“Góc sân và khoảng trời” (Trần Đăng Khoa) – tập thơ cho trẻ (phần 1)

Góc sân và khoảng trời là một tập thơ xuất sắc của Trần Đăng Khoa được xuất bản lần đầu tiên năm 1968. Thiên hướng văn chương của tác giả được bộc lộ sớm bởi khi đó nhà thơ chỉ mới 10 tuổi.

Đó là những vần thơ lưu lại ký ức, nhật ký của nhà thơ trong những năm tháng ấu thơ đầy hồn nhiên và vui tươi. Tập thơ này có số lượng bài lớn với hơn 100 bài. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu và cảm nhận bạn nhé!

Đôi nét về nhà thơ Trần Đăng Khoa

Tiểu sử nhà thơ Trần Đăng Khoa

Nhà thơ Trần Đăng Khoa sinh ngày 24-4-1958 tại Tỉnh Hải Dương, nước Việt Nam. Ông sống và làm việc chủ yếu ở Thành phố Hà Nội, nước Việt Nam.

Trần Đăng Khoa là một nhà thơ nổi tiếng được mệnh danh là “Thần đồng thơ trẻ”. Ông cũng là một nhà văn và một nhà báo. Ông giữ chức vụ biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Quân đội, nguyên là Trưởng ban Văn học Nghệ thuật, Giám đốc Hệ Phát thanh có hình của kênh VOVTV của Đài tiếng nói Việt Nam. Hiện nay, ông giữ chức Phó Bí thư Đảng ủy Đài Tiếng nói Việt Nam.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa bắt đầu sáng tác từ rất sơm, năm 8 tuổi ông đã có một số sáng tác được in trên báo. Năm 10 tuổi, ông đã cho xuất bản tập thơ đầu tiên với nhan đề “Từ góc sân nhà em “(1968). Cũng trong năm 1968, ông đã cho ra mắt tập thơ thứ hai là “Góc sân và khoảng trời” do nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành.

Trong đó, bài thơ “Hạt gạo làng ta” sáng tác năm 1968, là bài thơ phổ biến nhất của nhà thơ Trần Đăng Khoa. Bài Thơ này đã được nhạc sĩ Trần Viết Bính phổ nhạc năm 1971, bài hát được rất nhiều người yêu thích, nhất là lứa tuổi thiếu niên, nhi đồng.

Năm 10 tuổi, nhà thơ Trần Đăng Khoa là người đề nghị đổi câu thơ “Đường ta đi rộng thênh thang tám thước” trong bài thơ “Ta đi tới” của nhà thơ Tố Hữu , thành “Đường ta rộng thênh thang ta bước” . Điều này đã làm cho giới văn học Việt Nam một phen ngỡ ngàng.

Thành tích:

Giải thưởng thơ của báo Thiếu niên Tiền phong các năm 1968, 1969, 19711

Giải nhất báo Văn nghệ năm 1982

Giải thưởng Nhà nước năm 2000

Những sáng tác chính:

Trần Đăng Khoa sáng tác không nhiều, những tác phẩm nổi bật của ông như:

  • Từ góc sân nhà em, 1968.
  • Góc sân và khoảng trời, tập thơ, 1968, tái bản khoảng 30 lần, được dịch và xuất bản tại nhiều nước trên toàn thế giới
  • Khúc hát người anh hùng, trường ca, 1974.
  • Bên cửa sổ máy bay, tập thơ, 1986.
  • Chân dung và đối thoại, tiểu luận phê bình, Hà Nội: Nhà xuất bản Thanh niên, 1998, tái bản nhiều lần. Tác giả cho biết ban đầu đã dự kiến phát hành tập II của tác phẩm này, nhưng hiện đã gộp bản thảo vào phần I để tái bản.
  • Bài “Thơ tình người lính biển” đã được Hoàng Hiệp phổ nhạc.
  • Đảo chìm, tập truyện – ký, đến đầu năm 2009 đã tái bản 25 lần.

Giới thiệu về tập thơ ” Góc sân và khoảng trời”

Tuyển tập thơ “Góc sân và Khoảng trời” do thần đồng thơ ca Việt Nam – Trần Đăng Khoa sáng tác từ những năm lên 8. Đến năm nhà thơ lên 10 tuổi thì “Góc sân và Khoảng trời” được in lần đầu, gồm 52 bài thơ và sau này được bổ sung thêm lên 66 bài – bao gồm các bài thơ nổi tiếng đã được đăng báo của Trần Đăng Khoa.

Nhờ được sáng tác khi tuổi đời của nhà thơ còn khá trẻ nên “Góc sân và Khoảng trời” tái hiện một góc nhìn trong trẻo, hồn nhiên của trẻ thơ về một thế giới con người và sự vật mà trong đó con người nào cũng đều để lại một dấu ấn tốt đẹp. Nuôi dưỡng tâm hồn cho bé yêu văn học theo các nhẹ nhàng nhất!

Với những quan sát tinh tế cùng sự liên tưởng phong phú và tài năng hiếm có; cỏ cây, loài vật, con người trong thơ Trần Đăng Khoa hiển hiện gần gũi thân thiện và dung dị. Có lẽ vậy mà bạn đọc nhiều thế hệ không thể nào quên những bài thơ: Hạt gạo làng ta, Cây dừa, Nghe thầy đọc thơ, Ảnh Bác, Đám cưới bác giun, Mưa, Trăng ơi từ đâu đến,…

Tái hiện trong tuyển tập thơ là những sự vật giản dị của làng quê như con bướm vàng, cái sân, dòng sông Kinh Thầy, con chim, con gà, vườn cải, cây đa, con trâu, cây trầu… và nhất là ánh trăng của làng quê.

Với tuổi thơ trong “Góc sân và Khoảng trời” của Trần Đăng Khoa, ông trăng cũng ngây thơ như trẻ con, cũng thích khoe khuôn mặt tròn, cũng nhoẻn miệng cười thích thú khi nhìn thấy chuối, thấy xôi; và thú vị nhất là cũng biết thập thò ngoài cửa khi rủ bạn đi chơi,…

Bởi thế mọi thứ hiện lên thật sống động, nhiều màu sắc. Tuy đơn giản nhưng khiến người đọc cảm thấy thích thú. Các sự vật, hiện tượng được nhân cách hóa, ẩn dụ giúp phát triển trí tưởng tượng, sự sáng tạo trong các bé.

Những bài thơ trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” – Trần Đăng Khoa (phần 1)

Sau đây Pud.edu.vn xin chai sẻ cùng quý bạn đọc tuyển tập những bài thơ trong tập thơ “Góc sân và khoảng trời” – Trần Đăng Khoa (phần 1). Vì tập thơ khá đồ sộ, trong phạm vi một bài viết không thể truyền tải hết nên chúng tôi chia làm các phần nhỏ khác nhau để quý bạn đọc tiện theo dõi. Các bạn đừng bỏ lỡ nhé !

Ảnh Bác

Nhà em treo ảnh Bác Hồ
Bên trên là một lá cờ đỏ tươi
Ngày ngày Bác mỉm miệng cười
Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà
Ngoài sân có mấy con gà
Ngoài vườn có mấy quả na chín rồi
Em nghe như Bác dạy lời
Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa
Trồng rau, quét bếp, đuổi gà
Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi
Bác lo bao việc trên đời
Ngày ngày Bác vẫn mỉm cười với em…

Ao nhà mùa hạn

Mùa mưa mà mưa chẳng đến
Đáy sâu nẻ toác khi nào
Rêu nằm mơ những sấm sét
Rồi khô trên cọc cầu ao…

Bà và cháu

Trích trường ca “Làng quê”
Bà ngồi yên rất lâu
Bóng tạc lên vách đất
Dải khăn vuông đội đầu
Gió lọt vào phơ phất…
Ôm Hương, tay run run
Bỗng nhiên, bà chớp mắt
Nhớ ngày xưa đói nghèo
Thương ông, giặc Pháp bắt
Sục sạo tìm du kích
Giặc đốt hết xóm làng
Bố Hương vượt lửa đạn
Bơi qua Lục Đầu Giang
Ông đi, ông để lại
Cái vành tang cho bà
Vết nhăn hằn sâu mãi
Và hắt hiu tuổi già
Sau hòa bình, bố về
Xóm làng còn đủ cả
Chỉ vắng mẹ Hương thôi
Bố ngồi trơ như đá…
Rồi lạy bà, bố đi…
Hương mới sinh, bé choắt
Đất nước sao nhiều giặc
Đánh đến giờ chưa xong!…
Cái bao tượng của bà
Thắt bụng dần nhỏ lại
Cả một đời lo toan
Lưng bà giờ như gẫy
Bà vẫn vui công việc
Chả lúc nào ngơi tay
Khi bà thăm trận địa
Khi bà trồng hàng cây
Bà vẫn nuôi bộ đội
Suốt hăm mấy năm trời
Nhiều chú đeo súng lục
Cưỡi bình bịch về chơi
Thư các chú gửi về
Không tuần nào không có
Chú thì đóng Sơn La
Chú thì ra Cồn Cỏ
Chú thì giữ Hàm Rồng
Chú thì xa, xa nữa…
Thư đi mấy tháng đường
Nhiều bức nhòe một nửa
Lâu nay, Hương không thấy
Chú nào về thăm đây
Bà bảo: Các chú bận
Đánh Mỹ suốt đêm ngày
Những lúc sợ bà buồn
Hương lượn tròn, múa hát
Bóng chuối trùm nửa sân
Trăng ngời ngời như bạc…

Bãi Cháy

Bãi đây, chẳng ngọn lửa nào
Bóng con còng gió lặn vào cát trưa
Mặn nồng vị muối ngàn xưa
Rào rào gió động hàng dừa. Nước lên
Long bong sóng vỗ, thuyền nghiêng
Sắc trời, sắc biển xanh trên ngọn sào…
Bãi đây chẳng ngọn lửa nào
Đảo giương tím cánh buồm chào đón ta
Bom thù dội mấy mùa qua
Lửa bom đã tắt. Tím hoa sim rồi
Thông non nối đất liền trời
Tiếng ai thấp thoáng, nói cười xôn xao…
Bãi đây chẳng ngọn lửa nào
Chỉ ta với sóng lẫn vào Trong Xanh

Bàn chân thầy giáo

Thầy ngồi ghế giảng bài
Xếp cạnh bàn đôi nạng gỗ
Một bàn chân đâu rồi
Chúng em không rõ
Sáng nào bom Mỹ dội
Phượng đổ ngổn ngang, mái trường tốc ngói
Mặt bảng đen lỗ chỗ vết bom bi
Thầy cầm súng ra đi
Bài tập đọc dạy chúng em dang dở
Hoa phượng
Hoa phượng cháy một góc trời như lửa
Năm nay thầy trở về
Nụ cười vui vẫn nguyên vẹn như xưa
Nhưng một bàn chân không còn nữa
Đôi bàn chân
Ôi bàn chân
In lên cổng trường những chiều giá buốt
In lên cổng trường những đêm mưa dầm
Dấu nạng hai bên như hai hàng lỗ đáo
Chúng em nhận ra bàn chân thầy giáo
Như nhận ra cái chưa hoàn hảo
Của cả cuộc đời mình
Bàn chân thầy gửi lại Khe Sanh
Hay Tây Ninh, Đồng Tháp?
Bàn chân đạp xuống đầu lũ giặc
Cho lẽ sống làm người
Em lắng nghe thầy giảng từng lời
Rung động bao điều suy nghĩ
Nghe thầm vọng bàn chân đi đánh Mỹ
Nghe âm vang tiếng gọi của chiến trường
Em đi suốt chiều dài yêu thương
Chiều sâu đất nước
Theo những dấu chân người thầy năm trước
Và bàn chân thầy, bàn chân đã mất
Vẫn dẫn chúng em đi trọn vẹn cuộc đời…

Bến đò

Nhớ chị Trần Thị Duyên
Bến đò xưa đây rồi
Cây đa già buông rễ loi thoi
Lá biếc xòa mặt nước
Đá lởm chởm, bờ sông trắng bọt…
Trời se se heo may
Vẫn như lần đầu, ta qua sông, năm ấy
Con đò gỗ chẳng còn gối bãi
Đâu rồi, quán rạ lơ phơ
Ta thèm nhìn những kỷ niệm ấu thơ
Ngồi thụp xuống khoang đò
Khoang đò rộng thế
Chẳng thấy cây đa, bãi mía
Khoảng trời cong veo trên mui đò
Tóc ông lái bạc phơ
Lẫn vào mây trắng…
Ta đứng giữa trời mênh mông trắng
Quán xưa đổ rồi
Dưới bóng mát vòm đa, chẳng còn có ai ngồi
Gió thổi cồn cào mặt nước
Mất một nỗi gì không thể tìm lại được
Ta đi, lòng vẫn ở nơi đây
Ai cũng chỉ có một lần
Cái thuở thơ ngây…

Bên sông Kinh Thầy

Hàng chuối lên xanh mướt
Phi lao reo trập trùng
Vài ngôi nhà đỏ ngói
In bóng xuống dòng sông
Một bác chài chăm chỉ
Buông câu trong bóng chiều
Bỗng nhiên một con cá
Nhảy bên thuyền như trêu
Bắp ngô non răng sún
Óng vàng một chòm râu
Ôi cánh buồm nhỏ bé
Biết bay về nơi đâu?

Buổi sáng nhà em

Ông trời nổi lửa đằng đông
Bà sân vấn chiếc khăn hồng đẹp thay
Bố em xách điếu đi cày
Mẹ em tát nước, nắng đầy trong khau
Cậu mèo đã dậy từ lâu
Cái tay rửa mặt, cái đầu nghiêng nghiêng
Mụ gà cục tác như điên
Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi
Cái na đã tỉnh giấc rồi
Đàn chuối đứng vỗ tay cười, vui sao!
Chị tre chải tóc bên ao
Nàng mây áo trắng ghé vào soi gương
Bác nồi đồng hát bùng boong
Bà chổi loẹt quẹt lom khom trong nhà

Cái sân

Em thường rải cái nong
Ra góc sân ngồi học
Những đêm có trăng mọc
Em chơi cho đến khuya
Thường là xỉa cá mè
Hay làm mèo đuổi chuột
Những lúc mưa sậm hột
Em bắt cái vòi cau
Chảy vào giữa chum sâu
Khi trời râm em vẽ
Vẽ cô tiên lặng lẽ
Rải hoa trên bầu trời
Thế là bao đồng lúa
Cứ chín vàng, vàng tươi…

Cánh đồng làng Điền Trì

Cánh đồng làng Điền Trì
Sớm nay sao mà rộng
Sương tan trên mũi súng
Trên sừng trâu cong veo
Nơi này mấy bác cày
Đầu nghiêng nghiêng chiếc nón
Tiếng trâu và tiếng người
Vang ruộng dài lõm bõm
Nơi kia là mấy chị
Thì thòm tát gầu giai
Nước reo theo lòng máng
Bọt tung trắng hoa nhài
Nơi ấy mấy cô cấy
Ngửa tay phía mặt trời
Mạ bén hàng đứng thẳng
Hồn nhiên trong tiếng cười
Còn em, em kéo xe
Chở phân ra lót ruộng
– Ái chà, con cà cuống
Bỏ ngay vào ống bơ!

Câu cá

Cầu ao loang vết mỡ
Em buông cần ngồi câu
Phao trắng tênh tênh nổi
Trên trời xanh làu làu
Mặt ao không gợn gió
Bóng trúc cũng rung rinh
Con cá mương đớp bọt
Nhô miệng tròn, nhỏ xinh
Cá cá, chúng mày ơi
Vào đây mà kiếm ăn
Mồi lòng gà béo ngậy
Mùi thính thơm, rất đằm
Cục cùng cung trên bờ
Vào đây con cá ngão
Cái mồm to hơn mình
Mắt đỏ vằn gian giảo
Vào đây con rô cụ
Đầu đen sạm lầm lì
Thường nháy phao đột ngột
Rồi lừ lừ lôi đi
Vào đây con cá diếc
Hay vơ vẩn rong chơi
Nhung nhăng khoe áo trắng
Và nhẩn nha rỉa mồi
Cá cá, chúng mày ơi
Dù con to, con nhỏ
Nếu chạm đến mồi ta
Đều nằm khoèo trong giỏ
Riêng mặt trời tinh nghịch
Ngậm mồi dưới đáy ao
Giật mấy lần không được
Còn làm ta ngã nhào

Cây đa làng

Trích trường ca “Khúc hát người anh hùng”
2
Cánh liếp khép hờ
Bà Chanh hãm đèn hạt đỗ
Những đám cháy
Tắt dần ngoài cửa sổ
Tiếng khóc chỉ còn
Tức tưởi
Ở nhà bên
Làng xóm bỗng lặng yên
Lặng yên đến không thể nào chịu nổi
Không gian nén những gì dữ dội…
Bà không hiểu sao
Bưởi vẫn chưa về
Lá khô sột soạt ngõ tre
Tiếng ếch ao bèo thủng thẳng
Tiếng khóc chìm dần trong im lặng
Lại thỉnh thoảng, nấc lên
Nghẹn ngào…
Sự im lặng hát rằng:
Lặng im của một nhát dao
Chém vào đá, giữa trời cao đất dày
Hỡi ai nát với cỏ cây
Hồn kêu thành gió những ngày bão giông!
Cụ Đình đẩy cửa
Lừng lững bước vào trong
Ngực phẳng như tảng đá
Rồi ngồi im như gốc cây to
Tay cụ phác ra một cử chỉ mơ hồ
Rồi cụ lại lắc đầu lặng lẽ
Trông cụ héo như cây đa làng bật rễ
Giọng cụ trầm và sâu:
– Con Bưởi đâu?
Tôi đến tìm nó hỏi
Ức thế này, làm sao mà chịu nổi?
Bà Chanh vội đứng lên
Khép kín cánh liếp vào
Bà thoáng thấy cuối trời
Long lanh ngôi sao
Sáng như giọt nước mắt…
Những đám cháy sẽ dần dần tắt
Nhưng lửa đang thắp lên
Ngàn vạn ngọn đèn
Đất nước đêm nay
Không ai bình yên…
Tiếng khóc lại nấc lên
Tức tưởi
Nhà bên…
Nhà ấy sáng nay
Ba người, giặc chặt đầu cắm cọc
Đồn Coóc mắt vằn tia đỏ nọc
Tay quay vù vù can đen
Đội Mâu đi bên
Cái tai cụt giấu trong làn khói thuốc
Sau mỗi trận càn
Làng vãn thêm người quen thuộc
Bà thoáng rùng mình
Tiếng sương rơi rộp… rộp… mái gianh
Gợi dáng cành tre lả theo chiều gió
Tiếng xa vắng côn trùng trong cỏ
Gợi chiều sâu không cùng của đêm
Tất cả như bình yên
Tưởng xóm làng ta chưa bao giờ cháy
Tưởng máu bà con chưa bao giờ chảy
Tưởng đời mình chưa bao giờ trải qua
Những đổi thay và những vui buồn
Bằng cả bao đời xưa cộng lại…
Tiếng khóc nhà bên
Lại nấc lên
Tức tưởi
Cụ Đình rung động toàn thân
Xòe bàn tay vuông, bạc trắng vết chai sần
Cụ bỗng nói một giọng trầm rất lạ:
– Bà Chanh ơi
Chúng nó thịt người mình nhiều quá!
Rồi lặng im
Cụ lắc cái đầu:
– Con Bưởi đâu?
Tôi muốn tìm nó hỏi
Ức thế này
Làm sao mà chịu nổi?
Mái nhà gianh hát rằng:
Có đâu như ở nơi đây
Kẻ thù ác quá mức này – chưa thôi
Đau thương quá một kiếp người
Cầm gươm quá mấy chục đời nối nhau…
3
Tiếng chó vu vơ
Làm đêm thêm thẳm sâu
Sương xuống se se
Mặt đường cát bụi
Con đom đóm ướt cánh bay
Dạt vào cành ổi
Bỗng lao ra
Rạch một đường ngang đêm
Lửa trong tro
Chốc chốc lại bùng lên
Trong gió thổi
Như một điều muốn nói
Đêm dần khuya cao cao vòi vọi
Bỗng vút lên
Chót vót
Tiếng gà
Trẻ như thời trời đất mới sinh ra…
Cô Bưởi lắng nghe tiếng gà rừng rực
Thấy sức triệu người hồi sinh trong lồng ngực
Và cô đi
Bên đám cháy
Chưa tàn
Lửa hát rằng:
Quê tôi – những cánh rừng hoang
Chính trong cơn bão đại ngàn – tôi sinh
Nuôi tôi trong bếp nhà gianh
Ủ là một chấm – thổi thành biển khơi…

5
Toán giặc chạy xô cả lại
Mặt chúng xám đi. Hớt hải
– Chi đấy? Bay?
Tên lính cao gầy
Cổ ngẳng như cổ cò chết bão
Dong một cụ già mặt bê bết máu
Nách áo rách toang
Dáng lực lưỡng và điềm nhiên như cây đa làng
Tên lính cổ cò oang oang nói:
– Lão già này đã “đánh mìn” ngài Đội
Ngài ngã vật ra, chẳng biết có sao không?
Tụi nó cáng ngài về đồn rất đông…
Coóc chống can đen, đi đến
Cái chân bước nhẹ nhàng, uyển chuyển
Hắn bỗng nhìn thẳng căng vào mắt cụ già
Soi mói, cái nhìn như moi ruột gan ra
Cụ Đình bình thản:
– Lính của quan đồn đã cho tôi lựu đạn
Giết đội Mâu là việc của riêng tôi
Người Việt Nam
Không một ai được phản bội giống nòi
Thưa quan, quan hiểu chứ?
– Tên ông là gì?
Coóc vẫn lạnh lùng nhưng mắt đã vằn tia hung dữ
– Có thể gọi tôi
Là Đình, là Chùa, là Nhà, là Cửa
Tên tôi là: Dân-nước-bị-xâm-lăng
Từ thượng cổ đến nay
Chúng tôi
Không hề biết đầu hàng!
Coóc lệch mép cười thật là nham hiểm
– Nhà ông đâu?
– Ngoài thân tôi, tôi chẳng có gì sất
Tôi chỉ có hai bàn tay để cày xới đất
Đầu tôi có những câu thơ bất khuất
Của Mạc Đĩnh Chi từng đọc ở bên Tàu
Cụ nói chửa dứt câu
Mắt bỗng thoáng cái gì như là làn bụi
Hai má dần hằn nổi
Những ngón tay dài và thon
Vết những ngón tay tụ lại tím bầm
Hình dạng giống bản đồ nước Pháp
– Ông có giết, tôi cũng không đổi khác!
Giọng cụ Đình kiên nhẫn đến lạ lùng
Cụ ngẩng nhìn không trung
Mấy tia nắng cuối mùa
Lung linh trong đám mây rách nát
“Mày có giết, tao cũng không đổi khác”
Cụ nghĩ thầm:
“Thế là chúng bay
Không thể thuốn tới hầm
Mấy anh trinh sát cấp trên và con Bưởi ở
Với tấm bản đồ ngoằn ngoèo đường xanh đỏ
Chiến dịch lớn, quân ta sắp mở
Quả lựu đạn mình ném vào mặt đội Mâu
Xoay ngược quân thù về phía sau
Nếu phải chết, ừ thì mình chết
Ngoài vòm trời lồng lộng kia
Mình chẳng có gì để mà từ biệt”
Một tứ thơ cảm khái xưa của Mạc Đĩnh Chi
Bỗng làm cụ nôn nao
Ngực cụ gồ lên như sóng trào
Tiếng Coóc ngọt ngào
Vô nghĩa và vo ve như tiếng muỗi
– Mày nhớ xem, có thể là tên Bưởi
Đã dặn mày
Và mày biết nó còn ẩn nấp quanh đây?
– Vâng, tôi nhớ…
Khi các ông dìm dân tộc tôi trong máu lửa
Những Ba Đình, Bãi Sậy, Hương Khê…
Bao lớp người chết đi
Để lại mối thù cho người còn sống
Từ núi cao, sông dài, đồng rộng
Đã mọc lên vô số pháo đài
Từ bàn tay chai sạn cuốc cày
Vụt lớn dậy kho quân lương, kho đạn dược
Ông có thể giết tôi
Nhưng đất nước
Vẫn trường sinh
Ngoài khát vọng mọi quân thù!
Lũ lính đờ ra nhìn cụ giây lâu
Như gặp một cái gì kì lạ
Nhưng Coóc thì hiểu ra tất cả
Rằng:
Hắn phải một mình chống lại một nhân dân
Hắn phải một mình chống lại một dân tộc
Lần đầu tiên
Hẵn bỗng thấy mình thật là cô độc
Nỗi thất vọng sủi tăm
Chua chua trong óc
Hắn buông thõng hai tay và mặt cúi gầm
Một thoáng thôi
Mặt hắn lại hầm hầm…
– Tên Bưởi đâu? – Hắn hỏi
Tiếng xé rách qua kẽ răng chó sói
Hắn lồng như con trâu đực bị đòn đau
Chiếc can đen quay thành khói ngang đầu
Bỗng đột ngột bổ vào mặt cụ
Cụ vuốt mặt, lòng bàn tay thấy đỏ
Giơ hai tay, cháy hai mảnh mặt trời
Nhìn tên đồn, tưởng nổ cả con ngươi
Cụ hét như sấm nổi:
– Này Coóc
Mày muốn tìm tên Bưởi
Hãy tìm trong cái bụng đói của tao đây!
Tay cụ giật phanh vạt áo nâu dày
Phơi cái bụng phập phồng, phẫn nộ
Rơi xuống dưới chân, cúc áo to, cúc áo nhỏ
Đã khâu bởi đường kim vụng về…
Da thịt cụ tỏa ra mùi ở đợ, làm thuê
Tháng hai mưa phùn, tháng mười sương muối
Mùi bùn ngấu và mùi lúa mới
Mùi trăng non những đêm ngủ sân đình…
Đồn Coóc quay tít can đi quanh
Bỗng dừng lại, nheo mắt cười độc địa:
– Tao cho nổ trong bụng mày
Quả lựu đạn Mỹ
Khai không?
Ngực cụ cuộn lên đỏ bóng màu đồng
Rồi cụ đứng lặng im như hóa đá
Chỉ một chút mơ hồ
Thoảng rung trong gò má
Trong đuôi mắt nứt chân chim…
Nhà bên bỗng bật lên
Tiếng khóc nấc như cành khô gẫy
Coóc sai lính sục tìm ai vừa khóc đấy
Lôi chém ngay, cắm cọc bêu đầu
– Tên Bưởi đâu?
Chỉ ba phút nữa
Bụng mày tao sẽ mổ
Và nhét vào trong, quả lựu đạn Hoa Kỳ
Một phút
Hai phút
Trôi đi…
Thời gian rỏ từng giọt máu!
Cụ bỗng kêu to:
– Xóm làng ơi
Ai có nghe thì nhắn lại hộ tôi
Tôi còn nợ bà Tròn lưng thúng thóc
Nợ ông Ba Yên hai chục bạc
Còn bác Xoan tôi hứa lợp giúp nhà
Bây giờ tôi đi xa
Cho tôi xin những gì tôi còn nợ…
Nắng hát rằng:
Gớm cho lựu đạn Hoa Kỳ
Nổ trong bụng cụ còn gì là thân
Tâm hồn của một người dân
Đã thành ánh sáng trong ngần hôm nay…

Góc sân và khoảng trời gợi cho chúng ta những năm tháng ấu thơ đầy hồn nhiên và ngây thơ. Đó là những sự vật hiện lên với màu sắc trong trẻo và ngây thơ của đôi mắt trẻ thơ. Chắc hẳn bạn cũng đang cảm thấy những ký ức tuổi thơ mà mình đã quên đi hay không còn nhớ rõ chợt ùa về đúng không nào? Dẫu vui vẻ hay buồn thương thì đó cũng vẫn là những năm tháng đáng nhớ và đáng trân trọng đối với cuộc đời của mỗi người.