Nhà thơ Tản Đà và những bài thơ xuất sắc để đời phần 1

Tản Đà (1889 – 1939) là một nhà thơ, nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng còn được biết đến với tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu. Sở dĩ có bút danh như vậy bởi ông quê ở núi Tản Viên, sông Đà Nên ông đã ghép hai địa danh này thành bút danh. Trong văn đàn Việt Nam đầu thế ký 20, ông được đánh giá là một ngôi sao sáng và cũng là cây bút xông xáo trên nhiều lĩnh vực. Dưới đây chúng tôi sẽ giới thiệu cho bạn các bài thơ hay nhất của nhà thơ Tản Đà nhé!

“An Nam tạp chí” lại ra lần thứ năm ở Hàng Bông, Hà Nội, cảm tác

“Thần chung” im tiếng phương Nam
“Phổ thông” xứ Bắc ai làm tắt hơi?
“Duy tân” thôi đã cũ rồi
“Đông tây” lại cũng đi đời đằng mô!
Khóc ai! riêng cũng mừng cho
“An Nam tạp chí” cơ đồ còn đây
Mới xưa Hàng Lọng cờ bay
Thứ năm lại có phen này Hàng Bông
Cuộc đời xoay chuyển lung tung
Mà trong báo giới tranh hùng những ai?
“Thức lâu mới biết đêm dài”
Tiền chưa mạnh sức mà tài cũng thua!
Hơn nhau một bức dư đồ
Khí thiêng sông núi hộ phù nước non
Hơn nhau một tấm lòng son
Cho người chung nước chung non chung tình
Đêm thu gió thoảng bên mình
Sạch đem tâm sự bất bình thổi xuôi
Bút hoa chép lại đôi lời
Đưa ai bốn bể là người tình chung
Đi về xin nhớ Hàng Bông

Ai “nữ quyền” ra mua

“Nữ quyền” hôm ấy tớ rao chơi
Ai bán mà mua của hiếm hoi!
Một gánh giang sơn cùng gánh lấy
Thời chi, ai có tiếc chi ai?

Anh thợ cạo

Trượng phu xử thế vô trường sách
Bạc nghệ tuỳ thân nhất đoản đao
Lánh phong trần mài một mũi dao
Khắp phường phố biết bao người nhẵn mặt

Ba Đình ký

Hồng nhung hoa nở đầy sân
Tưới hoa thánh thót mưa xuân đầu cành
Đốt hương xem chuyện nước mình
Chuyện Đinh Công Tráng, Ba Đình ngày xưa
Thuận kinh đã đổi ngọn cờ
Nước non xoay chuyển bây giờ là ai?
Ninh Bình tỉnh có một người
Là Đinh Công Tráng tướng tài bẩm sinh
Hơn đời vũ dũng thông minh
Hoàng, Lưu môn hạ nổi danh Bắc kỳ
Gió mây rộn buổi Hàm Nghi
Ba làng Thanh Hoá thành trì đào xây
Trước thành giữ thế ruộng lầy
Mặt thành xây đắp tre dầy bàn cao
Trong thành khe chứa giếng đào
Sau thành có ngả sang Lào, ra Thanh
Đồn quân tên gọi Ba Đình
Tướng quân Công Tráng họ Đinh là người
Uy nghiêm tướng mạnh thành dài
Thế trong vững thủ, thế ngoài mạnh công
Thuận thành nghe động uy phong
Pháp binh từ Huế đùng đùng kéo ra
Mấy phen đánh giáp lá cà
Địch quân thua xiểng, quân ta được hoài
Uy danh động đến nước ngoài
Pháp đình nổi trận bời bời phong lôi
Lệnh cho nguyên soái đặc sai
Khắc kỳ phá địch quyết bài tiến công
Một phen đột trận xung phong
Lại thêm thây chất đầy đồng một phen
Pháp quân tính thế vạn tuyền
Hãm thành mới có lệnh truyền bổ vây
Nam quân lúc ấy nguy thay
Đánh không được đánh mà rầy thiếu lương
Đinh Công hết ý lo lường
Giải vây mới liệu quyết đường đánh ra
Đêm đông gió táp mù sa
Bất kỳ giữa trống canh ba tiến hành
Kéo quân ra khỏi ngoài thành
Nhằm nơi quân địch tung hoành đạn bay
Pháp quân liệu thế trở xoay
Tức thì lập trận bắn ngay không rời
Hai quân bắn lẫn bắn hoài
Sương mù chẳng thấy mặt người tấc gang
Giời đông còn hãy mù sương
Đinh Công sớm đã liệu đường quân đi
Thành không bỏ lại tiếc gì
Ba Đình thất thủ thôi thì cũng thôi!
Tàn quân thu thập đôi nơi
Cô thành lại giữ một giời Ma Cao
Giang sơn chẳng phụ anh hào
Yếu thua khoẻ được lệ nào có sai
Đinh Công khuất mặt ở đời
Non xanh nước biếc sang người trắng da
Nước non vẫn nước non nhà
Nhớ ai một khúc gọi là viếng ai

Bài ca chúc tiệc lão làng A Lữ

Giời xuân tốt đẹp thiều quang
Tượng sơn núi cả, Thương giang sông dài
Non sông như vẽ
Hoa cỏ như cười
Dan tay ta hát một bài
Trước là kính thánh, sau thời mừng dân
Dân ta A Lữ
Vui tiệc ngày xuân
Khói hương làm lễ nghinh thần
Thần linh phù hộ nhân quần thọ khang
Chống gậy ra làng
Chúc ông chống gậy
Ra họp việc làng
Tiệc xuân vui chúc thọ trường
Da mồi tóc bạc tuổi càng thêm cao
Mưa hoà gió thuận
Tốt lúa được mầu
Trai lành gái tốt lấy nhau
Sinh con, đẻ cháu, dài lâu nối đời
Đầu năm tiệc lão
Già trẻ vui chơi
Dan tay ta hát một bài
Trước là kính thánh, sau thời mừng dân
Ngày xuân tiệc lão
Ca chúc làm vui
Chúc mong già trẻ gái giai
Năm nay năm nữa, xuân rồi lại xuân
Kính mừng A Lữ đồng dân

Bài ca cổ bản – Vì sự diễn kịch ở Lao Kay để lấy tiền giúp nạn dân trong Nghệ Tĩnh

Ơn ái ơn đồng bạn. Vì mối thương hoài
Kịch tân thời giúp người xa khơi
Thuật đôi lời tỏ lòng vì ai
Ta An Nam cùng họ chi khác trong ngoài
Đó Trung Kỳ, đây miền Lao Kay
Nghìn dặm đường xa dài, nỗi ngậm ngùi (ngậm ngùi)
Tai hại vì đâu, non sông oán sầu
Thần thiên đế (thiên đế) cơ cầu
Quanh vùng (Nghệ) Nghệ Tĩnh liền nhau
Nắng thiêu đồng mạ, hư hại vườn rau
Dân tình khó khăn, đói cùng nhau
Đâu trận cuồng phong mờ mịt
Làm cát tung giời gần xa bời bời
Gió cuồng phong đến miền đường trong hung độc, thạch mộc tơi bời
Thôn quê thiệt thòi ấy nhiều nơi
Kinh (kinh) tế, kinh tế nguy nàn!
Khó làm ăn lúc tiền khan
Dân cùng thất nghiệp như số muôn vàn
Cuộc sinh tồn cậy nhờ cùng nhau
Nhìn người hơn, ngắm vào ta chung lòng hợp dạ sum họp giống nhà
Giống Tiên Rồng may mà…
Đêm trường làm vui, mượn trò chơi
Ca đôi lời nghe đôi lời, chơi bời vui vẻ như dãi tâm hoài
Cuộc mua cười vì người An Nam, hợp người Tây, Nam
Người nhiều nơi, đất Lao Kay sum vầy ơn ái
Nghệ Tĩnh phương trời

Bài hát chúc báo “Sống”

Mưỡu:
Dân hai nhăm triệu đồng bào
Giang sơn Hồng Lạc, phong trào Á Âu
Giời Nam xuân mới khoe mầu
Xin đem chữ “sống” làm đầu chúc mong
Nói:
Lo nòi thương giống
Chẳng gì hơn chữ sống giữ đầu tiên
Có cùng nhau đất dưới trời trên
Rồi sẽ nói đua chen Âu với Á
Nào giống cũ Chiêm Thành, giống mọi
Đài Loan, giống người da đỏ ở
Mỹ châu đến nay đâu đó tá?
Nỗi ngu hèn ai đã biết hay chưa?
Cuộc doanh hoàn gió gió mưa
Ngẫm lịch sử nghìn xưa âu đáng sợ!
Nên nhớ chữ “Tự trợ giả thiên trường trợ”
Giời không chia mọi rợ với văn minh
Sống hay chăng thời cũng tự mình
Lẽ thiên diễn công bình cho khắp chủng
Hồng Lạc nhi tôn kim hữu chủng
Bất tri thử điện cánh hà như
Tính năm sinh nay đã bốn nghìn dư
Bước tiến hoá vẫn lừ đừ sau mọi kẻ
Đời là thế, chúng ta như thế thế
Nước non này chưa dễ cỏ hoa ai!
Kiễng chân lên xa ngóng vũ đài
Muốn khỏi chết phải chen vai vào chỗ sống
Nhận chữ “sinh tồn”, câu “hạnh phúc”
Tìm nơi “lạc thổ”, chốn “đào nguyên”
Chúc mong nòi giống Rồng Tiên!

Bài hát của Tây Thi

Non xanh xanh
Nước xanh xanh
Nước non như vẽ bức tranh tình!
Non nước tan tành
Giọt luỵ tràn năm canh!
Đêm năm canh
Luỵ năm canh
Nỗi niềm non nước
Đố ai quên cho đành!
Quên sao đành
Nhớ sao đành
Trần hoàn xa cách
Bồng Lai non nước xanh xanh!

Bài hát mừng Bắc kỳ Nam tửu

(Công ty rượu Văn Điển)
Ta về ta tắm ao ta
Ao ta tắm mát rượu nhà uống ngon
Nghĩ thôi sông cạn đá mòn
Ai hay quốc tuý lại còn có nay
Nam nhân nam tửu
Người An Nam nay uống rượu An Nam
Thật tha hồ cất chén với tri âm
Bõ nhớ vụng thương thầm bao những lúc
Chất gạo có say không nhức óc
Hơi men càng nhắp lại mềm môi
Trải tang thương non nước đầy vơi
Còn chút đó, cuộc đời chưa đáng chán!
Rót đầy chén, uống chơi cho cạn
Họ nhà Tiên, nào những bạn Lưu Linh
Yêu nhau, một hớp cũng tình

Bài hát mừng đức Nam Phương hoàng hậu ra tuần du đất Bắc

Mưỡu:
Nam Phương ngự giá Bắc tuần
Cỏ hoa vùng Bắc tin xuân đón mừng
Trâm hoa tàn quạt tưng bừng
Trời Nam quang cảnh ai từng thấy chưa?
Nói:
Năm Đinh Sửu qua rằm tháng chạp
Bạn quần thoa đông họp bốn trăm người
Đèn văn minh lửa sáng trưng giời
Góp ngọc nói hoa cười nghênh thánh giá
Cung duy mẫu đức nghi thiên hạ
Lạc đổ tiên nhân giáng tự trần
Bụng từ nhân thương xót kẻ bình dân
Đạo bác ái ân cần câu diễn thuyết
Hội Hợp Thiện được nghe lời khuyến thiện
Lòng hướng dương thêm kiển quyển trung quân
Bắc Nam đâu cũng thần dân

Bài hát xuân tình

Mưỡu:
Ấy ai quay tít địa cầu
Đầu ai nửa trắng pha mầu xuân xanh
Trông gương mình lại ngợ mình
Phải chăng vẫn giống đa tình ngày xưa
Nói:
Tản Đà xuân sắc
Mấy mươi năm chẳng khác nước cùng non
Cảnh còn nguyên người cũng lại còn
Còn chẳng khác “Khối tình con” như trước nhỉ!
Lịch kỷ phong sương thần bất dĩ
Quy lai hà nhạc ngã do liên
Cuộc trăm năm vương lấy mối trần duyên
Dù kiếp trước thiên tiên nay cũng tục
Đã trót hình hài trong dấn đục
Giữ sao cho hòn ngọc lại Hàm Đan
Muôn vàn nhờ tựa giang san
Một ngày còn ở nhân gian ngại ngùng
Chúa xuân có hộ nhau cùng…

Bài hịch giục cho các hoa dậy

Ối chao ôi! các hoa trong vườn ta
Quen mắt ngủ trưa, cứ lười lĩnh chi cho mạt kiếp
Thức khuya dậy sớm, có siêng năng hoạ mới nên đời
Cả lũ thối thây
Một phường chết giẫm
Khoe tài cậy sắc
Mất nết hư thân
Đã mấy phen dậy bảo không chừa
Vẫn một mực lười ươi mãi thế
Quái cho thói lạ
Học tự nhà ai
Lại bây giờ
Chị Hằng đã về, dì Gió đã gọi
Đêm đông sáng toét, tiếng gà gáy mau
Nọ kìa bướm hỏi ong thăm, biết bao kẻ đợi
Còn hãy cánh che nhị ủ, không sợ ai cười
Nào các hoa
Con chị con em, con cô con cháu
Đứa hồng đứa tử, đứa trắng đứa vàng
Giấc tốt đừng nên tham, giấc ấy chả no còn giấc khác
Đêm dài sao chửa chán, đêm này không đủ có đêm sau
Liệu mà dậy thôi
Đừng để giục mãi
Bởi yêu thương nên mới rát họng
Có khôn ngoan thời phải ăn nhời
Bảo nhau tự hôm nay, giữ ý lúc mờ trời tối đất
Đừng đợi nói lượt nữa, mà có phen tủi phấn phai hương

Bài tựa “Truyện tỳ bà” của ông Đoàn Tư Thuật dịch

Ngựa tuấn nọ còn để xương thiên lý, ngàn vàng chưa dễ mấy ai mua!
Ngọc bích kia chưa tỏ giá liên thành, giọt luỵ chớ hoài riêng kẻ khóc!
Cho nên:
Lan có cây mọc trong hang tối
Gà có con rứt bỏ lông đuôi
Đem tài hoa mà ai oán với trần ai
Chẳng thà:
Giấu hương sắc để lánh chơi ngoài cõi tục
Vậy:
Ấy đã thế gian là thế, giận làm chi mà dỗi nữa làm chi
Thôi thời tri kỷ mà chi, tẻ cũng thế có vui thời cũng thế
Ngẫm từ trước biết bao tài tử
Mà trong trần nào mấy tri âm?
Bạch tuyết, Dương xuân
Cao sơn, Lưu thuỷ
Chẳng cứ gì Ly tao với Tỳ bà ký
Chẳng cứ gì Khuất Nguyên với Cao Đông Gia
Nếu trần ai ai cũng biết ai
Ai còn phải vì ai cảm khái
Cội thông lũa chơ vơ đỉnh núi, đầm thấm tuyết sương
Bông hoa đào hớn hở gió đông, đãi đằng ong bướm
Kiếp văn tự ngẫm ra nhường cũng rứa, trải trăm tuổi đến khi đầu bạc, phí bao nhiêu tiếng khóc tiếng cười
Khách cổ kim nào có khác chi nhau, hỏi nghìn thu xin giọt mực đen, xoá cho hết chữ tài chữ ngộ!

Cái giống yêu hoa

Cái giống yêu hoa lạ lạ đời
Mắt xanh chưa lọt đã mê tơi
Chim giời cá nước duyên ai đó?
Vía dại hồn khôn chết dễ chơi!
Xa cách ngoại trăm nghìn dặm đất
Ước ao trong sáu bảy năm giời
Cái mê vô ích mà mê dại
Mê dại mê mê mãi chẳng thôi

Cái lo

Nghĩ mình, mình lại hỏi mình
Tự mình, mình cũng chưa đành rằng sao
Cái lo là cái làm sao?
Lo sao lo mãi? khi nào hết lo?
Một mình lo nghĩ quanh co
Mình lo mình biết ai lo cho mình?
Ấy ai là khách hữu tình?
Vì mình lo đỡ cho mình đỡ lo
Kẻo mình lo mãi quanh co

Cảm đề

Đọc bài thời sự “Cụ Phan mới”, một kẻ tham tàn ở Nghệ An, đăng “An Nam tạp chí” số 9, đã được toà kiểm duyệt bấy giờ cho phép
Thái Bình chưa dứt tiếng kêu oan
Lại tiếng kêu giời ở Nghệ An
Một phủ Anh Sơn trong mấy tháng
Mà tay Phan Tử lấy ba ngàn
Cũng phường dối nước quân ăn cắp
Cũng lũ tàn dân giống hại đàn
Lạnh lẽo hơi sương toà tạp chí
Lệ ai dàn dụa với giang san!

Cảm hứng

Một mối tơ tằm mấy đoạn vương
Cười thay mà nghĩ cũng nên thương
Thương cho chỉ thắm còn mơ tưởng
Mà cái xuân xanh để phũ phàng
Mưa gió những e thời tiết trái
Dâu gai thêm nghĩ nợ nần mang
Con tằm công việc thôi là mấy
Kìa việc đời kia mới ngổn ngang

Cảm ơn người cho hà

Đương trưa bữa rượu nhà nho
Có anh cầm giấy đem cho rọ hà
Xem thư ta mới biết là
Cho ta rọ đó người nhà ông Lan
Nguyên đồ hải vị Quảng An
Hải Phòng xe lửa đưa lên Hà thành
Thức ăn đến nó là thanh
Mở ra chỉ một múi chanh vắt vào
Nuốt trôi mát ruột làm sao
Lâu nay mới thoả ước ao ăn hà
Cám ơn anh bếp cho quà
Gia Long số bảy, người nhà ông Lan

Cảm tưởng về sự sống chết

Trăm năm cõi tục còn dài
Con đường vô tận trên đời còn xa
Núi non, giăng cũng chưa già!
Đầu ai tóc bạc vẫn là xuân xanh
Giang sơn còn nặng gánh tình
Giời chưa cho nghỉ thì mình cứ đi
Bao giờ giời bảo thôi đi
Giang sơn cất gánh, ta thì nghỉ ngơi
Nợ đời là thế ai ơi!
Khách tình nhắn nhủ cho đời biết qua
Có ai là kẻ cùng ta?

Cảm xuân

Pháo đốt vui xuân rộn phố phường
Xuân về riêng cảm khách văn chương
Hồng phơi loá mắt chùm hoa giấy
Trắng nhuộm phơ đầu mái tóc sương
Cành liễu đông tây cơn gió thổi
Con tằm sống thác sợi tơ vương
Xuân này biết có hơn xuân trước
Hay nữa xuân tàn hạ lại sang?

Trên đây là một số bài thơ hay của nhà thơ Tản Đà mà chúng tôi muốn giới thiệu với bạn. Ở thơ ông ta cảm nhận được những tư tưởng mới mẻ. Và với những dòng thơ lãng mạn và ý tưởng ngông nghênh đậm cá tính. Chính vì vậy ông được đánh giá là một người, một viên gạch nối giữa hai thời kỳ văn học cổ điển và hiện đại. Chính vì vậy đừng bỏ lỡ những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay của ông bạn nhé!
Xem thêm: Nhà thơ Tản Đà và những bài thơ xuất sắc để đời phần 2