Lời thề cỏ may ( Phạm Công Trứ ) – Nuối tiếc tình cảm năm xưa
Bài thơ Lời Thề Cỏ May là một tác phẩm vang danh của nhà thơ Phạm Công Trứ. Bài thơ chính là sự tiếc nuối của nhà thơ đối với mối tình đẹp đầy mơ mộng của mình. Với ngòi bút đậm chất trữ tình mà bài thơ khiến cho bạn đọc phải bồi hồi xúc động
Ông cũng là một nhà thơ lớn của nước ta. Với sự cống hiến không ngừng nghỉ mà ông đã được tặng rất nhiều giải thưởng danh giá về văn học nghệ thuật
Hãy đón xem và cảm nhận bài thơ hay này nhé!
Lời thề cỏ may
Làm sao quên được tuổi thơ
Tuổi vàng, tuổi ngọc – tôi ngờ lời aiThuở ấy tôi mới lên mười
Còn em lên bảy, theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín cỏ may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm
Tuổi thơ chân đất đầu trần
Từ trong lấm láp em thầm lớn lên
Thế rồi xinh đẹp là em
Em ra tỉnh học em quên một người
Cái hôm nghỉ Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò
Gặp tôi, em hỏi hững hờ
“Anh chưa lấy vợ, còn chờ đợi ai?”
Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lêTrăng vàng đêm ấy, bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may…
Cảm nhận bài thơ Lời Thề Hoa Cỏ May của Phạm Công Trứ
Chắc hẳn, ai cũng từng đi qua một thời thơ ấu và luôn giữ cho riêng mình những kí ức tuổi thơ mà chẳng thể nào quên được. Ấy là khoảng trời ngây ngô, vụng về, trong sáng mà đẹp đẽ biết bao. Mỗi kỉ niệm hồn tuổi thơ là một phần hồn quê nuôi dưỡng ta lớn lên và nâng bước ta trên chặng đường phía trước. Thế nhưng lại có những con người lãng quên đi tuổi thơ, lại hờ hững trước những kí ức vụng dại, những lời hẹn ước nên thơ, lại đành tâm vứt bỏ lối sống giản dị, mộc mạc mà mình đã từng ngấm đọng cả một thời. Cô gái trong bài thơ ‘’Lời thề cỏ may ‘’ của Phạm Công Trứ là một người như vậy. Sự thay đổi sau một thời gian ở phố về, cô gái dường như đã quên đi tất cả, khiến cho nhân vật trữ tình ‘’tôi’’ phải dằn vặt, xót xa cho những lời hẹn ước xa vời.
Ngay trong hai câu thơ đầu, tác giả mở lại cánh cửa tâm hồn của con người – cánh cửa tìm về thời thơ ấu: Làm sao quên được tuổi thơ
” Tuổi vàng tuổi ngọc tôi ngờ lời ai?”
Thì ra, duyên cớ để có một ‘’lời thề cỏ may ’’lại xuất phát từ những dấu ấn sâu đậm của tuổi thơ. Đó là cả một thời vô tư, một thời ‘’tuổi vàng ‘’ ,’’ tuổi ngọc’’ vụng dại, cùng nhau lớn lên, cùng nhau xây dựng thành công những khoảng trời kí ức tuyệt đẹp:
Thưở ấy tôi mới lên
” Còn em lên tám theo tôi cả ngày
Quần em dệt kín bông may
Áo tôi đứt cúc, mực dây tím bầm ”
Tuổi thơ là một thời đùa nghịch hồn nhiên nhất. Bông cỏ may nào trên cánh đồng xanh ngắt kia đã vô tình gắn đầy quần khi em đi ngang qua, khi em mải chạy theo những chú bướm đang tìm hoa. Còn tôi, có thể tôi thích những trò tinh nghịch hơn. Cuộc ‘’chạy đua cõng đá’’ trong những giờ ra chơi làm ‘’áo tôi đứt cúc’’, chỉ cần sơ ý chạm vào lọ mực thế là ‘’mực dây tím bầm’’. Em thế, tôi thế, cả hai đều nghịch ngợm, đều vụng về. Nhưng rồi chính cái vụng về ấy, đã đẩy em có những bước tiến xa hơn
” Tuổi thơ chân đất, đầu trần
Từ trong gian khổ em vùng lớn lên ”
Em dường như đã thoát hẳn khỏi thời mục đồng chăn trâu ‘’chân đất’’ , ‘’đầu trần’’ở chỗn làng quê nghèo khổ, cực nhọc ‘’ em vùng lớn lên’’; em đã chẳng còn là em – cô bé con vụng dại ‘’ theo tôi cả ngày’’ như trước.
” Bây giờ xinh đẹp là em
Em ra phố thị dần quên một thời ”
Ta vừa đọc: ‘’ Bây giờ xinh đẹp là em’’ , đã thấy ngay trật tự câu thơ không bình thường. Đại từ ‘em’’ trở thành một định nghĩa cho tính từ ‘’xinh đẹp’’. Phải chăng đây không chỉ đơn thuần là một lời khen mà chính vẻ đẹp không bình thường ấy đã làm cho chàng trai kia phải thao thức, phải chật vật. Ừ! Thì em rất xinh đẹp, vẻ đẹp đô thị mà bao cô gái muốn có được. Nhưng với tôi, có lẽ em sẽ hợp với sự mộc mạc, giản dị, quê mùa như trước hơn.
” Về quê ăn Tết vừa rồi
Em tôi áo chẽn, em tôi quần bò ”
Cái ‘’ ít nhiều’’ trong thơ của Nguyễn Bính đã dịch chuyển xa hơn trong thơ Phạm Công Trứ. Có lẽ, cô gái này không chỉ thay đổi ở vẻ ngoài mà dấu ấn thị thành đã in vào tận tâm hồn của cô nên mới ‘’dần quên đi một thời’’. Để rồi buông ra câu hỏi hững hờ:’’ Anh chưa lấy vợ còn chờ đợi ai?’’ Một câu hỏi phũ phàng không cần câu trả lời. Có cái gì đó đổ vỡ trong lòng chàng trai và cộng hưởng thêm là âm thanh sắc nhọn , lảnh lót của một chuỗi cười quá đỗi vô tình:
” Em đi để lại chuỗi cười
Trong tôi vỡ một khoảng trời pha lê ”
Cùng với khoảng trời pha lê bị đổ vỡ là những kỉ niệm của tuổi thơ. Những lời hẹn ước thầm kín bỗng vụt tắt. Có lẽ nguyên nhân sự đổ vỡ ấy không chỉ xuất phát từ ‘’ lời thề cỏ may’’ quá mong manh mà sâu xa hơn đó là sự xung đột của văn hoá nông thôn và văn hoá thị thành. Một bên là sự tĩnh tại, bình ổn, một bên là sự xê dịch xáo trộn, hai nhân vật ở thế đối lập nhau. Em đi để lại chuỗi cười, còn người kia thì ở lại – ngồi gỡ lời thề cỏ may. Người thiếu nữ ‘’ Chân quê ‘’ của Nguyễn Bính chỉ ra tỉnh có một hôm mà đã bay đi chút hươngđồng gió nội và người thiếu nữ của Phạm Công Trứ cũng gần giống như vậy, chỉ mới bước chân lên thành phố có một lần mà đã quên đi những kỉ niệm của thời vàng ngọc. Cô gái thay đổi trong cách ăn mặc, trong lời ăn tiếng nói và cả sự hờ hững của người chốn quê. Chỉ có người ở lại nơi không gian nhỏ hẹp nên chất quê không bị mất đi và tâm sự lại khép kín trong hoài niệm:
” Trăng vàng đêm ấy bờ đê
Có người ngồi gỡ lời thề cỏ may”
Hình ảnh một vầng trăng đơn chiếc, một bờ đê lặng lẽ và những bông cỏ may vướng víu hoà quyện vào nhau tạo thành một không gian nghệ thuật, không gian mơ mộng, không gian nhớ nhung. Thế nhưng, chàng trai đang ngồi gỡ lời thề phải chăng nó còn phảng phất sự tiếc nuối, sự tĩnh tâm, xoa dịu nỗi bất an mà vẫn bối rối tơ lòng. Từ hình ảnh ‘’quần em dệt kín bông may’’ thời ấu thơ, tác giả đã tự dệt cho mình một lời thề cỏ may, đó là lời thề thật hay chỉ là sự ngộ nhận bâng quơ để rồi bây giờ một mình lặng lẽ ngồi gỡ lời thề ấy.
‘’ Lời thề cỏ may’’ một bài thơ rất cảm động, giàu chi tiết nội tâm và đời sống. Bài thơ kết thúc với hình ảnh trìu mến gợi lên cảm giác buâng khuâng, xao xuyến cho người đọc, cho những ai đồng cảm với tâm trạng của nhà thơ. Trong bộn bề cuộc sống với những mâu thuẫn và trong sự giao thoa của nhiều luồng văn hoá hiện nay, bài thơ là điểm nhìn cuộc sống được tác giả thể hiện sâu sắc và chân thực nhất. Qua đó, cái duyên dáng mộc mạc của thể thơ lục bát – dân tộc có lẽ cũng đã góp phần làm nên cái “hồn cốt” của bài thơ vậy!
Trên đây, uct.edu.vn đã dành tặng bạn một bài thơ đặc sắc của nhà thơ Phạm Công Trứ. Một mối tình buồn bã và đầy xúc động của nhà thơ. Hãy chia sẻ và cảm nhận ý nghĩa bài thơ này nhé! Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết của chúng tôi!
Tin cùng chuyên mục:
150+ Bài thơ thả thính Trai [Tuyệt Chiêu Tán Trai] Cực HOT
[HOT] 101+ bài thơ tỏ tình theo tên hay khiến Crush “đổ gục”
#199 Bài thơ tỏ tình Crush hay nhất làm “tan chảy” mọi trái tim
[Tuyển Tập] Thơ thả thính 2 câu Cưa Đổ Gái Xinh ngay từ lần đầu