Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Cát trắng (1973) nổi tiếng phần cuối

Tập thơ Cát trắng Nguyễn Duy là một trong những tập thơ hay đặc sắc của nhà thơ này. Ở đó ta có thể cảm nhận một hồn thơ rất chân thực gần gũi. Mọi cuộc chiến của đất nước đều cũng đã được tái hiện một cách gần gũi qua các câu thơ. Để rồi những con người mà nhà thơ gặp đã được tái hiện thông qua bài thơ này. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ cuối cùng trong tập thơ Cát trắng bạn nhé!

Mảnh gương

Phá ấp – cô gái về làng cũ
Kỷ niệm tuổi thơ – hố bom nuốt chửng rồi
Dấu vết tình yêu – hố bom nuốt chửng rồi
Năm ngoái người con trai trốn giặc càn vét lính
Không biết bây giờ đang ở đâu?
Cô gái vội vàng ra vườn cau
Cái giếng…
Cái giếng vườn cau đã vỡ!
Nhưng
Rất sâu trong lòng gương của nó
Vẫn tỏ một tấm hình – chỉ mình cô thấy thôi
Cũng rất sâu trong lòng gương vỡ đó
Cô gái soi thấy rõ
Gương mặt mình và màu xanh của trời
Chuyện cúng giỗ trong ấp chiến lược
Nải chuối cúng ông bà bằng nhựa rỗng không
Cái quả vàng rỗng không hòng dỗ nín cái dạ dày lép kẹp
Ôi màu mè phồn vinh thoáng nhìn ngỡ đẹp
Nhìn lâu thì ứa nước mắt ra

Em bé lạc mẹ

Em run run giương mắt thỏ nhìn tôi:
– Cháu lạy ông, ông đừng ăn gan cháu!
Em mếu máo làm cả tôi mếu máo
– Chú đây mà, chú là Giải phóng quân
Rồi bế em đi tìm khắp xa gần
Tôi đưa em về với mẹ

Cô gái Hải Lăng

– Xin chớ trách em mặc vải Mỹ mỏng tang
Những áo hở hang, những quần bó nịt
Mười tám tuổi – mười tám năm kìm kẹp
Em như con chim trong lồng dây thép gai
Chúng nó mưu toan Mỹ hoá cả giống nòi
Súng anh nổ phá rào chiến lược
Trả lại cho dân xóm làng, vườn tược
Và trả em về với bộ áo bà ba

Bà mẹ Triệu Phong

– Răng mà khóc, con ơi…
Gánh cực quằn vai đã trút hết rồi
Đất quê kiểng lẽ nào tang thương mãi
Đau khổ quá chừng, lòng chai sạn lại
Mười năm nay mẹ không khóc nữa rồi
Nay con về, đừng khóc, con ơi…
Nhưng
Nước mắt Người lại rơi nóng vai tôi

Bát nước ngô của mẹ Việt ở Cam Lộ

– Cửa nhà bom giội trắng tay
Chỉ còn mấy bắp ngô này con ơi
Con về giữa buổi nắng nôi
Quà đồng chỉ có thế thôi, gọi là…
Nghẹn ngào mẹ nói chẳng ra
Nghẹn ngào chiến sĩ nhận quà ngô non
***
Ít ngô mà lại nhiều con
Mẹ cười móm mém: – hãy còn nước đây!
Bát sành lần lượt chuyền tay
Nước ngô mẹ lại rót đầy cho con:
– Ai chưa uống nước ngô non
Là chưa được thấm cái ngon của đồng
***
Cây ngô đứng nắng vẹo hông
Cho con bát nước mát lòng mẹ ơi!
Quà đồng chỉ có thế thôi…

Bên hàng rào Ái Tử

I
Bom đạn thi nhau vằm mặt đất
Sâu trong lòng đất tôi làm thơ
Có anh chiến sĩ yêu thơ quá
Áp súng bên tôi thắc thỏm chờ
II
Đất úp tấm lưng thừa dày rộng
Che cho thơ và cho chúng tôi
Muốn cùng thơ hát ca ngợi đất
Đào hết tâm tư vẫn thiếu lời

Giọt nước mắt và nụ cười

Chính uỷ của tôi xa quê hương hai mươi sáu năm trời
Nay trở lại làng mình đuổi giặc
Bộ đội hạ đồn. Nhân dân phá ấp
Vợ chồng chính uỷ gặp nhau
Cả hai đều đã bạc đầu
Họ trao cho nhau
Giọt nước mắt và nụ cười hai mươi sáu năm xa dành dụm lại
Giọt nước mắt cũng đã già như tuổi
Riêng nụ cười là vẫn trẻ trung

Đất đỏ – nước xanh

Bom đào đất đỏ, đỏ au
Chói chang trưa nắng một màu lửa nung
Phễu bom sâu hoá giếng hồng
Đất tuôn lặng lẽ một dòng nước xanh
Quê mình đó phải không anh?
Đau thương mấy vẫn ngọt lành bên trong

Hương cau trong đất

Đêm rằm ngủ dưới gốc cau
Gió mang hương xuống hầm sâu với người
Ơ hay trong đất có trời
Thơm man mác ánh trăng soi ngách hầm

Bàn chân người lính

Các anh hành quân xuyên qua giấc ngủ
Để lại trên đường dấu chân đẫm sương
*

Già trẻ hỏi nhau, lòng rưng rưng:
– Các anh đi, nửa đêm? hay gà gáy?
Chỉ thấy dấu chân như chào ở lại
*
Bàn chân chuyển lay đổ bốt sập đồn
Đi êm hơn giấc ngủ những người thương

Qua phà Bến Thuỷ

Sóng rẽ nước ra – con phà sang
Khoan thai trong tiếng hát sông Lam
Người xe ra trận như nước cuốn
Cuồn cuộn mà không chút vội vàng

Con đường qua Bến Mới

B52 lột da đầu của núi
Như lũ thực dân xưa lột đầu người da đỏ Anh-điêng
Những cánh rừng Hướng Hóa đầy hoa và chim
Đã hóa những cái đầu trọc lốc
Những cái đầu vẫn ngẩng cao vững chắc
Đội một con đường đỏ rực vắt ngang mây

Ngã ba – con mắt – tấm lòng

Tặng La Thị Tám – cô gái đếm bom trên ngã ba Đồng Lộc
Ngã ba dưới chân em
Đất phơi lòng đỏ, lòng đen
Khói bụi trộn đêm vào ngày
Lửa loé trộn ngày vào đêm
Hòn đá lăn ngược lên núi…
Vẫn từng đoàn, từng đoàn xe qua
Và bóng em vươn cao, trông xa
Điểm mặt quân thù đếm từng tội ác
Không một trái bom rơi ra ngoài mắt
Trăm trái bom không rơi ra ngoài mắt
Ngàn trái bom không rơi ra ngoài mắt
Trong mắt em: con đường thẳng đi xa
Vui rộn ràng từng đoàn xe qua
*
– Giữa ngã ba tròng trành sao em đứng vững?
– Bởi mắt em chỉ một tầm nhìn thẳng
Lòng em chỉ một con đường!
Tiếng hát đảo đèn
Đảo nhỏ, Long Châu
Đêm thẳm sâu – đảo càng nhỏ bé
Cô đơn có bủa vây, xâu xé?
Sóng gặm đá xanh, buồn có gặm lòng người?
Biết mấy lo âu, mong ngóng đảo đèn ơi
Đất mẹ lo ra, tàu xa lo tới
Cả những mảng cánh dơi trên ngọn triều chấp chới
Cá trĩu khoang quay mũi ngập ngừng
Lo phũ phàng nắng thiêu, mưa dông
Lo lưng bát cơm lo vơi ang nước
Khi sấn sổ mũi lao chiến tranh xâm lược
Toan chọc mù con mắt biển khơi
Nỗi lo không thể nói bằng lời
Trong bề bộn ngổn ngang trăm mối
Phải kể nỗi niềm: lo đảo nhỏ cô đơn
Đêm nay vừa tắt chớp bom
Mùi đá cháy, mùi thép nung, mùi thuốc nổ
Còn sặc sụa trong từng hơi đảo thở
Tôi ngước trông:
Con mắt biển Đông vẫn điềm nhiên rạng mở
Và tiếng hát từ lòng đảo nhỏ
Mượt mà như mái tóc chải khoan thai
Tôi không biết tiếng ai
Chỉ biết:
Tiếng hát đơn sơ có cái gì bất diệt
Thắp ngọn đèn không tắt giữa mênh mông
Tiếng hát thành cơn mưa mát thấm dịu lòng
Thành bàn tay rất đỗi thân quen cũng rất đỗi lạ lùng
Dọn lại trong tôi những ngổn ngang bề bộn
Hạt lúa cháy nảy mầm
Bom lân tinh đốt kho lúa giống
Mỗi hạt vàng đang thai nghén mùa sau
Đang ủ trong vỏ trấu:
những lò cao
đường phố thênh thang, nông trang bát ngát
hương nếp linh thiêng ngày giỗ chạp
hương dự vấn vương đưa người ra đi
hương tám xoan chờ người nơi xa về…
*
Hạt lúa cời từ đống lửa
Chín nắng mười mưa lòng nào nỡ bỏ
Lúa ơi nước mát lúa ngâm
Hạt lúa bị thương trăn trở nảy mầm
Thương lúa quặn đau như người đẻ khó
Đất êm dịu tựa bàn tay người đỡ
Mầm mạ lọt lòng mập mạp trắng xinh
*
Phải đất nghèo nên hạt lúa giàu tình
Biết thương người như người thương lúa?
Quen nắng bỏng, dẫu dầm vào lửa
Lúa vẫn nguyên lành mầm xanh

Bài thơ tặng con

Một mái hộ sinh
Trăm chùm bom rơi
Con tôi
chào đời
trong lòng đất
Vách hầm rưng rưng – nước mắt
Nước mắt đất
Nhỏ trên khuôn mặt như trái hồng ươm
Nhỏ vào tiếng khóc mềm như chồi non
Cha ghé thăm con:
Chiếc hôn vội vã
In lên sắc hồng đôi má
Dấu đất chiến hào hoen dấu mồ hôi
Tháng ba con biết lẫy
Tháng bảy con biết ngồi
Con bò qua tháng chín tháng mười
Biết với theo cha, biết sà vào lòng mẹ
Nhưng không biết rụt đầu khi tàu bay Mỹ ré
Chẳng giật mình trong trận bom rơi
Bà ru con, ru hỡi, ru hời…
Màu xanh ngây thơ khép hờ trong mi mắt
Cái ngủ trong nôi
Nôi đưa trong đất
Đất đưa trong lớp lớp bàn chân
Bàn chân đi át tiếng bom gầm
Bàn chân đi… rồi con sẽ học
Câu thơ của cha, rồi con sẽ đọc
Tất cả phần con những mùa quả chín đầy
Rễ cây hút màu từ thớ đất hôm nay
Tới tận vành nôi hút từng hơi con thở
Cha biết con đang thèm ngọn gió
Khát tia bình minh từ cửa đất rọi vào
Nụ cười vẫn hồng hào
Trên vòm gối thêu bát ngát trăng sao
Không vui nào bằng niềm vui lặng lẽ
Khi đất và cha cùng nghe con gọi “Mẹ!”
Soi mắt con cười, cha thấy đó, trời xanh

Ý nghĩ trong đêm trực của người đỡ đẻ

Đêm thùng thình như chiếc áo blu
Choàng xuống giấc ngủ say thành phố
Ngoài cửa sổ dập dìu hương hoa sữa
Đất nước mình thêm trẻ trong đêm
Em trực đêm nay – đêm thứ một nghìn
Mà không có đêm nào lặp lại
Bàn tay em bế bồng bao đổi mới
Dù người mẹ nào cũng qua cơn đau
Dù đứa trẻ nào sinh ra cũng giống nhau
Đêm đạn bom ở dưới hầm sâu
Tiếng trẻ chào đời âm vang dõng dạc
Đêm chống lụt từ trên tầng gác
Tiếng trẻ chào đời cũng lội ra ngoài đê
Đêm như đêm nay, rồi anh sẽ nghe
Tiếng trẻ chào đời thơm hương hoa sữa
Có đứa ra đời cha chờ ngoài cửa
Có đứa ra đời cha đi làm ca
Có đứa ra đời cha ở mãi nơi xa
Bàn tay em đây – năm năm nghề rồi đấy
Vẫn run run, lần nào cũng vậy
Và mỗi lần nhìn mặt trái bàn tay
Nhớ lời xưa của đôi đứa bạn bầy:
– Ôi, có ra gì cái nghề đỡ đẻ!
Em nghĩ những ai nói lời như thế
Cũng không phải từ dưới đất trồi lên
Em tự ví thầm hai bàn tay em
Là nhịp cầu đầu tiên mười mống
Đưa những con người đi vào cuộc sống
Con người qua đây là ai mai sau?
Là ai? Làm gì? Em chưa biết đâu
Điều em biết: đó là con người tốt
Người làm chủ và làm giàu đất nước
Ôi đất nước mình cứ trẻ mãi thôi!

Sơ tán

Áo trắng em nhuộm màu phòng không
Thị trấn cũng giũ đi lớp bụi đường trắng xóa
Tạm rời xa con đường quốc lộ
Thị trấn vào rừng phố mới xanh non
Nhìn mỗi căn nhà sơ tán con con
Ai dễ tưởng cuộc sống này hẹp lại?
Phải, có hẹp đi những gì trống trải
Những mẩu không gian thừa thãi trong phòng
Để sống rộng thêm – tiếng hát cánh rừng
Sống sâu thêm – căn hầm đất đỏ
Và cao thêm – ngọn cây cổ thụ
Thị trấn nghe mình thở hơi đằm hơn
Người xe đi về khi sớm khi hôm
Đêm thị trấn thêm nhiều tăng, nhiều võng
Những quán nước xưa rải dài đường vắng
Giờ tụ vào che chung bóng cây
Hiệu sách dăng đầy sách treo trên dây
Thị trấn mang theo nghìn năm tri thức
Người thị trấn lại bồi hồi nao nức
Chuyền tay nhau những trang viết về mình
Anh ghé thăm em một đêm lặng thinh
Soi mặt nhau qua ngọn đèn hạt đỗ
Rủ rỉ trong căn hầm kèo tụ mụ
Câu chuyện mở ra lấp lánh chân trời
Anh đi rạo rực mãi không thôi
Khi hiểu túp nhà sơ tán
Như màu cỏ úa áo em
Cất giấu bên trong mùa xuân rất đẹp
Con chim kiền kiền thu đôi cánh hẹp
Là để vút mình cho chuyến bay xa

Bài hát người làm gạch

Tặng em Hạng – người làm gạch
Đất im lặng dưới chân ta
Mà nghe có tiếng phố nhà âm vang
Xôn xao mái ngói, nhà tầng
Lắng nghe có tiếng hát thầm… đất thôi
Hòn đất là hòn đất rời
Thành vuông gạch dẻo – tay người nhào nên
Hòn đất là hòn đất mềm
Qua nghìn độ lửa – chắc bền dài lâu
Hòn đất là hòn đất nâu
Ra lò – đất rực rỡ màu đỏ tươi
Nhanh tay nào bạn mình ơi
Gạch đi trăm ngả trăm nơi đang chờ
Bom rơi xuống phố xuống nhà
Phố nhà rơi xuống đất ta những ngày…
Bàn tay vẫy gọi bàn tay
Nhà cao lại dưới đất dày mọc lên
Tay nâng hòn đất lặng im
Để nguyên là đất, cất nên là nhà
Thằng giặc lái bị bắt ăn cơm bằng xác máy bay, uống nước bằng ống rốc-két…
Bay trên trời nó có biết đâu
Đạn và bom nó vãi
Đồ đạc chúng tôi không sót lại thứ gì
Bát sành vỡ nát, bát sắt bay đi
Cái ca, cái nồi, cái thìa
Cũng thủng, cũng bay đi hết
*
Bay trên trời nó đâu có biết
Mảnh đất này găm đầy đuya-ra
Cái bát, cái nồi, cái thìa, cái ca
Đâu lại vào đấy cả
*
Rơi xuống đất này
Nơi quen mắt mà vô cùng xa lạ
Bát cơm ngô vàng như đất hố bom làm cho nó giật mình
Ca nước vối đỏ như khói đạn làm cho nó giật mình
Mặt nó xanh
Mắt nó trồi ra
Nhìn cái bát, cái ca
(Cái bát gò bằng xác “con ma”
Cái ca tiện bằng ống rốc-két)
*
Chúng tôi nói, nó ngơ ngơ không biết
Nó không biết tiếng ta
Mắt nó trồi ra
Nhìn cái bát, cái ca
Chắc chắn là nó biết…

Phỏng vấn

Kính tặng đồng chí Th. T.
Nhà báo nước ngoài:
Ông thấy người Mỹ chưa?
Những người Mỹ mang bom trên trời ấy
Chiến sĩ Việt Nam:
Tôi đã thấy
Những tên Mỹ giặc trời
Rơi xuống đất
Chỉ có hai tư thế:
Một là giơ tay hàng
Hai là cháy thành than

Từ trái bom đến trái dừa

I
Thằng Mỹ dắt bom tới Hàm Rồng
Bom rơi xuống màu xanh sông Mã
Bom Mỹ có hình thù một loài quả
Khói bom đùn lên cũng na ná một loài cây
Trời cứ xanh, cứ xanh trong mắt thằng giặc bay
II
Trời đang xanh, đang xanh bỗng tối sầm trong mắt
Thằng Mỹ rơi về sự thật:
Mảnh bom chém vát thân dừa
(Những thân dừa thanh thanh đu đưa
Như dáng cô lái đò nghiêng nghiêng bên mép sóng)
Những trái dừa xanh non tuổi thơ
Ngoẹo đầu dưới gốc dừa máu đọng
III
Chị dân quân
Và lưỡi dao
Im lặng
Thằng Mỹ dưới chân – có phải con người?
Lá cờ xin ăn lem luốc những ngôi sao đen thui
– Có phải lá cờ không nhỉ?
IV
Chị dân quân cắn môi
Lưỡi dao loáng sắc trời
Bổ chát!
Không
Không bổ cái đầu bờm cúi rạp
Mà bổ trái dừa cho một cơn đói khát
Hai lần chết của một người lính cộng hoà
Dòng máu anh đất hút khô rồi
Anh teo quắt, đất vẫn khô không khốc
Bà con thương tình chôn anh xuống đất
Chưa được nửa ngày, bom Mỹ lại đào lên

Trang sách chưa in

Cô gái ấy mặc áo màu rêu
Ngực áo xanh dòng thêu: Trà Lý
Cô lấp hố bom trên cua chữ A
Mắt đen cười vẫy đoàn xe tôi qua
Má phủ màu đất núi
Dải tóc chảy thành đôi nhành suối trong sương
*
Một trưa dừng chân trong lòng Trường Sơn
Nghe giọng gió thơm thơm trái thị:
“Đẹp biết bao tâm hồn chiến sĩ…”
Một thanh niên xung phong ngồi dựa gốc thông già
Vừa chép trang thơ vừa ngâm nga
Cô bỗng nhìn lên:
Má lổ loang sẹo trắng
Con mắt trái đục lờ – mờ hẳn
Nham nhở mái đầu tóc cháy vàng khô
Tôi lặng đứng sững sờ
Trông ngực áo xanh dòng thêu: Trà Lý!
*
“Sau trận cứu xe – cô gái kể
Lệnh cấp trên đưa em về hậu phương
Em nằn nì xin ở lại cung đường
Từ đó làm giáo viên, anh ạ
Chút vốn lớp mười trên đất lửa
Em mong còn giúp được anh chị em…”
Gia tài của em:
Hai chiếc ba lô nhuộm màu đất đỏ
Toàn là sách, cuốn rách bìa, cháy dở
Cuốn sờn nhàu, cuốn thủng bom bi
Có vài cuốn em mang đi
Còn ngần ấy anh chị em góp lại
Những tối lặng bom, những trưa rỗi rãi
Em đọc chuyền hết lán lại sang hang…
*
Giữa Trường Sơn bom động đại ngàn
Tôi được lật những trang ca dao dạt dào mùa lúa trổ
Được gặp Kim – Kiều chiều xuân tảo mộ
Cả dáng đứng, lời hô anh Trỗi, anh Xuân…
Vào cuộc chiến tranh này trang sách cũng hành quân!
Xe tôi đi, chiều đổ mưa dầm
Em vẫy đưa tôi: nụ cười trong mắt
Từ đó, mắt tôi dường như mang tật
Xem bất kỳ trang văn, trang thơ
Dù của ai, dù viết bao giờ
Đều thấp thoáng dòng xanh: Trà Lý!
Và thầm hỏi:
– Trong em, tâm hồn chiến sĩ
Còn bao nhiêu trang sách quí chưa in?

Về thăm nhà Bác

Sáng mai tôi đi xa
Chiều nay tôi về thăm nhà Bác
Ngõ nhà Bác đỏ hàng bông bụt
Không khác chi hàng bông bụt trước nhà tôi
Vườn Bác xanh luống lạc luống khoai
Giống mọi mảnh vườn trồng khoai trồng lạc
Tám cây cau đằng sau nhà Bác
Cũng gầy gò như mọi cây cau
Mái nhà lợp bằng lá mía trắng phau
Như mọi mái nhà lợp bằng lá mía
Mảnh đất làm nhà bốn phương về ngắm nghía
Là mảnh đất làm nhà có ở khắp bốn phương
(Mọi cái ở đây đều rất bình thường
Như bộ quần áo nâu Bác mặc
Như đôi dép cao su của Bác
Đôi dép mọi người Việt Nam cùng đi)
Nắng chiều nay vẫn cái nắng lầm lì
Như cái nắng mọi khi ủ luống cày phơi ải
Gió chiều nay vẫn tung tăng thoải mái
Như cơn gió mọi khi chạy sải trên đồng
Và lòng tôi chiều nay thanh thản lạ lùng
Như mọi khi tôi sang nhà ông nội
Cùng đoàn khách tham quan từ trăm nơi tới
Tôi soi mình trong mỗi vật đơn sơ
Ngắm ảnh Bác trên liếp gỗ giữa nhà
Tôi thấy Bác gần hơn bao giờ hết
Ngôi nhà lá chiều nay thân thiết
Cùng tôi đi vào ngày mai

Trên đây là những bài thơ của Nguyễn Duy viết trong tập thơ Cát trắng. Ở đây ta có thể thấy được một tình yêu nước nồng nàn trong lòng mỗi người. Từ những địa danh lịch sử, từ các câu chuyện gắn với các con người mà nhà thơ đã gắn bó. Để từ đó ta thêm yêu, thêm quý mảnh đất này. Đừng quên đón đọc các bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cảm nhận những bài thơ hay nhất bạn nhé!