Đàn ghita của lorca (Thanh Thảo) – Sự thương xót trước tài năng và ngưỡng mộ nhân cách lớn

Đàn ghita của lorca là một trong những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Thanh Thảo nằm trong tập thơ Khối vuông ru -bích. Bài thơ là sự thể hiện nỗi đau xót xa trước cái chết oan khuất của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, nhà thơ thiên tài của Tây Ban Nha.
Qua bài thơ thể hiện sự ngưỡng mộ trước tài năng, trước cái đẹp của nhân cách, cái đẹp của sự sáng tạo nghệ thuật chân chính sẽ có sức sống bất diệt.

Đàn ghi-ta của Lorca

Khi tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn
(Ph.G. Lorca)
những tiếng đàn bọt nước
Tây Ban Nha áo choàng đỏ gắt
li-la li-la li-la
đi lang thang về miền đơn độc
với vầng trăng chếnh choáng
trên yên ngựa mỏi mòn
Tây Ban Nha
hát nghêu ngao
bỗng kinh hoàng
áo choàng bê bết đỏ
Lorca bị điệu về bãi bắn
chàng đi như người mộng du
tiếng ghi-ta nâu
bầu trời cô gái ấy
tiếng ghi-ta lá xanh biết mấy
tiếng ghi-ta tròn bọt nước vỡ tan
tiếng ghi-ta ròng ròng
máu chảy
không ai chôn cất tiếng đàn
tiếng đàn như cỏ mọc hoang
giọt nước mắt vầng trăng
long lanh trong đáy giếng
đường chỉ tay đã đứt
dòng sông rộng vô cùng
Lorca bơi sang ngang
trên chiếc ghi-ta màu bạc
chàng ném lá bùa cô gái di-gan
vào xoáy nước
chàng ném trái tim mình
vào lặng yên bất chợt
li-la li-la li-la…
1979

Đàn ghita của lorca

I. Đôi nét về nhà thơ Thanh Thảo

Nhà thơ Thanh Thảo tên khai sinh là Hồ Thành công sinh năm 1946.
Ông người Huyện Mộ Đức tỉnh Quảng Ngãi, từng tham gia công tác ở chiến trường miền Nam.
Một số tác phẩm nổi bật:

  • Những người đi tới biển (1977)
  • Dấu chân qua trảng cò (1978)
  • Khối vuông ru-bích (1985)

Thơ Thanh Thảo là tiếng nói của người tri thức, luôn trăn trở về những vấn đề của xã hội, của thời đại.

II. Hoàn cảnh sáng tác bài thơ

Bài thơ Đàn ghita của lorca nằm trong tập thơ Khối vuông ru – bích. Bài thơ thể hiện tư duy của nhà thơ Thanh Thảo, giàu suy tư, đậm màu sắc tượng trưng và siêu thực.

III. Bố cục bài thơ

Bài thơ được chia làm 4 phần:
Phần 1 (6 câu đầu): hình ảnh Lor-ca, người nghệ sĩ tài hoa
Phần 2 (12 câu tiếp): Lor-ca bị sát hại, khát vọng cách tân dang dở
Phần 3 (4 dòng tiếp): xót thương, tiếc nuối người nghệ sĩ chân chính, tài ba
Phần 4 còn lại: hình tượng Lor-ca bất tử

IV. Giá trị nội dung của bài thơ

Bài thơ Câu đàn ghi ta của Lor-ca thể hiện nỗi đau xót trước cái chết oan khuất của Phê-đê-ri-cô Gar-xi-a Lor-ca, nhà thơ thiên tài của Tây Ban Nha. Đồng thời qua bài thơ thể hiện sự ngưỡng mộ đối với một người nghệ sĩ đại diện cho tinh thần tự do và khát vọng cách tân nghệ thuật của thế kỉ XX bị giết hại một cách phũ phàng.
Con người ấy đã mang tài năng của mình để đấu tranh cho sự phát triển, tiến bộ của nền văn hóa, nghệ thuật của Tây Ban Nha. Nền nghệ thuật già cỗi, lỗi thời với những điều luật hà khắc dưới chế độ phát xít độc tài đã giết chết sự sáng tạo của người nghệ sĩ.

V. Giá trị nghệ thuật

Bài thơ là sự kết hợp hai yếu tố thơ và nhạc về kết cấu tạo nên một hình thức độc đáo cho các hình tương nghệ thuật và việc thể hiện tư tưởng, quan niệm của tác giả. Mang phong cách tượng trưng pha màu sắc siêu thực rất gần gũi với phong cách thơ Lor-ca
Hình ảnh thơ phong phú, ngôn từ mới mẻ góp phần làm nên diện mạo phong phú của thơ ca Việt Nam sau 1975.