Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Ánh trăng (1984) phần cuối

Cái làm nên chất thơ Nguyễn Duy chính là sự chân thành và gần gũi. Và đó cũng chính là mạch cảm xúc được thể hiện thông qua tập thơ Ánh trăng của nhà thơ này. Nhà thơ đã đượ đánh giá là có độ chín của cảm xúc tình cảm. Và bài thơ Ánh trăng cũng chính là một sáng tác tiêu biểu của tập thơ cùng tên này. Bài thơ này chính là lẽ đời, tình người vẫn luôn vấn vương trong lòng người đọc.

Chiến hào

1
Từ trên đỉnh núi mây bay
xin hãy nhìn đây
chiến hào xẻ dọc ngang mặt đất
Chiến hào
như luống cày
dưới cánh đồng mới cày
như đường chỉ tay
trong lòng tay gồ ghề lấm láp
Chiến hào
gợi nhớ nếp hằn sâu
những bán cầu đại não
gợi nhớ
lằn gân xanh
bàn tay mẹ lam làm tần tảo
gợi nhớ
đường động mạch đỏ tươi
trên mô hình giải phẫu người
Chiến hào
như
và như…
dù ví von cách nào cũng không đúng cả
xin cùng nhau xuống đây
xuống lòng chiến hào này
trần trụi con người với đất đá
2
Chiến hào nhăn nheo nếp mặt người già
ụ súng cộm chai trong lòng tay thiếu nữ
công sự mới trên nền công sự cũ
căn hầm vừa lấp xuống lại đào lên
Hối hả nào
hối hả nữa lên
đất mềm – xẻng
đất cứng – cuốc chim
đá – xà beng
và choòng
và búa…
thép chạm đá bật tung chùm lửa
bụi đất bốc cao phủ khói một vùng đồi
Rồi đêm
đêm ướt đẫm mồ hôi cùng sương muối
chát chúa lòng hào phát sáng mãi không thôi
cuốc thình thịch
qua tim thình thịch
mặt chạm mặt gặp hơi thở nóng
xoa xuống đất bàn tay rát bỏng
cho dịu đau
và nắm cho chặt hơn
Rồi sáng
sáng bắt đầu từ màu trắng màn sương
mặt trời mọc trong lòng tay đỏ rực
từ gương mặt hồng hào bụi đất
nắng lên lấp ló sau hàng mi
những dải tóc dính bết
những áo ướt dính bết
nếp áo mỏng ngoằn ngoèo – quên sao được
lằn chiến hào trên lưng áo ai kia!
3
Và đường hào thoắt hiện lên kia
trận địa liên hoàn mắt lưới
có phép lạ nào sau đêm thần thoại
sức người thôi
vẫn chỉ sức người!
Một dân tộc đã quen chặn giặc
đắp với đào thành phản xạ tự nhiên
một bờ cõi đã khẳng định mình
chiến lũy có trước cả đường biên giới
Đất này của những chàng Sơn Tinh
của thần trụ trời
của người tát bể
để tồn tại – mặc nhiên là phải thế
con dao cài dưới mái tranh
mác đá, tên đồng mang theo trong mộ cổ
con đê xuất hiện cùng cây lúa
cùng với làng là lũy tre xanh
cùng với nước phải có cung, có nỏ
chiến hào xưa còn đó – Cổ Loa thành
Có đất nào như đất này không
mọi hẻm núi đều là cửa ải
mỗi cánh rừng một công sự thiên nhiên
người xưa đi qua, Quỉ Môn quan để lại
Có đất nào như đất này không
chiến hào khổng lồ là những dòng sông
các phòng tuyến đời lại đời chuyển tiếp
nước chở phù sa – nước chặn kẻ thù
nước chảy mãi
chiến hào dài thêm mãi
một dân tộc sinh ra và lớn dậy
dọc những dòng sông và những chiến hào
4
Có ai trên đất nước này
mà số phận không dính vào chiến trận?
tiếng trẻ chào đời dưới hầm sâu – quen lắm
đám cưới, đám tang trong lòng đất – cũng quen rồi
Có cụ già quen đào bới một đời
thanh thản, chuyên cần như học chữ
hào chữ chi
rổi hầm chữ T
chữ A…
một thời kỳ lại đổi “mốt” hầm mới
“mốt” áo vá dẫu cả đời không đổi
sức sống cứ dẻo dai và dữ dội
thương đến không cùng, máu thịt của ta ơi!
Rất tự nhiên, đến lượt chúng ta thôi
lại trần trụi con người với đất đá
ta đào!
hối hả nào
hối hả nữa lên
đất mềm – xẻng
đất cứng – cuốc chim
đá – xà beng
và choòng
và búa…
Và ta nói, không phải ví von nữa
chiến hào với ta là một phần thân thể
đường chỉ tay trong lòng bàn tay
nếp nhăn dày trên vỏ não
lằn gân xanh
và mạch máu đỏ
trận đánh mới bắt đầu như vậy đó!

Ca dao vọng về

1
Chờ em từ bấy tới giờ
làm ra cái vẻ tình cờ qua đây
tình cờ gió thổi lá bay
hoá ra đã hẹn từ ngày chưa quen
2
Chao! đêm đẹp biết chừng nào
vẫn xin em chớ làm sao giữa trời
sáng hoài mà chẳng có đôi
đẹp như trăng cũng lẻ loi khuyết tròn
3
Bảo rằng nói một lời đi
lại thôi, nào đã có gì với nhau
nhùng nhằng những chuyện chi đâu
gần xa như bạn như bầu thế thôi
4
Ngả bàn tay nhớ bàn tay
hương thơm buổi ấy thoáng bay trở về
nói nhiều cũng chỉ mình nghe
nhớ nhau mình lại vuốt ve tay mình…

Sông Thao

Sông Thao thêm một lần tôi tắm
thêm một lần tôi đến để rồi đi
gió cứ thổi trống không ngoài bãi vắng
tôi nhìn em để không nói năng gì
Tôi gửi lại đây cái buồn vô cớ
để mang về cái nhớ bâng quơ
xin chớ hỏi tại làm sao như vậy
tôi vốn không rành mạch bao giờ
Em đưa tiễn bước chân gìn giữ lắm
hạt mưa dùng dằng ngọn cỏ ven đê
yêu mến ạ xin đừng buồn em nhé
giòng nước trôi đi, giọt nước lại rơi về…

Gửi từ vùng gió Phan Rang

Gió vô hình, gió không là gì cả
ai mách giùm tôi hình dáng gió thế nào
Có lúc gió giống chiếc móng chiếc vuốt
rát mặt người và nhàu nát chồi cây
đó chưa phải là hình dáng ngọn gió
Trái đất sẽ ra sao khi một ngày nào kia không còn gió nữa
lá cây bỗng hết xạc xào
mây dừng lại và sao thôi nhấp nháy
mùi hương hoa rụng xuống gốc cây hoa
hạt phấn chết im lìm trong vỏ lép

Vậy thì hình dáng gió thế nào?

Nắng Phan Rang gió tím mọng chùm nho
gió xanh biếc cọng hành trên cát đỏ
đường Vĩnh Hảo gió vàng ươm thuốc lá
và trắng xóa muối đồng Cà Ná
và thơm lừng bóng mát ngọc lan
gió lăn tăn xua đuổi nỗi nhọc nhằn
Mắc mớ chi mà gió bỗng đa tình
tà áo phất phơ bay và chiếc nón chòng chành
tôi tới em qua nhịp cầu sợi tóc
gió làm đường đưa phấn tới nhụy hoa
gió chải tóc em dài ra tận biển
em thon thả ngả lưng trên cát mịn…
Tôi nhìn ra hình dáng gió đây rồi!

Trên đồng bông Phước Sơn

Quê em miền nắng cháy
giọt mưa thì hiếm hoi
mây qua không dừng lại
cát bụi bay mù trời
Con đường em bước đi
gai xương rồng nhọn quá
gió như đàn ngựa hoang
trên đồng khô trắng xóa
Em là nước cho cây
em là sương cho cỏ
em là sợi cho bông
và cho anh – nỗi nhớ
Vì em nên lá xanh
vì em bông trắng nở
bài hát anh đặt lời
cũng vì em – mà có

Đà Lạt một lần trăng

Trăng ảo ảnh lập lờ trong sương trắng
ngọn gió nhà ai thấp thoáng ở bên đồi
tiếng móng ngựa gõ ròn trên dốc vắng
nghe mơ hồ một chiếc lá thông rơi
Em nhóm bếp bằng củi ngo chẻ nhỏ
ngọn lửa lấp đi khoảng vắng giữa hai người
tôi lơ đãng nhìn em nhìn lơ đãng
siêu nước pha trà vừa ấp úng sôi
Em biết chứ, chả ai lơ đãng cả
hòn than kia đang đỏ đến hết lòng
mà ngọn lửa cứ giả vờ le lói
mùi nhựa thông theo sợi khói đi vòng…

Tình ca nơi cuối đất

I
Em ở tận đầu trời
anh về nơi cuối đất
biết rằng em đằng sau
vẫn thấy em phía trước
Van em đi cùng anh
đến nơi rừng tràm đước
đến với trời và nước
mũi Cà Mau, xa xôi
II
Bắc – Nam liền nhau rồi
chúng mình còn xa cách
em ngủ nơi đầu trời
anh gác nơi cuối đất
Anh nhìn gần – cửa rạch
anh nhìn xa – hòn Khoai
mũi đất đầu mũi súng
Cà Mau, Cà Mau ơi!
Cứ thay em đứng chờ
chiều chiều nơi chót mũi
cứ thấy em đứng đợi
sớm sớm phía chân trời
Mờ xa xanh biển khơi
tít tắp xanh rừng đước
nơi tận cùng đất nước
tình yêu không bến bờ
III
Chúng mình lại yêu nhau
qua dài sông rộng bể
sẽ còn yêu như thế
suốt một thời thanh bình
Dầu phải hết chiến tranh
thì hy sinh chấm dứt
em vẫn nơi đầu trời
đợi anh nơi cuối đất
Em – niềm kiêu hãnh nhất
mũi Cà Mau của anh!

Lời ru từ mũi Cà Mau

Xin cho em giấc bình yên
giữa đước
và giữa muỗi
Xin cho em giấc bình yên
bên cá khô
và bên đống lưới
Xin cho em giấc bình yên
bên bé con da bóng như sừng
bên người già nắng gió lặn trên lưng
Xin cho em giấc bình yên
bên tôi
và bên biển
Đêm đặc quánh và đen tuyền
tôi vẫn thấy
ở đằng sau hàng mi nhắm nghiền
con mắt ướt chờ trông như mắt lưới
Muỗi thổi sáo tưng bừng như vũ hội
tôi vẫn nghe
ở đằng sau áo mỏng lạnh lùng kia
sóng cồn cào trong da thịt ấm áp
Em về đây từ xa lơ xa lắc
không ngẫu nhiên
và không dại dột
có lẽ nào chỉ để ngủ bình yên
một đêm
rồi tay trắng trở lại nơi xuất phát
Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm
ở đằng sau sự chấp nhận nhọc nhằn
chấp nhận mọi tai ương bất chợt
bùn đất tiếp tục đời chất phác
người vô danh lấp trong ngàn đước
tiếp tục đời vô danh
và chiếc xuồng con tiếp tục dập dềnh
Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm
ở đằng sau cây sào lưới khẳng khiu
con rạch mặn đục ngầu phù sa bể
cây cầu khỉ tiếp tục đời cầu khỉ
thân đước nhẵn lì vết chân nhiều thế hệ
em chông chênh, em run rẩy lần qua
Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm
ở đằng sau mái dừa nước đơn sơ
sàn gỗ đước sạch bong và mát rượi
kẻ hành hương rối tóc với rừng già
nỗi day dứt đầy mình như vết muỗi
máu em hồng lấm tấm ứa trên da
Còn một chút gì thiêng liêng trang trọng lắm
ở đằng sau tiếng em thở không đều
tiếng sột soạt trở mình đêm khó ngủ
tiếng gió bể ào ào đi trên lá
tiếng sóng ngoài xa hào sảng đổ ầm ầm
thiên nhiên tiếng bổng tiếng trầm
còn tôi chỉ biết âm thầm ru em
Xin cho em giấc bình yên…

Nhịp điệu bóng đá

đá
đá
và đá…
một quả bóng lăn trên nền cỏ
một cú đá đặt vào đúng chỗ
hàng tỷ người say ngả say nghiêng
quả bóng bay chéo vào khung gỗ
tiếng vỗ tay gây vụ nổ dây chuyền
đá
và bóng
và bóng đá
thông thường quá mà sao kỳ lạ
cái đơn điệu xuất thần biến hóa
quả bóng thôi mà quả đất cũng rung lên
đá
và bóng
và bóng đá
cái đẹp này đâu nhờ cậy áo xiêm
hay với dở cần gì miệng lưỡi
tốt với xấu phơi trần trên sân bãi
thắng với bại đừng có hòng chối cãi
quả bóng câm không gian lận bao giờ
đá
đá
và đá
trần trụi cả
hết lòng

hết sức
trần trụi tuốt
thực tài
và thực lực
thực chất vinh quang không thể dối lừa
cứ hết mình mà cuồng nhiệt say sưa
đá
đá
và đá
mặc gió, mặc mưa
cứ reo hò
mặc nắng, mặc khát
cứ la hét
những khán đài lặng đi
những khán đài gào thét
có thánh đường nào đông giáo dân hơn
có bài thánh ca nào bì kịp
lời tụng ca đến vỡ cả cầu trường
đá
và bóng
và bóng đá
quả bóng quên kiếp mình lăn lóc
cho người xem sung sướng đến không lường
người xem quên phận mình cực nhọc
ham đến yêu và yêu đến mê luôn
giá em được yêu như bóng đá
một tình yêu anh cũng thèm thuồng
đá
và bóng
và bóng đá
xin kính cẩn nghiêng đầu trước cỏ
trước những tài năng đứng bằng chân mình
nghĩ cho cùng
các anh cũng chả là gì cả
(Pê-lê ạ, Cru-íp ạ)
nhưng nếu bây giờ thiếu vắng lũ các anh
quả đất bỗng nghèo nàn đi mất
biết so sánh thế nào việc bay vào không gian
với việc đoạt huy chương vàng dưới đất
quả bóng buồn tênh qua chân các anh
bay bay lên mà thành nghệ thuật
và cú đá người đời không ưa
các anh biến hóa ra cái đẹp
đá
và bóng
và bóng đá
quả bóng câm có tiếng nói rồi
một ngôn ngữ tuyệt vời
để ca ngợi
con người
và sự thật
những thi sĩ làm thơ bằng chân ơi
sáng tạo của các anh là tổng lực
nhịp điệu các anh đáng nhớ biết chừng nào
đá
đá
và đá…
đá quả bóng tròn
không đá nhau

Trên đây là những bài thơ của Nguyễn Duy hay nằm trong tập thơ Ánh trăng mà chúng tôi đã tìm hiểu và chia sẻ với bạn. Thông qua các bài thơ này ta có thể cảm nhận và hình dung được chân dung của người chiến sĩ, người mẹ… Tất cả đều rất chân thành, mộc mạc và giản dị. Ở đó ta cảm nhận được suy nghĩ, tâm trạng của cả một lớp người, một thời đại của dân tộc ta.