Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm với các tập thơ nổi tiếng ( phần 2)

Xin giới thiệu đến quý độc giả những tập thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm tiếp theo. Nguyễn Khoa Điềm là một nhà thơ, nhà chính trị nổi tiếng của nền văn học Việt nam. Ông nhận được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam vào năm 1986 với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm.

Đôi nét về tác giả Nguyễn Khoa Điềm

Nguyễn Khoa Điềm (tên khác là Nguyễn Hải Dương; sinh 15 tháng 4 năm 1943 guyễn Khoa Điềm sinh tại thôn Ưu Điềm, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Lúc nhỏ Nguyễn Khoa Điềm học ở quê. Năm 1955 ông ra miền Bắc học tại trường học sinh miền Nam.

Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Hà Nội năm 1964. Sau đó, ông vào miền Nam hoạt động trong phong trào học sinh, sinh viên Huế; tham gia quân đội, xây dựng cơ sở của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, viết báo, làm thơ… cho đến năm 1975.

Nguyễn Khoa Điềm từng bị giam tại nhà lao Thừa Phủ. Đến chiến dịch Mậu Thân 1968, ông được giải thoát, tiếp tục trở lại hoạt động. Vào thời điểm này, Nguyễn Khoa Điềm mới bắt đầu làm thơ.

Nguyễn Khoa Điềm trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1975. Sau 1975, ông tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cộng sản; Chủ tịch Hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Thừa Thiên – Huế.

Ông có mặt trong Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa III. Năm 1994 Nguyễn Khoa Điềm ra Hà Nội, làm Thứ trưởng Bộ Văn hoá – Thông tin. Năm 1995, ông được bầu làm Tổng Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa V.

Năm 1996, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VIII, Nguyễn Khoa Điềm bầu vào Ban Chấp hành Trung ương. Ông là Đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khoá X và từ tháng 11 năm 1996 là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin.

Năm 2001, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IX, Nguyễn Khoa Điềm trở thành Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Trưởng ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương (2001-2006).

Hiện nay, ông nghỉ hưu và sống tại Thành phố Huế.

Những tập thơ nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm

  • Cửa thép (ký, 1972)
  • Đất ngoại ô (tập thơ, 1973)
  • Mặt đường khát vọng (trường ca, 1974) 9 chương
  • Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (tập thơ, 1986)
  • Thơ Nguyễn Khoa Điềm (1990)
  • Cõi lặng (tập thơ, 2007)

Ông đã được giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ Ngôi nhà có ngọn lửa ấm (NXB Tác phẩm mới, 1986).

Tuyển tập những bài thơ đi nổi tiếng của Nguyễn Khoa Điềm

Giới thiệu đến quý độc giả những bài thơ nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm

Không có quyền mệt mỏi

Tôi ạ, anh không bao giờ có quyền mệt mỏi
Dù rồi mùa toóc rạ đàn chim đã bay đi, hè đã trút ngọn nắng cuối cùng
Dù em cứ gầy đi mãi, dù bạn đã bỏ rơi anh trước bậc thang lương nặng nhọc
Dù trong chuyến đi xa, mọi chỗ ngồi đã kín, anh đu mình trên các dóng sắt
Như một bị hàng
Dù anh ngơ ngẩn buồn như một kẻ nhà quê nhỡ tàu trước Praha, Sôphia, Matxcơva hay La Habana
Dù nửa đêm những mỹ từ trôi dạt, câu thơ chẳng thành bài vây phủ anh
Như mùa mưa xứ Huế
Tôi ạ, anh không được mệt mỏi bao giờ.
Tôi ạ, anh không bao giờ có quyền mệt mỏi
Bởi vì nắng có mệt mỏi chút nào đâu
Những ngọn cỏ phủ xanh mộ người thân yêu như xanh không biết mỏi
Bởi vì gừng lại cay, muối lại mặn, bầy trẻ lại tựu trường và ở nơi xa xôi kia, những con sóng lại tìm được bãi bờ
Bầu trời trong vô hạn, nỗi bí ẩn con người là vô hạn
Những em bé gầy đói châu Phi mãi nhìn vào mắt anh qua lớp sóng nhập nhoè
Màn ảnh nhỏ:
Vì sao người ta ném tiền vào vũ trụ mà không cho em một mẩu bánh mì?
Vì sao người ta giết người không mệt mỏi, ăn cướp, nói dối không mệt mỏi?
Bà Thátchơ, ông Rigân vẫn giữ nụ cười ăn khách ngã ba đường
Ông Goocbachôp lại lên đài nói về những giải pháp hoà bình không mệt mỏi
Tôi ạ, anh không được mệt mỏi bao giờ.
Tôi ạ, anh phải nguyên vẹn một con người
Trước cánh rừng âm u anh đã rung lên như sấm sét thì bây giờ anh được hát
Một lời buồn
Anh đã làm đá dưới mưa bom thì bây giờ hãy dịu dàng như hạt cải
Dịu dàng như một người bố, dịu dàng như những đứa con
Sách vở có thể làm diều, những trói buộc làm dây
Và anh đứng dưới chiều cao của nỗi vô tư có cánh
Mùa hạ này sen trong hồ Thái Dịch thơm vào miền vô tận cuộc đời anh
Anh phải tái tạo ra mình không vết rạn…
Tôi ạ, dẫu giáp hạt này gạo có giá mà thơ thì mất giá
Nhưng anh đừng đem thơ chào mời trong ngõ tối
Thơ lặng lẽ, gầy gò, thơ như thanh thép nguội
Thơ là cột thu lôi dưới trận bão giông này
Rồi một sáng bầu trời xanh trở lại
Có con chuồn chuồn chấm đỏ ngọn thơ vui.
31-5-1986

Kính tặng Nguyên Hồng

Ông ngã xuống như một người lao lực trên trái đất
Ngã xuống thớ đất mình vừa lật lên
Không có nghĩa bóng ở đây
Bởi vì
Ông là Nguyên Hồng
Nhà văn Nguyên Hồng
Nhà thơ Nguyên Hồng
Và ngoài cái đó
Ông chỉ là con người lao lực Nguyên Hồng.
Tôi tin tưởng
Trên mặt đất này
Mọi điều ác, sự giả trá, sự vô tâm sẽ rơi xuống
Cả sự nản lòng sẽ rơi xuống
Bởi vì trên thớ đất mà ông lật lên
Qua ngàn trang viết
Sẽ mọc lên ngọn lửa của hạnh phúc
Ôi giá chi anh có thể băng qua nửa triền đất nước
Đến dưới mây trời tháng Năm của Yên Thế ngàn lau
Được bưng trên tay một tảng đất ông vừa cày cuốc
Phút cuối đời
Còn run rẩy
Ấm nồng
Cảm nhận hết sức nặng đất đai, cuộc sống…
Bây giờ lòng đất đỏ tươi
Ấp ủ cho ông
Cũng như ông ấp ủ cho mỗi chúng ta
Trên từng trang viết mới…
6-1982

Đất Nước

Khi ta lớn lên Đất Nước đã có rồi
Đất Nước có trong những cái “ngày xửa ngày xưa…” mẹ thường hay kể
Đất Nước bắt đầu với miếng trầu bây giờ bà ăn
Đất Nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc
Tóc mẹ thì bới sau đầu
Cha mẹ thương nhau bằng gừng cay muối mặn
Cái kèo, cái cột thành tên
Hạt gạo phải một nắng hai sương xay, giã, giần, sàng
Đất Nước có từ ngày đó…

Đất là nơi anh đến trường
Nước là nơi em tắm
Đất Nước là nơi ta hò hẹn
Đất Nước là nơi em đánh rơi chiếc khăn trong nỗi nhớ thầm
Đất là nơi “con chim phượng hoàng bay về hòn núi bạc”
Nước là nơi “con cá ngư ông móng nước biển khơi”
Thời gian đằng đẵng
Không gian mênh mông
Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ
Đất là nơi Chim về
Nước là nơi Rồng ở
Lạc Long Quân và Âu Cơ
Đẻ ra đồng bào ta trong bọc trứng
Những ai đã khuất
Những ai bây giờ
Yêu nhau và sinh con đẻ cái
Gánh vác phần người đi trước để lại
Dặn dò con cháu chuyện mai sau
Hằng năm ăn đâu làm đâu
Cũng biết cúi đầu nhớ ngày giỗ Tổ
Trong anh và em hôm nay
Đều có một phần Đất Nước
Khi hai đứa cầm tay
Đất Nước trong chúng mình hài hoà nồng thắm
Khi chúng ta cầm tay mọi người
Đất nước vẹn tròn, to lớn

Mai này con ta lớn lên
Con sẽ mang đất nước đi xa
Đến những tháng ngày mơ mộng
Em ơi em Đất Nước là máu xương của mình
Phải biết gắn bó san sẻ
Phải biết hoá thân cho dáng hình xứ sở
Làm nên Đất Nước muôn đời…

*

Những người vợ nhớ chồng còn góp cho Đất Nước những núi Vọng Phu
Cặp vợ chồng yêu nhau góp nên hòn Trống Mái
Gót ngựa của Thánh Gióng đi qua còn trăm ao đầm để lại
Chín mươi chín con voi góp mình dựng Đất tổ Hùng Vương
Những con rồng nằm im góp dòng sông xanh thẳm
Người học trò nghèo giúp cho Đất Nước mình núi Bút, non Nghiên.
Con cóc, con gà quê hương cùng góp cho Hạ Long thành thắng cảnh
Những người dân nào đã góp tên Ông Đốc, Ông Trang, Bà Đen, Bà Điểm
Và ở đâu trên khắp ruộng đồng gò bãi
Chẳng mang một dáng hình, một ao ước, một lối sống ông cha
Ôi Đất Nước sau bốn ngàn năm đi đâu ta cũng thấy
Những cuộc đời đã hoá núi sông ta…

Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn ngàn năm Đất Nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Những em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn ngàn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ truyền lửa cho mỗi nhà từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trông cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
Dạy anh biết “yêu em từ thuở trong nôi”
Biết quý công cầm vàng những ngày lặn lội
Biết trồng tre đợi ngày thành gậy
Đi trả thù mà không sợ dài lâu
Ôi những dòng sông bắt nước từ lâu
Mà khi về Đất Nước mình thì bắt lên câu hát
Người đến hát khi chèo đò, kéo thuyền vượt thác
Gợi trăm màu trên trăm dáng sông xuôi
Người dạy ta nghèo ăn cháo ăn rau
Biết ăn ớt để đánh lừa cái lưỡi
Cái cuốc, con dao, đánh lừa cái tuổi
Chén rượu đánh lừa cơn mỏi, cơn đau
Con nộm nang tre đánh lừa cái chết
Đánh lừa cái rét là ăn miếng trầu
Đánh lừa thuồng luồng xăm mình xăm mặt
Đánh lừa thằng giặc là chuyện Trạng Quỳnh
Nhưng lạ lùng thay, nhân dân thông minh
Không hề lừa ta dù ca dao, cổ tích
Ta lớn lên bằng niềm tin rất thật
Biết bao nhiêu hành phúc có trên đời
Dẫu phải khi cay đắng dập vùi
Rằng co Tấm cũng làm về hoàng hậu
Cây khế chua có đại bàng đến đậu
Chim ăn rồi trả ngon ngọt cho ta
Đất đai cỗi cằn thì người sẽ nở hoa
Hoa của đất, người trồng cây dựng cửa
Khi ta đến gõ lên từng cánh cửa
Thì tin yêu ngay thẳng đón ta vào
Ta nghẹn ngào, Đất Nước Việt Nam ơi!…

*

Ta lớn lên khao khát những chân trời
Những mảnh đất chân mình chưa bén được
Những biển khới chứa mặt trời đỏ rực
Những ngàn sao trôi miết giữa màu xanh
Ôi có cách gì ta được ngắm những bình minh
Buổi vũ trụ chớp bùng nên sự sống
Và ánh sáng trên chiếc xe vàng chuyển động
Bỗng một ngày ấm áp kể ta nghe
Về những con ngươi của thiên thể xa xôi
Muốn bầu bạn với con người Trái đất
Ôi phút đó ta vùng lên ngây ngất
Muốn ôm choàng hết tất cả trời mây
Trái tim tay nặng trĩu những mê say
Sẽ gieo xuống làm âm vang mặt đất…

Nhưng em ơi, cái điều trông đợi nhất
Vẫn những gì có thể có hôm nay
Từ hôm nay, trên mảnh đất ta đây
Ta nắm nó như sợi mây vững chãi
Rồi rút dần từ cánh rừng vĩ đại
Của cuộc đời hằng nuôi dưỡng chúng ta
Và diệu kỳ thay! Ta bỗng loá bất ngờ
Ta đã thấy cuộc đời vô hạn
Giữa đất đai, nhân dân, bè bạn
Ta tìm ra ánh sáng của Con Người
Những Con Người làm sông núi sáng tươi…

*

Những địa danh trôi từ thuở xa xôi
Trôi bằng máu và trôi bằng nước mắt
Đã đọng lại thành tên ngươi, tên đất
Bao năm rồi suốt mặt pha, triền sông
Nhưng không có con người nào đã trôi hết sâu nông

Bằng những người dân miền Tây nghèo khổ
Đây không biển thì rừng làm biển cả
Một biển xanh với cồn sóng ngút trời
Họ bám mình vào tấm rẫy nổi trôi
Rồi gục chết dưới màu xanh vĩnh viễn
Cuộc đời họ mênh mang bất định
Chỉ đó nghèo bám riết lấy màu da
Ôi mây trắng ngang đầu, gió dưới rừng xa
Đất Nước ở đâu? Đâu là Đất Nước?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Tiếng suối hay tiếng chim?
Tiếng người hay tiếng chiêng?
Tiếng đá lăn, cây đổ?
Thác gào hay đá nổ?
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước! Đất Nước!
Đất Nước trên miệng ta rồi
Trong tim ta mang
Trên chân ta bước
Đất Nước! Đất Nước!
Cả núi rừng thét lên đồng loạt!
Đó là năm dưới thời giặc Pháp
Chúng hất hàng chục chòi Ta-ôi ra khỏi bản đồ
Đẩy họ vào những cánh rừng xanh không Tổ quốc
Chính lúc đó
Lửa đã cháy lên!
Lửa ngàn đời từ mỗi bếp cháy lên!
Đốt nhà! Ta đốt hết nhà!
Địu con lên lưng vác giáo lên vai
Đánh trăm chiếc cồng xuyên thủng núi
Mắt người già quắc lên cho đàn trẻ theo
Ta đạp rừng nhằm phía Đông bươn tới!
Ôi ta về nguồn! Về nguồn!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Kờ-ruồng Kù tiệt!
Đất Nước! Đất Nước!
Ôi ta về theo Đất Nước
Ta không chịu làm người dân không Đất Nước
Không Việt Nam
Biển rừng gào lên như muốn níu chân ta
Biển rừng không cuốn ta vào vô định nữa
Ta làm con suối rừng biết tìm sông mà tới
Ta làm con nai biết tìm lối mà về
Mặt trời mọc, mặt trời chỉ hướng
Ôi lòng ta có mặt trời soi sáng
Ta trở về Đất Nước Tổ tiên ơi!…
Và hôm nay
Khi bom thằng Mỹ tới
Cắt ngang những nói nhọn nhà làng
Chôn những nhà mồ vào đất bụi
Ta đánh lên tiếng cồng
Ta gọi vang rừng vang úi
Đất Nước!
Ta đánh lên tiếng chiêng cho cả Bắc Nam cùng nghe được!
Nghe tấm lòng người Tà-ôi, Pa-kô, Cà-tu
Thuỷ chung Đất Nước
Rồi ta quăng cồng dưới suối
Rồi ta chủ chiêng dưới cây
Ta đi
Trong âm vang yêu nước
Ta đi với rựa và tên
Rựa ta mài vào gỗ thành nương
Tên ta gài xuống đất thành bẫy
Thằng Mỹ vào thì xác mà để đấy!
Thằng nguỵ vào thì xác nó đừng chôn!
Cho cháu con ta, ai sau nữa, được nhìn!
Ôi Đất Nước đầu mũi dao
Đất Nước đầu mũi tên
Đất Nước đầu tiếng chiêng
Đất Nước là ngọn lửa
Đất Nước tràn lên từng đỉnh núi
Đất Nước thiêng liêng…

Đêm nay ta lên hết mặt sông Hồng!
Nước đánh động dưới chân ta rồi
Đất Nước
Đang gọi ta từng hồi trống thúc
Đất Nước xoáy nhào tim ta
Ký ức
Đất Nước muôn đời đang vặn mình, đang sôi…

Chúng ta là người dân miền Nam
Nhung tôi biết anh gốc gác họ Hoàng Kinh Bắc
Còn tôi họ Nguyễn tỉnh Đông
Huyết thống ta trôi trên bán đảo âm thầm
Hôm nay bỗng réo sôi từng hồi từng trận
Khi cơn lũ đang lao qua châu thổ sông Hồng!

Ta lên hết mặt đê sông Hồng!
Dẫu chỉ bằng tâm tưởng
Ở đâu đó ta không còn nhớ nữa
Sao tổ tiên ta cầm cuốc, cầm cày
Cầm giáo, cầm khiên và cất tiếng hát lưu đày
Để xa châu thổ từ độ ấy…

Ôi những gốc tre tổ tiên ta từng thấy
Vẫn còn nguyên trên bờ bãi sông Hồng
Lúa lên xanh trên những cánh đồng
Cũng có tay cha ông in vào trong lúa
Sâu thẳm quá cho đến từng mái rạ
Cũng có dáng một ngày cha ông khăn gói bước ra

Ôi những gì Người đã ước mơ
Thì bây giờ cũng thơm lá thơm hoa
Nên hôm nay chúng ta
Phải lên hết đê sông Hồng mà giữ lấy!

Đất Nước
Phải chặt tre, đóng cọc mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải đan phên, đổ đất mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải phá nhà, chặt cây vườn vác ra mà giữ lấy!
Đất Nước
Phải neo người xuống sông, chặn nước mà giữ lấy!
Đất Nước
Đất Nước không thể trôi được!
Máu xương, mồ mả tổ tiên đã trôi đi
Những dòng họ đã trôi đi
Nhưng hôm nay không thể nào trôi được!
Đất Nước
Đang gầm lên trong sóng gió ngất trời
Hàng chục triệu thước khối nước đang lao vào mặt đất
Cuộc xáp trận của vật chất muốn đè vật chất
Của thiên nhiên đè xuống con người
Ta vươn mình gánh lấy đất đai
Ta ném máu xương ta vào làm vật cản
Tất cả ý chí và sinh mạng
Phải được vai dựa vào vai, đùi gối lên đùi
Đẩy con đê sông Hồng tiến lên phía trước
Thắng giặc Mỹ hay thắng giặc nước
Đều nhất tề xung phong!

Sơn Tinh đang nhìn ta lo lắng đăm đăm
Cả nhân loại đang nhìn ta cổ vũ
Con cháu ta mai sau hối hả lật từng trang lịch sử
Ngợp trước con đê sông Hồng lên cao, lên cao…
Chào 4000 năm! Con đê như một cánh tay cao
Của thế trận những người làm chủ
Làm chủ cuộc đời và lướt từng đỉnh lũ
Bảo vệ miến Bắc, chi viện miền Nam!

Mẹ Việt Nam ơi!
Đêm nay con về gối đầu trên cánh tay của Mẹ
Ôi cánh tay rắn rỏi, dịu hiền
Lấm láp bùn lầy nhưng ấm áp niềm tin
Đó là hai cánh đê sông Hồng của Mẹ
Mẹ phả vào mặt con nồng nàn mùi sữa
Của những đồng xa nguyên vẹn như mùa
Con đã đi xa từ thuở ấy đến giờ
Nay bọn Mỹ còn cắt chia Đất Nước
Nhưng đêm đêm con trở về thân thuộc
Ngủ trên cánh tay Mẹ hiền từ cay đắng nuôi con
Trong tháng năm chớp bể mưa nguồn
Ru con lớn và làm người thương Mẹ…

*

Đã có một thời
Ai muốn vào châu Mỹ La-tinh
Đến trước vịnh Ca-ra-ip
Sẽ không cần dùng địa bàn
Cứ nhìn những xác da đen
Trôi bập bềnh trên biển
Những xác da đen chỉ hướng
Đưa anh vào “mảnh vườn sau” của chủ nghĩa thực dân
Đã có một thời
Ai muốn đến Việt Nam
Cứ theo gót những đàn ngựa phương Bắc
Hay chữ thập trên tàu buôn nước Pháp
Các bạn sẽ tìm ra Việt Nam
Bởi vì ngày ấy
Nước chúng tôi chưa có trên bản đồ thế giới
Ngôn ngữ loài người chưa biết hai chữ “Việt Nam”
Và dẫu bạn đến đây
Chỉ có những tên đô hộ phủ toàn quyền
Đứng ra tiếp bạn
Nhưng hôm nay
Bạn hãy đi theo những đoàn đi bộ tuần hành
Mang những lá cờ sao vàng
Ở Pa-ri, ở Mát-xcơ-va hay Xtốc-khôm
Bạn sẽ đến được Việt Nam tôi đó

Bởi vì Việt Nam hôm nay
Nằm giữa lòng thế giới
Nằm trong tim nhân loại
Nằm trên con đường dẫn ta tới giá trị Con Người…
Bởi vì Việt Nam hôm nay
Là Việt Nam chống Mỹ
Chúng tôi gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ
Để bạn bình tâm bước vào ngưỡng cửa Tự do…

Bạn đến đây
Đã có Bác Hồ
Và Nhân dân tôi sẵn sàng đón bạn
Dẫu Người đi vắng
Bạn có thể đến nhà Người thăm một khóm hoa
Rồi cùng nhân dân tôi trò chuyện
Nhân dân tôi đẩy tình yêu mến
Đã được Người dặn dò trước phút đi xa…

Bạn hỏi vì sao cúng tôi yêu quý Bác Hồ
Bởi vì Người là Người đầu tiên
Về với Đất Nước chúng tôi
Mang chủ nghĩa Mác-Lê nin
Chứa trong trái tim yêu nước nhất
Khi Người đặt tay lên
Hòn đất Việt Nam đầu biên giới
Thì từ đó
Đất không phải là đất nữa
Đất là chiến hào
Đất là cạm bẫy
Đất là hoa trái
Nuôi chúng tôi, che chúng tôi cầm súng lên đường!

Có Người, chúng tôi có lại Hùng Vương
Có lại dáng búp sen nghìn năm của chùa Một Cột
Và những búp sen miền Nam tận bùn lầy Đồng Tháp
Có Người, cũng đã thành thơ
Có Người, mỗi mũi tên đồng Cổ Loa
Không chịu vùi dưới đất
Không nằm yên trong viện bảo tàng
Chúng bay lên xé gió thời gian
Mở hết đường bay qua thăng trầm lịch sử
Để cắm vào đầu giặc Mỹ!
Có Người, pho Bồ Tát nghìn tay nghìn mắt
Biết toả hào quang từ hàng chục cánh tay
Có Người, pho Bồ Tát triều Lý chỉ còn đầu
Vẫn nguyên vẹn trong lòng chúng tôi nhờ búi tóc thời vua Hùng để lại
Và pho Kim Cương trên đôi chân vững chãi
Dẫu mất đầu vẫn giữ một dáng đứng Việt Nam
Đấy, Đất Nước chúng tôi đổ vỡ biết bao lần
(Cả những pho từ bi cũng không ngoài hoạn nạn
Nhưng có Người, những cái mất đi phải trả về hình dáng)
Quá khứ được nhìn từ đôi mắt Hôm Nay
Và Hôm Nay từ đôi mắt Ngày Mai
Chúng tôi sống bằng Tương lai một nửa
Bằng tình yêu vô hạn những con người
Như Hôm Nay nhìn Đất Nước cắt đôi
Chúng tôi đã thấy ngày hàn gắn…

Bởi vì Người là người đầu tiên
Yêu miền Nam trong trái tim mình
Yêu tuổi trẻ miền Nam 25 năm
Chưa có được ngày hạnh phúc

Mà Người dạy chúng tôi
Hãy bền gan đánh giặc
Dẫu phải chết cũng không khuất phục:
“Không có gì quý hơn Độc lập, Tự do!”

Chúng tôi là con cháu Bác Hồ
Có nghĩa là chúng tôi giống Bác
Những gì còn non nớt
Chúng tôi học tập để sống, chiến đấu như Người

Bởi vì Người là đất nước của chúng tôi
Mỗi sợi tóc trắng của Người đều ghi ngày gian khổ nhất
Của Đất Nước, những năm dài đánh giặc
Đôi dép của Người mòn vẹt gót
Người đã đi những ngả đường Đất Nước hành quân

Trái cà Người ăn
Cũng là trái cà nuôi người anh hùng đầu tiên – Thánh Gióng
Cây gậy Người cầm
Cũng có thể tìm trong trăm ngàn gậy vượt Trường Sơn
Ý chí của Người
Ý chí toàn dân tộc
Lý tưởng của Người
Sự sống chúng tôi mang…
Hồ Chí Minh – Việt Nam
Bạn và tôi cùng gọi
Hồ Chí Minh – Việt Nam

*

Em nghe không trái thị đã rơi xuống tay Người
Trái không chỉ rơi vì sức hút đất đai
Trái rơi vì tay Người ao ước
Khi trái chạm vào tay Người và Người ấp ủ
Thì lừng hương tay Người và Người ấp ủ
Thì Lừng hương và cô Tấm bước ra
Đi trả thù và sống Tự do…
Không rơi xuống bùn, ôi trái thị quê ta
Để bùn lấm và thành bùn vạn kiếp
Rơi vào tay Người, đó là định luật
Của đấu tranh và nhân nghĩa Việt Nam

Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng cảu nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..

Hãy ngã vào tay Nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng tự do, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!

– Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đây tiếng hát chúng con:
Tiếng hát xuống đường!

Làng Phao Võng

Bây giờ đất cát có giá
Mà sông nước mất giá.
Đã lâu vạn đò không mấy ai thả lưới
Họ sang nghề xúc cát sạn đáy sông,
Lặn ngụp, tóc tai như rái cá.
Đã lâu trên mặt sông rạng sáng,
Không còn nghe tiếng lanh canh gõ thuyền
Dỗ giấc mơ tang bồng những đứa trẻ làng Vỹ Dạ
Con trai, con gái lũ lượt vào Nam làm ăn
Nhận mặt nhau bằng tiếng trọ trẹ
Pha chút bồng bềnh sông quê…
Tháng 7-2006

Lặng lẽ

Chỉ có em
Phần mạch đập lặng lẽ cuộc đời anh
Nơi ẩn náu những kỷ niệm dầu dãi
Chỉ có em
Hoàng hôn còn một chỗ dựa
Con đường ghi tên ngày về…
Những người quen ngày càng lạ đi
Họ quần tụ, rồi xuôi ngược
Chỉ có em như giọt nước mắt
Nằm sâu trong người anh
Em như con chuồn chuồn ngày ấy
Bay qua anh ánh sáng một nàng tiên
Anh nhón tay và gìn giữ
Bằng mỗi sợi tóc của mình
Mùa thu yên lặng, mùa hè yên lặng
Mùa đông cũng dịu dàng hơn
Anh luôn luôn là người đi xa trở lại
Tóc đầy bụi, mặt đầy bụi
Chỉ qua khuôn mặt em, nhận ra khuôn mặt chính mình
1987

Lên núi thăm chùa

Lên chùa ngồi nhặt cỏ may
Đường xa gối mỏi, thõng tay giang hồ
Bỗng dưng ran một tiếng: “vô”
Thì ra bia bọt còn chờ dưới khe.
17-09-2006

Mai vườn nở sớm

Năm nhuận, cả vườn mai nở sớm
Những vội vàng tan tác trước Văn Lâu
Thì hãy nhận những cành xanh mới chớm
Một mùa xuân bừng biếc sắc ngày sau…

Mẹ và quả

Những mùa quả mẹ tôi hái được
Mẹ vẫn trông vào tay mẹ vun trồng
Những mùa quả lặn rồi lại mọc
Như mặt trời, khi như mặt trăng.
Lũ chúng tôi từ tay mẹ lớn lên
Còn những bí và bầu thì lớn xuống
Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn
Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi.
Và chúng tôi, một thứ quả trên đời
Bảy mươi tuổi mẹ đợi chờ được hái
Tôi hoảng sợ ngày bàn tay mẹ mỏi
Mình vẫn còn một thứ quả non xanh?
1982

Miền quê

Lại về mảnh trăng đầu tháng
Mông lung mặt đồng bóng chiều,
Tiếng ếch vùi trong cỏ ấm
Lúa mềm như vai thân yêu
Mùa xuân, là mùa xuân đấy
Thả chim, cỏ nội hương đồng
Đàn trâu bụng tròn qua ngõ
Gõ sừng lên mảnh trăng cong
Có gì xôn xao đằm thắm
Bao nhiêu trông đợi chóng chầy
Đàn em tóc dài mười tám
Thương người ra lính hôm mai
Để rồi bao nhiêu gió thổi
Bên giếng làng, ngoài bến sông
Có tiếng hát như con gái
Cao cao như vầng trăng trong…

Một con người

Kính tặng đồng chí Võ Văn Kiệt
Một người giúp ta trở nên can đảm
Trong mỗi dự định, hoài bão
Một người giục ta làm lại mình
Cả khi ta cạn kiệt.
Ông yêu mọi cái
Có lẽ, trừ cái chết
Ông dám thách thức bạo ngược bằng nụ cười
Khi không còn gì để tin tưởng, ông tin tưởng chỗ mình đứng
Ông đến với nhân dân không phải là một cách tạo dáng
Chỉ vì nhân dân cho ông ánh sáng
Chỉ vì ông không muốn mình một kẻ côi cút, già nua
Ông sống với với dòng chảy lớn
Ở ông, cái chết không phải là sự kết thúc,
Người ghét ông đừng hy vọng điều này
Ông là một của những gì vô hạn
Một con người, một đồng lúa, một rừng cây…
Huế, 18-6-2008

Một người

Trên cánh đồng lạnh lẽo của mùa gặt cuối cùng
Một người còn lặn lội
Trên từng sợi tóc len lỏi
Gửi gắm một trời mong đợi
Trên cây tre cao những đốt sống thẳng
Từng biết đến tiết tấu tình ái
Sau nỗi buồn bất chợt ngoái lại
Còn nhận ra ánh mắt bao dung
Còn nhớ nước mắt lau trong đêm
Bằng chiếc gối của đàn con khôn lớn
Một người cho ta nương tựa
Khi chính mình đang chao đảo
Cái chết sẽ thua cuộc
Là khi em mỉm cười.
25-3-2008

Mưa có nói gì không nhỉ?

Mưa có nói gì không nhỉ
Khi mưa giăng mỏng mảnh giữa trời?
Sông có nói gì không nhỉ
Khi sông trôi phẳng lặng bên người?
Không ai nhớ là mưa đã nói
Những lời buồn trên núi suốt mùa đông
Những cay đắng dòng sông đã gọi
Khi sông trôi qua bãi vắng cuối dòng
Em chẳng kể lại ngày thương xót cũ
Mùa xuân này em có nói gì không?
Tháng 11-2010

Mưa thu

Đêm sâu, đường quạnh vắng
Người đi chưa thấy về
Hạt mưa thì quá nặng
Nghẹn ngào trong giếng xưa
Sách dày khó đọc hết
Mưa dài sông nước lên
Ngoài vườn mấy cây chuối
Vẫy hoài trong bóng đêm
Ta ngồi như cội trúc
Gội mưa thu bốn bề
Nghĩ mình không lỗi hẹn
Với người đang xa quê
Chỉ mong em trở lại
Kịp hái chùm tóc tiên
Cắm lên bình lam ngọc
Tím một ngày lãng quên…
20-09-2006

Ngàn năm Thăng Long

Nơi từng chìm trong đao binh
Bây giờ – một làn nước xanh
Chốn từng tỵ hiềm tranh chấp
Bây giờ – một làn cỏ biếc
Chỉ có máu là không mất được
Vẫn ngàn năm thắm đỏ sông Hồng
Thỉnh thoảng cụ Rùa lại cất đầu bên tháp
Như làm chứng những lần vay – trả
Ôi, ngàn năm Thăng Long
Ngày 10-12-2008

Ngày đầu năm thăm lão danh tăng

Kính tặng Đại lão Hoà thượng Pháp chủ Thích Phổ Tuệ
Ngày đầu năm đội gió lạnh về thăm Lão danh tăng
Cuối con đường quê lầm bụi trắng
Lão tăng đắp y vàng
Đón chúng tôi
Trong nhà trai vừa đủ che mưa nắng
Người cao như cây gạo làng quê
Gầy gò, khô khẳng
Người nhỏ nhẹ:
Tôi được làm Phật sự làng này…
Mỗi tiếng cứ làm ta rưng nước mắt.
Ngôi chùa không cổ, không kim, không di tích
Đứng bên đê như trụ đá sau ngày lưu lạc
Trên cao, ngọn cờ Phật
Sau hàng tre, rung lên tiếng máy cày vụ xuân
Bền vững như đất
Cuồn cuộn như sông Hồng trước mặt
Mừng Lão danh tăng vừa cất nồi bánh chưng thứ chín ba đời người
Thiền vị giang sơn thấm mỗi ngọn lá dong
Chúng ta đã sống,
Chúng ta đang sống,
Chúng ta sẽ sống…
Mậu Tý, 2008

Ngày về

Kính tặng chị Thuỳ Trâm
Ngồi lại nghe chị nói gì trong đất
Cùng cây giang, cây dẻ của ngày xưa
Chiếc hầm cũ đau như tròng mắt
Nhìn vào ta thăm thẳm, bơ vơ…
Người bạn gái gục dưới lằn đạn lửa
Một sườn đồi cháy nát dưới ban trưa,
Giờ xanh ngắt một cánh rừng khép ngủ
Lá im che những đau đớn không ngờ
Dòng nhật ký cuối cùng đã viết
Giọt máu cuối cùng cũng trả lại đất đai
Thật bình thản, không có gì nói nữa
Cả chiến tranh và khúc hát ngày về…
Giờ yên ả thì thầm con suối nhỏ
Giờ buôn xa tiếng trẻ gọi trâu về,
Giờ xao xác cánh cò mặt nước
Giờ nỗi buồn theo gió cũng tan đi…
Tháng 4-2006

Ngôi nhà có ngọn lửa ấm

Con chào đời
Không có mười hai bà mụ áo quần xanh đỏ ngồi bên
Mà hai mươi bốn khuôn dấu vuông tròn chứng nhận con trên đủ loại giấy tờ tem phiếu.
Chà, cái thằng bé khóc váng phòng bệnh viện
Bên nôi con hai thằng bé lạc mẹ, khát sữa, còn khóc to hơn
Không hề chi, ông Giê su bị đóng đinh, chết đi còn chết chung với những anh khốn khổ
Còn con sống đây, hãy khóc cười chung với cuộc đời này.
Một nhà thống kê học quê hương nói rằng sự có mặt của con đã chia vào phần 285 cân thóc đầu người
Một nhà bác học của hành tinh cắt nghĩa thêm, con đã được tính vào phần một tấn chất nổ dự chi vào đầu nhân loại.
Ấy thế mà con cứ bú và quẫy đạp đòi phần sống!
Cái thằng bé chóp chép, cái thằng bé khụt khịt
Ngủ và bú, bú và ngủ
Nhưng cha biết rằng rồi con sẽ bước vào thế kỷ 21 với tuổi mười bảy cường tráng
Mà với thế kỷ đó thì cha chưa kịp làm gì
Chẳng hạn một câu thơ cho những người sống ở phần đất hứa bên kia
Hay văng tục đôi câu với kẻ bên này thế kỷ –
Cái thế kỷ của cha còn lắm điều xấu hổ!
Ôi giọt nước đã từng quẫy đạp trong bụng mẹ
Giờ đang quẫy lên trong lớp vỏ chính mình
Để tiếp nhận và lọc bỏ
Để tháo tung các giới hạn
Con hãy nhớ rằng có bao người không tên đang tự nguyện
Ghi vào nghĩa vụ mình thêm cho con cân thóc
Bao người nữa không tên lặng lẽ đóng thêm cho con một chỗ ngồi trong lớp học
Có bao nhiêu người bạc tóc giỏ giọt mực cuối cùng xuống phòng thí nghiệm
Cũng vì con
Cả người lính đêm này chong mắt trước biên cương
Để giữ lấy phần đất nơi con sinh được gọi là Tổ quốc
Và mẹ con, người đã trút cho con một phần thân thể
Một phần tuổi xuân…
Hỡi giọt nước sinh thành hãy bắt nắng và phát sáng
Tự bây giờ, trong con…
Đã mùa thu
Đêm cha quạt cho con chút lửa
Đặt ấm chỗ con nằm
Trở giấc, lại ngồi lại quạt
Những hòn than lấp lánh lim dim
Mặt con sáng vầng trăng nhỏ
Cha ngồi dáng người thượng cổ
Nhớ mười năm đốt lửa Trường Sơn
Cơn sốt, cơn đói
Người nằm xuống, kẻ còn lưa
Tóc cha sợi đen, sợi bạc
Chợt nhớ lời ru mùa thu gió hát
Cha ngồi trầm ngâm thâu đêm…
Ngày khẳm tháng, 9-1984

Ngũ ngôn ở An Hiên

Kính tặng bà Nguyễn Đình Chi
Sông lặng màu mưa cũ
Nắng chiều xanh núi xa
Đinh ninh lời non nước
Vườn xưa, một khóm hoa
1986

Người nằm bên Hồ Tây

Kính tặng nhà thơ Phùng Quán
Người nằm chân đưa về Hồ Tây
Gió mùa đông thổi lạnh chân gầy
Cuộc viễn du nào buồn đến vậy
Người hùng thời niên thiếu tôi ơi?
Người mơ mộng một thời đánh giặc
Người tóc râu một thời thị trường
Cuộc viễn du nào buồn đến vậy
Người hùng thời niên thiếu tôi ơi?
Gió vẫn gió của nghìn năm trước
Sóng vẫn sóng của nghìn bể dâu
Hồ Tây đang mùa sương khói
Hồ Tây đang độ hoa đào…
Người hùng thời niên thiếu tôi ơi!
Ngày 24-1-1995

Người ở Yên Tử

Người rời đất có xa đâu
Nhưng đất không ngồi bình yên được vậy
Và đá không đổ bóng dài được vậy
Trên những ngọn tùng, trên vầng mây
Người bình dị
Tưởng như ta có thể đặt tay lên bàn chân gầy của Người
Nghe ram ráp
Những dấu bùn lịch sử
Không có tiếng quân reo
Không có lửa
Chỉ có tiếng gậy trúc bà cụ gõ vào đá núi
Người ngồi đó
Dắt ta vào bảy trăm năm
Thăm thẳm như một giọt nước mắt
Ôi chao,
Rồi ta mãi mãi
Thương nhớ một Người
Rồi ta thương nhớ
Một thời Nước ta…
Tháng 12-2008

Nhân dân

Cúi mình trên đồng lúa
Lao lên các hoả điểm chiến tranh
Lăn mình trong các cuộc xuống đường
Cặm cụi với sách vở
Họ là nhân dân thứ thiệt
Nhưng trên diễn đàn cao nhất nước
Có người nói nhân dân chưa đủ trí tuệ
Để hưởng luật biểu tình!
Tôi nghĩ mãi
Ai đã bầu ra ông nghị này nhỉ?
Sao lại sợ nhân dân biểu tình?
Không!
Sự sợ hãi không cứu được chúng ta
Mà chính là sự can đảm
Đi tới dân chủ.

Nhớ Lưu Quang Vũ

“Tôi đi vắng
Bạn có thể ghi lại tên
Trên mảnh giấy trắng này”…
Anh để lời nhắn cho bạn bè
Rằng đừng thất vọng
Về sự vắng mặt của anh
Khi chúng ta còn hy vọng.
Rồi anh vội vã đi xa
Chị cũng lập tức đi xa
Cả con trai anh…
Thảng thốt
Như một vở bi kịch cổ điển
Đen tối, kinh dị…
Sau nhiều năm
Không biết ai đã gỡ xấp giấy đó đi
Hay còn để lại?
Đôi khi nhớ anh
Tôi tìm lại vở diễn ngày nào
Để nhìn thấy vinh quang của anh
Đạp tung cả khung cửa hẹp
Đón chúng ta về đoàn tụ
Mồng 2 Bính Thân 2016

Nhớ một nhà thơ đã mất

1.
Không sao dịu nổi vết bỏng lửa trên da thịt, trong tâm hồn
Một nhà thơ miền Nam
Lần bước những sườn đồi khổ nạn
Những năm hoà bình đầu tiên
Loang lổ một thời cuộc chiến
2.
Không ai viết biên niên sử
Nỗi đau một con người
Cũng chẳng là huyền sử
Những giọt nước mắt, mồ hôi
Chỉ có thơ
Làm lẽ phải thầm lặng.
3.
Khói lửa đã tàn trên mặt đất
Nhưng cuộc cãi dằn vặt, đau đớn, u hoài
Trong mỗi góc nẻo, tâm khảm con người
Trong thi ca
Vẫn ngày ngày lên tiếng
Ngày 24-4-2007

Nhớ Nguyễn Đ

Rồi có một ngày
Một người can đảm sẽ nói lên
Số phận một người tốt
Vinh quang một thời vàng son
Lẽ phải một cái chết
Rồi có một ngày
Có một người tốt
Bước ra từ lịch sử
Nói về cái tốt bị bỏ quên…
Chúng ta, kẻ không may mắn
Rồi cũng nhập vào dòng chảy của điều tốt đẹp
Dòng nước sẽ rửa sạch sự đớn hèn
Dẫu có khi đã nhường lời cho bọn khoác lác
Cuộc đời độ lượng
Có chỗ cho mọi vóc hình sự sống
Để sự sống phải mở đường đi
Qua bóng tối cái chết
Ngày 31-7-2005

Những bài hát, con đường và con người

Những bài hát không ai hát nữa
Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng
Sẫm bên đường mỗi sợi cỏ hoàng hôn
Nghe thương mến lại thắp từng ngọn lửa
Những bài hát không ai hát nữa
Đã vỡ trên môi anh ngọn gió dịu dàng.
Những con đường không ai trở lại
Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm
Anh nghe đập những bước chân đồng đội
Bao lối mòn chớp lửa chiến tranh
Những con đường không ai trở lại
Đã xuyên qua anh những mạch máu âm thầm
Những con người không ai gặp nữa
Đã đặt trên vai anh gánh nặng cuối cùng
Bao khuôn mặt gầy xanh, mơ mộng
Như cánh rừng, đã thuộc về anh
Những con người không ai gặp nữa
Đang sống cùng anh trọn tuổi xuân…
7-1984

Thơ Nguyễn Khoa Điềm còn rất nhiều những bài thơ, những tác phẩm thơ nổi tiếng khác, chúng tôi sẽ chia thành nhiều phần, nhiều tập thơ để quý độc giả có thể dễ dàng theo dõi thơ ông. Bạn có thể theo dõi thêm Nguyễn Khoa Điềm với các tập thơ nổi tiếng nhất Phần 3 ngay tại đường link này.