Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần 1

Nhà thơ Nguyễn Duy có nhiều tập thơ hay nổi tiếng. Trong đó phải kể tới tập thơ Mẹ và Em (1987) với nhiều sáng tác đặc sắc. Ở đó ta cảm giác được các cảm xúc vô cùng chân thành và gần gũi. Bởi với các câu thơ đơn giản, nhà thơ này đã viết về mẹ, viết về mảnh đất nơi mình đã sinh ra và lớn lên.. Đó cũng chính là cái hay của nhà thơ này. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ hay của nhà thơ Nguyễn Duy mà chúng tôi giới thiệu dưới đây bạn nhé!

Thơ tặng người xa xứ

Xa hun hút một con đường
bạn bè lận đận tận phương trời nào
Quê nhà ở phía ngôi sao
qua sông mượn khúc ca dao làm cầu
Một thời xa vắng chia nhau
nhớ thương vương lại đằng sau còn dài
Một thời xa vắng chia hai
dấu chân mãi mãi chụm ngoài bờ đê
Cũng từ độ ấy xa quê
hương bồ kết cứ đi về đêm đêm
Cũng từ độ ấy xa em
môi em thắm cứ tươi nguyên một đời
Có gì lạ quá đi thôi
khi gần thì mất… xa xôi lại còn…

Dòng sông mẹ

Kính tặng quê hương tôi
Từ dòng sông ấy
tôi đi
giọt nước từ nguồn ra biển cả
Mát suốt đời tôi gió nồm sông Mạ
mẹ và em sinh thành ở đó
quê nhà và tình yêu của tôi
*
Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng
bè mảng ào ao lao gành đá
tre nứa về xuôi măng lại mọc lên rừng
Người đi ngậm ngải tìm trầm
hiện hồn trong tiếng cọp gầm
lạnh lưng
Thời gian sông cuồn cuộn không ngừng
bàn chân Giao Chỉ miết mòn mỏi
lóc cóc kiếp đá cuội
Gươm đao thuở nào khua rợn núi
tiếng reo hò dấy binh thác dội
nhạc ngựa về bên suối còn rung
Tiếp tiếp người xuôi ngược dòng sông
Thượng Lào… Sầm Nưa… Luông Pha Băng…
tráng ca Tây Tiến bi hùng lắm
Nước độc Hồi Xuân ma thiêng La Hán
đường Điện Biên gót chân sỏi sạn
đuốc dân công cháy rạn góc trời
*
Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng
đò dọc đò ngang lênh đênh cõi nhớ
mùa vải đỏ tu hú về Châu Tử
Lách cách mõ thuyền chài khua cá
cô gái chèo xuống bằng hai chân như múa
Đỉnh Chum Vàng trăng lu trăng tỏ
dô khoan dô huầy nghiêng ngả sông đêm
nhịp đập chân dậm dật sạp thuyền
Cầu ván ai nhún nhẩy bến Lèn
mắt thuyền gỗ thao láo nhìn lũ nhóc
người hóp đò say ngất nghểu áo vắt vai
đầu sào đúc bánh dày góc ngực
Vụng Ông Lão nuốt người… vực Tôm sôi ùng ục
chúa lêu lổng là anh chàng Từ Thức
những bến sông chưa biết đã thuộc lòng
Chợ Bồng… Cẩm Thuỷ… Ngã Ba Bông
Bà tôi lặn lội bên sông
lả lá chè xanh xuống đò lên chợ
mẹ tôi gồng gánh thay chồng
da bánh mật mòn tre bánh tẻ
Cha tôi mải mê lang bạt kỳ hồ
xây rồi bán nếp nhà không văn tự
phủi tay về đẩy xe thồ
ngán ngẩm những con đường mệt lử
Chú tôi nướng nửa đời biệt xứ
nước mã hồi xin tí đất cắm dùi
cóc chết ba năm quay đầu về núi
khệnh khạng hát câu xin lỗi chân trời
*
Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng
bảy tuổi tôi xúc tôm câu cá
mười tuổi bơi ngược dòng nước đổ
bêu nắng bờ này tắm mát bãi bờ kia
Mười bảy tuổi ngó trộm em rồi đó
lặn xuống dòm em tắm dưới vòm si
Mười tám tuổi ra đi
bước thứ nhất đặt bàn chân vào lửa
đường chiến tranh biết chỗ nào dừng
Dằng dặc đạn bom cày xới xóm làng
bến sông xưa đò đắm máu loang
cầu Hàm Rồng vặn vênh vỏ đỗ
những chuyến tàu vẫn ra bắc vào nam
Những lứa con sông Mạ vẫn lên đường
nhận mặt họ hàng ngoài mặt trận
ríu rít anh em ngã ba binh trạm
Đèn pin… bật lửa… chia quà tặng
bỏ thư thằng bạn gửi ra quê
– Lần này đi… có thể không về…
Chằng chịt ngách sông rối rắm mạng đường mòn
lại xe thồ Thanh Hoá… lại thuyền nan
lại thình thịch bàn chân bè toẽ ngón
lại dân công và thanh niên xung phong
lại nghĩa trang con gái chưa chồng
Đối cực cuộc đời bồi lở đôi bờ sông
sống và chết
tình yêu và chiến tranh
Tôi nhập cuộc giữa dòng nước xiết
dù tới đâu dù dạt bến nào
thấy hạt cát có cái gì bất diệt
*
Điệp khúc sông uốn lượn trong lòng
giọt nước trôi qua quãng đời tóc úa
mẹ mất rồi… may phúc vẫn còn em
Sum họp lớn nhiều bạn tôi không có
trang trọng từng phút giây vất vả
không tan nát qua thác và qua lửa
Lòng tĩnh hơn… gian khổ nhẹ nhàng đi
thương nhớ dòng sông chia làm hai nửa
nửa đắng mang theo còn nửa ngọt gửi về
*
Sông Mạ ơi
hạt cát dạt bến nào
điệp khúc sông trong lòng nguyên vẹn
Giọt nước có biệt tăm ngoài biển
ngày ngày
làm mây bay về nguồn…

Hầm chữ A2

Đường Thanh Hoá… đường Nghệ An…
tới đâu cũng gặp những gian hầm kèo
hứng bom đỡ đạn đã nhiều
vẫn lặng thinh với cỏ rêu bên đường
Lặng thinh như một lẽ thường
ai cần che máu che xương thì vào
dễ cầm nước mắt được sao
bao căn hầm ấy có bao cột kèo
Thương ai dỡ những mái nghèo
dựng căn hầm vẫn dựng theo dáng nhà
nhà dân che nắng mưa sa
chắn che cái chết cũng là nhà dân
Cần chi ở tháng ở năm
trú thân một lát hay nằm một đêm
một đời không thể nào quên
lòng dân – chiếc mộc vững bền cho ta
Ngả lưng trong hầm chữ A
nhìn lên lại thấy mái nhà lợp tranh…

Xó bếp

Nơi ấy
mẹ ta nhễ nhại mồ hôi
đàn con lóc nhóc khóc cười
buổi nhá nhem len lén mò cơm nguội
bảy sắc cầu vồng trong xó xỉnh lọ lem
Nơi ấy
ta nướng khoai lùi sắn
xoa xít hít hà… thơm bùi cháy họng
lấm tấm đầy đầu bụi bồ hóng
lép bép lửa tàu cau
râu tôm nấu với ruột bầu
húp suông
Nơi ấy vùng ta còn đun rạ đun rơm
cơm nếp cứ thơm canh cua cứ ngọt
con cá kho dưa quả cà kho tép
việc vặt giúp bà ta từng quen tay
gạo chiêm ghế ngô gạo mùa độn khoai
bà dạy ta chữa khê chữa nhão
ngọn lửa giữ qua đêm dai trong trấu
âm ỉ lòng ta đến bao giờ
Nơi ấy
nhá nhem giữa quên và nhớ
đỉnh núi hiện lên bóng bà và mẹ
mây chiều hôm gánh gạo đưa ta
tất tưởi đường xa cầu vồng ráng đỏ
Mặt trận dời vào sâu
ngày mai ta dừng chân nơi nào
khoảng trống phía trước vẫn bỏ ngỏ
đâu biết những gì chờ ta đằng kia
chỉ biết đời ta khởi đầu từ nơi ấy…

Tre Việt Nam

Tre xanh
Xanh tự bao giờ?
Chuyện ngày xưa… đã có bờ tre xanh
Thân gầy guộc, lá mong manh
Mà sao nên luỹ nên thành tre ơi?
Ở đâu tre cũng xanh tươi
Cho dù đất sỏi đất vôi bạc màu
Có gì đâu, có gì đâu
Mỡ màu ít chắt dồn lâu hoá nhiều
Rễ siêng không ngại đất nghèo
Tre bao nhiêu rễ bấy nhiêu cần cù
Vươn mình trong gió tre đu
Cây kham khổ vẫn hát ru lá cành
Yêu nhiều nắng nỏ trời xanh
Tre xanh không đứng khuất mình bóng râm
Bão bùng thân bọc lấy thân
Tay ôm tay níu tre gần nhau thêm
Thương nhau tre không ở riêng
Luỹ thành từ đó mà nên hỡi người
Chẳng may thân gãy cành rơi
Vẫn nguyên cái gốc truyền đời cho măng
Nòi tre đâu chịu mọc cong
Chưa lên đã nhọn như chông lạ thường
Lưng trần phơi nắng phơi sương
Có manh áo cộc tre nhường cho con
Măng non là búp măng non
Đã mang dáng thẳng thân tròn của tre
Năm qua đi, tháng qua đi
Tre già măng mọc có gì lạ đâu
Mai sau,
Mai sau,
Mai sau…
Đất xanh tre mãi xanh màu tre xanh

Hơi ấm ổ rơm

Tôi gõ cửa ngôi nhà tranh nhỏ bé ven đồng chiêm
Bà mẹ đón tôi trong gió đêm
– Nhà mẹ hẹp nhưng còn mê chỗ ngủ
Mẹ chỉ phàn nàn chiếu chăn chả đủ
Rồi mẹ ôm rơm lót ổ tôi nằm
Rơm vàng bọc tôi như kén bọc tằm
Tôi thao thức trong hương mật ong của ruộng
Trong hơi ấm hơn nhiều chăn đệm
Của những cọng rơm xơ xác gầy gò
Hạt gạo nuôi hết thảy chúng ta no
Riêng cái ấm nồng nàn như lửa
Cái mộc mạc lên hương của lúa
Đâu dễ chia cho tất cả mọi người

Bầu trời vuông

Thắng rồi – trận đánh thọc sâu
Lại về với mái tăng – bầu trời vuông
Sục sôi bom lửa chiến trường
Tâm tư yên tĩnh vẫn vuông một vùng
Khoái nào bằng phút ngả lưng
Mở trang thư dưới bóng rừng đung đưa
Trời tròn còn lúc rơi mưa
Trời vuông vuông suốt bốn mùa nắng xanh
Mặt trời là trái tim anh
Mặt trăng vành vạnh là tình của em
Thức là ngày, ngủ là đêm
Nghiêng nghiêng hai mái – hai miền quê xa
Ở đây là tấm lòng ta
Sông dài núi rộng cũng là ở đây
Vuông vuông chỉ một chút này
Mà che tròn vẹn ngàn ngày quân đi

Tảo mộ

Lam Sơn
Hình người khuất, bóng người còn ở lại
bia Vĩnh Lăng mưa gió có mòn đi
giáo với giáp đã hoà thành liềm hái
ngựa đá ngẩn ngơ không ăn cỏ bồ đề
Côn Sơn
Về viếng Ức Trai, ngày đã muộn
rêu hoàng hôn leo lét dưới chân thềm
mắt thì cứ đăm đăm nhìn bia đá
ruột gan thì để ở Lệ-Chi-Viên
Tiên Điền
Thương Kiều tìm gặp Nguyễn Du
có gì đâu… một nấm mồ cỏ xanh
lẫn trong thập loại chúng sinh
người như thế mới tài tình làm sao
Lăng vua
Lá đổ, rêu phong, đâu cũng Vạn Niên thành
thăm lăng vua, đối mặt triều Nguyễn mạt
thắp nén nhang vái cô hồn lang bạt
máu xương xưa… thắng cảnh bây giờ
Lăng Ông
Tiền bạc xỉa, mua xăm và bán quẻ
nơi tôn nghiêm sao hoá chốn lọc lừa?
Ông có linh thiêng thì xin vật chết
những kẻ nào buôn bán cả người xưa!

Cỏ dại

Dang tay ngang mặt thảo nguyên
dang chân ta ngủ mình bên côn trùng
ngỡ bay lên khoảng vô cùng
lại dầm xuống cỏ giữa vùng hoang vu
Địa cầu mải miết suy tư
cho râu tóc cỏ rối bù trong đêm
tóc người chạm tóc cỏ êm
chợt nghe đất tối dâng lên tiếng kèn
Kèn đồng giun đất thân quen
giọng chàng ca sĩ dế mèn du dương
sao long lanh như giọt sương
nhìn ta và cỏ thèm thuồng không sao?
Giá sao xuống được đây nào
mà xem sự sống biết bao diệu kỳ
mà cùng ta sống mê si
yêu thương hết cả còn gì nữa đâu
Chia mình cho mọi buồn đau
tan mình trong mỗi sắc màu vui tươi
những mong có ích cho người
dẫu làm thân cỏ dập vùi… xá chi
Bò bê ơi gặm ta đi
thịt da ta lại xanh rì bao la
bàn chân ơi đạp lên ta
mà sang cuối đất mà qua cùng trời
Rồi khi ta rũ xuống rồi
hoá thân bùn mục đắp bồi mai sau
trái tim ta rất mỡ màu
bao nhiêu là cỏ theo nhau bật mầm
Bao nhiêu là bóng siêu nhân
khuất trong bóng cỏ giữa trần gian thôi…

Gửi Huế – Bốn chiếc cầu bắc ngang sông Hương

Em đưa tôi qua Bạch Hổ, Tràng Tiền
vô cớ đứng tần ngần trên cầu Mới
sông Hương mùa này trong thấy đáy
nước về xuôi gió lại ngược lên ngàn
Em đánh số cho cầu theo tuổi nó
số một
số hai…
số ba chen vào giữa
Xin em đếm lại
bốn, ba, hai…
không lẽ em quên chiếc cầu số một
chiếc cầu treo cổ nhất
chiếc cầu dải yếm bắc từ xưa!…

Gửi Huế – Đi qua Thành Nội

Gió đi ù ù ngang họng súng thần công
tiếng chuông chùa đi thủng thỉnh trong không
áo em trắng đi từ xa vẳng lại
thời gian đi xám mặt đỉnh đồng

Gửi Huế – Hỏi thăm

Vừa xa mà đã nghe lâu
hỏi thăm áo tím qua cầu có bay
ớt Đông Ba có còn cay
gạo de An Cựu độ này còn thơm
Hỏi thăm hoa phượng bên đường
sông Hương mấy bữa mưa nguồn còn trong
quán cơm Âm Phủ còn không
cô gì hôm ấy… lấy chồng hay chưa?

Gửi Huế – Nhớ bạn

Tôi về xứ Huế mưa sa
em ơi Đồng Khánh đã là ngày xưa
tôi về xứ Huế chiều mưa
em ơi áo trắng bây giờ ở đâu
Bến Tuần loáng thoáng hàng dâu
em xa vườn lựu từ lâu lắm rồi
lối mòn đá cuội rong chơi
lơ thơ trắng dưới chân đồi hoa mơ
Lan báo hỉ nở tình cờ
bông ngô đồng rụng xuống bờ Hương Giang
chợ chiều Bến Ngự chưa tan
ai đi ngược dốc Phú Cam một mình

Trên đây là các bài thơ của Nguyễn Duy được viết trong tập Mẹ và Em hay và đặc sắc. Với tập thơ này bạn có thể hiểu được các cảm xúc mà nhà thơ muốn chuyển tải cũng như các tình cảm sâu sắc. Phải yêu mẹ, yêu quê hương biết bao mới có thể viết nên những vần thơ hay xúc động lòng người đến vậy. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật các bài thơ hay bạn nhé!
Xem thêm: Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Mẹ và Em (1987) phần 2