Quan Hải ( Nguyễn Trãi ) – Tầm Quan Trọng Của Lòng Dân
Quan Hải là một bài thơ đặc sắc của Nguyễn Trãi. Bài thơ được ông sáng tác vào thời điểm sau chiến thắng chống quân Minh xâm lược . Thể hiện sự suy tư về lẽ hưng vong của triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, đồng thời cảm thán về nỗi đau uất hận của anh hùng thất thế
Đây chính là một bài thơ mang đậm ý nghĩa về lòng dân , có dân thì mọi chuyện tất thành . Bài thơ đầy ắp tâm trạng và vô cùng sâu sắc. Hãy cùng chúng tôi cảm nhận ngòi bút tài hoa của nhà thơ Nguyễn Trãi nhé!
I. Đôi Nét Về Nhà Thơ Nguyễn Trãi
– Nguyễn Trãi 阮廌 (1380-1442) hiệu Ức Trai 抑齋, quê ở Chi Ngại (Chí Linh, Hải Dương), sau dời về Nhị Khê (Thường Tín, Hà Tây). Cha là Nguyễn Phi Khanh, một học trò nghèo, học giỏi, đỗ thái học sinh (tiến sĩ). Mẹ là Trần Thị Thái, con Trần Nguyên Đán, một quý tộc đời Trần. Lên sáu tuổi, mất mẹ, lên mười tuổi, ông ngoại qua đời, ông về ở Nhị Khê, nơi cha dạy học. Năm hai mươi tuổi, năm 1400, ông đỗ thái học sinh và hai cha con cùng ra làm quan với nhà Hồ.
– Năm 1407, giặc Minh cướp nước tạ Nguyễn Phi Khanh bị chúng đưa sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi và một người em đi theo chăm sóc. Nghe lời cha khuyên, ông trở về, nhưng bị quân Minh bắt giữ. Sau đó, ông tìm theo Lê Lợi. Suốt mười năm chiến đấu, ông đã góp công lớn vào chiến thắng vẻ vang của dân tộc.
– Đầu năm 1428, quét sạch quân thù, ông hăm hở bắt tay vào xây dựng lại nước nhà thì bỗng dưng bị nghi oan và bắt giam. Sau đó ông được tha, nhưng không còn được tin cậy như trước. Ông buồn, xin về Côn Sơn. Đó là vào những năm 1438-1440. Năm 1440, Lê Thái Tông mời ông trở lại làm việc và giao cho nhiều công việc quan trọng.
– Ông đang hăng hái giúp vua thì xảy ra vụ nhà vua chết đột ngột ở Trại Vải (Lệ Chi Viên, Bắc Ninh). Vốn chứa thù từ lâu đối với Nguyễn Trãi, bọn gian tà ở triều đình vu cho ông âm mưu giết vua, khép vào tội phải giết cả ba họ năm 1442. Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau, 1464, Lê Thánh Tông mới giải toả, rồi cho sưu tầm lại thơ văn ông và tìm người con trai sống sót cho làm quan.
– Nguyễn Trãi là bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử Việt Nam trong thời đại phong kiến. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Nhưng Nguyễn Trãi cũng là một người đã phải chịu những oan khiên thảm khốc, do xã hội cũ gây nên cũng tới mức hiếm có trong lịch sử.
II. Bài Thơ Quan Hải Đặc Sắc
Nguyễn Trãi là một nhà thơ lớn của nước ta . Ông cũng là một bậc đại anh hùng dân tộc và là một nhân vật toàn tài hiếm có của lịch sử. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà quân sự, một nhà ngoại giao, một nhà văn hoá, một nhà văn, một nhà thơ tầm cỡ kiệt xuất. Ông sở hữu một kho tàng thơ lớn và đặc sắc trong đó có bài thơ Quan Hải được nhiều người biết đến và vẹn nguyên giá trị đến hiện nay
Hãy cùng uct.edu.vn cảm nhận về bài thơ này nhé!
Quan hải 關海 • Đóng cửa bể
樁木重重海浪前,
沉江鐵鎖亦徒然。
覆舟始信民猶水,
恃險難憑命在天。
禍福有媒非一日,
英雄遺恨幾千年。
乾坤今古無窮意,
卻在滄浪遠樹煙。
Quan hải
Thung mộc trùng trùng hải lãng tiền,
Trầm giang thiết toả diệc đồ nhiên.
Phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ,
Thị hiểm nan bằng mệnh tại thiên.
Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật,
Anh hùng di hận kỉ thiên niên.
Kiền khôn kim cổ vô cùng y,
Khước tại Thương Lang viễn thụ yên.
Dịch nghĩa
Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt cũng được trầm dưới nước để phong toả như thế
Thuyền có bị lật mới biết rằng dân chẳng khác gì nước
Cậy vào địa thế hiểm trở cũng khó bằng mệnh trời
Họa phúc đều có duyên do, đâu phải chỉ một ngày
Anh hùng để lại mối hận nghìn năm
Xưa nay ý trời đất thì vô cùng tận
Lui về chốn cây cỏ mây trời ở đất Thương Lang xa xôi.
III. Phân Tích Bài Thơ Quan Hải
Bài thơ chữ Hán Quan Hải, (Đóng cửa biển), có lẽ Nguyễn Trãi viết sau chiến thắng chống quân Minh xâm lược. Tác giả quan sát và suy tư. Quan sát thiên nhiên nơi cửa biển Sắc nước bát ngát, mà suy tư về lẽ hưng vong của triều đại nhà Hồ ngắn ngủi, đồng thời cảm thán về nỗi đau uất hận của anh hùng thất thế.
Bài thơ thất ngôn bát cú luật Đường. Hai câu mở đầu, khơi nguồn từ một hiện thực như vẫn còn đang hiển hiện trước mắt:
” Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển
Xích sắt ngầm dưới sông cũng vậy thôi! ”
Cọc gỗ và xích sắt, đấy là những thứ mà nhà Hồ cho làm để chống quân Minh xâm nhập vào cửa biển nước ta. Công bằng mà nói, đó là những việc làm cần thiết đối với việc chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống ngoại xâm lúc bấy giờ. Có việc hơi giống tiền nhân Ngô Quyền chống quân Nam Hán, đời tiền Lê (Lê Hoàn) chống quân Tống, và đời Trần (Trần Hưng Đạo) chống Nguyên Mông, đóng cọc ở sông Bạch Đằng, cũng là để chống giặc phương Bắc. Nhưng tiền nhân thì thành công, còn cha con Hồ Quý Ly thì thất bại, cuối cùng bị bắt làm tù binh, rồi chết thảm ở đất giặc. Chỉ riêng Hồ Nguyên Trừng được tha, vì có tài, sau làm quan cho nhà Minh, có công chế tạo súng Thần cơ cho nhà Minh. Việc cũ đã qua, nhưng vật chứng vẫn đang còn đó, Cọc gỗ lớp lớp trồng trước sóng biển / Xích sắt ngầm dưới sông…như những chứng tích, rưng rưng hiển hiện trước mắt và trong tâm tưởng thi nhân, như thể một nỗi đau xót xa của lịch sử. Hai câu đề, đã thấy rõ thái độ của tác giả.
Bốn câu thơ tiếp theo, luận về nguyên nhân của sự thành bại và anh hùng thất thế.
Nguyễn Trãi viết: Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước / Cậy đất hiểm cũng khó dựa, mệnh là ở trời / Hoạ phúc có manh mối, không phải một ngày / Anh hùng để hận mấy nghìn năm sau…
Sử sách chép rằng, khi giặc Minh chuẩn bị xua quân sang xâm lược nước ta, cha con Hồ Quý Ly họp bàn tìm kế chống giặc. Người con cả, Tướng quốc Hồ Nguyên Trừng nói rằng: Đánh thì không sợ, chỉ sợ lòng dân không theo! Quả đúng như sự thật đã diễn ra sau đó. Về quân sự, nhà Hồ không có tướng tài, đúng hơn là không thể tập hợp được nhân tài. Bản thân Hồ Quý Ly chỉ là một nhà quân sự kém cỏi. Mấy lần làm tướng đánh nhau với quân Chiêm Thành dưới triều Trần, Hồ Quý Ly đều thua trận, bỏ cả đại quân mà chạy tháo thân, lại còn gian manh đổ tội cho người khác, thu vén công lao về cho mình. Còn tướng lĩnh ở triều nhà Hồ, phần lớn chỉ là đồ gan chuột (Ý thơ Nguyễn Mộng Tuân). Vua tôi như vậy, làm sao thắng giặc?
Huống nữa nhà Hồ mới đoạt vương quyền từ nhà Trần suy thoái, lòng dân chưa theo, làm sao có sức mạnh giữ cho con thuyền đất nước không bị lật? Dẫu có đóng cọc trước sóng biển, có giăng xích sắt ở cửa sông, có tìm đất hiểm xây thành đá vững bền, cũng chẳng thể nào ngăn được quân giặc dữ, khi mà lòng dân không theo!
Trương Hán Siêu, trong bài phú sông Bạch Đằng đã viết: Giặc tan, muôn thủa thanh bình / Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao! Không có thiên thời, không có nhân hoà, không có “đức cao”, chỉ mới có địa lợi, làm sao mà thắng giặc? Bởi thế nên Nguyễn Trãi viết rằng Thuyền bị lật, mới tin rằng dân như nước (Dân do thuỷ, phúc tín dân do thuỷ)! Chở thuyền là dân, làm lật thuyền cũng là dân. Không có sự ủng hộ của nhân dân, sao có thể làm nên sự nghiệp lớn lao? Vua tôi cha con bị bắt làm tù binh, nước mất nhà tan (Thuyền bị lật), Hồ Quý Ly bấy giờ mới kịp nhận ra, mới tin rằng sức dân như nước (Phúc tín dân do thuỷ).
Bài học lịch sử ấy, đã có từ xa xưa, vậy mà cha con họ Hồ vẫn dẫm chân vào vết xe đổ, thật tiếc lắm thay! Tác giả có quy các nguyên nhân thất bại của nhà Hồ vào mệnh trời, thì cũng chỉ là trừu tượng hoá một sự thật lịch sử vào một khái niệm chung nhất, nhuốm màu sắc siêu hình mà thôi. Tuy nhiên, sau đó, tác giả lại quay về với một kết luận mang đậm màu sắc triết lý biện chứng:
” Hoạ phúc hữu môi phi nhất nhật
Anh hùng di hận kỷ thiên niên! ”
Thế nghĩa là mọi hiện tượng và sự vật đều có nguồn gốc sinh diệt cả. Như cái hoạ hoặc cái phúc kia, chẳng phải tự dưng mà đến, chẳng phải một ngày mà sinh ra, bởi thực ra nó đã có mầm mống cả rồi! Ví như cái này là Nhân (nguyên nhân) thì cái kia là Quả (kết quả) và ngược lại, như triết lý Nhân-Quả của Phật giáo vậy thôi! Để đất nước rơi vào thảm hoạ bị ngoại bang dày xéo, người anh hùng còn ôm hận đến mấy ngàn năm sau!…
Cha con Nguyễn Trãi từng làm quan cho nhà Hồ, nên Nguyễn Trãi có thể xem Hồ Quý Ly như một vị anh hùng? Tôi cho rằng, ở đây không hẳn đã là như vậy! Bàn chuyện thất bại của nhà Hồ, nhưng ở hai câu luận này, tác giả đã mở rộng phạm vi chủ đề, để gửi gắm tâm sự nói chung của những người anh hùng thất thế. Cũng không loại trừ đó là dự cảm về số phận của chính ông, chỉ ít năm sau đó, đã vướng hoạ tru di vô cùng xót xa thương cảm, cho đến nay, vẫn còn “mưng mủ” trong lòng bao thế thệ hậu sinh…
Kết thúc bài thơ, tác giả lại tiếp tục luận bàn, nhưng là sự luận bàn ở khía cạnh rộng rãi hơn, khái quát hơn, qua đó mà nêu chân lý khách quan, lại cũng hơi có vẻ siêu hình:
” Càn khôn kim cổ vô cùng ý
Khước tại thương lang viễn thụ yên ”
(Cái lẽ của trời đất xưa nay thật là vô cùng
Vẫn là ở chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời)
Cái lẽ của trời đất ở đây là gì vậy? Nó vô hình vô ảnh thật đấy, bởi vì nó là Vô cùng ý, sâu xa và cũng vô cùng màu nhiệm. Thực ra thì bản chất cái lẽ của Càn khôn kim cổ, tác giả đã nói ở trên rồi, ở đây chỉ là mở rộng để gửi gắm một nỗi niềm man mác buồn thương của người trong cuộc, của người đương thời mà thôi! Và cái ý vô cùng của trời đất, vẫn còn biểu hiện ở ngay đây, ở chỗ sắc nước xanh thẳm và bát ngát ngoài biển kia, ở chỗ Cây khói xa vời kia, như thể những chứng nhân bất tử cho sự thăng trầm dâu bể của cõi người!
Một bài thơ đầy ắp tâm trạng và vô cùng sâu sắc. Những bài học mà Nguyễn Trãi nêu trong bài thơ chữ Hán này, đến nay vẫn còn tươi mới, và sẽ mãi còn tươi mới. Để mất lòng dân thì còn gì? Câu trả lời duy nhất là sẽ mất tất cả! Nguy cơ an ninh đất nước bị đe doạ, đã thấy ở nhãn tiền. Dẫu có đóng cọc gỗ lim, giăng lưới sắt tất cả các cửa biển, dẫu có đội quân trăm vạn, vị tất đã có thể ngăn nổi quân xâm lược, mà những ai đó có thể mặc nhiên mà ngồi an hưởng phú quý hay sao?
Trên đây chúng tôi đã dành tặng quý độc giả bài thơ Quan Hải của nhà thơ Nguyễn Trãi đầy ý nghĩa. Bài thơ bộc lộ nỗi suy tư của ông và nêu rõ tầm quan trọng của dân, muốn nước vững cần có lòng dân cùng đồng lòng. Hy vọng qua bài thơ bạn sẽ cảm nhận được ngòi bút tài hoa của ông. Cảm ơn các bạn đã theo dõi bài viết này của chúng tôi!
Tin cùng chuyên mục:
150+ Bài thơ thả thính Trai [Tuyệt Chiêu Tán Trai] Cực HOT
[HOT] 101+ bài thơ tỏ tình theo tên hay khiến Crush “đổ gục”
#199 Bài thơ tỏ tình Crush hay nhất làm “tan chảy” mọi trái tim
[Tuyển Tập] Thơ thả thính 2 câu Cưa Đổ Gái Xinh ngay từ lần đầu