Khúc Hát Sông Quê – Bài Thơ Dạt Dào Tình Nghĩa Quê Hương

Khúc Hát Sông Quê là một bài thơ được trích trong trường ca Thời Gian Khắc Khoải của nhà thơ Lê Duy Mậu. Ông được biết đến là một nhà thơ với kho tàng những bài thơ đậm chất trữ tình ngọt ngào, tha thiết. Thơ ông với những từ ngữ nhẹ nhàng, đầy xúc động đánh thức tâm hồn những người độc giả. Với ngòi bút tài hoa của ông mà bài thơ đã được phổ nhạc thành một bài hát cùng tên được nhiều bạn trẻ đón nhận
Nào! Ngay bây giờ chúng ta hãy cùng nhau cảm nhận bài thơ đầy xúc động này nhé!

I. Tìm Hiểu Về Nhà Thơ Lê Duy Mậu 

– Lê Huy Mậu sinh ngày 5-9-1949, quê Thanh Tiên, Thanh Chương, Nghệ An.
– Tốt nghiệp khoa Triết, Đại học tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tốt nghiệp khoa Báo chí, Đại học tuyên giáo. Hội viên Hội nhà văn Việt Nam từ 2005, hiện là Chủ tịch Hội văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu
+ Tác phẩm đã in:
– Đêm trăng non (thơ, 1990)
– Thiếu nữ và mùa đông (thơ, 1997)
– Những bước chân (thơ, 1999)
– Cám ơn mưa phùn (thơ, 2002)
– Giá người (tập truyện ngắn)

II. Bài Thơ Khúc Hát Sông Quê Thắm Đượm Tình Yêu Thương 

Nhà thơ Lê Huy Mậu là người được biết đến với những bài thơ đặc sắc. Trong đó bài thơ Khúc Hát Sông Quê chính là bài đã nâng cao tên tuổi của ông trong lòng độc giả. Phải là người yêu thương quê hương mới có thể dùng những từ ngữ mộc mạc nhưng chứa đựng tình cảm thiêng liêng như vậy được. Đọc bài thơ, chúng ta lại gợi nhớ đến quê hương thân thương của mình
Chúng ta hãy cùng nhau khám phá cái hay của bài thơ Khúc Hát Sông Quê này nhé!

Khúc hát sông quê

Ngỡ như người đã hát thay tôi
ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát
tuổi thơ ơi!
quá nửa đời phiêu dạt
ta lại về úp mặt vào sông quê
như thuở nhỏ
úp mặt vào lòng mẹ
để tìm sự chở che…
Xin bắt đầu từ hạt phù sa
ta cúi nhặt tình cờ bên bờ sông tháng chạp
ôi! Phù sa
những cá thể tự do trong hành trình của đất
đêm nao
chớp bể, mưa nguồn
trong cơn thác lũ
trong sóng đỏ
đất đi
kiến tạo
sinh thành…
Em ơi!
quả ớt cay bổi hổi
trên bãi sông
thuở chưa dấu chân người
anh nghe nói
có một thời
tất cả còn hoang dại
tổ tiên ta chỉ hái lượm mà thôi
lại nghe nói
thuở ta chưa biết ăn gì cả
ta cùng cây cỏ sinh đôi
rồi cây cỏ ăn ta
rồi ta ăn cây cỏ
cũng là khi cay đắng, ngọt bùi
ta và đất kết giao
lấy dòng sông làm lời thề non nước…
Chẳng biết ta đã ăn ở thế nào với đất
mà đất lở sông ơi!
nơi ta chăn trâu thả diều ngày cũ đã đâu rồi
hạt đất quê ta
giờ đã bồi về đâu chẳng biết
có làng xóm nào sinh
có hòn đảo nào sinh
từ hạt đất bờ sông quê ta lở
như cuộc đời ta khuyết hao
để đắp bôì rờ rỡ
những sớm má hồng ríu rít cháu con ta…
Này dòng sông!
ai đã đặt tên cho sông là sông Cả?
ai đã gọi sông Cả là sông Lam?
ta đơn giản chỉ gọi là con sông quê hương
tháng Ba phù sa sóng đỏ
cá mương đớp ngọn lúa đòng đòng
tháng Năm
ta lặn bắt cá ngạnh nguồn
tháng Chín
cá lòng bong
ta thả câu bằng mồi con giun vạc
tháng Chạp
ta nếm vị heo may trên má em hồng…
Để rồi ta đi khắp núi sông
ta lại gặp
tháng Ba… tháng Năm… tháng Chạp
trong vị cá sông
trên má em hồng…
Này dòng sông
ngươi còn nhớ chốn ta ngồi ngóng mẹ
phiên chợ Lường vời vợi tuổi thơ ta
sao ngày ấy ta dễ ngoan đến thế
mẹ cho ta một xu bánh đa vừng
ta ngoan hết một ngày
ta ngoan suốt cả năm
ta thương mẹ đên trọn đời ta sống
Quê hương ta nghèo lắm
ta rửa rau bến sông cho con cá cùng ăn
ta mổ lợn
con quạ khoang cũng ngồi chờ chia thịt
cá dưới sông cũng có tết như người
trên bãi sông
ta trồng cây cải tươi
ta ăn lá còn bướm ong thì hút mật
lúa gặt rồi- còn lại rơm thơm
trâu đủng đỉnh nhai cả mùa đông lạnh…
Cùng một bến sông
phía dưới trâu đằm
phía trên ta tắm…
Trong ký ức ta
sao ngày xưa yên ổn quá chừng
một dòng xanh trong chảy mãi đến vô cùng!…

III. Cảm Nhận Về Bài Thơ Khúc Hát Sông Quê 

Đọc bài thơ Khúc Hát Trên Sông Quê không khỏi khiến ta bồi hồi xúc động khi chợt gợi nhớ về quê hương mình. Quê hương là nơi chôn nhau cắt rốn, nơi chúng ta có gia đình, có bạn bè, thầy cô cùng biết bao kỉ niệm thời thơ ấu.
Nào! Chúng ta cùng nhau chia sẻ về cảm nhận của mình về bài thơ nhé!
Có những lúc tâm hồn ta khô héo,chẳng muốn nghe một bản nhạc,lời ca.Cuộc sống lo toan đã làm ta băng giá.Rồi bất chợt có một ngày tâm hồn ta thức dậy khi bỗng nghe giai điệu ngọt ngào,tha thiết cùng những ca từ đẹp đẽ đậm chất trữ tình của bài thơ “Khúc hát sông quê”…bài thơ chạm đến nơi sâu thẳm của lòng ta khi cũng từng là đứa con phiêu dạt xa xứ.
Bài thơ đưa ta trở về với quê hương nguồn cội, trở về với những kỷ niệm tuổi thơ êm đềm hòa cùng thiên nhiên và để được thấy lại mình trong đó. Quê hương luôn luôn là động lực tiếp thêm cho ta sức mạnh để ta vững bước vượt qua những bão giông của cuộc đời (Chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn). Con sông quê hương, con sông tuổi thơ đã trở thành hình ảnh tượng trưng cho quê hương nguồn cội, để ta được trở về gột rửa và gội mát tâm hồn… Con sông quê hương “dạt dào như lòng mẹ” mà lòng mẹ thì bao la lắm, ta luôn tìm được nơi trú ngụ, chở che và dù cho có phiêu bạt đến nơi đâu thì lòng mẹ vẫn dõi theo.

“Sông còn nhớ chăng nơi ta ngồi ngóng mẹ
Vời vợi tuổi thơ một xu bánh đa vừng”

Hình ảnh thơ như một bức tranh sống động về sự giao hòa giữa con người và thiên nhiên, cảnh vật. Ở nơi đó cuộc sống nảy nở sinh sôi; sông mang phù sa bồi đắp cho đồng bãi, sông mang nước cho cánh đồng lúa bao la, sông là nơi tắm mát những trưa hè, sông mang lại cá tôm cho cuộc sống… Một dòng chảy bất tận muôn đời và sự sống hai bên bờ mãi mãi nảy nở sinh sôi từ chốn ấy!
Cùng một bến sông Con trâu đằm sóng dưới Bầy trẻ thơ tắm mát phía thượng nguồn Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”
“Một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng”, vâng, hình ảnh kết bài không còn là “một dòng sông xanh” nữa mà là “một dòng xanh trong” như một biểu tượng của quê hương và tình mẹ, cũng như tâm hồn và nỗi nhớ quê của người xa xứ không bao giờ vơi cạn, không thể nào có thể đo đếm hết được
Khúc hát sông quê” đã đưa ta trở về với dòng sông kỷ niệm, gặp lại mình và để thức tỉnh những ai đã rời xa quê hương bản xứ. Với “Khúc hát sông quê” mỗi người đều tự tìm thấy tuổi thơ mình trong đó, vì thế nó đã là bài ca của mọi người “ngỡ như người đã hát thay tôi/ ngỡ như tôi đã lẫn vào câu hát/ tuổi thơ ơi” (Lê Huy Mậu). Trong ký ức ta sao ngày xưa yên ổn quá chừng một dòng xanh trong chảy mãi tới vô cùng !…
Trên đây, uct.edu.vn đã chia sẻ cho bạn bài thơ ngọt ngào, thắm thiết Khúc Hát Sông Quê của nhà thơ Lê Huy Mậu. Bài thơ bày tỏ tình yêu quê hương, đất nước mãnh liệt. Lời thơ nhẹ nhàng chứa đựng tình cảm thiêng liêng nhất của ông. Bài thơ khơi gợi niềm nhớ thương quê hương của những người con xa xứ luôn khát khao mong ngóng quê nhà. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!