Bài Thơ Dặn Con – Chất Chứa Nỗi Lòng Của Bậc Sinh Thành

Dặn Con là một bài thơ tiêu biểu trong phong cách thơ của Trần Nhuận Minh. Ông là một nhà thơ tài ba với khả năng sáng tác thơ điêu luyện. Thơ ông thường rất mộc mạc nhưng chứa đựng nhiều cảm xúc và triết lý sâu sắc nên rất được mọi người yêu mến và đón nhận. Ông nhận được rất nhiều giải thưởng danh giá của nước ta về văn học nghệ thuật. Bài thơ Dặn Con là lời mà người cha danh cho con của mình về lòng yêu thương những người khốn khó trong cuộc sống. Bài thơ chính là một đạo lý làm người tốt đẹp của nhân dân ta
Ngay bây giờ, các bạn hãy cùng uct.edu.vn cảm nhận bài học sâu sắc từ bài thơ Dặn Con của Trần Nhuận Minh ngay bây giờ nhé!

I. Tìm Hiểu Về Nhà Thơ Trần Nhuận Minh

– Nhà thơ Trần Nhuận Minh sinh ngày 20/8/1944, quê ở làng Điền Trì, xã Quốc Tuấn, huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
– Ông tốt nghiệp khoa Ngữ văn Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam từ 1982, uỷ viên Hội đồng thơ Hội Nhà văn Việt Nam.
– Hiện ông đang sống và viết tại Hạ Long, Quảng Ninh. Từ năm 1962 đến 1969, ông dạy học cấp II tại khu Hồng Quảng rồi tỉnh Quảng Ninh.
– Từ 1969 đến 2005, ông công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh, từng làm Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội VHNT tỉnh, Tổng biên tập báo Hạ Long.
+ Các tác phẩm:
– Đấy là tình yêu (1971)
– Âm điệu một vùng đất (1980)
– Thành phố bên này sông (1982)
– Nhà thơ áp tải (1989)
– Hoa cỏ (1992)
– Nhà thơ và hoa cỏ (1993)
– Giọt phù sa vạn dặm (2000)
– Bản Xônat hoang dã (2003)
– Thơ với tuổi thơ (2003)
– Gửi lại dọc đường (2005)
– Tuyển thơ 1960 – 2003 (2005)
– 45 khúc đàn bầu của kẻ vô danh (2007)
– Miền dân gian mây trắng (2008)
– Bốn mùa (song ngữ Việt Anh 2008)
+ Giải thưởng văn chương:
– Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1980) – tập thơ Âm điệu một vùng đất
– Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (1990) – tập thơ Nhà thơ áp tải
– Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (1979) – tập Trước mùa mưa bão

II. Bài Thơ Dặn Con Của Nhà Thơ Trần Nhuận Minh 

Trần Nhuận Minh được biết đến là một nhà thơ có ngòi bút tinh tế và tài hoa. Thơ ông nhẹ nhàng, mộc mạc đan xen chất trữ tình sâu sắc. Những bài thơ của ông có ý nghĩa vô cùng to lớn nên để lại ấn tượng đặc biệt trong lòng độc giả. Trong đó bài thơ Dặn Con là một tác phẩm tiêu biểu khi ẩn chứa trong đó là một bài học sâu xa
Các bạn hãy xem bài thơ và chia sẻ cho chúng tôi về cảm nhận của mình nhé! 

Dặn con

Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian
Con không được cười giễu họ
Dù họ hôi hám úa tàn
Nhà mình sát đường, họ đến
Có cho thì có là bao
Con không bao giờ được hỏi
Quê hương họ ở nơi nào
Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn
Con phải răn dạy nó đi
Nếu không thì con đem bán
Mình tạm gọi là no ấm
Ai biết cơ trời vần xoay
Lòng tốt gửi vào thiên hạ
Biết đâu nuôi bố sau này…

III. Lời Bình Về Bài Thơ Dặn Con

Dặn Con là một bài thơ đặc sắc, mang tính giáo dục cao trong thơ ca. Với những bài thơ này chắc hẳn chúng ta, ai cũng có những suy ngẫm riêng về bài thơ. Sau đây, uct.edu.vn sẽ dành tặng bạn những lời bình về bài thơ Dặn Con đặc sắc này
Với bài thơ Dặn con của nhà thơ Trần Nhuận Minh thì việc dạy con chỉ thông qua lời dặn dò giản đơn nhưng cũng hết sức sâu sắc và có ý nghĩa.
Có lẽ có rất nhiều điều để Trần Nhuận Minh truyền đạt cho con nhưng trước hết ông đã dạy cho con về lòng yêu thương con người, đó là hạt nhân cơ bản, cốt lõi, bài học mà ở bất kỳ nơi đâu, bất kỳ thời đại nào con người ta cũng cần phải có. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội hiện nay, nhiều người chỉ chú trọng của cải vật chất, coi trọng đồng tiền mà quên đi nhiều thứ. Trong đó có tình yêu thương con người, đồng loại một thứ tình cảm thiêng liêng quý báu nhưng ngày càng phai nhạt.
Cả bài thơ chỉ là lời dặn dò của người cha, lời dặn ấy chính là bài học mà người cha chỉ cho đứa con thấy những việc cần làm, nên làm, những điều cần tránh, không nên làm.
Mở đầu bài thơ, người bố đưa ra một nhận định về cuộc đời, lẽ đời. Từ đó người bố tạo cơ sở đưa đứa con vào những suy ngẫm, để từ những suy ngẫm đó mà con sẽ hành động đúng theo những lời bố dặn.

” Chẳng ai muốn làm hành khất
Tội trời đày ở nhân gian”

Nhà thơ đã khéo léo đưa ra việc có người hành khất đến nhà, lý do cũng đơn giản là vì nhà mình sát đường họ đến. Nhằm mục đích giáo dục con không được có thái độ giễu cợt, xúc phạm họ. Vì trên đời này không ai muốn mình phải làm hành khất, không ai muốn ngửa tay ra xin từng miếng ăn, từng đồng tiền của người khác. Bản thân họ cũng đau xót, tủi hổ và nhục nhã lắm chứ!
Do vậy ăn mày có đến, dù ít dù nhiều con phải cho họ, và con không được hỏi gốc tích, quê hương. Con hỏi kỹ về họ có nghĩa là con đang chọc vào nỗi đau, làm thức dậy những quá khứ buồn, những tổn thất, mất mát lớn lao không thể nào bù đắp được.
Người cha thật tinh tế, quan sát kỹ mọi điều và căn dặn thêm đứa con của mình:

” Con chó nhà mình rất hư
Cứ thấy ăn mày là cắn”

Dặn con về lòng thương người, người bố nói đến con chó, một con vật nuôi thân thuộc trong chính ngôi nhà của mình. Để đứa con thấy rằng: con chó thấy người ăn mày rách rưới, dơ bẩn vào nhà là cắn. Những hành động ấy của con chó là không thể chấp nhận được, nó không được có thái độ hung hăng và khinh người như vậy. Con phải răn dạy nó, nếu nó không bỏ được cái tật đó thì con hãy bán nó đi. Dẫu biết rằng chó là một con vật nuôi nhưng khi nó được nuôi trong gia đình này thì buộc nó cũng phải sống tình nghĩa, biết yêu thương và không được có thái độ không tốt như thế.
Một cách giáo dục con nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa. Con nên nhớ rằng: việc cho người hành khất là một việc làm tuỳ tâm, một sự giúp đỡ nhỏ nhoi, không ràng buộc. Nhưng như thế không có nghĩa là khi cho họ rồi con sẽ có thái độ không tốt hoặc buộc họ phải mang ơn. Bởi trong thực tế cuộc đời này, nhiều người có thái độ khinh bỉ, xúc phạm và rất coi thường người hành khất. Có người cho người hành khất như là việc bố thí, có người coi đó là việc cực chẳng đã phải làm chứ họ chẳng rung động thông cảm, có người lấy đó làm một việc làm lớn lao mà người nhận phải mang ân huệ. Làm như thế thì không nên!
Vốn là người từng trải người bố đã nghĩ rất thấu đáo và sâu sắc mọi điều. Hiện tại người bố nhận thấy “Mình tạm gọi là no ấm”. Nghĩa là dù sao gia đình mình vẫn còn quá ấm cúng và hạnh phúc so với nhiều gia đình, nhiều hoàn cảnh, nhiều mảnh đời bất hạnh cần sự cưu mang, sẻ chia giúp đỡ của cộng đồng.
Nhưng biết đâu được cơ trời vần xoay, một ngày nào đó bố cũng trở thành người hành khất! Cho nên việc con làm bây giờ đó là việc tu nhân tích đức, một việc làm hết sức có ý nghĩa. Và rồi một ngày nào đó nhỡ bố có là người hành khất thì người ta sẽ giúp bố, biết đâu!
Cái hay của bài thơ có lẽ nằm ở khổ thơ cuối này. Nó có ý nghĩa như sự giải thích rõ thêm vì sao đứa con phải làm những điều bố dặn. Nếu mở đầu bài thơ “Chẳng ai muốn làm hành khất” thì đến cuối bài Trần Nhuận Minh lại nói “Ai biết cơ trời vần xoay”- Nghĩa là ai cũng có thể trở thành hành khất, kể cả bố đây!
Lời dặn con hết sức giản dị, nhưng cũng hàm chứa những ẩn ý sâu xa. Người bố không chỉ dặn đứa con của mình mà qua đó ông đã đánh thức lòng trắc ẩn, sự yêu thương sẻ chia, khơi dậy lòng tốt, tấm lòng từ thiện của nhiều người. Để rồi họ nhận ra rằng việc giúp đỡ người bất hạnh, người hành khất, những người có hoàn cảnh không may … đó chính là việc nghĩa mà họ cần phải nên làm, dù rằng đây là hành động không ai bắt buộc chỉ là tuỳ tâm, tuỳ thích!
Của cho ấy là của gửi, ta cho người hành khất tức là ta đã gửi lòng tốt vào trong thiên hạ. Rồi biết đâu, cuộc đời thăng trầm, dâu bể, một ngày nào đó mỗi người trong chúng ta ai cũng có thể trở thành hành khất . Khi ấy người ta cũng sẽ đối xử tốt như ta đã đối xử, giúp đỡ những người hành khất năm nào!
Với những từ ngữ, câu chữ mộc mạc, giản dị, cái nhìn tinh tế và những trải nghiệm về đời sống. Trần Nhuận Minh đã đem đến cho công chúng một bài thơ hay, một bài học đạo đức có ý nghĩa. Để con khôn lớn thành người có nhiều điều mà người bố phải dạy cho con. Nhưng cái quan trọng trước tiên nhất đó là dạy con lòng yêu thương con người. Lời dặn con của nhà thơ cũng chính là điều mà các bậc làm cha làm mẹ cần phải dạy cho con mình.
Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng đến bạn bài thơ Dặn Con vô cùng ý nghĩa của nhà thơ Trần Nhuận Minh. Bài thơ là nỗi lòng, là lời dặn dò con phải biết thương những người có hoàn cảnh khó khăn. Đây chính là truyền thống tốt đẹp của nhân dân ta mà bất cứ ai cũng đều có được. Hy vọng qua bài viết trên các bạn đã rút ra được cho mình một bài học về cuộc đời. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!