũng an ủi được
chính chúng ta
Rồi ngày mai chẳng còn ta nữa
ôi cát khỏa thân cát thủy tinh
có thể thổi từ cát
một bông hoa sạch trong vững bền!…

Trong mưa giông

Trong mưa giông không còn gì thật nữa
tiếng máy nhòe mưa tiếng hát nhòe mưa
em ướt át em như ngọn lửa
ngọn lửa trong mưa không có thật bao giờ
cả người điên trong cơn giông xối xả
mặt ngửa lên tay với nước mưa nhòa
cũng không thật. Trong mưa như ảo ảnh
như là nghe thần thoại tưởng tượng ra
không thật chiếc cặp da
mờ ảo con đường nhựa
những hàng cây chẳng còn thật nữa
mưa dọc ngang ai đó chạy qua đường
cả người chạy qua đường cũng bị mưa vùi lấp
núi cao mà ẩn hiện thất thường sao
nhưng người ạ, mưa giông rồi chóng tạnh
sẽ thật lại con đường, ngọn núi, trời cao…

Hát rong

Anh hát rong trên tàu
chị hát rong cổng chợ
em hát rong bến xe…
âm nhạc ngọt như đường
âm nhạc như muối xát
cây đàn gỗ cũ sờn áo mặc
chiếc loa tay dây thanh quản bị chùng
bao cung bậc ồn ào lấn át
cơn mưa chiều ướt sũng chuỗi thanh âm
rồi hiên mưa mọi ngả đường tụ lại
em hát rong gặp chị hát rong
bài song ca theo yêu cầu thính giả
giọng chị khàn giọng em quá tơ non
những đồng tiền
đồng tiên
nhàu nón cũ
chợt chuyến tàu không người
bến xe không người
cổng chợ không người
tôi thấy tôi đọc thơ tôi đàn và tôi hát…

Gửi con người

Có thể cãi vã nhau nhưng xin đừng ác ý
con Người ơi, cây lá vẫn mùa xuân
ở đâu đó Người vẫn yêu Người lắm
nước đục ư? Qua bể lọc trong ngần
Có thể chán chề nhau nhưng xin đừng cố chấp
những cuộc vui kết thúc dễ đau buồn
nếu Người ví thông minh như dao sắc
nghĩa là Người có thể đã quá khôn
Bao nhiêu sách bao nhiêu Kinh đã viết
mà con Người lắm lúc dại khờ sao
tôi yêu sự dại khờ phải chăng tôi khờ dại?
con chó đi tự nó sẽ quay về
Tôi vốn tin con Người hơn tin chó
cái niềm tin như đá tảng trong mình
nhưng đọc ĐOẠN ĐẦU ĐÀI niềm tin tôi tan vỡ
người ác hơn chó sói chốn rừng xanh!…
Thôi đã vậy, bình tâm, Con Người ạ
thêm cám ơn Aitmatốp một lần
ở đâu đó Người vẫn yêu Người lắm
dẫu tình yêu có lúc chỉ âm thầm…

Hươu sao

Tôi từ nơi rú gào đủ loại động cơ
không thể ngờ
có một xứ lãng quên, một xứ thần tiên hiện diện
tôi lạc vào hay ai mang tôi đến?
Hươu sao ngơ ngác nhìn
mắt hiền như lá
rồi đột nhiên tung vó
vút bay những mảnh trời tơ vàng
lốm đốm sao trắng
Chị kĩ sư nhắc tôi:
“anh đừng bấm máy ảnh!”
(Ôi, tiếng tách của nền công nghiệp
đột ngột làm hoang sơ giật mình…)
Nhưng tôi biết
dẫu phát minh ra nguyên tử, người ta không thể phát minh ra hươu sao
những cặp nhung hồng rực
những cặp nhung đến ngày, lưỡi cưa cắt cụt
mọc lại mùa xuân
“Nếu anh trèo lên cây xoan
bầy hươu sẽ đến!”
Tôi trèo lên cây xoan. Và chớp nhoáng
hươu quây quần vươn cổ đợi lộc non
Tôi hoang sơ giữa bầy hươu sao ấy
và thành phố sạch trong nơi mắt hươu, tôi thấy!

Phục chế

Những ngọn tháp bị thương
những tượng đá cụt đầu
vũ hội chim công
cuộc gặp gỡ toàn những người cực tốt
làm sao tìm lại được
cuộc chiến đã đi qua?
Anh phục chế em thời mười bảy
và bông hoa mười bảy tuổi em cầm
và giá cả
và thơ ngây
và trắng trong giọng hát
làm sao tìm lại được
thời gian thay áo…
Câu hỏi đổi thay
câu trả lời biến hóa
có quá khứ thành tương lai
có hiện tại thành quá khứ
dẫu anh biết phục chế là phục chế
sao vẫn thèm tốt đẹp đã mất đi!..

Hải âu

1.
Viên đá trời rơi xuống biển xanh
bay lên
hải âu loáng nắng
cuộc săn mồi máy tính
2.
Anh không là con mồi không là người săn bắt
chợt nhớ em
thơ chợt đến hồn nhiên
hải âu giăng mây trắng quanh mình.
3.
Mùa mưa bão về miền ấm áp
màu trời xanh vỏ trứng
sao nâu
em ở đâu? Anh ở đâu? Đâu chớp trắng hải âu?

Đà Nẵng không đề

Đà Nẵng cùng tôi cạn chén thôi
sông Hàn lảo đảo núi lẫn trời
bạn bè quen lạ lang thang phố
tôi đến hay là em đến tôi?
Đà Nẵng cùng tôi mưa nắng nhiều
mây hờn gió giỗi hay tình yêu
ở đâu em trốn trong trời đất
tôi lạc em về ngõ phong rêu…
Đà Nẵng cùng tôi giã từ chăng
Hải Phòng, Trần Phú… gió Bạch Đằng
những con đường ấy chân ta bước
rồi một khuya nào chỉ còn trăng!
Rồi một khuya nào rượu ngà say
bạn bè mỗi đứa mỗi ban ngày
nhớ nhau cười nói vang đêm vắng
trái đất như là giọt rượu bay…

Nhớ phương Nam

Nhắm mắt lại thấy mình đi giữa nắng
những con đường phương Nam tốc độ không ngờ
phóng chiếc xe tàng vì em hay vì thơ?
Nhắm mắt lại thấy mình ngồi giữa quán
li bia tràn bọt trắng bạn bè trao
trứng vịt lộn dưa tươi và tái nhúng
đời thì dài mấy lúc nhậu cùng nhau
nhậu vừa say còn đưa bạn lên tàu!
Nhắm mắt lại thấy vườn đầy trái chín
người trong cây thơm thảo đến lạ lùng
đồng rộng quá gió không nơi nghỉ tạm
mặt trời thành chấm sáng giữa mênh mông
bỗng ước là trái cây bỗng ước là gạo trắng
cho em chất lên thuyền dong duổi những dòng kênh
Ôi phương Nam phương Nam, bao giờ lại cùng Người
ta như kẻ đam mê cải lương phải bữa săn hụt vé
đành nhắm mắt đôi lần cho vợi nhớ…

Trong đêm thị xã

Đừng thắc thỏm đợi chờ, xin bạn hãy ngủ ngon
cứ để tôi một mình cùng thị xã
về lại lúc nào sẽ nhẹ nhàng gõ cửa
tôi có thể quay về, mà cũng có thể không
sau cái bắt tay lâu, bạn trở lại căn phòng
khuôn cửa sáng hẹp dần, rồi tắt
giọt sương rớt lạnh vai nhắc là đêm khuya khoắt
đường phố chợ thưa người, thưa thớt ánh đèn cao
Đã nhiều lần tôi dạo với đêm thâu
nhưng thị xã trong đêm, tôi đi lần thứ nhất
đường lớn trước tôi, tên gì tôi chưa biết
chuyến xe bò chở cát rẽ về đâu
lá cây gì vừa rụng lại phía sau
hương thơm ngọt, hương hoa dừa có phải?…
tôi bỗng mong gặp một người để hỏi
và người đến gần tôi, người lặng lẽ xa rồi…
Tôi cứ đi như chẳng phải vì tôi
nhưng nếu không vì tôi, làm sao mà đi được?
bước chầm chậm và tôi không đếm bước
mê mải nhìn như muốn được làm quen
Tôi giật mình đọc tên phố nhớ em
người con gái mười năm đôi lần tôi có nhớ
em còn ở phố này, hay chẳng bao giờ nữa
muốn tìm nhà, nào nhớ số nhà đâu
tôi dừng lại rất nhiều, tôi dừng lại rất lâu
trước mỗi cửa với trái tim hồi hộp
và hạnh phúc lướt qua như tia chớp
đường phố người quen ơi – tia chớp khép lại rồi!…
Tôi cứ đi như chẳng phải vì tôi
nhưng nếu không vì tôi, làm sao mà đi được?
nơi ồn ã ga tàu ai gọi tôi phía trước
tôi kiếm tìm nào ai gọi tôi đâu!
Trời không mưa, mà mưa cũng chẳng sao
mưa làm tôi vui, mưa làm tôi buồn, mưa có gì đáng trách
tôi dễ dãi quá chăng? Tôi quá bề nghiêm khắc?
tôi dừng lại bây giờ? Hay tôi tiếp tục đi?…
có lẽ là phải nhắc lại câu thơ:
bước chầm chậm và tôi không đếm bước
bạn hãy cứ bình tâm, đừng lo điều bất trắc
gặp công an, tôi có đủ giấy tờ!…
Thị xã rộng dài, thị xã thực và mơ
tôi vừa an ủi ai, ai lo cho tôi đó?
đêm khép lại sau lưng, và mặt trời mở cửa
những cánh buồn bay trên biển xanh non…

Theo đuổi

Chẳng lẽ tôi theo đuổi cánh chim
để đến một vòm trời không tiếng nói
chẳng lẽ theo đuổi người con gái
người con gái của tôi chắc đến với tôi rồi
trong chiến tranh tôi theo đuổi cuộc đời
dẫu còn sống chưa phải là đã đến
bên công sự đồng đội tôi ngã xuống
câu chuyện đời dang dở giữa cơn mưa
tôi trở về chẳng còn gặp người cha
tiếng khóc nén xuyên qua bao tầng đất
mẹ tôi già tôi lặn vào sợi tóc
làm sao ngăn màu trắng cứ hành trình
các em tôi thoáng chốc đã thành niên
giọt mực tím chưa phai trong trí nhớ
bạn tuổi thơ bây giờ đi đâu cả
tôi lên rừng sóng biển nhắc tôi chăng ?
cái lẽ gì mà nỗi nhớ lang thang
cái lẽ gì tiếng trẻ con khóc thét
tôi theo đuổi phù du hay tâm huyết
những câu thơ bọt biển vỡ tan rồi
đã bao lần ngơ ngác dưới mưa rơi
sờ lên ngực biết tim mình chưa mất…

Khoảnh khắc

Những ngọn sóng tới bờ chính phút sóng vỡ tan
cuốn sách bạn đến tôi cuốn sách vừa nhàu nát.
Sóng hất vầng trăng lên đỉnh núi
gió đẩy mặt trời xuống đáy biển
Cho dẫu nhà thơ hay “con hát”
trong cơn đau nỗi lòng xé nát!
Đỉnh núi xé ra – sông cuộn trôi
đáy biển xé ra – sóng cả
Rồi sẽ tan muôn ngọn sóng chạm bờ
bao cuốn sách lại trở về bột giấy?
Chỉ còn tia chớp khoảnh khắc ấy
hồng hào va chạm dọc thời trai…

Gọi

Ta gọi nhau uống cùng nhau đôi li rượu giá cao
khuya sóng sánh những ngả đường tụ điểm
ta gọi nhau báo cho nhau có người quen vừa qua đời
nỗi buồn kết vòng quanh huyệt thẳm
ta gọi oan khiên giữa núi cao đá lạnh
ngơ ngác hiện lên bầy thú đói
ta gọi em mấy năm trời biệt tin
bỗng gặp em hai con trên chuyến tàu tốc hành vào năm mới…
Bài hát cũ chợt có người hát lại
mấy trăm năm trôi dạt đến thả neo
mẹ gọi con cuối đồng chiều gặt hái
lúa như sao rơi vãi gốc rạ nghèo
sao cứ thương những người xa Tổ quốc
giữa đông vui lắm lúc thấy lạc loài
có tiếng gọi tưởng gọi mình, ngoái lại
bàng hoàng tóc bạc một thời trai…
Như vậy đó, cây mùa thu trút lá
có người điên quỳ gọi đất quê nhà
hơn một lần ta thấy em trẻ quá
tiếng gọi em chôn chặt đáy hồn ta
thủa ấy những cánh buồm như mầm cây vừa nhú trên mặt biển
ông già lãng tai gọi nghé trên đồng
ta tất bật tiếng còi tàu ga xép
ai gọi bên bờ mà ta lội qua sông
Sao có lúc một mình thèm con tu hú
tiếng cất lên không vô vọng giữa đời
nhưng ta vẫn là ta, em vẫn là kẻ khác
dẫu khi tỉnh khi say ta cứ gọi: Người ơi!…

Trở về

Trở về nơi đã từng xa
núi non vẫn núi cây già vẫn cao
gió hè vẫn ngọn gió Lào
đất thì vẫn đất thửa nào đỏ tươi
sông quê bên lở bên bồi
phù sa ai gửi cho tôi bên này
ai trồng thêm một đường cây
tôi về trái chín trên tay ngọt ngào
tháng năm là tháng năm nào
thời gian vai áo phai màu bâng khuâng
tôi đi ai dõi trông chừng
suối nguồn trông biển núi rừng trông cây
người ơi trái đất ngày ngày
mọi điều tốt xấu vẫn quay không ngừng
vẫn quay cả núi lẫn rừng
cả sông lẫn biển cả mình lẫn ta
trở về nơi đã từng xa
chẳng nguyên chỗ cũ ngôi nhà năm xưa…

Tốc độ

1.
Để đến được ngày Sài Gòn giải phóng
ba mươi năm dân tộc đã hành quân
chín giờ sáng em rời Tân Sơn Nhất
trưa cùng anh Hà Nội bữa cơm thường
còn bây giờ ta đang xem bóng đá
trên sân bóng Lê-nin qua vô tuyến truyền hình
khi quả bóng bất ngờ nằm trong lưới
ta và khán giả xa ta nửa vòng trái đất, không hẹn hò, cùng một lúc reo lên
ngạc nhiên này không giống sự ngạc nhiên
ta bỗng gặp người bạn hai mươi năm xa, không tin tức
người bạn với đứa con trai giống hệt anh ta hai mươi năm về trước
nếu không có con anh khó mà nhận ra anh.
2.
Em ơi em, tốc độ tháng ngày chúng ta đang sống
không xảy ra sau một lãng quên dài
mà tốc độ những gia đình đang sống trong những căn nhà lợp giấy dầu bỗng lên tầng năm ở
đất và trời sau chớp mắt gặp nhau
và người công nhân khi tìm ra sáng kiến
máy vẫn quay một phút bấy nhiêu vòng, sản phẩm bỗng nhiều hơn
và người nông dân khi nhận ra đất ruộng
không phải sân chơi, ngô lúa bỗng ắp đồng…
và sản phẩm hóa thành con số xanh con số đỏ
thành mũi tên trước các tấm biểu đồ
những con số những mũi tên – đấy cũng là tốc độ
sự vươn lên tự hoàn thiện của con người – lòng trung thực được đo.
3.
Anh muốn chứng minh cho em rằng: có thể từ một biến động đột nhiên trong con người, tốc độ được sinh ra
như trái mìn bén lửa
nhưng điều ấy có cần không khi tình yêu bùng nổ
tim thời gian rung trên đỉnh trời cao
và mặt trời sẽ không bao giờ già đi khi tuổi trẻ nhận mặt trời là bạn
và con người sẽ mãi mãi thanh xuân khi trái tim luôn đập cùng nhịp sống hàng ngày
và sông núi vĩnh hằng cùng thế giới
khi tự nó không rời tốc độ trái đất quay.

Phân thân

Họa sĩ nhỏ con. Tấm bao bố cà tàng
cô gái đẹp ngủ mơ trên chiếu rách
manh áo vá không đủ che kín ngực
da trinh ngần chớp lóa dưới trăng suông
Thăm thẳm yêu. Thăm thẳm tới hồng hoang
em đừng đánh lừa anh dù chỉ lần áo mỏng
đời anh đã phân thân thành Ngựa Trắng
chạm trái cây rung bầu vú cội nguồn
Họa sĩ nhỏ con. Tấm bao bố cà tàng
chú ngựa chiến cô đơn trên cỏ xanh nhàu nát
người nơi nao? Mặt trời chôn trong đất
trăng linh hồn lơ lửng giữa không trung
Chẳng còn thấy anh đâu. Chỉ cầu vồng bảy sắc
chẳng còn thấy anh đâu. Chỉ vang lên âm nhạc
trái tim anh trên những tấm thảm bay
và bao bố – chính là Anh-Thân-Xác…

Thơ bốn câu

1. LORCA
Những câu thơ những con sóng thủy tinh
bơi trong đó Lorca trong suốt
trong đến nỗi tôi nhìn thấy được
trái tim Người thủng đạn, vẫn bơi.
2. Ê-XÊ-NHIN
Anh chẳng kêu gọi gì. Anh chẳng gọi kêu ai
đến như giọt sương ánh lên rồi tan biến
bao người chết vì Anh. Vì Anh bao người sống
Anh chẳng kêu gọi gì. Anh chẳng gọi kêu ai
3. NHỚ NGUYỄN TRÃI
Đi dọc miền Trung ngất núi non
núi điệp trùng. Ta cô đơn
đường cũ gập ghềnh thơ Nguyễn Trãi
núi nào ta gặp cũng Côn Sơn.
4. CẠN CHÉN
Rượu ai mang đến, chén ta đây
hãy rót người ơi, rót thật đầy
mỗi lần cạn chén lòng thấy lạ:
rượu nâng cùng người, uống cùng cây.
5. KHÔNG ĐỀ
Đường vẫn đường xưa. Trở về
ai gặp ai đâu? Biệt li
ngỡ không rượu uống không nước mắt
chiều rót cho ta thơ không đề.

Lao Bảo

1.
“Nhà tù người Việt, người Việt xây
đất bản xứ sẵn xi- măng đá sắt”
dưới roi vọt của những tên cai Pháp
người Việt xây đêm xây ngày
cát đá mồ hôi và máu
xây xây xây

xây xây xây…
“Nhà tù người Việt, người Việt xây thật chắc”
quan Pháp nói đấy điều không thể khác
“muốn khai hóa văn minh phải xây ngục mở đường”
và nhà lao Thung Lũng Bão mọc lên
2.
Nhà lao đã giam ai đầu tiên
không ai khác những người xây nó
nghĩa địa đã chôn ai đầu tiên
không ai khác những người xây nghĩa địa
Thung Lũng Bão nhiều thêm tù bản xứ
những nấm mồ Thung Lũng Bão nhiều thêm
3.
Nhà lao giam những chiến sĩ trung kiên
những người Việt bị tình nghi yêu nước
nhà lao giam những người chống “mẫu quốc”
trái tim và lá cờ
ánh sáng và bóng tối
nhà thơ và bài thơ…
4.
Tự do tự do tự do
bỗng nghe bóng tối trong tù hát lên
tự do ai đó lãng quên
hãy xin tìm lại trong đêm trong ngày
tự do trong mỗi bàn tay
trong song sắt rỉ chắn ngay cửa tù
tự do trong mỗi bài thơ
sau từng con chữ ước mơ làm người
tự do không chịu yên ngồi
trong tù ngục dưới đòi roi phũ phàng
cũng đừng mong hóa vầng trăng
trăng
là nô lệ muôn năm của trời
tự do trong mỗi con người
dẫu nơi bóng tối hát lời tự do…
5.
Giờ đến đây không tên lính coi tù
sắt thép cong queo bê-tông đổ vỡ
những chồi tơ nhú lên qua đất đá
trẻ chăn trâu ríu rít hái trái hòe
và tôi hiểu điều này: Lao Bảo
chính là Thung Lũng Bão một thời xa…

Bài ca thực tại

Nhạc disco em hát vã mồ hôi
tôi hoài nhớ điệu hát ru thôn dã
chiếc võng nắng mưa nam nồm sông bể
nhảy câng câng trên mặt trống tân thời
thì em trẻ em vui thân hình em ngọn lửa
hóa tro than những điệu hát chài mồi
em từ chối bao bài ca “đánh quả”
bao bài ca không khóc cũng không cười
tôi chẳng hợp điệu nhạc buồn rên rỉ
băng nhạc mưa dai dẳng mấy tuần liền
tim đồng điệu với đất đai bình dị
cỏ xanh dâng âm nhạc thảo nguyên
sao vẫn thiếu cái gì như rượu gạo
trong bài ca em hát vã mồ hôi
âm thanh mới rung vang còi báo động
trên úa tàn tốt đẹp sẽ lên ngôi
rồi sẽ có những bài ca thực tại
để hát lên hoặc để thét lên
nhưng mãi nhớ những bài ca ấy
như bài ca người mẹ hát ru con
như hành khúc những người đi chiến đấu
như tình yêu run rẩy cặp môi hồng…

Nha khí tượng

Người báo bão ngồi im
mây đuôi ngựa phất về hướng núi
đột ngột biển tanh cá chuồn bay như trấu.
Người báo bão ngồi im
màn vô tuyến hiện những quầng xám xịt
tam-giác-bão phản chiếu qua giác quan thứ sáu.
Người báo bão ngồi im
những nhà cao tầng? Báo động
những cây đại thụ? Báo động
Gặt sớm những cánh đồng chưa chín tới
ga hàng không thay đổi giờ bay
trời im nắng như không hề sắp bão
Sẽ ra sao khi cơn bão đổi chiều
khi cơn bão chỉ là ảo ảnh
khi giác quan thứ sáu bị lừa?…
Người báo bão ngồi im
nhà thơ già râu tóc trắng ngồi im
những câu thơ – những dòng tin báo bão hiện lên!

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng đến bạn đọc những bài thơ ngọt ngào da diết về quê hương trong tập thơ ” Sóng Thủy Tinh ” của Nguyễn Trọng Tạo. Hy vọng các bạn sẽ cảm nhận được sự tài hoa của một tâm hồn thi sĩ đầy lãng mạn. Hãy theo dõi chúng tôi để cập nhật những bài viết hấp dẫn hơn nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!