Nhà thơ Hải Như cùng tập thơ Nỗi Buồn Hoa Bất Tử được yêu thích nhất phần 1

Nhà thơ Hải Như được đánh giá khá cao trong nền văn học Việt Nam. Ông tên thật là Vũ Như Hải, sinh năm 1923 tại thôn Bái Dương, xã Nam Dương, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định, mất ngày 30-6-2017 tại TP Hồ Chí Minh. Theo nhiều nghiên cứu thì tập thơ Nỗi Buồn Hoa Bất Tử của ông mang đậm chất trữ tình bộc lộ sâu sắc những tâm tư tình cảm của ông. Đa số những tác phẩm của ông đều viết về Bác và quê hương, đất nước. Nhiều tác phẩm của ông đã được phổ nhạc và được yêu thích. Cùng cảm nhận những bài thơ này của ông nhé!

Bỡn một nhà sư

Gửi nhà sư Đ.Ng
Cứ ngỡ
Đường tu phàm tục dứt
Ngờ đâu cõi Phật vẫn… cần danh
Mừng ai hòa thượng vừa lên chức
Nhắc khẽ:
Đừng quên nợ chúng sinh!

Chưa đặt tựa đề

Tưởng nhớ nhà báo Phùng Bảo Thạch
I
Nhà thơ không có tuổi
Tuổi nhà thơ
Trong thơ
Đọc Kiều có ai hỏi
Tuổi Nguyễn Du
Bao giờ?
II
Giấy thông hành nhà thơ phải do chính tay nhà thơ
Tự cấp
Vượt mọi thử thách thời gian
Đi vào
Vĩnh viễn trái tim người…

Đạo Phật nếu tôi yêu

Với Tuệ Trung thượng sĩ – Nhà Phật học lớn đời Trần
“Phật là Phật – Anh là anh
Anh không cần thành Phật
Phật không cần thành anh!…”
Ơi thượng sĩ Tuệ Trung
Câu nói đó đã vào lịch sử
Cửa Thiền gia…
Tôi sống cách xa Người
Hơn bảy trăm năm còn nghe rõ tiếng ai cười
Trên bàn tiệc trả lời cô em gái
Ôi con người con người mãi mãi
Không thấy cần trở thành chính mình
Với vẻ đẹp an nhiên
Lại viễn mơ thành Phật – bởi quên
Phật không ở ngoài ta Phật trong ta
Cảm ơn Tuệ Trung khơi dậy
Từ bảy thế kỷ trước Tuệ Trung đã thấy
Bảy thế kỷ sau con người vẫn chưa tỉnh vọng mê
Nhân loại trên ngưỡng cửa 2000 đặt chân tới sao Khuê
Nhưng hạnh phúc trần gian đang còn ẩn số
Tuệ Trung đánh thức mọi tâm linh đừng mặc cảm mình bé nhỏ
Phút thăng hoa chào đón mọi con người
Phật trong anh Phật cũng ở trong tôi
Khi trở thành chính mình tất cả đều là Phật
Con người đầy ảo tưởng vô minh
Đánh mất mình quá lâu
Cần khôi phục “chân thân” – đừng để mất
Tuệ Trung không muốn chúng ta hiểu sai đạo Phật – lạc đường
“Phật với chúng sinh diện mạo vốn cùng khuôn”
Đạo Phật nếu tôi yêu
Cảm ơn. Cảm ơn nhiều – thượng sĩ…

Đêm trăng trên chùa Pháp Hoa

Có phải thuở hồng hoang thế đó
Trong mối giao hòa vạn vật thân nhau
Ta muốn hỏi bức tranh ai họa
Chùa Pháp Hoa treo ở trên lầu?
Bức tranh vẽ một nhà đạo sĩ
Gối đầu lên lưng hổ – giấc nồng
Trong tĩnh lặng rừng khuya trăng sáng
Trời đêm nay trùng lặp cung trăng trong
Thầy viện chủ giờ này đang thiền tọa
Dưới tăng phòng khách một mình ta
Bỗng đạo sĩ trong tranh thức giấc
Ta nhận ra Người – đạo sĩ nhận ra ta!
Đạo sĩ nở nụ cười thuần phác
Khẽ ghé vào tai hổ – bạn mình
Hổ đứng dậy vươn vai hớn hở
Cả hai cùng ra khỏi bức tranh…
Ta khao khát bao điều ấp ủ
Muốn hàn huyên – chợt động tiếng chân người
Hổ lẹ trườn mình ra hiệu nhà đạo sĩ
Quay trở về tranh đứng – bỏ ta thôi!
Ta chạy theo định giữ chân ai lại
Nhưng trông lên đã thấy hổ và người
Lại trìu mến gối đầu nhau dưới nguyệt
Hổ lánh xa vì thoáng thấy bóng đời
Thuở hồng hoang hổ với người kết bạn
Nay hổ tránh người – sợ bạn – buồn ơi
Khuya chơi chùa Pháp Hoa về ta không ngủ nổi
Nhân loại hôm nay cần xem lại con người…

Gửi nhà du hành vũ trụ

Bay càng cao càng xa
Tôi đoán biết các anh càng không được lơi là một phần nghìn giây
Hướng về mặt đất
Nơi có tình yêu. Nước mắt. Nụ cười
Nơi có cuộc sống con người đòi chúng ta buồn vui có mặt.
Nơi trả lại cái các anh bị mất khi lên cao:
Trọng lượng con người.

Hạ Long nhìn mới

Nghìn lần. Xin nghìn lần biết ơn tạo hoá
Giao cho ta gìn giữ một kỳ quan
Để nhân loại muôn phương ao ước tới
Chiêm ngưỡng bức tranh nổi thiên nhiên hoành tráng liên hoàn
Núi. Núi. Núi. Hàng nghìn chàng si núi
Bị chôn chân bởi nàng biển đa tình
Giữa bát ngát hạ Long mời gọi
Em yêu nào – ngửa mặt đón hôn anh!
Hang “Đầu gỗ” – xin phép người xưa cho đặt mới
Động “Thử thách tình yêu” – Kim Trọng hẹn cô Kiều
Truyền thống ta không quên. Nhưng quá khứ đau thương và cả hào hùng cần khép lại
Cuộc đối thoại năm 2000 bằng ngôn ngữ tình yêu.
Biển.Nhân loại thiếu gì nơi biển hát
Tiếng sóng vỗ Hạ Long âm thanh khác – nghe êm
Nghìn vách đá – Vịnh trở thành cây dương cầm nghìn phím
Bartok không còn để ta mời đến đây nghiên cứu nhạc thiên nhiên
Hang “Bồ nông” – bay đâu hết Bồ nông? Tới gần nên tắt máy
Ta làm sao mau chóng gọi chim về
Vào thiên kỷ thứ ba hành tinh_ đang xanh lại.
Giữa con người muông thú chẳng phân chia!
Một ngày chẳng đủ đâu – phải nhiều tuần rong ruổi
Vui không em – được lạc lối giữa kỳ quan
Nghìn khúc ngoặt mở ra nghìn Đào nguyên tiếp nối
Sáng. Trưa. Chiều. Khúc xạ đổi dung nhan…

Hà Nội 80

Ta lại trở về thăm Hà Nội của ta
Ơi đất thánh của những ngày lửa đạn
Những năm tháng lòng tin không mảy may nứt rạn
Dưới hầm sâu vẫn thắp sáng mai đời
Thuở ấy chưa xa người toả ấm tình người
Ta không thẹn với những ngày đã sống
Nhớ mãi buổi em tìm gặp đưa tay ta nắm
Nắm tay rồi ta bỗng lặng quay đi
Giữa những tháng năm-ai-cũng-gầy-đi
Riêng mình khác là can vào tội lỗi
Hà Nội sáng làm sao ngay giữa lòng phố tối
Tháng năm xưa ai cũng đẹp lên nhiều
Ta lại đi trên đường cũ Tình yêu
Tên ta đặt đường Nguyễn Du – hoa Sữa
Hà Nội ơi – hương không còn nồng nữa
Trong chiến tranh hương hoa Sữa thơm nồng
Có phải vì muốn tặng những cuộc chia ly hoa Sữa ngát hơn không
Ôi thuở ấy lên đường những ai không trở lại?
Vườn Văn miếu vẫn toả hương hoa Đại
Hương của nghìn xưa gửi lại nghìn sau
Ta muốn hỏi hương những mối tình đầu
Dưới gốc Đại thề non có còn chung thủa?
Và Hồ Gươm vẫn trầm tư suy nghĩ
Về cuộc đời. Về năm tháng. Tình yêu
Đi giữa Hà Nội 80 – ta không giấu – buồn nhiều
Lòng khác khoải với riêng mình câu hỏi
Xe lịch sử vào khúc quanh có phải?
Để rồi ta lại thao thức trả lời ta
Như em vô cùng – nhớ cặp mắt buồn xa
Với Hà Nội mang nặng tình sau trước
Đi trên đường Hà Nội khuya nghĩ về đất nước
Nghĩ về em – Hà Nội tháng năm này…

Hà Nội mùa thu kéo dài

Em có thấy Hà Nội năm nay mùa thu kéo dài
Vì đoán biết hai đứa mình sắp xa nhau thu kéo dài nôi nhớ
Hà Nội trên các công viên mùa thu vàng rực rỡ
Nhưng khi gõ cửa phòng anh thu lại dỏ không vàng
Em gái chiều anh màu áo em mang
Mỗi buổi đến thăm anh đều cho anh chọn lựa
Hổ Gườm xanh. Vườn Văn miếu Vàng Anh ưng sắc đỏ
Sắc trái tim nồng. Em hiện hình như ngọn lửa tình yêu
Màu đỏ tỏa hương trên mỗi bước dáng kiều
Giữa đường phố Hà Nội ngập vàng thu em là trái chín
Có cuộc xa nhau lứa đôi nào lại không bịn rịn
Sương chiều buông đường Phan Chu Trinh đủ lạnh cho hai đứa choàng lưng
Trên ngưỡng cửa tháng 12 Hà Nội vẫn trăng trong
Và hoa Sữa vẫn tỏa hương tặng những cuộc chia ly biết đợi
Mùa xuân đẹp mấy rồi cũng trôi qua. Và mùa hạ. Mùa đông. Riêng mùa thu còn mãi
Mùa thu còn bởi vàng thu mãi mãi gợi tình yêu…

Hoa bìm bìm núi

Tam đảo có hoa tú cầu có hồng nhung chào đón khách
Nhưng ta lại ngẩn ngơ trước hoa núi bìm bìm
Giữa hoang phế sáng nay – ta muốn minh oan cho một loài hoa bị dời nghĩ xấu
Sắc tím bìm bìm bỗng trở nên sang trọng
Buộc ta liên tưởng xưa nơi đây từng một thuở hoàng kim…

Không trách Zico

Chúng ta trách siêu cầu thủ Zico
Nhưng cũng không trách Zico xút quả 11 mét không vào
Socratess – Và cả Platini
Không điều khiển nổi quả phạt đền trước khung thành như ý muốn
Đời vẫn vậy – thường có những nốt nhạc sai
Trong bản hòa thanh hợp xướng
Khiến những nhạc công bậc thầy còn tiếc nuối đến trăm năm…

Mây

Tặng thầy thuốc Vân A
Ta lại đến Côn Sơn
Ngủ đêm chân núi cũ
Trằn trọc đích con người
Năm 2000 gõ cửa.
Sông Lục đầu vẫn đó
Dãy Yên Tử còn đây
Riêng Nguyễn Trãi mới vắng
Mây. Và mây. Và mây.
Trầm tư núi tím đứng
Bâng khuâng mây trắng bay
Thu sáu trăm năm trước
Có giống sáng thu này…?

Mệnh số

Em khoe anh
Em đọc Tagor từ ngày nhỏ
Nhiều bài thơ tình Tagor em thuộc đến bây giờ
Ôi nếu vậy quả yêu là mệnh số
Không phải với nụ cười nào
Anh cũng tặng cánh hoa thơ…

Nghĩ về Tổ quốc

Tặng Kỳ Hạnh
Đứng ở mũi Cà-mau chiều nay ta giật mình nhận ra mùa thu Nguyễn Khuyến
Không chỉ ở châu thổ sông hồng mà vui chứ!
Lạ sao?
Nơi mũi cuối ta dấn thăm cũng: “nước biếc trông như làn khói phủ”
Và “song thưa” căn nhà ba gian hai chái ta ngồi đây giống như đã miêu tả nhà thơ: “để mặc bóng trăng vào”.
Trên đường phố Paris hình ảnh sông Hương chợt hiện ra khi ta hàng hoàng gặp đôi mắt Huế.
Mắt Huế gợn sóng hơn mắ Sài Gòn – rất gần mắt Hà Nội sâu thẳm nhung đen
Những bài thơ tình Apollinaire ta dễ dàng cảm nhận cái hay bởi ta từ một đất quê xứ sở
Mỗi dòng sông mỗi cánh đồng đều đầy ắp điệu hò và khúc hát giao duyên
Bà Huyện Thanh Quan tặng mỗi chúng ta một đèo Ngang có thể ta chưa tới
Nhưng đã rung động đáy lòng ta. Hỏi đúng thế không em?
Giao thừa ở chân trời xa không có hoa đào vắng cả hoa mai – ta tắt điện đi và thắp nến
Thắp một nén hương vòng: Tổ quốc bỗng hiện lên.
Trước những pho tượng chùa Tây phương các bạn nước ngoài đứng chôn chân chiêm ngưỡng
Ta lại rạo rực bồi hồi không ngăn nổi giọt nước mắt tràn mi
Cái đẹp dân tộc nào cũng sản sinh nhưng cái đẹp Việt Nam chỉ Việt Nam mới có
Mối tình Romeo-juliette dẫu nồng nàn chẳng làm ta quên được Trương Chi
Nguyễn Du viết Kiều qua tích truyện nước ngoài nhưng khi tả vầng trăng kim Trọng nhớ
Người con gái trao kim thoa buổi gặp đầu – là vầng trang Việt Nam – nỗi nhớ cũng Việt Nam
Đọc Kiều nếu ta không thấy điều trên hãy đáng buồn: tức là ta đã mất
Nguyên Du sánh Puskin và sánh với Tagor bởi ngay từ còn ẳm ngửa tắm dòng lam
Tổ quốc đâu phải chỉ là cái hữu hình ở ngoài ta – đất đai biên giới
Với cột mốc ngăn chia mà còn cả cảm thụ tâm hồn
Cảm ơn Hồ Xuân Hương có-một-không-hai đã cho ta bài thơ “Đánh đu’ rất Việt Nam. Và đó là Tổ quốc
Em cho anh nói đủ nghe thầm: Tổ quốc cả trong hôn…

Trên đây, uct.edu.vn đã chia sẻ cho bạn những bài thơ hay và đặc sắc của nhà thơ Hải Như trong tập Nỗi Buồn Hoa Bất Tử. Qua bài viết này hy vọng các bạn sẽ thêm phần hiểu hơn về phong cách sáng tác thơ của ông. Hãy đồng hành cùng chúng tôi để theo dõi những bài viết đặc sắc hơn nhé!