Vũ Quần Phương Cùng Tập Thơ Giấy Mênh Mông Trắng Phần Đầu

Vũ Quần Phương là một nhà thơ kiệt xuất của nước ta. Ông có khả năng sáng tác thiên phú được nhiều người ngưỡng mộ. Cũng nhờ vậy mà ông sở hữu cho mình những tác phẩm nổi tiếng làm nên tên tuổi của ông. Với ngòi bút tinh tế tài hoa đan xem những cung bậc cảm xúc mà những bài thơ ông trở nên thật gần gũi với quý độc giả
Ông là một trong những người góp không ít cống hiến cho nền thơ ca Việt Nam. Tập thơ Giấy Mênh Mông Trắng đậm chất trữ tình ngọt ngào luôn được mọi người yêu thích và tìm kiếm
Nếu bạn là một người yêu thơ chắc chắn sẽ không thể bỏ qua bài viết này rồi. Mời các bạn cùng uct.edu.vn cảm nhận về những bài thơ đặc sắc này nhé!

I. Đôi Nét Về Nhà Thơ Vũ Quần Phương 

– Vũ Quần Phương (1940-), tên thật là Vũ Ngọc Chúc, bút danh khác còn có Ngọc Vũ, Phương Viết, quê Nam Định.
– Là bác sĩ y khoa đồng thời là nhà thơ, nhà phê bình văn học, Trưởng ban biên tập văn học (NXB Văn học), Chủ tịch Hội văn nghệ Hà Nội, Tổng biên tập báo Người Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng thơ Hội Nhà Văn Việt Nam, Phó Tổng biên tập tạp chí Văn chương Việt Nam bằng tiếng Pháp.
– Ngoài làm thơ và viết phê bình văn học, còn dịch thơ đăng trên các sách, báo và tạp chí văn học.
+ Tác phẩm:
– Cỏ mùa xuân (1966)
– Hoa trong cây (1977)
– Những điều cùng đến (1983)
– Vầng trăng trong xe bò (1988)
– Vết thời gian (1996)
– Quên chữ… quên câu (2000)
– Giấy mênh mông trắng (2003)
– Chỗ ấy sóng… (2008)

II. Tập Thơ Giấy Mênh Mông Trắng Của Vũ Quần Phương 

Vũ Quần Phương là một nhà thơ lớn của Việt Nam. Sẽ không lạ khi khi nói ông sở hữu cho mình những tập thơ đặc sắc. Những bài thơ của ông đều mang trên mình những đặc điểm mà không thể nhà thơ nào có được. Sự độc đáo trong thơ ông khiến cho các bạn đọc luôn háo hức mong chờ
Mời các bạn đón xem tập thơ Giấy Mênh Mông Trắng của ông ngay bây giờ và cùng cảm nhận nhé!

Bao giờ thơ chấm câu

Ai thức khuya bằng tiếng rao đêm
Ai dạy sớm bằng tiếng rao buổi sớm
Giấc ngủ những vỉa hè
sự chợp mắt của mặt người bụi bậm
Chút nghỉ ngơi những bàn chân cát lấm
Nằm giữa hai tiếng rao
Giấc ngủ ngắn mà bao nhiêu mộng mị
bao tủi hờn, hoảng hốt, lo âu
Trang giấy trắng mở lòng tinh khiết
dưới ngọn đèn hứng tiếng rao đêm
Những dấu chân đường khuya hằn vết
Thành câu thơ. Không biết
bao giờ thơ chấm câu.

Bệnh nhân tim

Trái tim ăn đời anh
Đến phút cuối nó còn nhay nhá mãi
Cỏ ngoài vườn sau mưa lên xanh
Cái trái tim anh tự hào về nó
Nay lại thành nguy cơ đời anh
Đã bao lần, những năm chiến tranh
Cái chết đứng kề bên anh nghe hơi nó thở
Nó nanh nọc mỉm cười, nó giơ tay dậm doạ
Anh chỉ nghe tiếng tim đập hiền hoà
Tiếng thanh thản như xanh cùng hoa lá
Tiếng nhiệt nồng người quấn quýt quanh ta
Nay đối diện, một mình anh với nó
Nó là anh mà nó giết đời anh
Cái chết nấp giữa nguồn nuôi anh sống
Làm sao anh phải tháng trái tim mình
Thầy thuốc ơi! có thuốc nào giúp được
Trái tim thầm từng nhịp phải giao tranh

Cánh đồng lúc tinh mơ

Mặt trời mùa đông nhoà trong sương đục
Cánh đồng tinh mơ người đi cày
Con bò vàng thở ra hơi khói
Trời khô, đất thoáng
Mái rạ mảnh một tia khói bếp
Vệt khói loang thơm ấm vạt đồi
Buổi sáng bao nhiêu đời
Suơng khói vẫn như bình minh thứ nhất
Chai sạn bao chuyện đời mặt đất
Buổi sớm bình yên này
Làm rơi nước mắt
Đời người như hạt
Gieo trên rãnh cày
Lặn trong đất lại trồi lên xanh tốt
Cây như hồn cha ông dào dạt
Thanh khiết ngọn gió mai
Bờ tre sẫm những ngọn đèn xóm mạc
Người thành hương đất đai.

Căn nhà xưa

Căn nhà thân thuộc.
Tôi đứng nghe hơi thở của từng viên gạch cũ.
Dãy phố xưa cây bàng đã chết rồi.
Nhựa đường phủ chỗ bóng cây toả mát.
Quán cà phê choán chỗ trẻ con chơi.
Cảnh vật đổi thay sao lòng tôi như cũ.
Tôi đọc lại hồn tôi như đọc sử.
Sử một quốc gia ký ức một tâm hồn.
Chiếc dây phơi mẹ tôi phơi đứng kiễng
Hai mươi mốt năm rồi đâu còn nghe tiếng mẹ.
Chiếc dây còn thì cũng hoá xa xôi.
Lửa hôm nay soi lên ngày dĩ vãng.
Căn nhà già nua nghe tiếng reo của trẻ bây giờ.
Nó đứng đó che cho giấc ngủ,
tạo ấm êm, ngăn dông bão bên ngoài.
Tôi không ở thì hồn tôi vẫn ở.
Người đến ở sau tôi, tôi thấy họ thân gần.
Căn nhà tạo nên hồn của phố,
Phố tạo nên hồn của thủ đô.
Viên gạch mới reo vui, viên gạch cũ nặng lòng.
Đất lặng lẽ âm thầm dưới móng
Ai đã nghĩ rộng xa trong căn nhà hẹp cũ,
Xin chớ bị hẹp lòng khi ở chốn thênh thang.
Người ăn xin không dám bấm chuông.
Cho tôi đứng chút thôi trước căn nhà cũ ấy
Sáng mai thôi nó hoá thân rồi.
Cho tôi nghe tiếng rì rầm của bức tường long lở,
của mái ngói rêu phong,
của ấu thơ bàn tay đầy mực tím.
Tôi từ giã bao lần những áo quần mặc chật,
những nỗi buồn cho tôi lớn lên.
Nhưng lần này trước căn nhà cũ nát,
trái tim tôi thành viên gạch trong tường.

Cặp môi người trên mặt nạ

Cái mặt nạ dân gian treo trong bóng tối
Mặt nạ đen như đêm chỉ sáng có nụ cười
Nụ cười sáng nhưng u trầm đôi mắt
Gương mặt dài như giọt lệ đang rơi
Gương mặt con người
còn giữ nét thơ ngây loài thú
Dẫu nét rìu đẽo gọt thô sơ
Vẫn ước vọng được làm người hạnh phúc
Đôi môi run, vầng trán vụng về dô
Hơi thở nóng cồn cào trong thớ gỗ
Làm người không dễ đâu
Cái mặt nạ dân gian nửa cười nửa khóc
Gương mặt chưa đày tròn
Cái nhìn còn nghi hoặc
Màu sơn then như tóc
Phủ bóng đêm lên toàn bộ hình hài
Chỉ cặp môi rất người
Cặp môi run như lời yêu đang thốt
Cặp môi mệt u mê sau cái hôn thanh khiết
Cái mặt nạ hồng hoang ú ớ muốn thành người
Nét ngây dại hoang vu đang đầu thai cuộc sống.
Cặp môi đen nóng bỏng
Vị đêm nồng mông muội gọi: Người ơi!

Cây

Chẳng buồn, chẳng vui
Khi có gió thì dào dạt gió
Khi có mưa thì mơn mởn xanh mưa
Huy hoàng sáng ngay trong mùa lá đổ
Ta lý sự chưa thành
Cây mấy độ ra hoa.

Đối thoại

Thành phố bây giờ ít tiếng chim
Người bận cúi tìm trên mặt đất
Mấy ai ngẩng lên và lắng nghe.
Hiệu sách bây giờ ngại bán thơ
Suốt ngày tất tả ai mơ mộng
Hoa chẳng còn thơm đến bất ngờ.
Thành phố còn ai ngồi ghế đá
Lặng nhìn trăng rộng phía hồ xa
Còn ai mỗi bận cây thay lá
Nghe lòng xao xác dưới chân qua.
Kìa lắng cành xanh rơi tiếng chim
Tay ai lật sách giữa phòng im
Có chi xao xuyến. Hương hoa bưởi
vẫn ngát như ngày anh biết em.

Đừng tin bia đá

Đá thì ta tin, nhưng lời trên bia
Khắc xuống đục đi là người đấy chứ
Chưa kể những thời nói không nói có
Thợ đá là người đục thuê ăn công
Văn tự lông bông, ù lỳ nghĩa lý
Chuyện ngay trước mặt còn chửa dám tin
Đá ngủ triền miên thời gian ú ớ
Cong đầu cúi cổ lễ bái u mê
Chữ nghĩa bề bề
Công lao lỗ chỗ.
Máu mình thì đỏ tóc mình thì đen
Hãy cúi xuống xem tay mình chai sạn
Đắp đê chống hạn, trông nắng trông mưa
Bụng đói buổi trưa, mắt cay khuya khuắt.
Hãy tin dạ dầy! Hay tin con mắt!
Người ơi!
Đá ơi!

Gạo quê

Gạo nuôi người
Quê cũng nuôi người
Gạo thành máu, quê thành hồn trong vắt
Người gánh gạo trưa hè chân đất
Trời xanh ngần, vai thẫm mồ hôi
Gạo mồ hôi
Quê cũng mồ hôi
Mồ hôi gánh từ làng lên phố
Trưa lạng phác hàng cây im gió
Gạo quê đây-hồn tôi-ai mua!

Gặp sao khuya

Mở cửa gặp sao khuya
Sao chờ ta đã bao đêm rồi nhỉ!
Ta lúi húi trồng ngô dệt lụa
Lên núi xuống đồng ra bể vào sông
Sao vẫn chờ ta một phía cánh đồng
Sao kiên nhẫn mà ta thì tất tả
Bận áo cơm quên cả ngẩng đầu
Quên cả một trời sao đang đợi
Một loài hoa đang nở bên cầu
Một tiếng hót long lanh như ngọc
Như nước trôi, nào ta biết gì đâu.
Đến lúc biết lắng nghe thì chim về tổ
Hoa nhạt hương và sao cũng nhạt màu
Ba vạn sáu lần ngày là dài hay ngắn
Một phút sống lòng ta là ngắn hay dài
Anh hãy thử ngắm sao lấy đôi ba khắc
Ngắm lòng mình thức giữa chừng đêm
Ta chỉ với ta thôi cho hồn ca hát
Không hát được thì lặng im, thì khóc
Chỉ khóc thôi cũng xanh lại ngân hà
Sao chi chít như cánh đồng cày đất
Như đại dương đầy sóng bạc đầu
Sao im lặng cho ta đo cao rộng
Dóng thân mình vào kích thước hư vô
Hồn trong lại và tim thanh thản đập
Ra giữa trời như giữa cánh đồng mơ.

Ghi lúc chợt thức

Những số điện thoại lẫn lộn vào nhau
Bảy, tám, bốn, ba…Những vé đi tàu
không chịu cũ, dù bao lần lỡ chuyến
Bao tương lai đã biến thành kỷ niệm
Những ngày dài như xích móc vào nhau
trói vào ta, như những tiếng còi tàu
vẫn dai dẳng tự ga nào xa lắc
Mỗi con người là một chuyến tàu đi
và cuộc đời không ai bẻ ghi.

Giấy mênh mông trắng

Chữ nghĩa là gì, thật đấy hay mơ
Chữ vẫn a b, giấy mỏng từng tờ
Đi suốt đời người vẫn mênh mông trắng
Câu thơ thương người, ai thương câu thơ
Giữ lại được gì mỏng mảnh trên trang
Trăng dưới lòng sông gió thổi trên ngàn
Trang giấy như gương soi mình xa lạ
Trang giấy như nhà mà ta lang thang.

Giữa mây bay

Mây kia xưa cũng là người
Người từ mặt đất lên trời thành mây
Nghìn đời bay, chỉ còn bay
Xứ người đông đúc, xứ mây trập trùng
Lên cao trông thức mây lồng
Người ơi! Sao lại động lòng bi thương
Không cây, không xóm, không đường
Không hơi đất ấm vô thường kiếp bay
Mây này là những ai đây
Lý Trần Lê Nguyễn? nào tay ai cầm?
Không tiên, không thánh, không thần
Xứ mây không lịch, âm thầm thế thôi
Giữa mây ta được là người
Lòng ôm mặt đất, thấy trời mà thương.

Gửi các con

Mẹ con không làm thơ
Nhưng sống thơ hơn bố
Mẹ con tin cỏ cây, tin các thánh thần
Cỏ cây cứu được người và thánh thần phù hộ
Mẹ con tin nén hương nối với các bầu trời
Mẹ con thích nấu ăn nhưng lại ngại cỗ bàn đông đúc
Mẹ thích ngắm quanh bàn sì sụp bố con ta.
Mẹ con giờ đẫy ra, tuổi làm bà đường bệ (!)
Bố vẫn nhớ năm nao mẹ kiễng sợi dây phơi
Dáng mẹ mảnh và mềm, đôi tay vin như lá
Làm bố mất thăng bằng giờ vẫn thấy chơi vơi
Mẹ con ít nói to, tiếng cười cũng nhẹ
Gương mặt nhìn nghiêng phảng phất buồn
Bà ngoại mất, mẹ chưa đầy ba tuổi
Đôi mắt thầm, vầng trán sẫm hoàng hôn.
Mẹ qua tuổi thanh niên thời đạn bom túng thiếu
Mẹ thôi học khi trường phải đi sơ tán xa
Ông ngoại con đã già, bác Hùng con hỏng mắt
Mẹ con phải lo toan cơm nước cửa nhà.
Sau ba tháng sinh con, mẹ con vào đại học
Trường xa, nhà ngặt, lại con thơ
Tám chục cây đường trường về thăm con xe đạp
Đạp qua đêm, đi suốt cả ngày trời
Buổi ấy bố con mình tiễn mẹ đi bụi nắng
Cái bóng nhỏ mờ dần xa thẫm luỹ tre xa
Những năm tháng mờ dần, xa thẫm những ngày qua
Các con đã lớn khôn – những chân trời thăm thẳm
Mẹ con như căn nhà, như chiếc tổ chờ trông
Sống bằng nỗi nhớ con, bây giờ thêm nhớ cháu
Những năm tháng đời người lặng lẽ đi qua…

Gửi một bạn làm thơ

Tội gì chuốt nan lồng
Mà để chim bay mất
Nói lời yêu rồng bay
Mà để tình tuột dốc
Câu chữ che mất người
Che lòng anh trong suốt
Lòng anh như pha lê
Tội gì tô màu sắc
Lòng anh là nước mắt
Cất chưng lên làm gì
Buồn vui tự thần thánh
Cần gì làm văn bia.

Gửi núi non nước

Người đến, người đi, non ở lại
Sông trôi, sông chảy, nước đang còn
Câu thơ xin gửi vào dâu bể
Một chút lòng ta với Nước Non.

Cây si trong bệnh viện

Bừng bừng cơn sốt hôm vào viện
Cây cũng bừng bừng quả chín sây
Triệu mặt trời con trong kẽ lá
Quả đang nhập mộng, lá đang say
Cây đang cơn đẹp mà ta sốt
Hết sốt
Nhìn ra
Đã đổi thay:
Mùa quả đã tàn, xơ xác lá
Cây về bụi bậm kiếp làm cây
Mừng qua cơn bệnh hiểm nghèo.
Tiếc mùa quả đẹp đã vèo qua tay.

Cháu Tễu hát khoe

Cu Tễu bây giờ biết hát nhăng
Gọi ông điện thoại hát lăng băng
Bài voi bài ngựa đem khoe hết
Lại đến bài chú Cuội ông trăng
Giọng non hát vội nhiều câu ngọng
Con cóc nghe thành “ton tóc” thôi
Ông không hiểu nghĩa mà thương lắm
Khoe ông là biết nhớ ông rồi
Biết nhớ rằng ông cũng “người quen”
Cũng như bố mẹ, cũng chiều khen.
Tễu lan man hát trong trưa nắng
Ông ở bên này nghe giữa đêm
Ông ở bên này nghe cháu hát
Nửa vòng trái đất ngỡ buồng bên
Giọng cháu dập dồn hơi thở gấp
Trái đất như cùng ông đứng yên.

Chùa trong núi

Núi đẹp, sư dựng chùa thờ Phật
Phật lánh nơi đây người đến tìm
Lễ vật xếp đầy chùa, tiền dắt vào tay bụt
Cõi u huyền ồn ã tiếng cầu xin
Cầu chức, cầu tiền, cầu cởi bỏ oan khiên
Đời lắm cảnh vô vàn lời ước nguyện
Phật lắng nghe chăm chú im lìm
Thương tất cả nhưng làm sao cứu khổ
Phật nhìn ra núi xanh. Núi chìm vào mây phủ
Mây muôn đời bay lẫn mãi vào mây.

Chùm thơ Yên Tử

Tiếng ve
Ngắn một đời ve, dài tiếng ve
Bảy trăm năm trước, trưa ve ấy
Ta đến bây giờ vẫn kịp nghe
Ai biết
Câu thơ chưa đến, trời mưa tạnh
Bút chửa tìm ra chữ đã quên
Trời này ai biết trưa hay tối
Lòng đã yên rồi hay chửa yên
Tu
Cảnh thanh u dắt hồn thanh u
Quay trông ngày ấy tít xa mù
Xa đời mới biết lòng ta thật
Xa cả ta rồi mới biết tu.

Cu Tễu lên ba

Thằng Tễu bây giờ rất ngang
Thích gì là cũng đòi mang về nhà
Rõ ràng là của người ta
Mà lăn ra khóc kêu là: của Tễu!
Ông bực mình nhưng lại bật cười
Cháu như nhân loại ở trên đời
Như ông tổng thống, ông tư lệnh
Lý lẽ đem quân đánh xứ người
Ông dọa vừa xong, Tễu đã cười
Con gấu bông Tễu hoá thành người
Cây đa trước ngõ thành ông lão
Ông lão thành con vịt đang bơi.
Tổng thống mà giống trẻ thơ
Thì trời đất đã xanh mơ với người,
Người ôm nhau hát và cười
Ông xin lỗi Tễu vì lời ví von.

Cu Tuệ

Cu Tuệ bò khắp nhà
Tay xem và mắt ngó
Thám hiểm những góc bàn
Dò tìm sang mép ghế
Có lúc bị cộc đầu
Thấy đau mà ngơ ngác
Không biết mình đau đâu
Không biết đầu bị cộc
Đành đau mà chẳng khóc
Ngơ ngác rồi lại chơi
Khám phá những chân trời
Từ bàn sang đến ghế
Sau này qua sông bể
Lại quen như ghế bàn
Ông ôm bàn chân nhỏ
Mong đời đời bình an.

Cuộc đời kỳ ảo

Thơ viết báo không đăng
thì đem chai ra đọc
đọc thơ hay đọc mình
rượu trong như nước mắt
uống xong là ông khóc
khóc đâu mà ông hát:
nào ta đi hồng binh
Hồng binh hay tùng rinh
giữa đời hay giữa hội
rước ai hoá rước mình
trời mưa nên đường lội
đường lội thì đi chân
đã gọi là hồng trần
cần chi mà giày dép
thanh la rồi não bạt
cờ quạt cũng là mình
tùng rinh ta tùng rinh
Tùng rinh ta đi học
học giỏi mới làm thơ
thôi thơ thì làm thợ
làm thợ lại làm thơ
thiên hạ tơ lơ mơ
thì tớ cũng lờ mờ
chưa say thì lại uống
chưa uống mà đã say
cầm chén ráo trên tay
tập làm anh nát rượu
nát rượu mà thơ hay
bọn bay đừng có lếu
láo gì. Này ta bay
Tỉnh dậy, ôm gốc cây
Ôi đời kỳ ảo quá!

Cuối năm

Nắng hanh cạn ruộng rau cần
Dậu nhà hàng xóm cúc tần đang hoa
Vườn sau cải bẹ đã già
Đêm đêm tiếng sếu vọng qua vòm trời
Đã bao thay đổi trong đời
Cuối năm xao xuyến như thời ngày xưa
Vụ chiêm chưa rửa cày bừa
Đã lo đồng bãi cho vừa vụ xuân
Quanh năm dầu dãi tấm thân
Bàn tay cháy nắng, đôi chân nhuộm bùn
Nắng hanh xào xạc cây vườn
Trông ra đồng ruộng bãi cồn mà thương
Bờ tre vồn vã dòng mương
Nắng lên lụa trải con đường cát pha

Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng cho bạn chùm thơ đặc sắc trong tập thơ Giấy mênh Mông Trắng của nhà thơ Vũ Quần Phương. Với ngòi bút tài hoa của ông hy vọng các bạn sẽ thích bài viết của chúng tôi. Mời quý độc giả đón xem phần 2 vào một ngày không xa. Hãy đồng hành cùng uct.edu.vn để theo dõi những bài viết hấp dẫn hơn nhé! Thân Ái !