Tháng Ba Tây Nguyên – Tình cảm gắn bó keo sơn của nhà thơ Thân Như Thơ
Tháng Ba Tây Nguyên là một thi phẩm độc nhất của nhà thơ Thân Như Thơ bởi ông chỉ sáng tác mỗi bài thơ này. Dù số lượng ít ỏi nhưng bài thơ lại gây nên tiếng vang lớn trong nền văn học nước nhà. Bài thơ với giọng điệu nhẹ nhàng tha thiết ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, núi rừng Tây Nguyên và con người nơi đây sau một quãng thời gian ông gắn bó. Đồng thời nhà thơ bày tỏ nỗi nhớ da diết vùng đất này. Mời các bạn đón xem và cảm nhận nhé!
Tháng ba Tây Nguyên
Tháng ba mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phá rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng ba sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa đi tìm nấm mối
Chiều chiều cha chọn một góc vườn
Dạy con trai phóng lao trừ hổ báo.
Tháng ba mùa hoa bông đang nảy nở
Cho con công múa, cho con cá bơi
Bông không rụng xuống lòng suối nhỏ
Tung lên trời vạn cánh sao rơi
Bông lách bay để lại nụ cười.
Tháng ba rừng Tây Nguyên hoa thắm đỏ
Làng buôn vang tiếng chiêng múa hát
Bồy chim muông cất cánh rợp trời
Sông từng đàn con cá lội bơi.
Tháng ba tay em dệt khăn hồng
Thêu cánh chim trời cho người em mến
Chiều chiều anh dựng lai nếp nhà
Phòng khi qua những đêm ngày giông bão.
Tháng ba trời trong xanh như suối ngàn
Cho em múa hát cho anh đánh chiêng
Chiêng anh rộn núi rừng buôn làng
Em ca giọng vút mây xanh
Chim hót theo nghe sao ngọt lành.
Tháng ba người Tây Nguyên chan chứa tình
Con tim xao xuyến đôi môi hé cười
Tháng ba mùa núi rừng sôi sục
Tháng ba mùa hạnh phúc Tây Nguyên
Ôi tháng ba tô thắm cuộc đời!
Cảm nhận về bài thơ Tháng Ba Tây Nguyên của nhà thơ Thân Như Thơ
Trong kho từ ngữ quen thuộc của người Việt xưa nay, tháng Ba thường chỉ đọng lại ở thành ngữ “Tháng Ba ngày tám…” để chỉ cái thời điểm “ngoài đồng vàng mơ, trong nhà mờ mắt” – đói vàng mắt – có thế thôi!
Nhưng may sao, trong kho trí nhớ của tôi về những bài thơ liên quan đến cữ tháng Ba vẫn còn giữ được một bài thơ hiếm hoi nói đích danh vào thời tiết, cảnh trí, con người vào dịp tháng Ba mà rất vui tươi, ấm áp, đầy sinh khí…. Ấy là bài thơ “Tháng Ba Tây Nguyên” của cố nhà thơ Thân Như Thơ, một cán bộ quân đội có nhiều năm gắn bó với mảnh đất Tây Nguyên trong chiến tranh, một nhà thơ lặng lẽ, ít xuất hiện… nhưng lại có một cái bút danh đủ nói lên lòng yêu Thơ bát ngát của ông, và may mắn thay, ông đã để lại một bài thơ hay đích thực về Mùa Xuân, về Tháng Ba ở một mảnh đất thật lãng mạn của Tổ Quốc. Bài thơ này lại được nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc rất tuyệt, rất gợi cảm…
Xin mời quý bạn nghe một áng Thơ – Nhạc nói về cái tháng mà ta đang đặt chân vào nhé…
Lâu nay ở ta có cái lệ là hễ bài hát nào phổ thơ mà hay, mà được phổ biến rộng, thì mặc nhiên bài thơ cũng được coi là hay. Điều này có lúc đúng, lúc không đúng, nhưng nó làm cho lắm nhà thơ được lợi vì sự ăn theo này. Riêng trường hợp với bài “Tháng ba Tây Nguyên” của nhà thơ Thân Như Thơ thì gần như ngược lại. Bài thơ này theo tôi là bài thơ hay, lại được nhạc sĩ Văn Thắng phổ nhạc rất thành công, ấy vậy mà khi có ý định giới thiệu nó, tôi đã cất công đi tìm trong hầu khắp các tuyển tập thơ hiện đại mà chẳng thấy đâu. Thật lạ.
Như vậy là bài thơ đã đến với công chúng trước hết và chủ yếu qua sự chuyển tải của giai điệu bài hát cùng tên. Phải nói ngay rằng, cả hai tác giả đều cùng rất có lợi trong vụ làm ăn chung này: Bài thơ đã được nhạc sĩ phổ sát đến từng chữ từng câu và truyền đạt rất tài tình cái chất thơ của nó, và đến lượt mình, giai điệu bài hát lại như sinh ra chỉ để giúp ta xướng lên thành âm thanh một cách hiệu quả biểu cảm nhất những câu những chữ ấy của bài thơ mà thôi – để rồi cuối cùng, cả hai, nhạc và lời của bài hát mỗi khi cất lên đều tạo nên một không khí rạo rực và say đắm đến kỳ lạ, vừa rất “tháng ba” vừa rất “Tây Nguyên”.
Hãy nghe:
” Tháng ba
Mùa con ong đi lấy mật
Mùa con voi xuống sông hút nước
Mùa em đi phát rẫy làm nương
Anh vào rừng đặt bẫy cài chông
Tháng ba
Sớm sớm mẹ ra rừng
Theo dấu chân rùa, tìm nấm mối…”
Ta hãy cố quên đi cái giai điệu rất đẹp cứ vang lên trong đầu để tiếp xúc với các con chữ, ta sẽ thấy ngay cái niềm vui rạo rực ở đây bắt nguồn từ một cái gì đó giản dị vô cùng, vì tất cả vẫn chỉ là những cảnh trí quá quen thuộc và thân gần tự bao đời của quê hương Tây Nguyên, vẫn chỉ là những công việc lao động thường nhật của con người ngỡ như đã cũ kỹ từ ngàn xưa, nhưng với sự hồi sinh kỳ diệu của mùa xuân, mùa tràn trề sức sống của tạo vật, tất cả bỗng xôn xao cả lên, bỗng nồng nàn và tươi tắn như vừa được tiếp thêm một ngôn sinh lực mới. Tất cả – từ những con ong, con voi, con chim, con cá . . . đến một “bông lách bay”…, cả thiên nhiên đất trời của xứ sở Tây Nguyên phong phú và hoang sơ như vừa thức tỉnh sau một kỳ ngủ đông dài dặc. Cái không khí say người ấy đã đánh thức luôn sức sống trong con người nơi đây, những công việc vốn nhàm chán và mệt nhọc nay bỗng trở nên mới mẻ và hấp dẫn:
” Chiều chiều cha chọn góc vườn
Dạy con trai phóng lao, trừ hổ báo ”
Ta thật không phân biệt được đấy là công việc hay đấy là trò vui bởi có một cái gì vô hạn náo nức ở bên trong, cũng như vậy, ở một nơi khác:
” Chiều chiều anh dựng lại nếp nhà
Phòng những đêm ngày dông bão ”
Những công việc lo lắng, vun vén cho một cuộc sống no đủ và bình yên như vậy luôn gợi lên một cái gì thật ấm cúng, hạnh phúc. Giữa một bối cảnh sống vừa thơ mộng vừa tự do vì xa cách phồn hoa và chan hòa thiên nhiên, nhưng cũng do vậy mà cô quạnh và hứa hẹn nhiều tai họa, bất trắc, thì công cuộc chăm bẵm, vun vén ấy càng khiến niềm vui của cuộc sống nơi đây có thêm sức vững chãi, yên lòng, tựa như khi ta hình dung về một bếp lửa ấm áp tận trên núi cao khi ngoài trời đang gió mưa gào thét. Cái say lòng của tâm trạng thơ như đã hòa lẫn trong cách nhìn, cách cảm của tác giả, một tâm thế hoàn toàn của người trong cuộc. Hơn thế, ta còn có thể cảm nhận rằng tất cả cách nhìn, cách cảm ở đây dường như xuất phát từ một đôi mắt trẻ thơ, hoặc nói rộng ra là một người trẻ tuổi, bởi vẻ rạo rực và say đắm của những khát khao và hăm hở của tuổi mới vào đời. Bài thơ không nói tới hội hè mà kỳ lạ thay, lại rất say người, như thể tất cả trời đất, cây cỏ, chim thú cùng với con người nơi đây đang tưng bừng trong một ngày hội lớn, ngày hội có tên là mùa xuân.
Về mặt hình thức, bài thơ chỉ phác lên đôi nét về những cảnh, những việc, những người có vẻ như là những thông tin tình cờ còn giữ được trong bộ nhớ của người viết, ngoài ra người viết cứ để mặc cho tình cảm kéo đi theo một thứ nhạc điệu tự nhiên, mà không quan tâm gì đến những vần, những luật, hay những thủ pháp ngôn từ…
Ta biết nhà thơ Thân Như Thơ rất gắn bó với chiến trường Tây Nguyên và tác phẩm này ra đời trong những năm gian khổ ác liệt của chiến tranh, ấy vậy mà cả bài không đả động gì đến một tiếng súng, tiếng bom, tất cả đều như trong một cuộc sống yên bình, và đó lại là một điều lạ nữa của bài thơ. Riêng tôi, cứ mỗi khi bài thơ, hay đúng hơn, bài hát phổ thơ ấy cất lên tôi như lây ngay cái rạo rực, say người khó tả của tháng ba, của mùa xuân Tây Nguyên và trong tôi dâng lên một tình cảm mến yêu không chỉ với những cảnh những người của mảnh đất Tây Nguyên, mà với cả cái rạo rực, say người trong ký ức của tuổi thơ tôi, mặc dù tuổi thơ tôi đâu có trôi qua ở Tây Nguyên.
Tháng Ba Tây Nguyên là một thi phẩm xuất sắc của nhà thơ Thân Như Thơ. Bài thơ chứa đầy chất thơ, chất lãng mạn, chất Tây Nguyên với không gian cảnh trí rất cao nguyên miền thượng. Qua bài ta cảm nhận được nhà thơ muốn ca ngợi vẻ đẹp và tinh thần chiến đấu kiên cường của những con người nơi đây. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!
Tin cùng chuyên mục:
150+ Bài thơ thả thính Trai [Tuyệt Chiêu Tán Trai] Cực HOT
[HOT] 101+ bài thơ tỏ tình theo tên hay khiến Crush “đổ gục”
#199 Bài thơ tỏ tình Crush hay nhất làm “tan chảy” mọi trái tim
[Tuyển Tập] Thơ thả thính 2 câu Cưa Đổ Gái Xinh ngay từ lần đầu