Kho tàng thơ Quang Dũng hay và hấp dẫn mọi thời đại phần 3

Đối với những bạn đọc yêu thơ thì thơ Quang Dũng đã không còn xa lạ gì nữa. Ông là một nhà thơ trưởng thành từ cuộc chiến tranh chống Pháp xâm lược. Ông là một nhà thơ nổi tiếng mặc áo lính, những thi phẩm của ông gắn liền với các cuộc kháng chiến oanh liệt của dân tộc ta. Bằng lòng nhiệt huyết, tài năng cùng lòng yêu thương ông đã góp phần không nhỏ cho nền thơ ca dân tộc nước nhà. Sự bình dị , quen thuộc đã làm cho những thi phẩm của ông không những đặc sắc về nội dung mà còn cả nghệ thuật. Cùng uct.edu.vn khám phá những trang thơ giá trị của ông nhé!

Nhớ những mùa xuân

Nhớ một xóm rừng
Hoa mai nở trắng
Xuân về…
Áo người mới nhuộm chàm xanh
Bên bếp lửa sàn
Than đầu năm hồng rực
Khẩu hiệu trên bàn thờ Tổ quốc
“Kháng chiến nhất định thành công
trường kỳ thắng lợi”
Tiệc vào xuân
Thịt rừng bày trên lá chuối
Rượu uống sừng trâu
Tiếng hú tung “còn”
Chiêng vang vách núi
Nhớ một ven đồi
Hành quân tạm nghỉ
Bóc bánh chưng hậu phương
Lá dong thả trôi theo dòng suối
Hát bài ca chiến thắng đông xuân
Mắt đen em nhỏ đến gần
Vỗ tay hoà nhịp
Làng bản xa xôi vẳng tiếng khèn
Mùa xuân… Mùa xuân…
Rừng thay áo đẹp *
Nhớ một con đường biên giới
Nằm chờ giặc qua
Mũi súng kề bên nhành cúc dại
Sương rung rinh
Nặng ý mùa thơm xanh
… Tươi tốt đang về
Tiếng chim trong bụi
Lao xao đời muông thú thanh bình
Ca ngợi bình minh vừa đến.
Nằm xa heo hút mà nhớ trung du
Nhớ sông Hồng chảy
Làng quê đôi bờ
Bóng những cây đào
Trên dòng phù sa
Nhớ những vườn hoa
Chèm Vẽ – Tây Hồ
Những vườn rau
Luống cày mời đất *
Mùa xuân mong đợi mười năm
Đã về phấp phới cờ xanh
Thêu cánh hoà bình
Cờ dựng trên cổng chào
Lá dừa tươi mát
Cổng cuốn bằng rơm
Còn thơm mùa gặt
Cổng chào dựng bằng tôn sắt
Những mảnh cầu phao
Lấy trong đồn giặc ngổn ngang
Mùa xuân thức dậy đồng bằng
Mười năm ác mộng
Quê của ta:
Xuân đầu giải phóng
Sân đình đứng chật mít tinh
Chúc Cụ Hồ trường thọ
Xúng xính áo quần em nhỏ
Bắt chước văn công xoè quạt
Cây đu trên bãi lại trồng…
Thôn nữ thở hơi trầu ấm áp
Hẹn tìm nhau chiều hội đốt bông
Mùa xuân mong đợi mười năm
Đã về cờ xanh phấp phới
Mùa xuân đồng bằng
Lại nhớ rừng xanh
Những mùa xuân thắng lợi.

Những cô hàng xén

Rặng vải ven sông Đáy
Um tùm bóng cuối xuân
Sông cạn phơi lòng cát trắng
Người qua nâng váy ôm quần
Những gánh hàng xén bồ căng
Má hồng thôn nữ
Thoảng mùi thơm quê mùa
Hơi thở ấm trầu đen rưng rức
Mẹ già nón nhẹ bay tua
Rặng vải um tùm quả chín
Mòng mọng căng lên sức sống chan hòa
Cuối xuân mây lạnh
Đầu hạ gió đưa
Tu hú phương nào bịn rịn
Tu hú tu hú
Mùa vải ven bờ
Nơi quê hương trời xưa ấu thơ
Mái tóc em vừa vương hương bưởi
Chân nhẹ nhàng còn dính phấn hoa
Thôn nào cô mới đi qua
Gà vừa gáy sáng
Thắt lưng đào bên sông im lặng
Kĩu kịt đôi bồ
Các cô hàng xén ngày xưạ
Các cô hàng xén ngày xưa
Gương tròn bỏ túi
Tóc giắt hoa nhài
Hay ngậm ngùi xem Nhị Độ Mai
Gấp trang sách lại thương đời Cúc Hoa
Trong bồ đủ loại Tây Du
Chinh Đông Chinh Tây
Bìa sơn dầu gáy mốc
Đôi cuốn Thạch Sanh
Một chồng Trê Cóc
Khi gió mùa xuân
Xanh càng tươi lộc
Bói trang Kiều xem chuyện nhân duyên
Tiếng trường xa đã điểm
Đường về trường huyện xôn xao
Các cô đôi má ửng đào
Mấy anh lớp nhất lối nào vừa qua
Hàng các cô
Ngòi bút “ba la”
Giấy tây, phẩm tím
Mươi bó quản bút
Thước kẻ tẩy chì
Các anh sắp đến mùa thi
Lúa đồng cũng sắp đến kỳ vàng hoẹ
Rặng vải quanh đường về
Quả ngả mầu hoàng hôn đỏ sẫm
Sóng hiu hiu chiều
Gió mát ven đê
Các cô hàng xén gánh về
Tiếng cười khúc khích
Tu hú im rồi
Vàng nghiêng nắng chếch
Các cô về qua sông
Sông Đáy xuôi dài cồn cát mênh mông
Làng bên bờ xanh mía
Thoảng mùi hoa lan hoa nhài nhè nhẹ
Tiếng nói xa dần
Chiều tím cuối mùa xuân
Sông nước trong xanh
Những bước chân tròn cát mịn
Hàng cau chiều phất phơ
Diều sáo vang lên trăng sáng tỏ
Ngõ làng rộn tiếng cười reo, chó sủa
Hoa lan vào ngõ tối còn thơm
Các cô hàng xén về làng
Các cô hàng xén về làng
Mai lại đi từ tối đất
Cần cù nuôi mẹ nuôi em
Những cô hàng xén tên xinh
Đẹp như ca dao nước Việt.

Những làng đi qua

(Trích thơ dài “Sử một trung đoàn”)
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Tháng chạp màn sương trùm đất nước
Gió mùa chết héo mạ xanh non
Sương muối thấm vào bao đạn ướt
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Dân đang gánh gồng cả cơ nghiệp
Mái nhà trăm năm thôi để lại
Lạc chủ, chó gầy mắt hoang dại
Mẹ địu con thơ, mang tiếng hát
Ru con gửi gấm những quê nhà
Nôi con đã chất cao thù hận
Thành luỹ ngăn đường chặn chiến xa
Nhớ buổi trung đoàn ta ra đi
Trung ương còn đóng quanh Hà Nội
Giầy vải Bác Hồ phơi bờ ao
Thủ đô vào xuân tết chiến hào
Đào đỏ Nhật Tân ở lại gốc
Chủ nhân còn gác trạm tiền tiêu
Chờ địch kéo lên Yên Phụ dốc
Có làng trung đoàn ta đi qua
Máu đông in dấu giày đinh giặc
Nền tro, gạch sém, ngách buồng ai
Chiếc tã đầu giường đang cháy dở
Những làng trung đoàn ta đi qua
Tiếng quát dân quân đầu vọng gác
Vàng vọt trăng non đêm tháng chạp
Nùn rơm, khói thuốc, bạch đầu quân
Tự vệ xách đèn chai lối xóm
Khuya về chân khoả vội cầu ao
Nghe tiếng sung rơi miệng chiến hào
Bờ tre cây rơm thôi tịch mịch
Vỡ lá bàng khô bước du kích
Những làng trung đoàn ta đi qua
Lều chợ bay tro đêm lửa trại
Rạ thui bò khét cổng làng sau
Gạo thổi cơm sôi thơm ngõ ruối
Buồng chuối tiễn quân em mới cắt
Nhựa cây còn tuôn như sữa vắt
Khúc hát đồng ca “Vệ quốc quân”
Cuối xóm trông theo vẫy mấy lần
Những làng trung đoàn ta đóng lại
Khẩu hiệu trên đường đá áo mới
Thông tin đứng vẽ giặc Tây hàng
Trống ếch khuya rền khắp ngõ ngang
Chiều đến loa vang tin chiều sự
Khêu bấc đèn con họp tiểu đoàn
Những làng trung đoàn ta đóng lại
Tiếng nêu đưa khánh dưới mưa phùn
Hương đen ngũ quả, màu tranh Tết
Câu đối mực tàu bay xạ ngát
Cột nhà tre trúc giãi gan vàng
Mang câu đối đỏ niềm son sắt
Tiếng hát hành quân vui trong mưa
Gió bấc về sân buổi tiễn đưa
Nải chuối tiễn nhau em mới cắt
Nắm cơm hàng xóm gửi trung đoàn
“Hoả thực” xếp lèn đôi gánh cật
Thôi nhé miền xuôi! Thôi tạm biệt
Thôi chào Hà Nội lửa ngang trời
Ta đi – ngõ gạch – tường đang đục
Gạn từng giọt nước, đánh, cầm hơi
Ta đi – Tháp đứng nghiêm hồ lạnh
Hoàn Kiếm đêm đêm giặc rụng rời
Màu đỏ sao bay về đỉnh tháp
Chiến hào xuân đến tiếng ca vui
Thôi nhé miền xuôi, thôi tạm biệt
Cống Chéo Đồng Xuân thề một chết
Hàng Gai tay bỏng trục ba càng
Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt

Quán bên đường

Tôi khách qua đường, trưa nắng gắt
Nghỉ nhờ đây quán lệch tường xiêu
Giàn mướp nghèo không hứa hẹn bao nhiêu
Mùa gạo đắt, đường xa, thưa khách vắng
Em đắp chăn dầy, tóc em trĩu nặng
Tôi mồ hôi ra ngực áo chan chan…
Đường tản cư bao suối lạ sương ngàn
Em mê sảng sốt hồng đôi má
Em có một mình nhà hoang vắng quá
Mảnh chăn đào em đắp, có hoa thêu
Hàng của em, chai lọ xác xơ nghèo
Tôi nhìn lại mảnh quần xưa đã vá
Tôi chợt nhớ chúng ta không nhà cửa
Em tản cư, tôi là lính tiền phương
Xa Hà Nội, cùng nhau, từ một thuở
Lòng rưng rưng thương nhau quá dọc đường
Tiền nước trả em rồi. Nắng gắt
Đường xa xa mờ núi và mây
Hồn lính vương vài qua sợi tóc
Tôi thương mà em đâu có hay…

Suối tóc

Thuở ấy em ngồi trên cửa gác,
Tóc buông hong với gió đầu thu
Nhẹ nhàng anh đến hồn chan chứa
Ghi vội vàng em mấy nét thơ…
Em mải mơ gì dưới nắng êm?
Tóc như suối mực chảy êm đềm…
Hương nhẹ như là hương hoa cau
Tóc em buông suối chảy về đâu?
Thiên thai em mở bừng trong gác
Ðựng hết Trời xanh chứa hết mầu
Giờ hết, Em đi, mùa cũng hết
Những thời hong tóc hiếm làm sao!
Rộn ràng nắng mới tìm hương cũ.
Ngơ ngẩn chiều đi trước gác cao.
Em hãy về đây ngắm lại tranh
Sắc mầu còn gửi bóng ngày xanh,
Ðây là suối tóc qua song cửa
Vẫn chảy êm đềm dưới nắng hanh.

Thơ tặng ông lang

Gian khổ đường ta ta cứ đi
Vững tâm theo kháng chiến trường kỳ
Trắng trong nguyền giữ lòng cam thảo
Son sắt càng thơm dạ quế chi
Non nước đã vương tơ đỗ trọng
Giàu sang đâu hám chữ đương qui
Lênh đênh dầu mấy lênh đênh nữa
Tin tưởng ngày mai rộng lối đi.

Thu

I
Gió heo nổi sớm nắng thu về
Chuồn chuồn cánh mỏng lại bay đi
Rỡn từng ngọn cỏ may khô úa
Cánh nhạn tung trời thêu biệt ly.
Nắng nửa sông xa mờ khí núi
Cánh hồng nhạt nhạt mây phiêu lưu
Lá mùa rì rào trên bãi vắng
Mái nhà ai đó nắng xiêu xiêu?
Ngồi đây vời tưởng đường quê hương
Lúa đã xanh xanh mấy nẻo làng
Cốm đã thơm mùi, hồng đã chín
Ao sau vườn cũ nước xanh trong
Cữ này bưởi đào đang chín cây
Mía đỏ vườn hoang mang bóng ngày
Bướm nhẹ cánh vàng mơ lá cải
Trời thu không rượu cúc mà say
II
Nhẹ tóc khô da hồn trong xanh
Rộng vời tầm mắt dáng vàng hanh
Nghe nhạc muôn đời trong gió lá
Vào thu khói biếc đã xây thành
Long lanh bóng núi in sông biếc
Buồn nhớ thương ai lòng hiu hiu?
Quạnh quẽ sắn nương rờn nắng ấm
Ngõ trúc người ơi! Tịch mịch chiều!
Diều sáo vang không hồn ấu thơ
Bèo lạnh cầu ao ai đợi chờ?
Một tiếng sung rơi đo lặng lẽ
Mùa thu xào xạc lá tre khô.

Thu quê ai

Như cảnh đã vào thu sớm
Da rợn từng cơn, núi đổ chiều
Lá mía, tàu cau rũ héo
Vàng, ôi vàng hắt hiu!
Ngồi đây bến cát triền sông Mã
Ngẫm chuyện mười năm như nước lũ
Ai hay ngày tháng lại quay về
Cẩm Thuỷ, Tây Giai thành vẫn đá
Những tàu cau
đượm làm chi ánh nắng?
Mà sao lưu luyến người!
Ôi ta nhớ một quê nhà
Những tàu cau
đượm làm chi ánh nắng?
Chum nước, gáo dừa, nhà xoan, gốc mít
Đỏ, nâu, mít chín trĩu cành
Trưa thoáng trời xưa êm ả
Lửa cơm chiều?
Hơi thu?
Nhựa thơm gạo mới bát chiêm chanh
Nhớ sao những tháng ngày xanh
Rất xanh!
Chiều mát. Đê dài. Cỏ may ta nhặt
Ai ơi! Phấn trắng mía bầu
Thân ngô xơ xác
Nhặt gốc tre khô
Ta nhom ấm nước
Chiều từ đâu…
Mà lạnh đến từ đâu?

Tiễn bạn

Tặng anh vài giòng chữ
Hẹn sau này gặp nhau
Mùa thu miền kháng chiến
Vẫn giống thu năm nào
Rồi đây cùng đất nước
Mà riêng rẽ âm dương
Người bảo “đi là chết”
Kẻ sống càng đáng thương
Anh về đời nhung lụa
Thơm khói ngát hương đường
Ngoài này lúa sắp ngập
Triền đê con nước dâng…
Tôi sẽ cùng chết đói
Và cùng rét anh ơi !
Với triệu người bạn hữu
Là triệu mảnh đời tôi
Ở nơi đây êm ấm
Anh có nhớ nhung người
Dở thơ đọc hồn bạn:
“Kháng chiến vẫn còn tôi”
Dầu biết là vô vọng
Ðã đem chơi cuộc đời
Thì đi cho hết nước
Sống thử ít con người…
Gặp anh trìu mến lắm
Ðời còn có mấy mươi,
Dẫu rằng xa cách tạm
Hồn thơ cũng ngậm ngùi
Một kiếp mấy tri kỷ ?
Ai như Anh và Tôi ?

Tiếng chim rừng

Xa bao năm tiếng chim rừng
Trưa núi nghe càng thăm thẳm
Đường đỏ vắt qua bờ sậy
Ngàn tiếng xôn xao
Dưới trăng bìm bịp cầm canh
Chao ôi! bờ suối tối đen
Tiếng con gầm ghì kêu than dưới lá

Trắc ẩn

1.
Chưa gặp sao đành thương nhớ nhau?
Đôi phen số mệnh cũng cơ cầu
Người đi mang nửa hồn đơn lẻ
Tôi về hoài vọng một đôi câu
Khói thuốc chiều sông hỡi dáng người!
Phương nào đôi mắt ngó xa xôi
Nào ai biết được niềm u ẩn
Từng lắng nhiều trong những mảnh đời
Tôi viết chiều nay chiều tưởng vọng
Làm thơ mình lại tặng riêng mình
Sông trôi luống gợi dòng vô hạn
Biền biệt ngày xanh xa ngày xanh
Thời đại bao lần khô nước mắt
Hoa đèn riêng gởi chút tâm tư
Ngắn dài đã học người thiên cổ
Vạn đại sầu lên chẳng bến bờ
Chiều ấy em về thương nhớ ai?
Tôi chắc đường đi đã rất dài
Tim tím chiều hôm lên bóng núi
Dọc đường mờ những cánh hoa phai
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh
Màu tím chiều chầm chậm
Hoàng hôn nghe một mình
Giáo đường chuông rời rạc
Tan vỡ nhiều âm thanh
Một chút linh hồn nhỏ
Đi về chân núi xanh.
2.
Tôi gặp em một chiều ấy nhiều mây nặng. Sao rất ít. Lưa thưa Bắc Đẩu xa mờ. Tôi áo quần vừa độ bạc màu năm tháng. Đời nghèo với ý thơ.
Vầng trán em cao, sáng ngời linh hồn. Ôi đẹp và say đôi mắt. Mái tóc lung linh, áo trắng hiện về hư ảo. Người ơi! Vườn xưa nhớ chuyện Liêu Trai. Đêm vắng qua phố hoang tàn. Gió chạy dài heo hút.
Tôi nhớ chuyện đời em xưa. Đời em bao nhiêu hi sinh, bao nhiêu dòng lệ…
Em cười vui thật không? Rượu say đôi má đỏ hồng… đau đớn. Ta thương Người một sáng hôm nào – giường trắng tinh, gió mát thổi hương cau – gió mát từ ao, qua khung cửa sắt.
Giường trắng êm êm, dáng nằm ngoa ngoắt. Ôi không phải của mình – Chiếc rèm buông màu tím – Tường mát dịu màu xanh…
Chiều về đường quạnh vắng
Em đi
Tôi bâng khuâng thất vọng
Vẽ em trên dọc đường về
*
Em có yêu ta không? Ta có yêu Người chăng? Ngoài ba mươi tuổi đều dang dở
Trên đường đời phẳng phiu
Chúng ta là hai kẻ
Rất lang thang
Mấy phút gần đây tái ngộ
Nhìn em thấu rõ lối tâm tư
Ôi mái tóc – đôi mắt thẳm xưa
Tất cả mắt em là nghệ thuật
Nhớ em dòng tóc dài đôi mắt…
*
Để em lại về suốt buổi trời mưa
Mưa cũng khắp cả ngày tôi hôm ấy
Em ơi! Tình ngây thơ đã dậy lại trở về
Mặc dầu tóc không còn xanh nữa
Và đôi chút râu ria…
*
Nhớ người ba hôm nay
Đời thấy càng đáng sống
Sống để mà say
Say suối tóc ngày xưa bây giờ bắt gặp
Phải chăng nguồn thông cảm là đây
Phút chốc em thành thần nữ
Ngự trị hồn ta
Một tình thương yêu liều lĩnh…
Bạn càng kể đời em
Lại càng như rượu mạnh
Rượu mà Tiểu Nhiên và Mị Cơ
Đã cùng uống trộm
Trong thiên truyện tình bất tử ngày xưa
*
Trưa nay ngồi bóng nhà thờ. Linh hồn mệt mỏi – chuông hồi vang “angélus” – Nhớ bức tranh cầu nguyện của Millet.
Viết những dòng thơ – không lề luật – mà chẳng tặng ai – Vì biết không bao giờ gửi, không bao giờ gửi, không bao giờ gửi.
*
Em! Chúng ta đã quá nhiều những lòng thương, những tâm tư, những tình sử chan hoà nước mắt hay niềm vui, tiếng cười rồ dại… Rất là mệt mỏi!
Lòng hào kiệt cổ xưa chợt dậy. Bực dọc… Muốn đập tan một thứ – Nếu không là tất cả. Em! Mái tóc với đời Em.
Vườn chanh sau dòng Mến Thánh Giá.
Đúng giờ chuông ban trưa

Trưa hè

Trưa hè bỗng nhớ sông quê
Nước xa không bóng thuyền đi đôi dòng
Thóc nhà ai có phơi không?
Chói chang lửa thóc sân trông bóng người
Vại mưa in dáng mây trời
Em soi bóng có nhớ người xa em?
Bờ tre gió đánh lả mềm
Thoảng say mùi nái bên thềm ai giăng
Xa quê dầu chẳng võ vàng
Trông mây núi nhớ mây làng về trưa.

Chùm thơ Quang Dũng luôn nhận được sự ưu ái đặc biệt từ bạn đọc. Với sự trẻ trung tài hoa của một thi sĩ hiền lành, chân chính luôn nhìn đời bằng một con mắt đầy lãng mạn thơ ông đem đến cho độc giả những cảm xúc thật khó tả. Qua bài viết này chúng ta có thể cảm nhận được phong cách thơ độc đáo của ông. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!

Xem Thêm: Kho tàng thơ Quang Dũng hay và hấp dẫn mọi thời đại phần 2