Nguyễn Trọng Tạo Cùng Tập Thơ Con Đường Của Những Vì Sao

Nguyễn Trọng Tạo được ví như một ngôi sao sáng chói trên nền văn học Việt Nam. Ông là người đi đầu trong phong cách thơ thời kì đổi mới văn học. Cùng theo đó là một kho tàng thơ đặc sắc, ông nổi bật với những bài thơ tình chiêm nghiệm sâu xa về tình yêu trở thành một sợi dây vô hình buộc chặt vào tâm hồn người đọc
Tập thơ Con Đường Của Những Vì Sao được xem là một tập thơ kể về cuộc chiến tranh khốc liệt tại Đồng Lộc. Nguyễn Trọng Tạo dồn bút lực vào chương “ đỉnh cao” viết về sự hy sinh của 10 cô gái anh hùng. Sự cảm phục những cô gái quên mình vì tổ quốc
Nào, hôm nay chúng ta hãy cùng uct.edu.vn cảm nhận những bài trường ca đi vào huyền thoại này nhé!

I. Đôi Nét Về Nhà Thơ Nguyễn Trọng Tạo

– Nguyễn Trọng Tạo (25/8/1947 – 7/1/2019) là nhà thơ, nhà văn, kiêm nhạc sĩ, hoạ sĩ, sinh tại Diễn Châu, Nghệ An, đi lính năm 1969, học Đại học viết văn Nguyễn Du khoá 1, làm thơ từ năm 14 tuổi.
– Ông là Uỷ viên Hội đồng thơ của Hội nhà văn Việt Nam, Trưởng ban biên tập báo Thơ (2003–2004), từng được các giải thưởng thơ của Nghệ An năm 1969, và giải thơ của các báo Văn nghệ, Văn nghệ quân đội, Nhân dân (1978), hai lần được Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô (Huế), Giải thưởng Văn học nghệ thuật Hồ Xuân Hương, Giải thưởng Uỷ ban toàn quốc các hội văn học nghệ thuật Việt Nam về thơ và văn xuôi.
– Thơ và truyện ngắn của ông dịch ra tiếng Pháp, Anh, Nga, Tây Ban Nha…
– Ngoài thơ, ông còn là nhạc sĩ, công tác tại Tạp chí Âm nhạc và Thời đại của Hội nhạc sĩ Việt Nam, đã có 8 giải thưởng âm nhạc.
+ Các album đã phát hành:
– Tình khúc bốn mùa (NXB Âm nhạc và Hội Nhạc sĩ Việt Nam, 1996)
+ Các bài hát nổi tiếng:
– Làng quan họ quê tôi (lời thơ của Nguyễn Phan Hách)
– Đôi mắt đò ngang
– Khúc hát sông quê (lời thơ của Lê Huy Mậu)
+ Ông đã vẽ khoảng 500 bìa sách, trong đó có:
– Chuyện kể năm 2000 (Bùi Ngọc Tấn)
– Vẽ nhiều minh hoạ trên báo, tạp chí, và trình bày mỹ thuật tạp chí Cửa Việt bộ đầu tiên (1990-1992), báo Thơ, mẫu măng-sét tạp chí Sông Hương, Hồng Lĩnh, Sông Lam, v.v…
+ Các tác phẩm chính:
– Thơ: Gửi người không quen, Sóng thuỷ tinh, Đồng dao cho người lớn, Thư trên máy chữ, Tản mạn thời tôi sống, Nương thân, Thơ trữ tình, Thế giới không còn trăng,…
– Trường ca: Con đường của những vì sao, Tình ca người lính.
– Văn xuôi: Miền quê thơ ấu, Ca sĩ mùa hè, Chuyện ít biết về văn nghệ sĩ, Văn thơ nhạc tuổi thơ,…
– Tiểu luận phê bình: Văn chương cảm và luận

II. Tập Thơ Con Đường Của Những Vì Sao 

Nguyễn Trọng Tạo là một nhà thơ lớn. Ông có nhiều tác phẩm nổi tiếng, trong đó có tập thơ Con Đường Của Những Vì Sao đây cũng chính là những bài trường ca Đồng Lộc. Ông trân trọng sự hi sinh của 10 nữ anh hùng không tiếc thân mình hi sinh cho đất nước. Qua bài, ông khắc họa được sự khốc liệt của chiến tranh mang lại và sự biết ơn lớn lao đối với những người con gái tuổi trăng tròn xả thân vì quê hương
Chúng ta cùng nhau cảm nhận những bài thơ này nhé!

Phần mở đầu – Khúc hát tặng

Mãi biết ơn Mười cô gái Anh hùng cùng hy sinh ở Ngã Ba Đồng Lộc,
Anh hùng La Thị Tám và những người đã gợi cho tôi viết trường ca này.
Tuổi trẻ ơi, xin nhận ở thơ tôi
một ngọn cỏ xanh xanh trưa lửa bỏng
như giọt nước rơi dài không tan biến
ngưng giữa nắng trời hình lá cỏ, long lanh
nếu bạn đang vui, bạn hãy đi quanh
và có thể mời cả người yêu nữa
trên ngọn đồi ngỡ chỉ còn sỏi đá
trên ngọn đồi ngỡ chỉ còn lửa đỏ
vẫn âm thầm ngọn cỏ lên xanh
nếu bạn buồn vô cớ, mong manh
xin bạn áp trái tim mình vào cỏ
và có thể, mời cả người yêu nữa
bạn sẽ nghe lời cỏ hát thì thầm…
Không đùa đâu, thơ tôi nói thật lòng
trước niềm đau, trước niềm vui có lẽ nào dối trá
(thật kinh tởm sau cơn đau trở dạ
lại sinh ra một con búp bê vàng!)
Tôi sống ở đây từ thuở ngọn đồi xanh
những người nông dân lên đồi cắt cỏ
gánh cỏ đầy đứng nhìn phía hoàng hôn
và họ nói với nhau: phía ấy dãy Giăng Màn
phía ấy núi non thâm nghiêm, sừng sững
rồi họ quay về phía biển
nhìn sóng ngoạm cánh đồng
những cánh đồng gió thổi quắt quay
con suối hẹp xoáy bờ vực thẳm
tôi sống ở đây những ngày lửa bỏng
khi con đường chiến lược vắt qua đồi
cuối những năm sáu mươi
từ phía biển, bom ném vào Tổ quốc
bom ném vào ngọn đồi căng phồng vòm ngực
bom không ngừng không dứt
bom ném vào tuổi trẻ của tôi…
Tuổi trẻ của tôi
mười tám, hai mươi
trong và tinh khiết như nước suối đá
khỏe và mơn mởn như mầm lá
rộng và dài như mơ ước, yêu thương
vươn lên và bền vững như con đường
gắn vào đất, tạc vào mặt đất
Tuổi trẻ như sao trời mát mắt
khi yên bình hạnh phúc ngước nhìn lên
và cháy bùng như lửa thiêng liêng
khi giặc giã đụng vào bờ cõi
dẫu rụng xuống, vẫn chói lên lần cuối
gọi dậy những lớp người
dẫu rụng xuống, bầu trời không trống trải
trong mắt người sao vẫn mọc khôn nguôi…
Tuổi trẻ ơi
xin nhận ở thơ tôi
khúc hát thầm của cỏ
nếu không may bạn gặp lời cau có
xin đừng buồn
xin bạn đừng buồn
ấy là lúc tôi đang tìm cách kể
cho bạn nghe cảm động dễ dàng hơn
như cô gái mở đường đứng trước bãi bom
một thoáng cau mày
cho con đường sống lại
trên Đồng Lộc những năm gay cấn ấy
ngày yên bình tôi cùng bạn về thăm…

Chương một – Hai người yêu chia tay

Hai người yêu nhau đi về phía đầu làng
trăng mười sáu theo đi lặng lẽ
khi trăng khuất sau ngọn tre cắm cúi
khi trăng ngồi nghỉ ngơi một chút
trên mái tranh xóm nghèo
và ánh trăng cứ lặng lẽ nhìn theo
hai người yêu nhau đi bên nhau, đi mãi…
Cô gái áo nâu vai tròn gió thổi
ngực căng đầy hồi hộp ánh trăng
tóc chàng trai dính chút bùn non
sau buổi cày bừa đồng chiêm vội vã
Ở xa kia dòng sông La giũ lụa
ở xa kia dải Trường Sơn tím mờ
ở xa kia sóng biển húc vào bờ
ở xa kia… nhập nhòe pháo sáng
những con đường trườn trên mặt đất
những chuyến xe trườn trên mặt đất
những đoàn quân như hàng cây chuyển động
về hướng Nam
lặng im
lầm lũi…
Hai người yêu nhau vẫn chưa ai chịu nói
dù một lời rất khẽ, rất xa mờ
dường như họ nén lặng để nghe
từng tiếng động trong đất đai xóm mạc
từng tiếng động không thể nào đánh mất
trên con đường họ đi đến ngày mai…
Trăng quan tâm đến nhịp thở hai người
trăng bước chậm cho đêm không ngắn lại
cái xóm nghèo sao mà im ắng vậy
cây đa già hôm qua đâu rồi?
trăng rùng mình ngỡ vừa đánh rơi
vùng bóng mát trăng dành cho chú Cuội
(ngày hôm qua, trước khi trời tối
những quả bom đã xô xuống xóm nghèo!)
Hai người yêu nhau dừng lại tự lúc nào
trên thảm cỏ những chú bê thường đến
hai cặp mắt nhìn nhau trìu mến
hai cặp mắt quyện hòa ánh sáng
ngỡ chưa bao giờ như thế lúc nhìn nhau
trăng thẹn thùng không biết nấp vào đâu
bỗng một đám mây nhởn nhơ bay đến
trăng lơ đãng cho vòng tay nồng ấm
chàng trai ôm cô gái vào lòng…
Có cái gì như một cái hôn nồng
gió thoảng hương hoa lúa
hai người yêu nhau như chẳng hề biết sợ
– ngày mai
ngày mai mỗi người mỗi ngả
đi vào cuộc chiến tranh…
Đến bây giờ, hai người vẫn lặng im
nói mà làm chi khi chưa cần phải nói
cứ im vậy cho trái tim tuổi trẻ
đập nhịp tình yêu có thật của mình
ôi hạnh phúc như cười như khóc
chỉ còn nhau trong mắt ướt lung linh!…
Trên thảm cỏ xanh trăng trải lụa vàng
họ ngồi xuống như không về nhà nữa
họ ngồi xuống như quên sương gió
– ngày mai
ngày mai mỗi người mỗi ngả
đi vào cuộc chiến tranh!
Chàng trai vô tình hái một ngọn cỏ xanh
đặt vào lòng tay cô gái
cô cười mỉm và buột thành tiếng nói:
“- ngày mai chúng mình mặc áo cỏ xanh!”
“ngày mai chúng mình mặc áo cỏ xanh”
chàng trai nhắc lại lời cô gái
như đọc một câu thơ láy lại
trong bài thơ không chút êm đềm
trong đêm cỏ mềm
tình yêu và xa cách.
Ngày mai
ngày mai chàng trai thành người lính
đường người lính – đường ra mặt trận
bàn tay người lính – bàn tay cầm súng
trái tim người lính – chọi cùng đạn bom
chọi cùng lưỡi lê
súng đạn mặt kẻ thù…
sẽ chẳng thành người lính bao giờ
nếu từ nan cái chết
đất nước những người sợ chết
chẳng bao giờ đất nước sống bình an!
Sau nụ cười, cô gái nghĩ miên man
về đất nước, tình yêu
và bỗng lạ trước bao điều mới mẻ
nếu không có cuộc chia tay như thế
biết bao giờ, biết đến bao giờ
cô nhận mặt những suy tư khao khát
cô nhận mặt những vui, buồn, day dứt
của lòng mình
mà không thể, không ai có thể
mang đến cho, hay đến mách lại giùm!
Ấy là năm
không chỉ máu miền Nam đổ xuống đất miền Nam
không chỉ máu miền Bắc đổ xuống đất miền Nam
chiến tranh như gió dữ phừng phừng
tràn qua vĩ tuyến
máu miền Bắc đã nhuộm bầm đất Bắc
vẫn âm thầm dành dụm
vẫn âm thầm dồn máu xuống phương Nam…
Ấy là năm
cả dân tộc mình mặc áo cỏ xanh
mặc tự nguyện, mặc không lựa chọn
những lứa đôi ở hai đầu tiếng súng
chỉ mình hiểu lòng mình ngày tháng đợi chờ nhau.
Ấy là năm
dải đất hẹp miền Trung
như quãng hẹp một dòng sông chảy xiết
bom kẻ thù vung vãi nơi đây
ba giờ chiều: bom cắt đường số Một
ba giờ mười lăm phút: thông xe
bốn giờ chiều: bom cắt đường số Một
bốn giờ mười hai phút: thông xe
năm giờ chiều
rồi tám, chín giờ đêm
cuộc hành quân san sang đường chiến lược
những con đường đi cứu nước
đích gặp nhau ở phía có quân thù.
“- Em nghĩ gì trong đêm chia ly
mà anh hỏi, em không nghe thấy?”
cô gái giật mình ngước cặp mắt ráo khô
nhìn vào mắt người yêu
như nói hết bao điều cô chợt nghĩ
chàng trai hiểu, và anh không hỏi nữa
xiết chặt vòng tay
như sợ gió mang người yêu đi mất:
“- La! La ơi, rồi anh sẽ trở về
với em, với mẹ
với bao người thay ta trồng ngô, trồng lúa
với bờ tre, lối ngõ, dòng sông
với những gì ta nhớ ta mong
với tháng Mười Hai hai đứa mình hẹn cưới…”
Nào riêng hai người yêu nhau hoãn cưới
bao cô dâu đêm tân hôn tất bật
khoác ba lô tiễn chú rể lên đường
để tới đêm tân hôn có thật
có cái gì hơn cả máu xương!…
“Anh Mùa ơi,
chắc ngày ta gặp lại
trăng chẳng đầy như trăm đêm nay
anh có nhận ra em, buổi ấy
mé núi xa treo mảnh trăng gầy?…”
hết nhìn trăng lại nhìn cô gái
“Trăng! Trăng ơi, anh nhận ánh trăng này
như nhận men say
nhận dòng sữa ngọt
trên sa mạc của tình yêu cháy khát
La! La ơi, anh thề không phụ bạc
với vầng trăng chung thủy của mặt trời”
… Mùa nghe trái tim rộn rã bao lời
anh không nói, nhưng hẳn La nghe được…
Thảm cỏ xanh được ánh trăng đánh thức
mở lá mềm đỡ lấy tình yêu
mái tóc xõa thơm mùi cỏ dại
mái tóc xõa tan vào cỏ dại
gương mặt La ngây ngất vầng trăng
Mùa đặt nụ hôn
lên vầng trăng trên cỏ…
– Ngày mai, ngày mai mỗi người mỗi ngả
đi vào cuộc chiến tranh,
“La! La ơi, em tha lỗi cho anh
nếu anh được nói lời sâu kín nhất
rất có thể em nghe, em sẽ khóc:
“- ước gì chúng mình cưới nhau hôm qua
ước gì chúng mình cưới nhau bữa trước
để trong đêm ly biệt
nói chuyện tương lai
em ước con trai
anh mong con gái…”
La rùng mình cắn vai Mùa đau nhói
nước mắt vui hay nước mắt buồn
ôi, có những điều mong ước giản đơn
nói ra thành yêu thương
nói ra thành sợ hãi
“- Thôi, hãy dành cho ngày mai gặp lại
ngày ấy gió Hòa Bình
mang chúng mình về ngôi nhà của mẹ
dẫu đã qua thời tuổi trẻ
vẫn còn thời tuổi trẻ làm bài hát ru con
cái thời tuổi trẻ đạn bom
ta đi cứu nước
sống xứng đáng với người sau, người trước
câu hát chẳng ngượng ngùng, câu hát chẳng vu vơ”
Và họ tin như thế, hai người
như đất nước vẫn tin ngày toàn thắng
(có những lúc niềm tin phải nói to lên như sợ ai quên lãng)
thật ngây thơ và cũng thật đáng yêu
nhưng ở sau ánh mắt họ nhìn nhau
trăng có biết họ nghĩ gì, trăng hỡi?
– rất có thể một người không trở lại
máu chan hòa mặt đất quê hương
máu chan hòa dưới thảm cỏ xanh non
tốt tươi đất đai, tốt tươi Tổ quốc
sống hết lòng mình, chết đời cao đẹp
những con người như thế, mãi gần nhau!
Trăng tròn ngự đỉnh trời cao
trăng đứng đỉnh trời lâu chưa trăng hỡi
La và Mùa hôn nhau lần cuối
nghe đất trời lảo đảo cơn say
cái hôn dài ánh trăng đầy
như đi suốt tháng ngày xa cách
như đi suốt núi sông trời đất
vẫn nồng nàn men tình ái ngất ngây…
Rồi trăng mười sáu lặn về đâu
còn nhớ đêm nay trên bán đảo
ở xa kia dòng sông La giũ lụa
ở xa kia dải Trường Sơn tím mờ
ở xa kia sóng biển húc vào bờ
ở xa kia nhập nhòe pháo sáng
bao cuộc chia ly đầu làng cuối xóm
đắm say và xúc động
khiến vầng trăng chia ly không mòn khuyết bao giờ…

Chương hai – Ngã ba

Nơi La đến: Ngã ba Đồng Lộc
nơi tuổi thơ cắt cỏ chăn trâu
những buổi chiều sim tím sim nâu
ăn không hết, đựng đầy túi áo
nơi mỏm đá Mùa thường ngồi thổi sáo
đàn trâu đen rong ruổi hoàng hôn
những đám mây ngũ sắc lang thang
nhập vào đá sỏi
nhập vào khói bếp cuối làng
nơi con suối nước trong nho nhỏ
mỗi lần rửa cỏ
La gọi thầm: Suối Út ơi!
suối Út là con út của đất và trời
La, con út của cha và mẹ
suối Út chảy qua đồi Đồng Lộc
La như con suối sinh ra từ tình yêu của mẹ cha nghèo
Nhưng suối Út ơi, suối Út chẳng biết đâu
nơi ngã ba đường hiểm trở
những quả bom của kẻ thù xám úa
như răng thú dữ
cắn vào suối Út, cắn vào ngã ba này
răng chúng dính đất đai
dính máu sông máu suối
Kẻ thù
những cái mồm đen tối
sống lật bàn tay
như khi đang bay trên trời
nó lật cánh cắt bom đột ngột
kẻ thù
những tổng thống kếch sù buôn máu
những nghị viện luôn sờ tay túi quần túi áo
dáng nghĩ suy đếm nhẩm tiền vàng
và tính nhẩm đạn bom
sẽ ném xuống dòng sông ngọn núi
sẽ ném xuống con đường nơi hiểm yếu
nơi những người diệt chúng sẽ đi qua…
La đến đây
nơi ngã ba trụi trần đất đỏ
ngã ba nắng, ngã ba gió
ngã ba đất, ngã ba trời
ngã ba xe, ngã ba người
ngã ba bom đạn
cây muỗm chạc ba ngã xuống
nhập vào ngã ba tro than
gốc bám phía nam
cành vươn phía bắc
lá cháy nhập vào màu áo đoàn quân
dưới ánh sáng mặt trời
ánh sáng trái tim người
cuộc quang hợp màu xanh…
Ngã ba
Mọc những căn hầm chữ A
cửa mở phía mặt đường
cửa mở phía chiến trường
những cô gái lòng hướng về phía đó
những cô gái mở đường, rất trẻ
với La, là đồng chí,
với La, là em, là chị
là Tần, là Cúc, là Xanh…
những cái tên hiền lành
hôm qua còn đuổi nhau quanh ngã ba xóm nhỏ
nụ cười tuổi trẻ
rung rinh mấy cánh bèo vương.
…….
Rồi một sớm – bình minh
La cùng Tần, Xanh, Cúc…
đứng như tạc vào nền trời Đồng Lộc
nhìn xuống ngã ba đường
Xanh bỗng reo lên, giọng vang như chuông:
“- Ngã ba xòe bình minh rẻ quạt
mỗi ngả đường một tia hồng sáng rực
những tia hồng dừng lại ở nơi đâu?”
Cúc đẫy đà, cắm xẻng xuống đất nâu:
“- Những tia nắng bắt đầu từ xẻng cuốc
chỉ dừng lại nơi con người bất lực
nơi con người chồn gối trước Tương lai!”
Tần trầm tư, ý tứ mỉm cười:
“- Nhìn ngã ba mình nhớ bài hình học
bài toán ấy như một niềm thúc giục
về những cách giải gọn gàng khi đứng trước ngã ba!”
Rồi họ đi dưới tán bạch đàn che
dưới tiếng lá lao xao trò chuyện
ôi tiếng lá khi gần như tiếng đất
khi xa vời như tiếng các vì sao…
Rồi họ đào, họ gánh
trong rát bỏng gió Lào
trong nắng cháy chân trần, tay áo xắn
đất và đá
yếu mềm và cứng rắn
cán xẻng với tay người
đòn gánh với vai người
con đường và trái núi
phá và xây ngày tháng đỡ đần nhau…
Và đêm
đêm bị xắn ra bằng lưỡi xẻng
đêm bị xắn ra bằng choòng bằng cuốc
đêm chuyển dời
theo tiếng bước chân
đêm bồng lên khi tiếng hát trong ngần
bay từ vồng ngực con gái
đêm giãn ra
đêm nén lại
đêm vỡ tan trong đột ngột tiếng cười.
Cũng có khi
đêm ướt đẫm mồ hôi
họ bỗng thấy sao trời đậu trên má, trên cánh tay
sao di động nhanh và uyển chuyển
theo ba hướng con đường
rồi trở về nơi ngã ba hội tụ
có một lần nào đó
La gọi thầm: Ôi, Ngã-ba-sao!
Ý nghĩ của La chẳng ngây thơ đâu
Ý nghĩ ấy cũng chẳng hề già cỗi
Ngã-ba-sao! Mấy lời cô thầm gọi
thật hồn nhiên và chín chắn dường nào
ấy là La đã nghĩ về bè bạn
những con người giản dị, lớn lao!…
Cho đến lúc những vì sao trên trời
tan vào mây xanh mây trắng
cho đến lúc con đường chan chứa nắng
dưới hàng cây chưa lặn những mặt người
cho đến lúc xe qua
vang vọng tiếng còi
bao cô gái mới về căn hầm chật
qua cửa hầm, mắt những người lái xe gặp
bao nụ cười lấp lánh dưới đất sâu….
– Có gì lạ?
“thật là giản đơn”, La nghĩ
nếu không có cuộc hành quân đánh Mỹ
thì ngã ba này như mọi ngã ba thôi
đồi Đồng Lộc vẫn như con rùa ngủ
đầu cúi trước đại dương
lưng tựa vào rú Bụt
rồi thỉnh thoảng rùa giật mình thức giấc
nhìn đoàn xe chở gỗ đi qua
màu bụi trên thùng xe thay cho giấy nhật trình
xe từ Khe Giao, Thông Linh, Hương Sơn, Linh Cảm?
ra Vinh hay về Đò Điệm
xe đi rồi, rùa lại cúi thiu thiu
lắng tiếng động dập dìu
quanh ruộng đồng xóm mạc
những âm thanh quen thuộc
như điệu hát ru thanh bình…
và,
những đứa trẻ chăn trâu lớn lên
sẽ đi xa quê hương bỗng nhớ
vệt bánh xe ngã ba chiều mưa
nhắc kỷ niệm ấu thơ
trên mỗi trang thư
bỗng muốn làm con sẻ đồng bay về tuổi nhỏ…
– Có gì lạ?
“thật là đơn giản
mẹ ơi,
hôm mẹ tiễn con đi đến vùng bom đạn
mẹ chỉ dặn
sống cho xứng với chị em, bầu bạn
sống cho xứng…
ôi, đời mẹ đã về chiều
vẫn dành con tia nắng nồng đượm nhất
sống cho xứng…
khi dân tộc đang đứng trước một ngã ba thử thách
chiến thắng hay đầu hàng
ngày hay là đêm
mình làm chủ đời mình hay sống đời nô lệ
sống cho xứng… giản đơn lời mẹ
đưa con cùng đồng đội đến ngã ba này
như một câu trả lời, như một ý thơ hay.
– Có gì lạ?
– Thật là đơn giản
bom đạn giặc bay tung đất đá
bay tung con đường
rồi đất đá lại trở về đất đá
rồi con đường vẫn là con đường ấy
với ngã ba vẫn ngã ba này
bởi con vẫn là con của mẹ
bởi đoàn xe không thể nào dừng lại
người vẫn gọi người
máu thịt vẫn gọi về máu thịt
nửa nước vẫn gọi về nửa nước
tiếng vọng xuyên con đường
xoáy lại mỗi ngã ba
ngã ba!
mỗi ngã ba trên cơ thể đất đai
những ngày cứu nước
hướng đi của đoàn quân không thể nào đổi khác
ngã ba như mũi tên
chỉ về phía chiến trường ác liệt.

Chương ba – Quanh tháng ba 1968

TỔNG THỐNG
“- Họ đã tập kích vào tòa đại sứ
mười lăm phút, vâng, cách đây mười lăm phút
đêm nay, đêm Giao thừa Mậu Thân
hỏi còn chỗ nào yên ổn hơn
cho nước Mỹ
trên bán đảo cỏn con
cái bán đảo bao giờ cũng ngỡ bị sóng Thái Bình Dương
nuốt chửng
và cái lãnh thổ cỏn con của họ có gì bí hiểm
mà chúng ta gậm một phần tư thế kỷ chẳng mòn
quai hàm của chúng ta cũng mệt nhoài
với sóng Thái Bình Dương…
Hỏi còn cách nào hơn
để diệt mầm Cộng Sản
máy chém ư?
những lưỡi chém bằng thép và thợ rèn hảo hạng
đã cùn
trong cuộc hành-quân-máy-chém
hàng viện trợ? Chúng ta hùn cả vốn
không cứu nổi mớ quân bài tã lót
tung lính Mỹ vào ư?
thật không còn thứ bia nào sinh động hơn
bao mũi súng cứ thập thò sau lá
cái màu lá ngụy trang
qua vĩ tuyến vẫn màu trăng kỳ lạ
cái màu trăng ngụy trang!…
Hỏi còn cách nào hơn
bom đã ném xuống bên kia màu trăng ấy
người chảy máu và trăng chảy máu
những chiếc “F” chiếc “A” chảy máu
lửa bén sang Lầu Năm Góc của ta
không phải cháy ở xa
lửa bốc ngay trước cửa
ta phải tuôn nước mắt ướt đầm như một kẻ khóc thuê
thứ nước mắt tuôn ra không phải nhờ ớt cay mà là vì lửa
để khóc cho hòa bình
ta đã bắt tay rất thiện tình
cả với người quáng mắt
miễn họ nói một lời dù rẻ mạt
cho danh dự của ta trên bán đảo cỏn con này.
Nhưng không được rồi
họ đã đấm vào cửa nhà ta ở
cửa nhà nước Mỹ
phía Sài Gòn
họ đã đấm vào phòng ta ngủ
từng hồi chuông điện thoại kinh hoàng
họ từ đâu? Ở đâu? Măng đã mọc thành rừng
măng đã mọc thành chông thành súng
măng đã mọc những sư đoàn biệt động
măng đã mọc những sư đoàn thiện chiến
bên này bờ vĩ tuyến
hỏi còn cách nào hơn?…
– Rút chân khỏi bùn?
ôi đáng sợ là vùng bùn châu thổ
cái vùng bùn chính trị
cái vùng bùn quân sự
vùng bùn trên lục địa mênh mông!…
– Hãy chặt đứt “cuống xoong” trên bán đảo Đông Dương
đoạn miền Trung đất Việt
như cá bị chặt ra từng khúc
như động mạch giữa chừng bị cắt
a ha ha
Nam Việt Nam phải hóa thành hòn đảo giữa đất liền
rừng măng sẽ chết vì nước mặn
thứ nước mặn của bom của đạn
của nước Mỹ chúng ta…”
Như con hổ trọng thương – viên tổng thống
gào lên. Hai tay đấm trời xanh
trời vần vũ nghìn đám mây màu xám
chiến hào hằn sâu trên vừng trán
chiến hào màu đen
phác những đội hình
cho không lực dàn đội quân quỷ quái
viên tổng thống mỉm cười, đắc ý:
“- Chẳng lẽ bùn lầy lội trời cao?
hãy đem ra pháp trường
những phi công nói láo
sau khi hắn từ Việt Nam trở lại
dù chỉ trong ý nghĩ
về những vệt bùn hắn đã gặp trên không!?
“Nhưng muốn họ đắng cay hơn, hãy cho vị ngọt ngào
trước cái chết, hãy cho hy vọng sống”
(phút yên lặng của viên tổng thống
có bao nhiêu cơn bão lớn đi qua):
“- Thưa các ngài
không lực Mỹ sẽ ném-bom-hạn-chế
trên vùng đất các ngài đang ở
ngoài vĩ tuyến hai mươi, trẻ nhỏ
hãy ném đi những chiếc mũ rơm
đó là dấu hiệu hòa bình
mà người lớn chúng ta mong muốn
vĩ tuyến hai mươi, vâng bên này vĩ tuyến
xin giữ làm nhiệt-kế-chiến-tranh!
Tổng thống nghẹn ngào, nước mắt vòng quanh
thứ nước mắt lọc lừa gian xảo
rồi tổng thống quay về cùng tiệc rượu:
– “Hỡi các ngài trong cuộc chiến tranh này
chúng ta không làm nhạc sĩ
đi hát rong cảm xúc tóe tung
hãy làm nhà thơ nén từng câu từng chữ
từng câu đạn, từng chữ bom
nén lại trên “cuống xoong”
Khu Bốn
ta sẽ có một bài thơ cô đọng
trong cuộc chiến tranh này
mà điểm sáng bài thơ là Ngã ba Đồng Lộc
ngã ba chiến lược
nơi tất cả mọi con đường ta dễ dàng cắt đứt
sẽ tụ về Đồng Lộc. Tứ thơ hay
hỡi các ngài
ta sẽ dùng từ mới ở đây
MÔĐEN 1, MÔĐEN 2
bom bốn cánh hình bán cầu khuyết lõm
những A6, A7, F4
hãy dồn vào đây
và nếu cần, cả pháo-đài-bay
để cửa ngõ chiến trường thành Cửa Tử
đó là chiến-tranh-hạn-chế
a ha ha
ta không làm nhạc sĩ
hãy làm nhà thơ trong cuộc chiến tranh này
điều khiển câu bom chữ đạn
nào,
chạm cốc, chạm ly, chạm…”
Bữa tiệc máu trong dinh tổng thống
đã bắt đầu như thế, bắt đầu
trời thì cao, biển cả thì sâu
đất thì rộng, ngôi nhà thì kín mít
Oa-sin-tơn điện màu nhòe nhoẹt
mặt Giôn-xơn lúc hiện lúc mờ…
NHỮNG CÔ GÁI
Một ông sao sáng
hai ông sao ngời
bốn
năm
sáu
bảy
sao trời
ghép gàu sóng tát cho vơi đêm dài
chòm sao nào ghép gàu dai
sao Thần nông có biết ai thức cùng?
ở đây trời đất một vùng
trông xuống biển
ngó lên rừng
dễ thay!
một đêm rồi lại một ngày
mấy lần giặc phá, mình xây mấy lần
đoàn xe mải miết về Nam
sao rung trên lá ngụy trang lập lòe
Qua một chuyến xe
qua hai chuyến xe
con đường thở dốc…
qua ba chuyến xe
qua bốn chuyến xe
tim người hồi hộp….
năm
sáu
bảy
tám….
chuyến xe
hàng cây lặng gió lắng nghe bồn chồn
người ngồi mỏm núi gác bom
giữa trời sao, dáng thon thon, tóc dài….
Đất sâu vọng tiếng học bài
một
hai
ba…
lại một, hai… lũy thừa
độ cao “hát”, góc “anpha”
đường lên bởi dốc, đường “cua” bởi vòng
tiếng Xuân “Vĩnh Lộc” trong trong
giọng Xuân “Đức Hồng” hay hỏi, the the
người ngồi mỏm núi lắng nghe
tiếng học bài với tiếng xe quyện hòa….
“Chị La ơi, buồn ngủ chưa?
xuống đây giảng hộ một tua đã nào
bài hình mới khó làm sao
cái bài lượng, chẳng tài nào giải ra!…”
Tiếng Tần át tiếng xe qua
La nhìn trời… bỗng sao nhòa âm thanh
trời cao như chốc rùng mình
– máy bay lũ giặc trá hình vào sao
vẫn là chấm lửa trên cao
với người lính gác, làm sao đánh lừa?
Một chấm lửa kia
hai chấm lửa kia
bốn
năm…
chấm lửa
con mắt kẻ thù
lúc long lên, lúc đỏ lừ, lăm le
“- Tần ơi, xong trận này về
lại ngồi bên ánh đèn che, học bài!”
Đất chao một loạt bom dài
đất ơi, đất có mệt nhoài vì bom?
Hái lá chua-ngút non
ngậm cho đỡ khát
trên đường đi lấp hố bom nắng cuối xuân bức bối
cây chút – ngút cạnh ngã ba sót lại
lá tròn đầy như giọt nước tiên
Ở đằng kia suối Út đã bị thương
cách suối một quả bom
mà không sao đến được!
Đã bắt đầu mùa gió Lào khắc nghiệt
đã bắt đầu mùa bom?
Đội nữ giao thông
hai mươi cô gái
sau mỗi trận bom, tiếng bước chân chạy vội
những căn hầm lắng nghe, mong đợi
những căn hầm
chiếc áo giáp họ cởi ra, để lại
mong manh áo vải mẹ may cho
lại một trận bom, họ vẫn chưa về
những căn hầm thắc thỏm
biết họ lấy gì che bom che đạn
ngoài trái tim
và tấm áo mong manh của mẹ?…
Đường thông xe
hai mươi cô gái trở về
những căn hầm đã bay đi đâu cả
chỉ còn đất đá
hun hút hố sâu
chỉ còn những mảnh giấy nát nhầu
như cánh bướm phập phồng run rẩy
đây bài văn của Xanh còn bỏ dở
đây bài lượng giác của Thủy, của Hường
đây lá thư Mùa viết vội trên đường
cho La biết: “Anh thành quân vận tải
thế nào anh cũng qua Đồng Lộc ấy
thăm bao cô bạn gái ở cùng em…”
La đứng lặng tim
những cô gái vây quanh lặng phắc
họ nhìn vào mắt La, như hỏi
– Chúng ta sẽ ở đâu, chị La?
– Chúng ta sẽ ở đâu, đội trưởng?
“- Sẽ ở đâu?
khi chiến tranh hóa phép tính chia, tính cộng
đất Khu Bốn nhận cả phần bom đạn
cho Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Nội…
các đồng chí ơi
nơi chúng ta thêm một loạt bom rơi
bớt gánh nặng cho Quân Khu mình đấy
bớt gánh nặng cho Hoàng Mai, Tam Soa, Bến Thủy
cho Kỳ Anh, Long Đại, Xuân Sơn…
cho miền Nam
cho cả nước
cho trong căn phòng Bác Hồ làm việc
đêm không phải che ba phía ngọn đèn
– chúng ta sẽ ở đâu?
con đường vẫn vươn thẳng bạch đàn
thân dẫu gãy, gốc không rời đội ngũ
ta đã thề bám trụ
với con đường, Ngã ba!”
Hường tìm đâu được cành hoa mua
cắm cẩn thận trên ngổn ngang đất đá
– thôi chào nhé, những căn hầm yên nghỉ
đội nữ giao thông dời lên đồi cao!
Đất Tổ quốc, chân bấm từng bậc dốc
những bắp chân con gái tròn đầy…
LỜI CỦA NẮNG
Ta say mùi cháy khét đá gan gà
ta say mùi héo khô cây cỏ
nên muốn nung đất này chín đỏ
cho mùi mật cháy bốc lên
nếu có ai nản lòng
rời bỏ quê hương đất cằn đá cỗi
ta nhìn theo mỉm cười!
và,
có gì lạ thế, trưa nay
hai mươi đôi chân hai mươi tuổi trẻ
giẫm lên mình ta buốt giá
ta phun lửa. Nhưng họ không hề sợ
họ vẫn lên từng bậc dốc cao cao
họ đi hái sao
hay đi trẩy mặt trời
mồ hôi chảy trên mình ta như suối
ta nhũn mềm, ta tan rữa
ta bị bỏ rơi sau bóng họ đổ dài…
LỜI CỦA GIÓ NÓNG
Ta từng phi qua bao miền lửa cháy
lật đổ rừng cây, lật đổ ngôi nhà
ta đi khắp miền Trung cát sỏi
ôi, những tấm-lưng-trần-đất-đai quê hương ta
bỗng có gì lạ thế, trưa nay
hai mươi bộ ngực hai mươi tuổi trẻ
dâng lên đồi cao trấn giữ
ta giật phừng phừng tóc xanh
ta giật phừng phừng bắp chân
không lay chuyển, họ không hề lay chuyển
ta mệt nhoài, mặt đỏ gay, xấu hổ
ngã sõng soài trên sườn đồi lăn xuống lũng cỏ may…
BÀI CA
Khát
xin uống bài ca
lên dốc mệt
bài ca làm gậy chống
ai buồn nhớ, bài ca xin bè bạn
ai đang vui bài ca đến vui cùng
nắng gió không héo khô bài ca xanh tốt lạ lùng
đi đánh giặc bài ca thành vũ khí
xin đến hát trên môi tuổi trẻ
lời hát tình yêu
xin đến hát cùng hai mươi cô gái trên đồi
lời hát đào hầm bám trụ
áo mỏng tướp vai
bàn tay bàn chân bỏng rộp
lời ca đau bấm sâu thêm nhát cuốc
và long lanh mắt ướt
từ đồi cao bay xuống ngã-ba-bom
bài ca mở tuyến thông đường
át tiếng gầm bom đạn
yêu Tổ quốc bài ca trong sáng
bài ca cùng số phận những đời người….
Treo giò phong lan xanh tươi
trước cửa hầm lưng đồi Đồng Lộc
đội gái giao thông quây quần như gió mát
chuyện về những anh lái xe tinh nghịch
đi qua Đồng Lộc chiều nay
giò phong lan ai gửi tặng ai đây?
cái Hường, cái Xanh, cái Tần, cái Thủy
hay cái Nho “lúm đồng tiền hết ý”?…
– ôi, sao chúng mình không có một anh chàng để nhớ
mà biết đâu, có anh chàng bóng gió nhớ chúng mình!
người bảo tình yêu thường đến thình lình
người bảo tình yêu phải cãi nhau một “cú”
– nhất cự li, nhì cường độ
người lại bảo xa nhau tình yêu mãnh liệt hơn
chăm viết thư chưa hẳn đã thủy chung
yêu lặng lẽ biết mưa hay là gió?..
“- chị La ơi, chị La phân giải hộ
giò phong lan ai gửi tặng ai đây?”
Giò phong lan khẽ nở búp hoa đầu
cả đội nhận của mình, của tớ
Những cuộc vui như thế
giữa chừng hai trận bom…
NHÂN DÂN
Súng hiệu tắc đường nổ ba phát một
như tiếng hú dài
choàng dậy xóm làng quanh Đồng Lộc
nói choàng dậy, nhưng nào ai ngủ được
người thức nghe, cây cối thức nghe
căn nhà thức nghe
giường phản thức nghe
tiếng rì rầm đoàn xe
tiếng gió thở phía Ngã ba vọng lại
ông già khăn đỏ thủ rìu bỏ điếu cày hút vội:
“- Tiếng súng đội o La!”
cả xóm làng: “Tiếng súng đội o La!”
họ đổ về Ngã ba
gió đêm chạy chân trần cuồn cuộn…
Cuối Ngã Ba một vực bom thăm thẳm
máu suối Út chảy vào loang trắng
phía tây núi dựng
con đường quờ quạng
qua vực thẳm tìm nhau.
Nhân dân nhìn vực sâu
đau nỗi đau Bến Hải
nhưng còn thời gian đâu để lặng yên và hỏi
lòng người bao nhiêu vĩ tuyến cắt chia?
Đá xẻ lòng mình ra
rời bụng núi xuống vực sâu xây móng
đất xẻ lòng mình ra lấp vào khoảng trống
lũy tre vang, cây xoan vườn
ai định dựng nhà cao, ai định làm giường cưới
xin đừng hỏi, xin đừng ai gặng hỏi
chú rể tương lai đang ở chiến trường xa
cô dâu tương lai còn bận trực ca
nơi nhà máy
cách nhau một vực bom này đấy
cách nhau một vực bom
không tự nguyện làm cầu qua lửa cháy
biết bao giờ chú rể gặp cô dâu?
La đón từ nhân dân những cột những kèo
những cây gỗ cụ trồng cho ông bà, ông bà trồng cho cha mẹ
những cánh cửa ngậy mùi sơn mới
tấm phản gụ ba người khiêng không nổi
ngọn gió nóng tạt qua
bàn tay chạm vào mặt phản
ngỡ chạm vào giấc ngủ tuổi thơ…
Viên gạch nung từ bao giờ
sau lớp vữa, còn tươi như máu
trong ánh chớp nhoáng nhoàng đêm chiến đấu
vân bàn tay trên viên gạch ngời lên
vân bàn tay bây giờ gặp vân bàn tay tổ tiên
rồi tất cả đắp vào con đường tuyến.
Lại một trận bom ném xuống
Nhân Dân
“- Nhân Dân hãy tản ra, ẩn nấp!”
“- Đoàn xe trên đường biết ẩn vào đâu?
“- Nhân Dân hãy tản vào những căn hầm lưng đồi!”
“- Các o nấp vào mây trời được chắc?”
La nhìn Nhân Dân, cô muốn khóc
“Không thể nào ra lệnh được Nhân Dân
khi chưa hiểu hết lòng dân rộng lớn
Nhân Dân sống Nhân Dân làm lụng
áo vá vai lòng thơm thảo lành nguyên
Nhân Dân căm hờn như núi dựng chông
Nhân Dân yêu thương đồng dâng gạo trắng
bom đạn giặc từ trời cao ném xuống
Nhân Dân từ ruột đất trồi lên!”…
Pháo sáng rơi quằn quại trời đêm
đạn phòng không dựng đứng từng bó lửa
đường viền núi, đường viền người quay đảo
gió cuốn bắp chân
núi cuộn vai trần.
con đường gãy xích lại từng gang tấc
cho đến lúc vòng bánh xe lăn trên đường chóng mặt
Nhân Dân còn nán lại, nhìn theo…
Lúc bấy giờ chợt gặp sao mai
không ai bảo ai
nước mắt Nhân Dân
như những vì sao chậm chạp rụng xuống
đất nhận mùa sao sáng
đậu quanh giấc ngủ thiu thiu
ông già khăn đỏ thủ rìu…

Chương bốn – Hai người yêu gặp lại

Lại một vầng trăng đến
vầng trăng hỏa tuyến
gần, trên mũi súng, cuốc xẻng, gương mặt bạn bè
xa, trên lá ngụy trang phủ bạt những đoàn xe
gần, trong tiếng cười đùa chào hỏi
xa, trong nỗi nhớ người yêu, mong đợi
đêm sáng trăng đêm rộng đêm dài
(đêm không ngủ trăng là con mắt thức)
xe có trăng xe say mùa chiến dịch
trăng làm đèn trên mỗi chặng đường qua
ngã ba có trăng ngã ba hội hè
câu hát đến, câu hát đi, gương mặt thì ở lại…
Rẽ ánh trăng, một chiếc xe bụi đỏ
La ngước nhìn hồi hộp cả vầng trăng
“Anh ấy đã về. Bỏ lại sau lưng
nỗi mong nhớ, những khúc đường cua, vòng bánh xe quay, đạn bom và cái chết
anh ấy đã về, Hường ơi, Xanh ơi, Cúc ơi… La muốn gọi to lên cho bạn bè được biết
anh ấy đã về!…”
Nhưng tín hiệu của tình yêu không cánh cứ bay đi
những cô gái nhận điều linh cảm ấy
(họ đã từng giữa đêm choàng dậy
nhận ra tiếng bom nổ hẫng cuối đồi hoang
khẽ mỉm cười trở lại giấc mơ lành)
giờ họ đến vây quanh xe bụi đỏ
họ chen lấn để được nhìn thật rõ
“ông anh rể tương lai” vừa ở chiến trường về
– Anh đã đến những đâu, hãy kể bọn em nghe?
– Xe có chở kịp hàng cho những sư đoàn “đánh lớn”?
– Anh có nhớ chị La như xe nhớ bến?
– Có biết ai gửi lại ngã ba này một chuỗi phong lan?
Mùa quay về từng câu hỏi âm vang
gặp những tấm lòng…
“biết nói làm sao, biết kể làm sao
ngày tháng gian lao
cơn bão lớn đập trong lòng đất nước
xe nặng vượt đèo bốn mươi độ dốc
những cua gấp khúc
vòng vô lăng xoay tít mặt trăng, xoay tít mặt trời, xoay tít trái tim người
(trái tim người lái xe như quả dọi)
treo lên sợi dây con đường từ Bắc thẳng vào Nam
phía ấy chiến tranh
phía ấy chiến trường
phía ấy những binh đoàn không thể nào thiếu đạn
không thể nào thiếu gạo
không thể nào tắt lạnh
hơi thở hậu phương…)
“biết nói làm sao, biết kể làm sao
rừng nhiệt đới quanh năm tươi tốt
bao chiến sĩ tựa vào cây khi lên cơn sốt
cánh rừng rung lên nhận cơn sốt về rừng
những binh đoàn lại khỏe mạnh lên đường
đưa cái chết đến tận giường lũ giặc
xe Mùa đã đuổi theo dấu chân chiến dịch
gặp bao nhiêu hậu cứ bỏ không
gặp bao nhiêu hố củ ấu, củ mài
gặp bao nhiêu vùng rau rừng vừa hái
như lời chào để lại
như lời nhắn giục người vào…
“biết nói làm sao, biết kể làm sao
người tiền tuyến nhận từng hạt gạo
thấm máu người hậu phương
máu người cấy trồng hay máu người bốc dỡ
máu dân làng hay cha mẹ
người yêu ơi
người yêu ta có bị thương
em của ta ơi
em có phải chít khăn tang
đi nhặt thóc rơi trên cánh đồng vì tiền tuyến?….
nỗi nhớ thương theo ta suốt từng trận đánh
nỗi nhớ những người đang ở đâu mà máu ở nơi này!
ôi hậu phương, ta trở về đây
không thể nào chậm trễ
trăng thì sáng thế
mà không đủ thời gian cho ta ngồi kể
về ngày hôm qua
ngày hôm qua ta không dám quên
nhưng cũng đừng vội nhớ…”
“- Thôi đừng hỏi, bạn bè ơi, đừng hỏi nữa
ánh trăng gặp gỡ
sẽ nói nhiều ngày tháng cách xa
như đêm nay giữa Đồng Lộc trụi trơ
vẫn vầng trăng không hề lỗi hẹn
vầng trăng là nhân chứng
vầng trăng là mầm sống
vầng trăng là lòng ta gửi gắm
vượt lên nghìn cái chết tỏa sáng trong…”
Xe rú ga, ánh trăng bỗng rung rung
những cô gái bấm nhau về vị trí
dành một phút cho hai người tình tự
thời gian hơn vàng ngọc giữa vùng bom.
La nhìn Mùa, ánh mắt sáng niềm tin
ánh mắt nói bao điều kỳ lạ quá:
“- Anh đi đi, đường dài đội ngũ
đất quê mình gió nóng tạt xiên vai
mẹ vẫn chờ anh trước ô kính cửa xe này
mẹ phía trước mỗi chặng đường kháng chiến
nơi anh đến, hậu phương hay tiền tuyến
mẹ cánh đồng, mẹ nhà máy, mẹ dòng sông
mẹ đất đai dàn trận địa mênh mông
ngày có giặc, lòng mẹ như ngọn súng
trái tim mẹ trải mọi vùng bom đạn
anh đi đi, phía trước, mẹ đang chờ
“nơi anh trở về, mẹ lại tiễn anh đi
xe có nặng anh đừng san sẻ lại
đồng Bắc Bộ cò dân ca bay mỏi
rừng miền Trung gỗ quý dựng chân trời
súng đạn qua đại dương không phiêu bạt
mẹ nâng niu xúc động nước mắt rơi…
anh hãy mang vào tiền phương, anh ơi
tấm lòng Mẹ-hậu-phương-miền-Bắc
dẫu chum sập không còn nhiều gạo thóc
với con xa lòng mẹ gửi phần nhiều.
“anh đi đi, chim bằng thương yêu
cánh bay sải đất trời Tổ quốc
cánh đất Bắc, cánh trời Nam
trái tim em giữa ngã ba Đồng Lộc
máu đỏ xin dồn về đôi cánh tình yêu
ở đây núi dựng ráng chiều
người trong khói đạn
đừng lo lúc trở vào bóng em xa vắng
“yêu nhau chiến đấu suốt đời
bụi sim sót lại lưng đồi
trái tròn chín muộn
ngọt ngào cho ai đường dài xa ngái
trăng thì con gái trăng chẳng hững hờ
đường đi đánh giặc đồi chẳng chơ vơ
vẫn đợi vẫn chờ là con đường rộng
em vẫn thương thầm cái xẻng cái mai
anh ơi tháng rộng ngày dài
cho ai dung dăng quên lãng
với ta bây giờ thời gian nóng bỏng
với ta bây giờ thời gian trôi băng
bay đi, ơi cánh chim bằng
tình yêu nổi gió thổi căng bầu trời…”
ánh mắt Mùa như nói nên lời
trong giây phút thời gian dào dạt ấy:
“Thôi chào nhé, người yêu ơi, ở lại
em nhỏ nhoi, em cứng cáp của anh
với bao đồng đội
với tuổi thanh xuân
với con đường đỏ trụi trần
mưa bom bão đạn
bất ngờ hơn giông hơn nắng
giữa ngã ba này
giữa ngọn đồi này
giữa trọng điểm này – giọt thủy ngân nhiệt kế cuộc chiến tranh
giọt thủy ngân nhiệt kế lòng dũng cảm
em ở lại
như quê hương vai áo nhiều mảnh vá
thức chờ anh, thức tiễn đưa anh
chiến trường xa, chiến trường gần
anh gặp em như Nam gặp Bắc
hai nỗi nhớ tụ về Đồng Lộc
điểm hội tụ tấm lòng đất nước
tháng ngày lửa cháy giữa sống lưng
ở đây hậu tuyến, ở đây tiền phương
ở đây lòng người đo bằng máu đỏ
ở đây lòng người đo bằng cấp số
những chuyến xe qua
đo bằng lưỡi mai mòn vẹt đá gan gà
đo bằng tiếng trả lời nhau sau trận bom sập về đánh úp
“Xe anh ra Bắc
xe anh lại vào Nam
qua đoạn đường này em đang bám trụ
nếu lúc ấy sau phút thông đường, em bắt đầu giấc ngủ
em đừng buồn anh đã xa rồi
thương em, xe chẳng kéo còi
cho em trọn một giấc dài vô tư…”

Chương năm – Đàn bê và trẻ nhỏ

Bom nổ chậm vãi đen trời Đồng Lộc
chui xuống đất sâu mang cái chết nằm rình
kim hẹn giờ trong lòng đất chạy lanh tanh
giọt a-xít mang răng loài gậm nhấm
Bom nổ ngay nhằm đàn bê ném xuống
cỏ cháy rồi không ăn được, bê ơi
bê bị thương chạy về phía sườn đồi
tiếng bê gọi nghẹn ngào như tiếng khóc
(những cô gái bận lăn bom xuống vực
ở xa kia, nơi ngã ba đường
dưới chân bê bom nổ chậm im lìm
giọt a-xít gậm vội vàng kim loại…
Bầy trẻ nhỏ chạy tìm bê hớt hải
quẳng áo tơi che nắng dọc chân đồi
áo cộc quần đùi
đầu trần tóc rối
ngây thơ tiếng gọi
bê à bê ơi…
NHỮNG QUẢ BOM RÌNH NỔ:
Này lũ bê vàng, lũ nhóc con hỗn láo
sao dám giẫm lên đầu ta
không biết oai danh của ta ư
hay thừa biết mà giả đui giả điếc?
ta là con của Thần-sấm-sét
là cháu đích tôn của ông nội Giôn-xơn
ta là con cưng của nước-Mỹ-gieo-chiến-tranh
ồ, nước Mỹ nâng ta hơn nâng trứng
giao trọng trách cho ta đến miền đất nóng
nơi ta ngồi, nơi ta đứng
có kẻ nào dám bén mảng đi qua?
Trọng trách của ta:
những cú nổ bất ngờ
không ai có thể đoán trước
giống như người ta không thể đoán trước
lúc nào kẻ cắp sẽ móc túi mình…
dọc những con đường, ta kiên nhẫn nằm rình
cái chết rình cái sống
cái im lặng rình cái chuyển động
bao âm mưu sau vỏ cứng bọc dày…
Trọng trách của ta:
những đoàn xe qua đây
ta lật đổ!
Trọng trách của ta:
những con đường đêm, con đường ngày
ta cắn đứt!
Trọng trách của ta:
những gì nối liền Nam với Bắc
là kẻ thù
là đích ta tấn công!
– Hãy gậm mòn kim loại, hãy gậm mòn…
hỡi hàm răng a-xít
trong vỏ cứng của sắt thép, của đất đai xám xịt
âm mưu không co lại bao giờ!
Này lũ bê vàng, lũ nhóc ngây thơ
đừng dại dột
đừng nên nhầm lẫn
nằm dưới đất nghĩa là ta đang sống
tung đất lên ta chết kiếp iêng hùng
điếc đui ư? Hỡi lũ nhóc, bê vàng
mà cứ giẫm lên đầu ta mãi thế
ồ, lại tè cả xuống đầu ta nữa
đất đặc dày ta biết ẩn vào đâu?
– Hãy gậm mòn kim loại thật mau
hỡi hàm răng a-xít
ta nổ tung thây đàn bê hỗn xược
cho đất kia hoang hoá giữa mùa cày
cho lũ trẻ con không kịp lớn lên dù chỉ một phút giây
chĩa nòng súng vào đội quân đế quốc…
– hãy gậm nhanh lên, hỡi hàm răng a-xít!
ĐÀN BÊ:
Bê à bê ạ
bê đi tìm mẹ qua mấy sườn đồi
mẹ ta đâu rồi làng mờ làng tỏ
bê đi tìm sim, bê đi tìm cỏ
sim chẳng còn cành, cỏ chẳng còn xanh
lượn quanh miếu đổ bê nằm
gậm nắng chiều vàng đỡ đói
bê nhớ cây rơm cặm cụi
biết bao giờ trở về chuồng…
Bê à bê ạ
ai để ta nằm giữa dải đồi hoang
ai bắt ta đi tìm mẹ lang thang
chỉ có đất và mảnh bom ngang dọc
đất nuôi cỏ mà cỏ thì cháy khét
mảnh bom thì sắc lạnh làm sao
lựa chân bước ngắn bước dài
mệt mỏi mắt tròn ngơ ngác.
Bê à bê ạ
bê con không nhiều nước mắt
chỉ muốn lồng lên tung vó dạo chơi
sao nghe đất cứ hú dài
không phải tiếng người, chẳng là tiếng mẹ
lẽ nào đất sâu ẩn loài thú dữ
lẽ nào đất sâu lắm kẻ rình mò?….
Bê à bê ạ
bê liếm vết thương cho máu mau khô
màu nắng chưa phai mặt trời còn đỏ
đường về xóm nhỏ
rẽ lối nào đồi núi ơi?…
TRẺ TÌM BÊ:
Bê à bê ơi
đạn bom nó rải đầy đồi
ta đi tìm bê mỏi chân mỏi mắt
đâu chú bê hoa, đâu bê cà-nhắc
sao mau quên, mau quên
trận bom hôm qua làm chú bị thương
trận bom hôm nay chú còn hay mất?
bê còn nhớ không đồng xôi bãi mật
tay ta chăn dắt bê còn nhớ không?…
ơ này con chim sẻ đồng
sao lạc lên đồi lên núi
ta đi tìm bê bước chân vồi vội
phải chi mà giật thột, chim ơi!
chân qua mấy hố bom rồi
ta không nhớ nữa
nghe vọng tiếng bê khi nhoè khi rõ
bê ở tận đâu, mau rời vùng bom
bê à bê ơi… vội vã hoàng hôn
bê à bê ơi… cỏ non rửa sạch
bò mẹ cày đồng về ràn họp mặt
ta đi tìm bê qua núi qua đồi
bê à bê ơi
bê à bê ơi….
Giữa tiếng trẻ gọi bê hời
giữa tiếng bê non gọi bầy gọi bạn
mặt đất rung lên xáo động
– những quả bom rình nổ tự phân thây
ở nơi kia, ở nơi này
khói đen đặc mọc trùm như nấm độc
tiếng trẻ, tiếng bê vẫn gọi nhau không dứt
bay đè lên tiếng nổ đạn bom…
Những cô gái giao thông theo tiếng gọi, kiếm tìm
họ đã gặp đàn bê và trẻ nhỏ
ôm choàng những đứa em dũng cảm
họ ôm choàng đàn bê non.
– Tại sao các em không sợ bom?
– La hỏi –
tại sao các em phải tìm được bê trước khi trời tối
tại sao?…
– Tại sao các chị lại ở đây?
những đứa trẻ ngây thơ hỏi lại
Không ai trả lời, nước mắt chạy quanh
đàn bê ngơ ngẩn mắt nhìn
đoàn xe vội vàng ngược dốc
ráng chiều đỏ rực lá nguỵ trang…

Chương sáu – Độc thoại của máu

Cho thơ được viết vần lục bát
để nói lời của máu dọc đường
khi xe Mùa băng băng qua Đồng Lộc
nhận cái chết về mình cho đồng đội vượt lên
máu tim anh phun qua ô kính vỡ
nhập vào từng tấc đất quê hương
nơi cao điểm Tình Yêu – Tuổi Trẻ
những tháng năm cuộc chiến đấu mất còn
cho thơ được viết vần lục bát
trước nỗi đau cô gái trẻ mở đường
thơ tôi đặng ngợi ca và an ủi
xin đến cùng chia sẻ nỗi đau thương?
Tự bao giờ máu đỏ tươi
cho hồng gương mặt, nụ cười ngàn năm
cho trong đêm rét căm căm
ấm nồng theo mãi ai cầm tay ai
cho em xanh mái tóc dài
(nhựa nuôi lá, máu nuôi hoài tóc em)
khi bên cầu hát giao duyên
tim anh nghe nhịp máu lên bồi hồi…
Tự bao giờ máu đỏ tươi
cái màu đỏ dựng nên người hôm nay
chuyên cần theo nhịp tháng ngày
máu âm thầm, máu hăng say không lời
sinh con, tóc mẹ rụng rơi
gửi trao hạt máu sống đời mai sau
cha cày đồng cạn đồng sâu
trắng ngần gạo với thắm màu máu son…
“Cầm dao, cầm cán nghe con…”
với trái tim máu quý hơn vàng mười
thuỷ chung người với con người
cũng là giọt máu bao đời nuôi nhau
phơ phơ mái sóng mái đầu
au au ruột đất đỏ màu hy sinh
nước non từ thủa bình minh
mặt trời – mặt trống tượng hình, âm vang
ở đâu hạt máu lang thang
ở đâu hạt máu huy hoàng muôn năm?
máu qua gạn lọc thời gian
hoá long lanh, hoá chói chang mặn mà
qua bao bão táp phong ba
máu Dân tộc để bây giờ cháu con…
Nghìn đời giọt máu chẳng mòn
vẫn hình dạng ấy đầy tròn trái tim
cho anh nặng nghĩa với em
cho ngày nặng nghĩa với đêm nhọc nhằn
cho giây phút với tháng, năm
cho yêu thương với hờn căm không bờ
Máu anh đổ xuống bây giờ
ngày bom rơi, chẳng bất ngờ đâu em
những ngày đất nước không yên
nửa nước ngày nửa nước đêm mịt mờ
những ngày độc lập Tự do
chói lên như lửa như cờ, chói lên…
máu ta không chịu đeo xiềng
máu ta không chịu chia niềm đau thương
máu đi về phía chiến trường
chặn nòng súng giặc mở đường tấn công
bạn ta thân bắc cầu vồng
trên tầng gai thép ròng ròng máu tươi
em ta trong ngọn lửa thiêu
máu thầm tuôn hoá tiếng kêu nát lòng
mười năm chị đợi chờ chồng
sau mười năm… nhận máu hồng trang thơ…
Máu anh đổ xuống bây giờ
nơi cao điểm, chẳng bất ngờ đâu em
khi con đường đỏ màu tim
khi từng mạch máu gọi tên: Con Đường!
khi non nước hoá chiến trường
con đường nối với con đường đi lên
thiêng liêng nối với thiêng liêng
tim người nối với trái tim Con Người
nối sâu biển với cao trời
nỗi đau xưa với tiếng cười mai xa
con đường nối Máu và Hoa
cho đêm đen tới chan hoà bình minh.
Ta nào tiếc máu hy sinh
máu vì người, cũng vì mình, em ơi
máu là máu của cuộc đời
lung linh máu dưới mặt trời. Lung linh
thương ai chiu chắt máu mình
qua buốt giá, máu hành trình cho ta
trách ai nay hững mai hờ
tránh nhìn máu đổ, lại mơ cờ hồng
– máu hy sinh chẳng yên nằm
triệu con-mắt-thức muôn năm trên cờ!…
Máu anh đổ xuống bây giờ
“mai sau dẫu có bao giờ…” em ơi
em về Đồng Lộc cùng ai
vẫn con đường ấy chưa phai máu này
em là em của anh đây
em yêu: người biết quý ngày máu rơi
em yêu: người biết yêu người
biết yêu anh, hiến cho đời và em
dẫu là giọt máu không tên
ở cùng em, sống cùng em xây đường
cho còn Tổ quốc yêu thương
cho tình yêu mãi mãi gương trăng tròn…
Em, em đừng khóc đừng buồn
máu tim anh nén căm hờn đứng lên
máu xin luyện với đất bền
cho anh được dựng móng nền nơi đây
cho anh sống với tháng ngày
bên em, giữa trọng điểm này, sẻ chia
em đừng dựng nữa mộ bia
và thôi hương khói đầm đìa mà chi
thương anh, những lúc hiểm nguy
lúc buồn vui… nhớ gọi về tên anh!…
Đứng lên em. Giặc rập rình
Bom cày đạn xới rung rinh đất trời
con đường Cứu Nước, em ơi
ánh lên như thể máu người, ánh lên!…

Chương bảy – Ông nhòm và đôi mắt

Mắt La xanh hai giọt nước sông La
hai giọt nước mát dịu trời xứ nóng
hai giọt nước hành trình qua biển rộng
cho mắt La xanh một sắc mặn mòi
Đôi mắt xanh đứng gác đỉnh đồi
chòi quan sát mất lần bom phạt gẫy
ở nơi ấy vẫn dáng La đứng đấy
mắt xanh xuyên lửa đến bom rơi.
“Ống nhòm đừng rung nhé, ống nhòm ơi
dẫu lửa khói liếm vào rát mặt
dẫu bom đen từng bầy như thú ác
nhảy bổ vào ống nhòm nhảy bổ vào mắt xanh
cho ta nhìn rõ từng chiếc răng nanh
bom nổ chậm cắn vào thịt đất
cắn vào con đường – cắn vào huyết mạch
bom cắn vào Tổ quốc yêu thân.
“Ơi quê hương, trong tầm mắt ta nhìn
chín mươi chín ngọn núi cao đứng cạnh trời phương bắc
chín mươi chín đại bàng sải cánh trong truyền thuyết
để rơi lại bên này sông La một ngọn núi lẻ loi
thương đất, thương mình, gọi tên núi Mồ Côi
phải chăng nên đất với người
gắn bó nặng duyên, nặng nghĩa
dòng sông con đường, hẹn hò gặp gỡ
bao nhiêu ngã ba sông bao nhiêu ngã ba đường
bao nhiêu nhịp cầu cởi nón trao khăn
bao nhiêu đạn bom kẻ thù trút xuống…
“Ta nhìn núi cao ta nhìn biển rộng
nhấp nhô dáng người nhấp nhô núi sóng
nhấp nhô địa danh nhấp nhô mũi súng
Bến Thuỷ, Rú Nài, Sông Phủ, Vũ Quang
nghìn mười thước cao chót vót Hoành Sơn
bao nhiêu đạn bom kẻ thù xối trút?…
xe qua Đèo Ngang – không thể nào khác được
cuộc chiến đấu đi qua, lòng dũng cảm đi qua!
“Ống nhòm ơi, ống nhòm dõi tầm xa
cho ta gặp ngôi nhà tranh của Bác
gặp gió sông Lam, mượt mà câu hát
thơm hoa cam hoa bưởi võng tre
mấy năm Bác bận chưa về
quả chín vườn ươm tươi tốt
cháu mong mai ngày hết giặc
mang giống cây vườn Bác về trồng
mát xanh Đồng Lộc trẻ trung…
“Ống nhòm đừng rung nhé, đừng rung
cho ta nhìn về mái nhà của mẹ
mẹ tuổi già lúc xâu kim vất vả
tóc sương cặm cụi đồng xanh
ước lúc qua nhà cởi ống nhòm trao mẹ
hẳn mẹ cười “so chỉ ấm trôn kim”!…”
Và bầu trời trong mắt kính rung lên
bầy bom từ trường xoè đuôi rơi xuống
đuôi bom xoè như chiếc dù kim loại
ôi, bom găm vào đất thật nhẹ nhàng!
Bom rơi hàng lũ hàng đàn
mắt La nhìn, miệng La nhẩm đếm
phía bom rơi là xóm là làng
là đồng xiêu xiêu bóng ai gánh nắng
là chỗ trâu đằm vẫy tai gợn sóng
là trường mới xây vôi màu nguỵ trang
mũ rơm em nhỏ đến trường
sạm khói dăm ba mảnh đạn
là con đường xe máu Mùa đổ xuống
cứ phập phồng trên lăng kính gọi kêu…
“Anh ơi, đừng hỏi em nhiều
bao nhiêu con đường lượn trên trái đất
đường nhựa đường tàu bê-tông-cốt-sắt
người đi như trôi xe chạy như trôi
đường quê ta bom đạn giặc xới đào
đất đá tai mèo lởm chởm
thương bàn chân ai không dày sương sớm
cheo leo tay vịn nhẵn cành cây
thương đoàn xe nặng vượt ngầm sâu
nước-thấp-khớp lắp xắp chân tài xế
trên đỉnh núi cao đá bồng đá bế
đường đâu mà pháo nặng vẫn lên đèo?
xe thồ bầm vai
xe xích mòn đai
đêm dài lích kích
ngày dài thay màu lá nguỵ trang…
Đất đai đạn đứng bom nằm
hố sau chồng lên hố trước
mộ bố chết vì giặc Pháp
bây giờ bom Mỹ xới tung
hỏi có ở đâu như đất nước mình
vai gánh lưng mang chân bước
giá mà ống nhòm thâu được
miền Nam những phố những làng
nơi nhoè nhoẹt điện màu, nơi leo lét cà-boong
nơi phố xá ngất trời, nơi lán dừa mưa dột
sung sướng cho ai, cho ai cùng cực
đau thương lớn dậy những Binh đoàn…
“ống nhòm đừng rung nhé, ống nhòm
nợ nước thù nhà đừng nhoà nước mắt
dẫu sớm sương mù dẫu trưa nắng gắt
sáng lòng ta cho mắt sáng trong…”
lòng dặn với lòng
dạ thề với dạ
tuổi xuân thề với cây với đá
mắt xanh thề với bầu trời
Một ngày bốn trăm quả bom rơi
bốn trăm quả bom chìm bom nổi
bốn trăm quả rình mò, chờ đợi
bao quanh một ngã ba đường
hiện trong đôi mắt – ống nhòm
hiện trong tim người con gái
không nhầm lẫn. Dáng La lao tới
cắm cờ tiêu báo tử mỗi đầu thù
cờ tiêu như giấy vụn vãi quanh đồi
hoá cờ lệnh mở đường lên giải phóng
Hai giọt nước mát dịu trời xứ nóng
qua ống nhòm thành biển lớn yêu thương!…

Chương tám – Đỉnh cao

1.
Tấm bản đồ Việt Nam trong phòng ngủ Giôn-xơn
tỷ lệ một phần trăm nghìn, rộng mở
“- Giá có thể phóng to nhiều lần nữa
cho ta nhìn từng hòn sỏi trên đường
cho ta nhìn từng điểm nổ của bom
quanh Đồng Lộc. Để rồi ta… cách chức
ta xử phạt những con bò đực
sau chuyến bay qua bán đảo trở về!…”
Tấm bản đồ vẫn không nói năng chi
ngoài những dấu nhân chồng lên đường số một
trên những tên cầu, tên đất
Nghèn, Ba Giang, Cày, Phủ, Kỳ Anh
những mũi tên di động – những con đường
chụm về Đồng Lộc
rồi cứ thế băng đi như dòng thác
thẳng về Nam sống dậy những lá cờ:
Quảng Trị, Tây Ninh, Đà Nẵng, Bến Tre…
đầu tổng thống nóng ra như trái cây chín nắng
lửa thuốc lá sém kẽ tay bợt trắng
y vẫn ngồi như đá giữa cơn điên.
Tê-lê-phôn réo từng hồi hoảng loạn
“Bân-cơ ư? Lảm nhảm mãi làm gì!”
cô thư ký liền ba lần gõ cửa
“Tin Đông Dương? Phét lác mãi làm chi!”
Y vẫn ngồi giữa hai phía tỉnh, mê
giữa bài thơ cuộc chiến tranh xâm lược
bài thơ đã lắm lời mà ý ít
chửa là thơ mà cũng chẳng thành văn.
“- Thì ra muốn làm Nhà Thơ, thật không chút dễ dàng
cái-cảm-giác dễ đánh lừa nhau quá!…”
nhưng máu nóng của anh chàng muốn làm “thi sĩ”
chẳng thể nào từ bỏ tứ thơ “hay”
“- Chữ KIA không vần với chữ NÀY
NHÒM với BOM ta phải GIEO cho trúng
Đất Đồng Lộc – điểm bài thơ ngời sáng
phải đào xăm nát nhàu như đất mặt trăng
a ha ha
ta viết bài thơ đã đến đoạn cuối cùng
đầu mệt mỏi, nhấp ca-kao, sữa nóng
hỏi ai đã thức qua bao đêm trắng
cho bài thơ tâm đắc suốt một đời?…”
Y vươn vai đứng dậy. Và cười
tiếng cười đập vào bê-tông dội lại
nghe rùng rợn như tiếng gằn ma quái
tiếng nhạc nền xủng xoảng nhịp thơ điên…
2.
Ở đỉnh đồi Đồng Lộc. Lúc nửa đêm
chuông điện thoại leng keng đài quan sát:
“Phương án một: NGÂM THƠ
Phương án hai: CA NHẠC”
tư lệnh tuyến đường phía Tỉnh uỷ gọi lên.
La bồn chồn qua hầm ngủ chị em
ôi giấc ngủ trong đêm cảnh giác
bàn chân lấm cứ mang nguyên giày, dép
hai bên người xẻng súng để song song
Ngọn đèn xanh chong mắt Ngã Ba Bom
xe cuốn bụi sương giăng mờ ảo thế
La muốn hát một điệu gì khe khẽ
lại thương thương đồng đội giấc đang muồi….
“Phương án một… phương án hai…
đường A-phẩy đã vòng qua Rú Bụt
đường A-phẩy qua đèo, qua suối Út
bốn xóm làng quanh Đồng Lộc dời đi!”
La nghe đêm lời gió hát thầm thì
về cuộc chiến tranh nhân dân – bản trường ca hùng vĩ
nhân dân sống cho ngày mai một nửa
một nửa kia cũng sống bởi ngày mai…
Những xóm làng thuần thục đất đai
những ngôi nhà móng nền xây vững chãi
cây mít cây tre cây cam cây bưởi
trảng sân kho trục lúa vợi đêm trăng
kỷ niệm bờ ao giếng nước cánh đồng
dẫu xa ngái chẳng bao giờ xưa cũ
nhưng ở vậy sống cuộc đời cực khổ
ở làm chi, gắn bó mãi làm chi
(khi con đường lên Độc Lập, Tự Do
khi con đường qua đói nghèo lam lũ
đi qua mảnh vườn, qua nền nhà ở
khoẻ và dài như tiếng gọi thiêng liêng)
sức nhân dân xẻ núi lấp sông
mồ hôi mặn nhoè bàn tay máu ứa
con đường mở qua lòng dân rộng mở
đường vươn dài, dân trải tấm lòng che…
La cứ đi quanh phiên trực. Và nghe
đêm sống động tiếng ầm ì xe chạy
đêm yên ắng những vì sao cao vợi
đêm bồn chồn linh cảm một ngày mai…
3.
Và,
bình minh không bắt đầu bằng rẻ quạt mặt trời
bình minh đầy bóng tối
từng đàn máy bay USA vút lên từ Hạm đội
màu xỉn đen trùm lấp trời xanh
từng đàn quạ đói chiến tranh
nhằm Đồng Lộc bay về tìm máu…
Đồng Lộc lại bắt đầu một bình minh chiến đấu!
Chưa bao giờ đất bị sự tấn công dữ dội
của bom tối tân, của tên lửa tầm xa
như ở Đồng Lộc sáng nay. Nhưng đất chẳng bất ngờ
đất đón nhận, ngẩng cao đầu thách thức.
đất bị cướp tấm áo màu xanh tốt
dệt bằng cây nhiệt đới. Chẳng hề chi
sau cơn mưa muốn mặc áo màu gì
đất lại dệt chuyên cần màu cây ấy
da thịt đất lửa na-pan bén cháy
hoá than đen bỏng rộp đất nước này
không còn chỗ lành nguyên. Bom vung vãi
đất trở về hoang dã thuở sơ khai
đất nghìn đời vẫn là đất, mà thôi
đất sinh nở – thời gian không già cỗi
bom tung đất tít trời cao chấp chới
đất lại về quanh lòng Mẹ cưu mang
chỉ những mảnh bom. Chỉ những mảnh bom
sẽ bị đất lấp vùi vĩnh viễn
chết gỉ sét qua mưa qua nắng
bầy côn trùng đưa đám dọc đêm khuya…)
bạn bao giờ gặp đất mặt trăng chưa?
– mời bạn đến Ngã ba Đồng Lộc
đất mặt trăng hiện hình trên trái đất
nơi “túi bom” nước Mỹ thế kỷ này
nhưng đất nghìn đời lòng dạ chẳng đổi thay
nai lưng chắn cả một trời sóng gió
những căn hầm quanh quanh Đồng-Lộc-Đỏ
dáng bao cô gái trẻ vẫn đi về
và con đường bám vào đất mà đi
đất trần trụi mênh mông thế đứng
đất – chỗ dựa không hề lay chuyển
của mọi cuộc tấn công về phía bầu trời!
NHỮNG VIÊN ĐẠN TỪ MẶT ĐẤT:
Không nhắm vào trời xanh
chúng tôi nhắm vào bóng đen tội lỗi
những viên đạn dầu khác nhau kích cỡ
chúng tôi có chung một độ lửa căm thù
(độ lửa căm thù – chúng tôi không có trước
độ lửa căm thù – người cầm súng truyền cho!)
Chúng tôi bay lên từ ruộng lúa đồng ngô
chúng tôi bay lên từ lùm cây cụt ngọn
chúng tôi bay lên từ sáng sớm
từ chiều hôm – giữa bữa cơm độn sắn độn mì…
chúng tôi bay lên vào giây phút bất ngờ
khiến mặt tên giặc lái phỗng ra không lẩn vào đâu được
(giây phút bất ngờ – chúng tôi không có trước
giây phút bất ngờ – người cầm súng truyền cho)
– người cầm súng là ai? Bạn hỏi
– người cầm súng trùng tên sông tên núi
ở khắp nơi trên đất nước này
là gái là trai
là già là trẻ
nước có giặc, họ đi theo tiếng gọi
xây trận địa, xẻ chiến hào
thương nhau không nịnh tâng nhau
nhường áo xẻ cơm chia lửa
chẳng thấy giá gương, ít gặp nhiễu điều
vẫn nhớ câu ca răn điều ăn ở…
người cầm súng, bom ném vào trận địa
mong bình an những cô gái mở đường
khi ngã xuống giữa chừng trên công sự
súng bên người nguyên tư thế tiến công
những viên đạn nhằm Con ma. Thần sấm
theo con đường ngắn nhất, bay đi
(lòng dũng cảm – chúng tôi không có trước
xáp mặt thù, người cầm súng truyền cho!)
LỜI CỦA ĐOÀN XE
Qua khỏi rặng bạch đàn, rũ lá ngụy trang đi
xe quét màu đất cháy
như lạc đà phi qua sa mạc vậy
chúng tôi qua Đồng Lộc nấu nung này
rẽ theo đường A-phẩy phóng như bay
thương đội nữ giao thông phía đường A chịu cả phần
bom đạn
đường A-phẩy bình yên đến cảm động
xe đi trong dào dạt “giọng” NGÂM THƠ
vài trạm ba-ri-e bỗng gặp bất ngờ
(ấy là lúc có đạn bom rơi lạc)
cái ngáng đường là cánh tay bị mảnh bom xuyên toạc
của một nông dân nào đó vụt hiện lên
và con đường chớp nhoáng lại lành nguyên
xe lại rú ga trong bàn tay vẫy
gặp suối Út phía đầu nguồn tuôn chảy
đầu nguồn nước trong mà nước đục cuối nguồn(!)
chúng tôi đi. Và xúc động nhiều hơn
qua Đồng Lộc lòng ngoái về Đồng Lộc
trái tim chẳng chia làm hai được
vẫn dập dồn trước ngực, sau lưng…
4.
Những mũi tên màu đỏ – những con đường…
vẫn sống động trên bản đồ chiến sự
viên tổng thống gầm lên rung nước Mỹ:
– Đường trong người trong máu Việt Nam ư?
chẳng bao giờ như vậy, chẳng bao giờ
đường không thể xa rời mặt đất
xe không thể bay qua Đồng Lộc
đổ tràn về phương Nam…
mắt điện tử để đâu? Hãy tìm cho được đường ngầm
và bom tấn! Hãy vãi từ trời xuống
năm nghìn thước cao, năm trăm thước thấp
bảy trăm quả một ngày, ba trăm quả một đêm
bom nổ chậm, bom bi, bom sát thương… cứ linh động cài xen
cho Đồng Lộc hoá thành sa-mạc-chết
cho huyết mạch qua “cuống xoong” dập nát
cho bài thơ chiến tranh khép lại đỉnh cao này!”
Từng đàn quạ chiến tranh đói máu lại bay đi
những F những A những B những H
mặc bao mẹ già tiếng kêu gào khản đặc
mặc bao người vợ trẻ gọi chồng thao thiết khắp năm châu…
*
Khi con đường A-phẩy bị thương
La cảm thấy trái tim đau nhói
mắt giàn giụa nhoè cay trưa lửa khói
Tần ở đâu? Hường, Thuỷ… ở đâu rồi?…
tiếng máy bay vẫn băm bổ bầu trời
chòi quan sát – mảnh đất bằng trơ trụi
chỉ còn lại tiếng chuông điện thoại
đổ liên hồi trong đất – dưới hầm sâu.
– Đồng chí Tần ơi! Dưới ấy có làm sao?
– Tất cả vẫn giữ nguyên vị trí!
– Tôi ra lệnh: Phương án hai, rõ chứ?
giờ G này mọi hướng sẽ ĐỒNG CA!
Con đường A-phẩy, con đường A
xe rú máy, kéo còi, lửa táp
hai con đường cùng vượt qua cái chết
hai con đường đi tới chiến trường xa
Anh lái nào tung xuống những chùm hoa
phong lan trắng phong lan hồng máu thắm
bao cô gái mở đường đón nhận
– Chùm hoa này dành riêng tặng chị La
Họ chưa kịp quay nhìn
đoàn xe đã lướt qua
người đến người đi không nhớ mặt
bao cô gái lại nhập vào công việc
lại cười vui át tiếng đạn bom gầm…
Tiếng cười chan chứa trẻ trung
bay tới đỉnh cao Đồng Lộc
La sung sướng nhận tiếng cười thân thuộc
yên lòng dõi từng chuyến xe đi…
Bỗng chao nghiêng mặt đất, đoàn xe
– trái đất có lẽ nào đổ sập?
La tỉnh dậy, ngọn đồi bom phạt
trời cao bỗng thấp xuống ngỡ ngàng!…
“- Đồng chí Tần ơi!… A lô… Đồng chí Tần…”
tiếng La gọi nghẹn ngào trong khói đắng
tiếng La gọi xiên qua tầng đất nặng
xiên qua bom đạn rú gầm
chỉ có gió ầm ầm
tiếng súng báo thông đường
và tiếng đoàn xe ra chiến trường
đáp lại…
La quẫy mình… không làm sao gượng dậy
đất hầm hập hơi lửa, hơi người
trong cơn mê, La gặp một khoảng trời
xanh như thể trời xanh không có được
khoảng trời ấy có bóng Tần, bóng Cúc
tuổi hai mươi mái tóc xoả lưng ong
trước lúc đi phá bom
nơi bến tắm cùng chụm đầu “chụp ảnh”
nước suối Út làm tấm gương lấp lánh
giữ nụ cười con gái tuổi hai mươi…
Và dáng Xuân “Vĩnh Lộc” buổi chiều nào
trả phép sớm – trở về cùng con đường, trở về cùng đồng đội
Xuân “Đức Hồng” vỗ vào vai sôi nổi:
– nếu có chồng rồi, dám trả phép sớm không?
bè bạn cười vui cho gương mặt thêm hồng
khoảng trời ấy chuyển màu theo nụ cười tuổi trẻ
khoảng trời ấy màu trời chưa hề có
màu của hoa, màu của lửa, màu của trời
nhưng nhiều hơn – màu của những nụ cười
trong rực rỡ khoảng trời hư thực ấy!…
La lại quẫy mình…
không làm sao gượng dậy
nắng nửa chiều tung hoa cải hoa cà
trên bụi khói
bỗng lành lạnh bờ vai
như máu chảy lại như là nước chảy
và dòng sông xanh cứ dâng đầy lên mãi
dọc cơn mê – dịu ngọt một dòng sông…
Dáng ai quẩy nước gót chân hồng
lên bậc đê cao chiều hạ
thấp thoáng như là bóng Nhỏ
bước lên máy ủi gặp người yêu
“cô em” trông thật yêu kiều
như sông chảy dịu mềm qua đạn lửa
“- Mạnh dạn lên nào… Trao hoa đi chứ…
gan thỏ thế kia – bom nó dội bây giờ!…”
Lại một trận bom giật La khỏi cơn mê
“- Đồng chí Tần ơi!… Alô… Đồng chí…”
vẫn tiếng xe đi, tiếng bom gầm rú
không lời Tần đáp lại giữa mênh mông
La bật mình khỏi đất lấp cửa hầm
bước lảo đảo giữa làn bụi khói
máu chảy bờ vai bết lại
nóng lòng tìm đồng đội dưới bom rơi
căn hầm tổ chốt đâu rồi?
đâu Cúc đâu Tần, đâu mười bạn gái?
La nhìn trời, bỗng thấy trời trống trải
ngỡ đêm dài không bóng một vì sao…
Nhẹ nhàng nào, nhẹ nhàng nào
lưỡi mai lưỡi cuốc xới vào đất sâu
em ở đâu? Chị ở đâu?
sau cơn mưa sắt quặn đau đất này
linh thiêng xin vẫy bàn tay
vẫy bàn tay báo ở đây có người!
Mười chị em ở đâu rồi
để cho nước mắt khôn nguôi người tìm
con đường xe hãy còn lên
và mai và cuốc vẫn tìm, người ơi
cách nhau một lớp đất thôi
mà xa xôi thế – không lời… lặng im…
Nhẹ nhàng nào, hỡi người tìm
lưỡi mai có mắt nhìn xuyên đất rồi
cửa hầm: một bức phù điêu
nhẹ nhàng nào, kẻo nắng chiều tan nhanh!…
Võ Thị Tần ngồi đó, trước cửa hầm
chở che cho đồng đội
tay cầm xẻng, tay vịn vào đất chói
đầu ngẩng cao mắt dõi hướng bom rơi
mái tóc bay trong đất – tóc hai mươi
tóc trong đất, gió thời gian thổi mãi…
Hồ Thị Cúc cặp mày đen nhíu lại
dáng lao lên, tay xách chiếc cáng thương
đất đỏ tươi áo bạc vai tròn
đường chỉ mới bình yên trên mảnh vá
trong túi áo còn lá thư gửi mẹ
– con sống với chị em, xin mẹ hãy yên lòng!
Và Xuân “Vĩnh Lộc”, Xuân “Đức Hồng”…
ôm phong lan giữa những người bạn gái
(chùm phong lan anh lái xe nào vừa gửi lại
hoa vùi trong đất vẫn còn tươi)
đồng đội tựa vào nhau dáng một tượng đài
ôi, dáng đứng của những người bám trụ
những cặp mắt tuổi hai mươi không ngủ
những khoảng trời – khói đạn chẳng thể che!
Họ đứng đây như vẫn lắng nghe
tiếng đạn nổ
tiếng con đường băng tới
tiếng đồng đội lao lên trong lửa khói
tiếng xe đi không nghỉ tới phương Nam
và Nhân Dân – rầm rập bước Nhân Dân
đang ùa tới Ngã Ba – ùa tới họ…
La cảm thấy ngực mình như muốn vỡ
“- Mười đồng đội yêu thương
mười đồng đội yêu thương nằm lại với con đường!
– La không khóc mà đầm đìa nước mắt
ơi Hợi, ơi Nho, ơi Hà, Xanh, Cúc
ơi Hường, ơi Rạng, ơi Tần
ơi hai bạn gái tên Xuân
bài hát gửi đây cho ai đến hát:
Cô gái mở đường đi dưới trời sao…
La cắn môi đứng dậy giữa thương đau
dáng đứng tạc vào trời bom đạn
đồi Đồng Lộc như bất ngờ vụt lớn
– trái tim yêu nước dựng đỉnh cao!

Chương chín – Khúc hát mười cây xanh

Bạch đàn xoả mái tóc xanh
tôi đi qua cuộc chiến tranh trở về
vô tư hát dưới nắng hè
vô tư toả bóng mát cho con đường
Ai qua Đồng Lộc mờ sương
ai qua Đồng Lộc chiều hôm một mình
ai qua Đồng Lộc tự tình
ai qua Đồng Lộc có mình có ta…
tôi xin hát tặng bài ca
bài ca tôi hát hẳn là tốt tươi.
…. Bạch đàn – mười chị em tôi
những ngày lửa táp bom rơi mịt mờ
tôi không phải sống bơ vơ
– có bao cô gái đi về cùng tôi
họ trò chuyện họ vui cười
tôi trao nhành lá họ cài tóc thơm
tôi luôn sống với con đường
bao cô gái cũng nắng sương không rời…
Thuở đầu, tôi rất đông vui
đôi bờ lớn dậy bao chồi tơ non
đến khi đạn bắn con đường
cây ngã xuống, cây bị thương. Đau lòng
cây còn, cây sống ung dung
che đoàn xe nặng rùng rùng đi qua
nghe bao cô gái bảo là
những đoàn xe ấy đi ra chiến trường
tôi gắn bó, tôi yêu thương
bao nhiêu cô gái mở đường và xe…
Một ngày bom đạn ê chề
vắng mười cô gái không về cùng tôi
bạch đàn cháy trụi lưng đồi
tình cờ, mười chị em tôi vẫn còn?
Tôi thương bè bạn bạch đàn
hoá thân cho những mùa màng tốt tươi
thương mười cô gái đôi mươi
lúc ngừng thở vẫn nụ cười và hoa
(ước gì năm, tháng trôi qua
mười cô đi lấy chồng xa, chưa về!)
thôi mà, ước vậy làm chi
cho thơm hoa trắng mãi thì trẻ trung…
Hỡi ai về vẽ chân dung
bao nhiêu tưởng tượng vẫy vùng, bay xa
bao nhiêu màu sắc, tài hoa
bao nhiêu nhân nghĩa tan hoà thời gian
mười gương mặt sáng núi ngàn
mười đôi mắt với muôn vàn lá non
nụ cười biết mấy vui buồn
mỗi hy sinh mấy căm hờn, thương yêu….
Ai về dựng tượng, mang theo
đá hoa ư? hay rất nhiều đồng đen?
dẫu là vàng chói ngời lên
làm sao sánh nổi trái tim con người
trái tim của tuổi đôi mươi
gắn đời mình với triệu người – Nhân Dân
thiết tha cuộc sống nghìn lần
mà hy sinh – chẳng ngại ngần, đắn đo!
Ai người dựng tượng mười cô
đạn bom thuở ấy mịt mờ, đừng quên
dáng mười cô gái trong đêm
chói lên như thể sao trên bầu trời
đừng quên đêm dưới bom rơi
từng trang sách mở cho đời bình minh!
Giờ lên Đồng Lộc thanh bình
nước non một dải trời xanh một màu
nghĩa trang mấp mé đồi cao
cỏ non lẫn với dạt dào cỏ non
bạch đàn lẫn với bạch đàn
nắng nghĩa trang lẫn nắng vàng đó đây
đồi kia lẫn với núi này
hạt mưa ngọt với suối đầy nước trong
bao cô gái trẻ chưa chồng
mai kia rồi sẽ con bồng cháu mang…
Giờ ai mặc áo lụa vàng
nhớ vai áo vá ai mang thuở nào
giờ ai thoả ngắm trời sao
nhớ đêm ai xẻ chiến hào dưới bom
trời xanh tung cánh chim non
nhớ chăng con sẻ lang thang gọi bầy
đi trên đường rộng hôm nay
nhớ chông chênh bánh xe quay nặng nề
gói hòn đất đỏ mang về
nhớ bao nhiêu máu tràn trề hy sinh…
Bạch đàn xoả mái tóc xanh
tôi đi qua cuộc chiến tranh trở về
vô tư hát dưới nắng hè
vô tư tỏa bóng mát che con đường
Tôi ca tụng những Anh hùng
những cuộc đời trọn hiếu trung với đời
những cái chết hoá tuyệt vời
những im lặng hoá muôn lời dạy khuyên
tôi ca tụng những yêu tin
sống không quỳ luỵ, van xin, hẹp hòi
cánh chim tìm đến bầu trời
con người tìm đến con người vô tư
đói trong sạch, rách thơm tho
hạt cây rơi biết gọi mùa ngọt thơm
tôi ca tụng sự biết ơn
quả khế đầu vườn năm cánh của hoa
móng sâu gánh vác cao nhà
bữa cơm thêm chút mặn mà… từ đâu?
Yêu nhau cởi áo trao nhau
người đi dạ để nhịp cầu nhớ thương
ở đây còn đó con đường
ở đây một thuở chiến trường, ở đây
ngọn đồi dáng đợi chờ ai
mà con đường tựa cánh tay vẫy mời?
“thương nhau thì giữ lấy lời…”
câu ca ai hát một thời trẻ trung…
Bạch đàn xoả mái tóc xanh
tôi đi qua cuộc chiến tranh trở về
hồn ai rợp bóng tôi che
hồn mười cô gái mát về hồn tôi!…

Chương mười – Thay cho vĩ thanh

La trở về trong tiếng hát bạch đàn
vẫn đôi mắt mát dịu trời xứ nóng
vẫn nước da đậm đà gió nắng
vẫn mùa hè dữ dội đất quê hương
Thương mẹ ra đồng
thương nắng mang tơi
củ khoai đào lên nóng rẫy tay người
đất rạn chân chim đồng chiêm cuống rạ
cánh chìa vôi quạt lửa chân trời
Đất vẫn đất bao đời cháy khát
người vẫn người một nắng hai sương
quầng thâm trăng khuyết trăng tròn
quả chín mặt trời sa muộn
tát cạn mồ hôi cho lúa trổ đòng
mồ hôi lép nửa mùa gặt hái…
La nhìn đất – đỏ lời máu gọi
những mùa màng thịnh vượng hẹn cùng ai
“yêu nhau chiến đấu suốt đời”
còn đây lời hứa với người ngày xưa.
“- Em đã về
vẫn em của anh xưa
em của tình yêu gặp gỡ chia xa
chị đã về, ơi Tần, ơi Cúc…
chị đã về trong lời em ao ước
câu “Bao giờ…” đến lúc gọi “Bây giờ…”
con đã về, ơi quê hương, ơi mẹ già
ơi Ngã-Ba-Bom ơi con suối Út
con đã về – nghĩa là vai gánh vác
nghĩa là đời gắn chặt đất quê hương
nghĩa là đồng phải thêm những dòng sông
nghĩa là lúa phải lên mùa no ấm
con đã về, sức còn dài, vai rộng
tóc còn xanh tuổi trẻ điệp trùng
Ngọn gió bây giờ không phải ngọn gió hoang
khi nghìn vạn cánh tay vung lên chiều ồn ã
con suối Út sẽ hoá Dòng Sông Chị
trải phù sa lên những cánh đồng
khi hoang vu lớn dậy những công trường
khi tuổi trẻ biết trông sau, nhìn trước
tiếng gà gáy vút từ giàn máy húc
rung rung trong tiếng máy đẫm sương
(tiếng đêm gọi bình minh
hay tiếng bình minh gọi về đêm thôi thúc?)
sống – làm việc vượt qua nghìn cơn khát
cơn khát nào Đồng Lộc đã đi qua?
cơn khát nào hơn cơn khát Ấm No?
sức tuổi trẻ: sông băng về với biển
đất như đất trả nợ nần tìm về nơi hò hẹn
hai mươi ba cây số người – hai mươi ba cây số dòng sông!
Phút giải lao trong bóng mát bạch đàn
Mái tóc La nhập vào mái lá
mắt xanh nhập vào dòng sông trẻ
La nhập vào Quá khứ – Tương lai
“- Em đã về, vẫn em của anh đây
của Đồng Lộc mùa hè hoa sim tím
(rễ sim bám vào đâu thời kháng chiến
mà bất ngờ hoa tím dậy xôn xao?)
ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
đủ đi suốt rộng dài hạnh phúc
cho anh hát bài ca chưa kịp hát
em khẽ khàng nước mắt chạy quanh môi
cho anh đi như chạy dưới xanh trời
ngực lộng gió bao cánh đồng màu mỡ
(ngọn gió mát tự dòng sông mới mở
ngọt và mềm sang năm tháng phì nhiêu!)
cho anh cầm liềm hái gặt trời sao
mùa lúa chín cùng em gánh thóc
anh trao lược cho em chải tóc
hương bạch đàn hương lúa quyện tay ai…
Ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
cho ta đến ngôi nhà của mẹ
ngôi nhà cũ đã tươi màu ngói đỏ
đừng ngỡ ngàng, anh nhé, xóm làng ta…
mẹ chờ con – lòng mẹ rộng bao la
như cỏ xanh gọi bê đàn tung vó
như bờ bến cho cánh buồm về ở
sau bao nhiêu cơn bão. Lại ra khơi…
đừng dài dòng với mẹ, anh ơi
(mẹ hằng dõi theo ta qua tháng ngày đạn lửa)
anh thưa khẽ; mai anh thành chú rể
hẳn mẹ cười cau dẻo thắm trầu cay…
Ước chi nhiều, một phút nắm tay nhau
khi hai mảnh trăng chia li tròn đầy đêm sum họp
từ Đồng Lộc ta nhìn về đất nước
biển dịu dàng
em dịu dàng biển xanh
anh đất đai cuồn cuộn nồng nàn
biển và đất – em và anh. Trăng sáng
đêm không ngủ mãi rì rầm trò chuyện
biển dịu dàng
đất nồng nàn tình yêu
biển mặn mồ hôi
đất trộn máu người
ôi Tổ quốc! Ta muốn cười muốn khóc
sau cơn bão chiến tranh hủy diệt
tóc biển xanh ôm vai đất mỡ mầu…
Em đã về, vẫn em của anh đây
“em yêu anh như yêu đất nước”
như em yêu Đồng Lộc
có con đường Cứu Nước đi qua
có lời anh ước hẹn ngày về
cho em đợi bên này bờ sum họp
cho em đợi phía lòng anh khao khát
phía bông hoa đậu quả chín cho Mùa
Tháng mười hai
em mặc áo mong chờ
cùng bè bạn cầm tay vào tiệc cưới
như có anh ngồi bên em, ăn kẹo
như có anh
trong mỗi lời chúc tụng, mỗi bài ca…”
Mai sau rộng
mai sau xa
mai sau vết thương đất liền da
dòng sông trẻ ở mãi cùng Đồng Lộc
ai vục nước rửa chân
ai ngụp tắm giữa trưa nắng gắt
chợt gặp đôi bờ đỏ au màu đất
xin đừng quên một thuở chiến tranh
xin đừng quên thuở Đồng Lộc trụi trần
đất nhận máu bao người con ngã xuống
đất nén khóc qua hy sinh đau đớn
cho ngày vui nước mắt đất tuôn trào
nước mắt thành sông tắm mát đời sau!

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng cho bạn những bài thơ sâu sắc trong tập Con Đường Của Những Vì Sao của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo . Bài thơ thể hiện nỗi xót thương và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ đối với sự hy sinh quên mình của 10 nữ anh hùng. Bài trường ca này luôn đi sâu trong mỗi tâm khảm của những người con của đất nước. Cảm ơn các bạn đã đồng hành và theo dõi chúng tôi trong suốt thời gian qua!