Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Ánh trăng (1984) phần 1

Ánh trăng là một trong những tập thơ hay của Nguyễn Duy. Bởi với nhà thơ này ánh trăng chính là một người bạn bè thân thiết của nhà thơ. Và đó cũng chính là lý do giải thích tại sao nhà thơ này lại được đánh giá là một nhà thơ của những vẻ đẹp đời thường. Chẳng hạn như những cọng rơm, những con đường xác xơ… Tất cả đều được Nguyễn Duy viết lên vô cùng gần gũi và nên thơ.

Mùa thu

Gió mùa thu đẹp thêm rằm
mẹ ru con, gió ru trăng sáng ngời
ru con, mẹ hát à ơi
ru trăng, gió hát bằng lời cỏ cây
bồng bồng cái ngủ trên tay
nghe trong gió có gì say lạ lùng
nghe như cây lúa đơm bông
nghe như trái bưởi vàng đung đưa cành
Thì ra dòng sữa ngực mình
qua môi con trẻ cất thành men say
hiu hiu cái ngủ trên tay
giấc mơ có cánh gió bay lên rồi
ru con, mẹ hát… trăng ơi
con ru cho mẹ bằng hơi thở mình

Trở lại khúc hát ru

(Truyện thơ ngắn)
1
Ngày cưới vợ
cũng là ngày xa vợ
đến nay là tám năm
Trộn vào nhớ, vào thương, từ chiến trường xa xăm
là nỗi ước ao
giá mình có một thằng con nhỉ!
Võng bạt đu đưa
anh thường hát khẽ
vài ba câu hát ru
Trở về
anh để lại đằng sau
tám năm xa cách
tám năm bom lửa
nỗi ước ao nén lại tám năm
bất ngờ nổ vỡ
giữa ngực anh
như một quả bom:
vợ anh vừa đẻ một thằng con
2
Anh hiểu chuyện này không dịu dàng như lời ru đâu
người ta từng nói với nhau
bằng phát súng
bằng nhát dao
bởi có những điều lời không nói được
bởi có những người thắng nhiều trận mạc
mà không thắng nổi lòng mình
Còn anh
vừa bước ra từ lò cao chiến tranh
da sạm màu khói
cái gì đáng mất đi thì chảy thành xỉ rồi
cái gì đáng còn lại thì thành thép tôi
nguồn lạch nghĩ suy anh đã tới
ngõ ngách tâm tình anh đã qua
Cơn sốt rét vàng cõng chiếc ba lô
qua nghìn núi
lòng dũng cảm dắt anh ra khỏi
bãi bom B.52 nhằng nhịt lưới tử thần
Lẽ nào giờ đây anh chùn chân
trước vách núi cheo leo
dựng đứng trong lòng
dù rằng cao thật đấy
3
Anh chưa nói lời nào
vợ anh đã đầm đìa nước mắt
nước mắt cuốn trôi ngày vui gặp mặt
– Em lỗi lầm
anh hãy xa em đi…
em không còn xứng đáng với anh nữa!
Lời nói như dao cứa
tình nghĩa vợ chồng dứt được dễ dàng đâu
nói vậy làm gì
mình tự cắt mình, càng cắt càng đau
Im lặng
cho cùng yên tĩnh lại
cho yên tĩnh cả một đời con dại
con khóc rồi kìa
ru nó đi
em!
4
Tiếng võng cói xiết vào cây cột xoan
nghiến như khoan
nhưng không phải tiếng hàm răng nghiến
Tiếng à ơ…
bổng trầm
ẩn hiện
tiếng à ơ
tiếng một người già
ru
một đứa trẻ thơ
Khúc hát như cắt ra
từ ngày xưa
cắt ra
từ bao nhiêu nỗi niềm
cắt ra
để mà nối liền
nối liền lại những gì đang còn đứt
Từng khúc
từng khúc
cắt ra
từ một mảng lòng
… à ơ
bầu ơi thương lấy bí cùng
tuy rằng…
Anh nằm nghe
tiếng võng cói xiết vào cây cột xoan
xoáy như khoan
khúc hát
của đời người đôn hậu
có phải là lời bà ru cháu
hay đến bây giờ mẹ vẫn ru anh?
5
Nửa đêm nghe tiếng trở mình
anh và vợ còn cách nhau một đứa trẻ!
Hạnh phúc lớn lao sao lại thế?
và đứa trẻ hoi nồng hơi sữa mẹ
có lý nào lại là sự cách xa?
Điều ấy cần gì phải nghĩ ngợi lâu
ngập ngừng
khó khăn
là đặt nổi lòng mình lên lưỡi
Sự từng trải đã dạy anh ít nói
bom đạn dạy anh quen biết chọn lời
Anh sẽ bắt đầu
từ cái ngày
hai đứa yêu nhau đừng hòng ai chia cắt
rồi những phút nằm kề cái chết
anh chưa hề nghĩ đến phải xa em
trước cái đêm vĩnh biệt nhau trong thung lũng Tà Cơn
thằng bạn còn đùa anh: “Chúc mày về gặp vợ…”
Ôi, nếu không vì tám năm cách trở
làm gì nên nỗi nào
gặp nhau rồi
hãy chia nhau niềm vui lớn lao
còn cái giếng buồn đau
thôi
càng đào càng thẳm
Để có được ngày sum họp lớn
ta trải qua nhiều xa cách và hy sinh
người chết phải xa người sống lẽ đành
những người sống xin đừng xa nhau nữa!
6
Khi nằm giữa vòng tay nhân ái
đứa trẻ nào cũng có mẹ có cha
Thằng nhóc ngủ dần trong khúc hát ru
khác cái giọng dưa du ẩn hiện của người già
giọng anh hát trầm như gió núi
Vẫn khúc hát của ông bà để lại
không phải chỉ cất lên nơi đầu lưỡi
mà rung lên như tiếng vọng trong lòng
à ơi…

Lời của cây

Mưa vùi, nắng đốt, gió xô
mà cây vẫn đứng – bây giờ tốt tươi
rễ sâu bền vững đời đời
cành vươn riêng một khoanh trời mát xanh
bao nhiêu lứa quả ra cành
hoang sơ đất cỏ nay thành rừng cây
Đến non tơ lứa quả này
lay nghiệt ngã suốt những ngày chung chiêng
bão xoáy mười mấy cơn liền
nóng khô sém lá, rét đen tím chồi
phần thương thương lắm quả ơi
phần lo lứa quả liệu rồi ra sao?

… và lời của quả

Quả là quả của cây cao
nhựa cây luyện lọc qua bao nhiêu đời
nhựa săn thành thịt quả rồi
gió rung cho rụng cho rơi, dễ gì
Đã đành có quả rụng đi
thì như lá ấy, rụng về cội cây
trăm ngàn mưa gió vặn xoay
quả nào còn đến hôm nay hẳn còn
Xin đừng ngại lứa quả non
quả non sẽ chín, hạt non sẽ già
ngày đông xương xẩu dần qua
xuân sang, hạt cựa ắt là mầm lên
Mỗi ngày một tốt tươi thêm
cây cao bóng cả hãy tin quả này
quả không sa xuống từ mây
quả đi từ dưới gốc cây lên cành

Âm thanh bàn tay

Khi chưa hiểu người con gái ấy
tôi chưa biết tiếng đàn em hay như thế đâu
Đôi bàn tay tài hoa biết làm ra âm thanh quyến rũ
từ một cây vĩ cầm mà với tay tôi chỉ là cái hộp gỗ
từ nốt trắng nốt đen trên khuông kẻ
mà với mắt tôi là luống đỗ nảy mầm
Tôi lớn lên với ruộng với đồng
nghe giao hưởng khác nào nghe xay thóc
em dạy nhạc cho tôi khác nào đi vỡ đất
Em cấy vào tôi luống nhạc đầu tiên
tôi ngỡ ngàng hiểu ra bàn tay em
từng giúp mẹ những đêm đông quét rác
tiếng chổi vô tư dạo trên đường khuya
Ngày lụt to, cả Hà Nội lên đê
tay mềm mại vần từng xe đá hộc
rồi con cá, mớ rau, bếp núc
chăm chút một gia đình vẫn bàn tay tài hoa
Tôi thường gặp em trên đại lộ
lỉnh kỉnh sau xe khi túi gạo, khi thùng dầu
đất nước mình những năm nhiều gian khổ
bàn tay mang nhiều vẻ đẹp khác nhau
Không thể nào quên một buổi chiều nao
tôi chợt biết tay em nhiều vết xước
ấy là lúc trong tay tôi rung lên ấm áp
bản nhạc không lời mười ngón tay em đan
Em vá cho tôi cái áo lính cũ càng
bàn tay láy trên vai tôi đường khâu rất đẹp
như đã láy vào lòng tôi da diết
tiếng đàn xe chỉ luồn kim
tiếng đàn lặn sâu như con cá ăn chìm
Chưa sâu bằng đêm nay tôi nghe em
tiếng đàn êm như tóc
tiếng lận đận mây trôi bèo dạt
tiếng bàn tay mang vết xước thường ngày
Cây đàn đột nhiên biến đi
chỉ còn thấy đôi bàn tay trước ngực
và tất cả tan ra thành âm thanh trong vắt
lắc lư tôi như sóng lắc lư thuyền
Ấy là lúc hai tiếng đàn chập lại
một tiếng đàn bàn tay em đấy
với một tiếng đàn bật dậy trong tôi

Mưa trong nắng, nắng trong mưa

Bộn bề công việc bấy lâu
hẹn nhau dành dụm cho nhau một chiều
đường nào cũng lắm thương yêu
lối nào cũng đẹp rất nhiều lứa đôi
trong veo là nắng với trời
ngổn ngang thân mến là người với nhau
Chiều đang sâu thắm một màu
tự dưng lộp độp ngang đầu – ồ mưa!
mưa rào giữa nắng hay chưa
hạt mưa ném thẳng có chừa ai đâu
vội vàng ta nấp vào nhau
mái đầu che lấy mái đầu thoảng hương
– Em đừng trách nhé, em thương
nào ai biết được giữa đường gặp mưa!
tiếng em như tiếng gió lùa:
– thôi, đừng nói giọng người xưa, buồn cười…
Từ môi mưa giọt xuống môi
nhấm chung một hạt mưa rơi mặn mà
áo em ướt lẫn vào da
tóc lẫn vào gió, gió là sợi tơ
mắt em trong đến ngây thơ
trong như nắng giữa mịt mờ mưa giăng

Muối trắng

Nếm hạt muối trên đồng mặn tê đầu lưỡi
tôi chạm tới phần nhỏ xíu của đại dương
Có nơi nào mà không gặp muối
muối hòa tan trong đất
trong cây
trong máu của tôi
trong miếng ăn ngày ngày dù bát canh suông hay quả cà nén mặn
trong cái nhớ đêm đêm, hồ dễ mà quên lời dặn thủy chung gừng cay muối mặn
trong cả nỗi xót đau như muối xát lòng
Và hôm nay tôi gặp muối trên đồng
từ vị mặn còn lặn trong ruộng cát
từ bàn tay sần chai xới, dầm, chang, gạt
từ gương mặt đỏ nhừ như cua luộc
từ vạt áo, khi ra đồng thì màu nâu non, khi về thôn thì màu cát bạc
từ dáng người đi tất bật giữa trưa hè
Hạt muối nào kia có cái phút linh thiêng xòe trắng giữa ô nề
là đã đi qua ba bảy lần dầm, ba bảy lần chang, ba bảy lần lọc cát
là đã đi qua ba bảy lần cô quánh, thành nước chạt
và dát mình ra mà phơi nắng, kết tinh
Muối lung linh cùng nắng lung linh trắng lấp cái nhìn
nhắm mắt lại trong đầu còn trắng lóa
màu trắng này lại đi về trăm ngả
đi hòa tan vào sự sống muôn loài
Ở lại đây với ô cát mặn mòi
vẫn những con người chịu đen da cho muối trắng
nấm muối chảy ròng ròng qua mặt
và nghe muối kết tinh trên thịt da mình
Tới đây rồi hồ dễ mà quên
những hạt muối thân quen, dù lưỡi không chạm vào, lòng sao thấm mặn
những hạt muối khai sinh ra cánh đồng muối trắng
những hạt muối
phơi
trên áo người

Tuổi thơ

Tuổi thơ tôi bát ngát cánh đồng
cỏ và lúa, và hoa hoang quả dại
vỏ ốc trắng những luống cày phơi ải
bờ ruộng bùn lấm tấm dấu chân cua
Tuổi thơ tôi trắng muốt cánh cò
con sáo mỏ vàng, con chào mào đỏ đít
con chim trả bắn mũi tên xanh biếc
con chích choè đánh thức buổi ban mai
Tuổi thơ tôi cứ ngỡ mất đi rổi
năm tháng trôi qua không bao giờ chảy lại
cái năm tháng mong manh mà vững chãi
con dấu đất đai tươi rói mãi đây này
Người ở rừng mang vết suối vết cây
người mạn bể có chút sóng chút gió
người thành thị mang nét đường nét phố
như tôi mang dấu ruộng dấu vườn
Con dấu chìm chạm trổ ở trong xương
thời thơ ấu không thể nào đánh đổi
trọn kiếp người ta chập chờn nguồn cội
có một miền quê trong đi đứng nói cười
Tuổi thơ nào cũng sẽ hiện ra thôi
dầu chúng ta cứ việc già nua tất
xin thương mến đến tận cùng chân thật
những miền quê gương mặt bạn bè

Cầu Bố

Ai qua Thanh Hoá về Quảng Xá
men rượu là hương vị của làng tôi
nhắc cầu Bố chắc nhiều người còn nhớ
đình nhà Lê rêu phủ đã bao đời
Nhà tôi đó, không cổng và không cửa
ai ghé qua cứ việc hút thuốc lào
cha tôi trổ rất nhiều cửa sổ
gió nồm nam thoải mái ra vào
Đường làng tôi tiếng xe thồ lọc xọc
chiếc xe thồ từng đẩy tới Điện Biên
ngược dòng sông Mạ lên Tây Bắc
ai xuôi về cũng sốt kinh niên
Những năm bom đạn như gieo mạ
lại chiếc xe thồ đi về Nam
cha tôi qua cầu Bùng cầu Ghép
tôi nhìn theo chớp lửa nhập nhoàng
Cỏ đã lấp ai còn thấy nữa
vết xe thồ vẹt đỉnh Trường Sơn
ai thấy nữa ông già đầu bạc xoá
đẩy xe thồ ngang dọc lũng Tà Cơn
Cha tôi đó, dân làng tôi vậy đó
xả hết mình khi nước gặp tai ương
rồi thanh thản trở về với ruộng
sống lặng yên như cây cỏ trong vườn
Cha tôi đó, suốt đời thồ nặng
trĩu cả hai vai việc nước – việc nhà
bom rồi bão, mấy lần nhà sập
lụi cụi tuổi già, con cháu đã đi xa
Ngày họp mặt, cha già như trẻ lại
bếp rượu đặt giữa nhà, bè bạn vây quanh
con đường chiến tranh còn ngoằn ngoèo trong ruột
càng thêm say hương rượu nếp thanh bình

Đò Lèn

Thuở nhỏ tôi ra cống Na câu cá
níu váy bà đi chợ Bình Lâm
bắt chim sẻ ở vành tai tượng Phật
và đôi khi ăn trộm nhãn chùa Trần
Thuở nhỏ tôi lên chơi đền Cây Thị
chân đất đi đêm xem lễ đền Sòng
mùi huệ trắng quyện khói trầm thơm lắm
điệu hát văn lảo đảo bóng cô đồng
Tôi đâu biết bà tôi cơ cực thế
bà mò cua xúc tép ở đồng Quan
bà đi gánh chè xanh Ba Trại
Quán Cháo, Đồng Giao thập thững những đêm hàn
Tôi trong suốt giữa hai bờ hư – thực
giữa bà tôi và tiên phật, thánh thần
cái năm đói củ dong riềng luộc sượng
cứ nghe thơm mùi huệ trắng hương trầm
Bom Mỹ dội, nhà bà tôi bay mất
đền Sòng bay, bay tuốt cả chùa chiền
thánh với Phật rủ nhau đi đâu hết
bà tôi đi bán trứng ở ga Lèn
Tôi đi lính, lâu không về quê ngoại
dòng sông xưa vẫn bên lở bên bồi
khi tôi biết thương bà thì đã muộn
bà chỉ còn là một nấm cỏ thôi!

Gửi Huế – Bốn chiếc cầu bắc ngang sông Hương

Em đưa tôi qua Bạch Hổ, Tràng Tiền
vô cớ đứng tần ngần trên cầu Mới
sông Hương mùa này trong thấy đáy
nước về xuôi gió lại ngược lên ngàn
Em đánh số cho cầu theo tuổi nó
số một
số hai…
số ba chen vào giữa
Xin em đếm lại
bốn, ba, hai…
không lẽ em quên chiếc cầu số một
chiếc cầu treo cổ nhất
chiếc cầu dải yếm bắc từ xưa!…

Trên đây là các bài thơ hay của Nguyễn Duy viết trong tập Ánh trăng mà chúng tôi đã tìm hiểu và chia sẻ với bạn. Và nhiều bài thơ trong tập này đã được đưa vào chương trình giảng dạy trong sách giáo khoa. Ở đó ta cảm nhận được một hồn thơ vô cùng chân thật và gần gũi của nhà thơ. Đừng quên đón đọc những bài viết tiếp theo của chúng tôi để cùng cập nhật những bài thơ hay nhất của nhà thơ này bạn nhé!
Xem thêm: Nhà thơ Nguyễn Duy và tập thơ Ánh trăng (1984) phần 2