Nhà thơ Thái Bá Tân và tập Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ (2015) phần 1

Thái Bá Tân có một tập thơ hay thú vị là Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ. Đây là tuyển tập những bài thơ với các câu chuyện giản dị. Nó tuy ngắn gọn nhưng lại chứa đựng những bài học vô cùng thâm thúy và sâu sắc. Điều đặc biệt là Thái Bá Tân đã chuyển thể thành thể thơ tự do – năm chữ giàu tính nhạc điệu và hình ảnh nên rất dễ thuộc. Hãy cùng tìm hiểu các bài thơ hay nhất nhé!

Lừa khoác da sư tử

Có một chú lừa nọ
Một hôm đi đâu về
Thấy bộ da sư tử
Người ta phơi trên đê
Chú khoác bộ da ấy
Rồi cứ thế về làng
Mọi người tưởng sư tử
Liền bỏ chạy vội vàng
Chú kêu lên thích thú
Bằng tiếng lừa – be be!
Ông chủ nhận ra chú
Liền đủng đỉnh dắt về
Chú còn bị mấy gậy
Vì tội làm dân làng
Tưởng chú là sư tử
Bị một phen kinh hoàng
Áo quần đẹp có thể
Che cái dốt phần nào
Nhưng lời nói ngu ngốc
Thì đành chịu, buồn sao!

Rùa và thỏ

Một chú thỏ khoác lác
Chú chạy nhanh nhất đời
Rồi lên tiếng thách thức
Cả loài vật lẫn người
Không ai nhận lời thách
Cuối cùng một chú rùa
Đồng ý thi với thỏ
Ai cũng nghĩ rùa thua
Trước đông đảo quan khách
Cuộc thi chạy bắt đầu
Thỏ cậy nhanh, đủng đỉnh
Và dềnh dàng khá lâu
Chú chủ quan, còn nghĩ:
Rùa chạy chậm rì rì
Ta ngủ một giấc đã
Tỉnh dậy rồi hẵng thi
Còn rùa, biết mình chậm
Nên cứ chạy đều đều
Chạy một mạch không nghỉ
Trong những tiếng hò reo
Khi tỉnh dậy, chú thỏ
Dụi mắt, đã thấy rùa
Sắp về đích, chú chạy
Nhưng cuối cùng vẫn thua
Bài học thế là rõ:
Đừng chủ quan hơn người
Ai cần cù làm việc
Sẽ thành công trong đời

Chú dơi thông minh

Có chú dơi bé nhỏ
Đang bay lượn trên cây
Không may rơi xuống đất
Một chú sóc tóm ngay
Dơi liền xin tha mạng
Sóc lắc đầu lặng im
Cuối cùng nói: “Không được!
Ta ghét các loài chim”
“Thì tôi là loài chuột
Không phải chim, thật mà!
Chim có lông”, dơi nói
Sóc nhìn kỹ, rồi tha
Lần khác, chú lại ngã
Cũng vì mới tập bay
Có một chú sóc khác
Đang ở gần, tóm ngay
Dơi lại xin tha chết
Sóc cương quyết nói không
“Xưa nay ta ghét chuột
Nhất là loại chuột đồng”
“Tôi cũng ghét loài chuột
Tôi là chim, thật mà
Tôi có cánh” dơi nói
Sóc thấy đúng, rồi tha
Phải khen chú dơi ấy
Một chú dơi thông minh
Biết tuỳ thời, tuỳ cảnh
Mà cứu được chính mình

Cáo và báo

Một hôm, cáo và báo
Cãi nhau ai đẹp hơn
Báo nói: “Trên lưng tớ
Nhiều đốm đẹp hình tròn”
Cáo đáp: “Lưng cậu đẹp
Những đốm sáng nhiều màu
Tớ mới thực sự đẹp
Có đốm sáng trong đầu”
Có gì đáng khoe mẽ
Cái đẹp trên lưng mình?
Cái đẹp đáng quý nhất
Ấy là sự thông minh!

Mèo và sư tử

Có chị mèo mắn đẻ
Một hôm nói thế này
Với một con sư tử:
“Cái nhà bác thật hay!
Người thì to và đẹp
Cũng không thiếu thức ăn
Thế mà chỉ đẻ một
Tôi thì đẻ gấp năm!”
Sư tử đáp: “Thưa chị
Tôi không đẻ sòn sòn
Nhưng tôi mà đã đẻ
Là đẻ sư tử con”
“Quý hồ tinh”, các cụ
Dạy, “bất quý hồ đa”
Câu chuyện này cũng vậy
Từ đó mà suy ra

Sư tử, lừa và cáo

Sư tử, lừa và cáo
Đi săn chung với nhau
Bắt được một chú thỏ
Nguyên cả chân lẫn đầu
Rồi chú lừa chân thật
Được yêu cầu chia mồi
Chú chia rất đều đặn
Thành ba phần, than ôi!
Sư tử gầm lên quát:
“Sao? Mày chia thế à?
Thật ngu và thật láo
Mày dám xem thường ta!”
Sư tử liền ăn thịt
Chú lừa đáng thương này
Rồi nó bảo con cáo:
“Đến lượt mày, chia ngay!”
Cáo cầm dao, lấm lét
Chia mồi thành hai phần
Một phần rất, rất lớn
Phần kia chỉ mẩu chân
“Dạ thưa, bác sư tử”
Cáo nói, “bác phần nhiều
Con phận hèn, bé nhỏ
Chẳng cần ăn bao nhiêu”
Sư tử hài lòng nói:
“Thằng này ngoan. Hỏi mày
Do đâu mà biết được
Cách chia thông minh này?”
“Dạ thưa, bác vừa dạy
Qua cái chết của lừa
Nó ngu nên mới chết
Thật đáng đời! Sướng chưa?”
Khôn ngoan là ai biết
Rút bài học cho mình
Nhưng con cáo đang nói
Vừa gian, vừa thông minh

Châu chấu và kiến

Có một chú châu chấu
Vui, bay nhảy giữa đồng
Trong khi một chú kiến
Lo tích trữ mùa đông
“Nào, cùng chơi với tớ!”
Châu chấu nói, “Lại đây!”
Kiến đáp: “Đông sắp đến
Nên tớ bận suốt ngày
Mùa đông lạnh, cậu biết
Không thể kiếm thức ăn
Nên giờ phải tích trữ
Để có cái ăn dần”
Châu chấu cười, tiếp tục
Bay nhảy giữa cánh đồng
Vui đến mức không nhớ
Cái đói, lạnh mùa đông
Rồi tuyết rơi, băng giá
Châu chấu đói, co ro
Đến xin ăn chú kiến
May chú kiến cũng cho
Nhưng kèm theo lời dạy
Là phải biết lo xa
Mùa hè sau nên nhớ
Tích thức ăn trong nhà

Sư tử hỏi vợ

Một con sư tử nọ
Không đến nỗi ngu đần
Bỗng đem lòng yêu quý
Con một bác nông dân
Nó đem lễ đến hỏi
Ông nông dân rất buồn
Sợ, không dám từ chối
Nhưng lại rất thương con
Cuối cùng ông bảo nó:
“Tôi đồng ý, có điều
Răng, vuốt ông sắc quá
Con gái tôi không yêu
Vậy xin cắt bỏ chúng
Rồi mời ông đến đây
Cưới con tôi làm vợ
Ta thoả thuận điều này”
Vì quá yêu, sư tử
Lại đem lễ cầu hôn
Khi cả răng lẫn vuốt
Bị cưa nhẵn, không còn
Ông nông dân và vợ
Cùng cả nàng hôn thê
Cầm gậy đánh túi bụi
Nó lúp cúp quay về
Ở người, cái quý nhất
Là đầu óc thông minh
Sư tử có răng, vuốt
Là lợi thế của mình
Một khi để mất nó
Coi như chẳng còn gì
Sư tử không móng vuốt
Là con mèo ngu si

Rùa và vịt

Rùa nói: “Hai bạn vịt
Các bạn bay trên trời
Cho tôi bay một chuyến
Tôi cũng muốn đi chơi
Người ta nói thế giới
Rất rộng và rất hay
Thế mà tôi quanh quẩn
Suốt đời trong ao này”
Tốt bụng, vịt đồng ý
Lấy một cành cây đen
Bảo rùa ngậm ở giữa
Rồi cả ba bay lên
“Có điều, cậu cẩn thận
Không được nói một lời
Cậu mở miệng là chết”
Rùa cảm ơn vịt trời
Thế giới quả đẹp thật
Nào bãi cỏ, dòng sông
Nào trời xanh, mây trắng
Chú rùa rất hài lòng
Chú nhớ lời vịt dặn
Không nói một lời nào
Cho đến khi phía dưới
Có người nhìn lên cao
Thấy sự lạ, họ nói:
“Ồ, con rùa biết bay!
Hay nó bị bắt cóc?
Tội nghiệp con rùa này!”
“Ta mà bị bắt cóc?”
Chú rùa nghĩ, “Láo ghê!
Tự ta nghĩ ra đấy!”
Chú nhìn xuống, kêu: “Ê!…”
Thật tiếc, không ai biết
Chú rùa định nói gì
May mà rùa rơi xuống
Một ruộng lúa xanh rì
Rùa sinh ra để lặn
Vịt sinh ra để bay
Làm ngược là tai hoạ
Nên nhớ bài học này

Hai con dê qua cầu

Có một con dê trắng
Và một con dê đen
Đi qua chiếc cầu nhỏ
Hai con từ hai bên
Chẳng may, cầu thì hẹp
Sông phía dưới lại sâu
Ai cũng tranh đi trước
Quyết không chịu nhường nhau
Dê trắng nói: “Anh bạn
Anh phải nhường tôi đi”
Dê đen đáp: “Ngược lại!
Nhường ư? Anh nói gì?”
Cả hai con cứ bước
Không ai chịu nhường ai
Rồi húc nhau ghê gớm
Và rơi xuống cả hai
Từng có chú dê trắng
Và dê đen, buồn sao
Nay ở khúc sông ấy
Không còn chú dê nào
Dê hay người cũng vậy
Đi đường phải nhường nhau
Nếu có chậm một chút
Cũng chẳng chết ai đâu
Bác nông dân và bảy người con trai
Một bác nông dân nọ
Có bảy người con trai
Bảy đứa luôn cãi cọ
Không ai chịu thua ai
Ông bố cố chịu đựng
Một thời gian, và rồi
Ông đưa một bó đũa
Bảo chúng bẻ làm đôi
Anh thứ nhất bất lực
Rồi thứ hai, thứ ba!
Không bẻ được bó đũa
Tóm lại là không ai
Bác nông dân sau đó
Chia đũa cho từng người
Mỗi người chỉ một chiếc
Bảo: “Bẻ đi!” Chúng cười
“Giờ thì các con thấy
Vì sao con một nhà
Đừng bao giờ cãi cọ
Mà nên sống thuận hoà
Nếu không, như bó đũa
Các con tách từng người
Thì rất dễ gãy gục
Dễ thất bại trong đời”
Bài học này quá rõ
Nói thêm sẽ là thừa
Quan trọng là phải nhớ
Mình đã làm thế chưa

Chú ếch dưới giếng

Có một chú ếch nọ
Không ai hiểu do đâu
Tự nhiên rơi xuống giếng
Mà giếng lại rất sâu
Rất may giếng có nước
Nên chú vẫn nguyên lành
Chỉ buồn không lên được
Mà cần phải lên nhanh
Chú kêu to: “Cứu! Cứu!
Có ai cứu tôi không?”
Chờ mãi chẳng ai đến
Vì giếng ở ngoài đồng
Ngẫu nhiên, một chị cáo
Có việc đi ngang qua
Nghe tiếng kêu, nhìn xuống
Cáo hỏi: “Ếch đấy à?
Sao em rơi xuống đấy?
Có sứt trán, vêu đầu?
Rơi bao giờ? Tội nghiệp!
Nhớ cẩn thận lần sau…”
“Em không sao, xin chị
Khỏi phải nói dài dòng
Em muốn ra khỏi giếng
Chị có giúp em không?”
Có một điều chắc chắn:
Dù có nói cả ngày
Cáo chẳng giúp được ếch
Thoát ra khỏi giếng này
Khi thấy người bị nạn
Không cần phải nhiều lời
Mà phải cố giúp đỡ
Giúp nhanh và kịp thời

Con cáo và chùm nho

Một con cáo đang khát
Bỗng thấy một chùm nho
Một chùm nho vừa chín
Quả rất mọng và to
Nó nhảy lên, định hái
Mà nho lại quá cao
Rồi thử mấy lần nữa
Tiếc là chẳng lần nào
Với được chùm nho ấy
Cuối cùng đành bỏ đi
Vừa đi, nó vừa nghĩ:
“Nho còn xanh, ngon gì!”
Có nhiều anh hèn thật
Không muốn nhận mình hèn
Không ít người nghèo khổ
Cứ tỏ vẻ khinh tiền
Làm được thì nói được
Không được thì nói không
Vừa được tiếng chân thật
Vừa không tự dối lòng

Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ là một tập thơ hay của Thái Bá Tân. Ở đó ta tìm thấy được một thể giới vô cùng thú vị với các loài động vật hư quạ, cáo, sư tử kiến… và nó đã được nhân hóa. Với sự kết hợp cùng họa sĩ Tạ Huy Long đã làm cho tập thơ này thêm phần hấp dẫn. Đó vừa là cẩm nang đối nhân xử thế vừa là một sản phẩm đẹp và tinh tế. Đừng quên đón đọc phần tiếp theo của tập thơ này bạn nhé!
Xem thêm: Nhà thơ Thái Bá Tân và tập Ngụ ngôn Ê-Dốp bằng thơ (2015) phần 2