Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần 6

Trong tập thơ Từ ấy có nhiều sáng tác hay và nó được chia làm ba phần. Trong đó phải kể tới phần Giải phóng. Đó là những bài thơ được viết lúc vượt ngục cho tới thời điểm một năm sau ngày độc lộc. Nó chủ yếu ngợi ca lý tưởng, quyết tâm chiến đấu đánh đuổi giặc cứu nước cũng như niềm vui chiến thắng. Thông qua tập thơ Từ ấy ta có thể cảm nhận được rõ ràng điều đó.

Đời thợ

(Tặng Lung)

Một đêm nữa, rồi thôi ra ngục tối
Mà lòng anh sao vẫn nặng trăm chiều
Ngoài song giăng, trăng sáng biết bao nhiêu
Mà anh thấy trời đen như vực thẳm!
Mừng lo đó, cuốn trăm vòng rối rắm
Hết tù nhưng đời vẫn lắm xiềng gông!
Ừ mai đây, chân lại sẽ thong dong
Thân rảnh nhẹ không vướng còng xích nữa
Anh lại sẽ trở về đeo kiếp thợ
Sống hôm nay chẳng biết có ngày mai
Hai bàn tay, ấy đó cả gia tài!
Anh lại sẽ lần hồi đi bán dạo
Bao tuỷ máu, mua ngày hai bữa gạo
Với quanh năm, đôi bộ áo quần xanh.
Thế rồi sao, còn vợ với con anh ?
Trong mí mắt, cảnh gia đình hiện tới
Anh lại thấy ổ nhà tranh rách rưới
Ngoài ngoại ô, rác bẩn như chuồng heo
Nằm soi lưng lở lói dưới ao bèo.
Đây là góc buồng xưa trong bóng tối
Có tiếng khóc nghe sao buồn nhức nhối
Một đứa con ghẻ mụn bám đen ruồi
Đang chao mình tấp tểnh đẩy tao nôi
Để ru ngủ một thằng em quặn đói.
Mẹ chúng nó còn lang thang bước mỏi
Ngoài đường xa phố sáng bán chè rao
Đó con anh và đó vợ năm nào
Xưa đã khổ mà nay càng thêm khổ!
Chừ anh lại để nơi đau đớn cũ
Hết tù nhưng rồi biết tính sao đây ?

Cứ đeo theo mà chắp nối dòng ngày
Chỉ trôi tới một vũng lầy biết trước
Rồi sẽ chết, ôi vô duyên vô phước
Ngựa khô hơi quỵ gối bên đường trường!
Chừ sao đây! Về ấp lại tình thương
Để lưng vợ tạm nương ngày tháng lạnh
Con đỡ đói tới khi vừa mạnh cánh
Khỏi dầm sương dãi nắng kiếp lang thang ?
Chừ sao đây! Kéo cờ trắng đầu hàng
Hay chuyển sức trăm cân đầu búa sắt
Gạt phăng hết những tình duyên nhỏ nhặt
Để tay ghì riết chặt khối đời to ?

Chết con ta ? Nhưng sống vạn đời thơ
Ừ chúng cũng là con ta đó cả.
Vợ ta chết ? Nhưng sống muôn em ả
Nhà ta tan ? Nhưng sống vạn gia đình.
Không, phải hy sinh, phải nhất thiết hy sinh
Lòng vô sản phải mang tình nhân loại
Chí đã quyết ra đi là tiến mãi!

Ngoài song giăng, đêm đã biến từ nào
Có con nhồng đâu đó hót trên cao
Mây ửng đỏ ở ven trời xa rộng…

Một tiếng rao đêm

Ai ăn bánh bột lọc không?
Tiếng rao sao mà ướt lạnh tê lòng!
Không phải giọng của một hầu đứng tuổi
Cao thánh thót hay rồ khan gió bụi
Đây âm thanh của một cổ non tơ
Mà giây ngân còn vương vẫn dại khờ
Trên môi mỏng hãy thơm mùi sữa mẹ.
Tiếng rao nhỏ của một em gái bé
Không vang lâu, chỉ vừa đủ rao mời
Mà giọng còn non quá, yếu dần hơi
Nên cái bánh nửa chừng ra cái bén
Thôi cũng được, tiếng em vừa ngon đến
Rao đi em, kẻo nữa quá khuya rồi…
Anh nằm nghe qua cửa khám, xa xôi
Tiếng em bước trên đường đêm nho nhỏ
Nhưng cũng đủ cho lòng anh lắng rõ.
Anh thấy em, mình gió thổi nghiêng nghiêng
Như cây dương liễu nhỏ tóc chưa viền
Manh áo mỏng che không kín ngực
Đầu không nón, bụi sương thầm chấm ướt
Đuôi tóc chuôi chừng bảy tám năm thôi!
Ấy chân em leo lên bước đường đời
Ngày tháng đó trong mủng vài chục bánh.
Gia tài đó, mấy đồng xu mỏng manh,
Biết bao giờ mà sướng được em ơi!
Có ai thương một em bé giữa trời
Mà thương nữa cũng đôi người lơ đễnh
Kêu em lại, mua cho vài chiếc bánh
Trả vài xu và thoa má, ngọt ngào
“Ồ cái con bé nó mới ngoan sao
Chừng ấy tuổi đã làm ăn bán dạo!”

Và con bé đi rồi, tình mới đậu
Chưa nồng trên lòng khách, đã phôi pha
Theo dáng hình sương khuất, tiếng rao xa…

Tiếng hát đi đày

Tặng Huỳnh Ngọc Huệ

Đường qua mấy phố Quy Nhơn
Nhà sao trông lại yêu hơn mọi lần
Người đi quấn áo chen chân
Ờ sao như đã quen thân từ nào?

Xe ơi, chậm chậm ngừng giây phút
Kẻo nữa rồi đây lại khát khao!

Nhưng nhà đã rải lơ thơ
Người đi mấy bóng vẩn vơ trên đường
Đồng xanh gợn nhớ quê hương
Bơ vơ tiếng hát bên nương nắng chiều

Xa rồi bóng dáng yêu thương cũ
Nhạt nhạt ngàn xa buồn cô liêu…

Đương lên xứ lạ Kông Tum
Quanh quanh đèo chật, trùng trùng núi cao
Thông reo bờ suối rì rào
Chi chiều chíu chít, ai nào kêu ai?

Muốn gầm một tiếng tan u uất
Hận bỏng tuôn theo gió thổi dài

Đường lên Đắc Sút, Đắc Pao
Đèo leo ngọn thác, cầu treo mặt ghềnh
Đìu hiu mấy ải đồn canh
Lòng đau lại nhớ các anh những ngày…

Chao ôi, xưa cũng chốn này đây
Thân bạn vùi xương dưới gốc mây
Roi vụt nát tay bầy lính rợ
Máu đầm khoái mắt lũ đồn Tây!
Mỗi hoàn đá đó bao hoàn huyết
Một khúc cầu đây, mấy khúc thây!
Hỡi những anh đầu qua trước đó
Biết chăng còn lắm bạn đi đày!

Đường lên đỉnh núi Đắc Lay
Heo heo gió lạnh, sương dày vắng chim
Gà đâu gáy động im lìm
Mơ mơ mấy xóm tranh chìm trong mây

Đồn xa héo hắt cờ bay
Hiu hiu phất lại buồn vây vây lòng

Có ai hiểu nổi hờn ghê gớm
Trên mắt người trông với núi sương
Núi hỡi! Từ đây băng xuống đó
Chừng bao nhiêu dặm, mấy đêm đường?

Dưới trưa

Gió khét bụi nồng hè nắng gắt
Khách đường xa dưới mặt trời mưa
Chân gõ nhịp đi lên bước nhật
Miệng vang lừng huýt gió say sưa.

Bóng về cội, cây không rưới mát
Nóng thiêu đầu, nóng rát chân trơn
Đôi má đỏ, mồ hôi trán ướt
Khách lau qua với vạt áo sờn.

Rải rác bên đường, đôi quán trọ
Dừng chân uống ngụm nước bồi hồi
Băn khăn khách lại lên đường cũ
Không dám cầm lâu phút nghỉ ngơi.

Tình đã pân chia cùng đất rộng
Lòng không vướng nợ, bén duyên gì
Dầu ngăn lối đó, bao nhu cảm
Chân vẫn bình yên vượt bước đi.

Và cứ tưng bừng theo lửa sống
Đường xa vô hạn, đích vô cùng
Chân trời lui mãi lan lan rộng
Hy vọng tràn lên đồng mênh mông…

Tương thân

Tôi gặp bà con mới một lần
Mà sao lòng đã thấy yêu thân
Như quen biết tựa ngày xưa ấy
Mỗi mặt phong trần, một nét nhăn.

Ở cũng bàn tay đã nắm qua
Ngón tay gân guốc nhám chai da
Cũng mùi lưng khét quen mưa nắng
Cũng những lời quê ý thiệt thà.

Thôi kể làm chi nỗi đoạn trường
Sau ruồng tre ấy, chốn quê hương
Tháng ngày chát cổ cơm khoai sắn
Rách rưới lều che tạm gió sương.

Hiều nhau rồi, hiểu lắm bạn ơi
Chừ đây, không đợi nói lên lời
Tay cầm tay với lòng chung một
Mau xúm lưng nhau dựng lại đời.

Đêm giao thừa

Đêm nay pháo nổ giao thừa
Mà người chiến sĩ không nhà còn đi
Truông dài, bãi rộng, đồng khuya
Người đi như chẳng nhớ gì tết xuân
Người đi quên hết gian truân
Say mê như một dân quân trên đường
Xóm làng phảng phất quê hương
Nước non man mác tình thương mặn nồng
Song trong mưa gió lạnh lùng
Tái tê chân cũng ngại ngù bước gieo
Nép lưng vào miếu tranh nghèo
Nao nao lòng lại mơ theo cờ hồng.

Tiếng hát trên đê

Thương chồng, em phải thay chồng
Thay chồng đi đắp đê công suốt ngày
Suốt ngày em lội dưới lầy
Lùa bùn vác đất đắp dày đường cao
Bụng em không hạt cơm nào
Củ chuối em đào, ăn với hổng xanh
Trời ơi! Mưa gió còn hành
Áo chiếu tan tành, em rét buốt xương!
Thầy cai ông xếp không thương
Ròi bò còn vụt còn tương lên đầu!
Chem cha ba đứa đánh phu
Choa đói choa rét, bay thù gì choa?
Bay coi Tây – Nhật là cha
Sướng chi bay hại nước nhà, bà con?
Liệu hồn bỏ thói du côn
Bằng không đòn lại trả đòn cho coi!

Vỡ bờ

Bão rơi rồi lại mưa tuôn
Bể dâng nước mặn, lụt nguồn tràn sông
Hai phen nước bạc ngập đồng
Hai phen nước mắt đầy lòng héo hon!
Chưa nguôi khóc mạ chết non
Ruột đau như mất đứa con đầu lòng
Lệ cay đã đổ ròng ròng
Nghẹn ngào khóc lúa đòng đòng đen thâm
Trời ơi! Công khó quanh năm
Bỗng tiêu tan dưới lụt ngâm mấy ngày
Cửa nhà, vốn liếng lâu nay
Gió mưa một trận, vụt bay cả rồi!
Ngẩn ngơ trông ruộng trong trời
Khổ ơi là khổ, buồn ơi là buồn!
Vì ai đê vỡ nước tuôn
Để cho lụt bể, lụt nguồn triền miên?
Chém cha lũ giặc cường quyền
Gian tham cướp sạch của tiền dân ta
Đàn ca đú đởn xa hoa
Túi đầy chẳng chịu nhả ra một hào
Mặc ta chống với trời cao
Đê điều sụt lở bay nào biết chi!
Yên vui, bay cứ ngủ khì
Mặc ta với ruộng, chết đi nửa người!
Còn chi đâu nữa vụ mười
Mà bay cứ chực cướp nồi cơm ta?
Chém cha cái lũ giặc già
Dân ta tức nước vỡ bờ rồi đây!
Đói lòng không thể khoanh tay
Anh em ơi quyết phen này dậy lên!
Đồng tâm đoàn kết vững bền
Đánh tan Nhật-Pháp giành quyền tự do.
Mai sau lúa mới đầy bồ
Việt Nam ta mới ấm no đời đời!

Đi

(Tặng bạn trẻ)

Đi, bạn ơi, đi! Biệt tháng ngày
Hoang mang không định hướng tương lai
Buồn thiu như dưới chiều quê lặng
Dải nước mương lê xuống vũng lầy.

Đi, bạn ơi, đi! Sống đủ đầy
Sống trào sinh lực, bốc men say
Sống tung sóng gió thanh cao mới
Sống mạnh, dù trong một phút giây.

Đi, bạn ơi, đi! Cả cuộc đời
Của ta nào chỉ của ta thôi!
Đã vay dòng máu thơm thiên cổ
Phải trả ta cho mạch giống nòi!

Trả hết, không quyền tiếc mảy may
Trả ngay không hề khất rày mai
Nước non rên xiết trong xiềng xích
Đã giục ta ra giữa chiến đài!

Và vạn anh hùng trên gió mây
Và nghìn thế hệ tới sau đây
Đương nhìn ta đó! Đi đi bạn
Cất nhẹ thân lên giữa phút này

Nỗ lực bình sinh diệt địch cừu
Chúng ta nào phải lũ phiêu lưu
Tùng bừa sinh ạng lên đùa bỡn
Với gió mây như đứa thả diều.

Ta đã đi, là ta quyết đi!
Đạp bằng trở lực, vượt gian nguy
Ngực còn thoi thóp, tim còn đập
Còn nghiến răng giương thẳng nghĩa kỳ!

Đói! Đói

Lúa mùa mất sạch mọi nơi
Giặc còn vơ vét hết nồi đến thăng!
Đói xo khắp xóm khắp làng
Rau dưa chết giá, ngô lang xạc xờ
Buồn trông đồng trắng bãi khô
Lúa chiêm thôi hết ước mơ đầy nồi!
Một quan gạo sáu lon thôi
Không tiền mua cám mà nuôi mẹ già
Cháu thơ đói lả ôm bà
Con đeo chân bố khóc la đêm ngày!

Bà con ơi, tính sao đây?
Bã nâu thính trấu nhét đầy bụng sao?
Ăn xin, xin chẳng có nào
Nằm lăn mà khóc, mà gào ai thương?
Há đành chết lặng trên giường
Há đành gục xuống bên đường chết queo?

Dậy đi, hỡi bạn đói nghèo
Tay cầm thúng mủng, lưng đèo cháu con
Sợ chi doạ nạt roi đòn
Rủ nhau ta tới công môn ta đòi
Phát cho ta gạo ngô khoai
Cứu dân đi hỡi các ngài mặt mo!
Lúa ta chất ứ đầy kho
Dành cho ai hưởng, chẳng cho ta dùng?
Phát ngay cho kẻ bần cùng
Mẹ cha, con cháu, vợ chồng ta ăn!
Bà con ơi, chớ tần ngần
Cứu đời ta sống, phải cần tay ta!
Tiến lên hăng nữa, đừng tha
Cầm dao, cầm súng xông ra phen này!
Đánh cho giặc Nhật tan thây
Vằm cho nát mặt cả bầy Việt gian
Diệt trừ phát-xít dã man
Việt Nam độc lập hoàn toàn tự do
Đời dân ta mới ấm no!

Trên đây là những bài thơ hay trong tập thơ Từ ấy mà chúng tôi đã chọn lọc và muốn chia sẻ cùng với bạn. Đó là một tập thơ rất hay và độc đáo. Qua đó ta cảm nhận được một nhà thơ xuất sắc. Đó không chỉ là nhà thơ của riêng ai, mà là nhà thơ của tất cả thanh niên và cũng chính là nhà thơ của tương lai. Đừng quên đón đọc phần cuối trong tập thơ Từ ấy bạn nhé!

Xem thêm: Tuyển tập thơ Từ ấy hay đặc sắc nhất của Tố Hữu phần cuối