Nhà thơ Đỗ Trung Quân và tuyển tập thơ hay đặc sắc nhất phần 1

Đỗ Trung Quân là một nhà thơ sinh năm 1955 tại thành phố Hồ Chí Minh. Mẹ của ông là bà Đỗ Thị Hảo nuôi lớn ông và đến năm ông 15 tuổi thì mẹ mất. Sau đó ông tiếp tục mưu sinh và sau khi tốt nghiệp ông vào học tại việt Đại học Vạn Hạnh và cũng chính là hội viên hội nhà văn Việt Nam từ năm 1997. Dưới đây là những bài thơ hay của Đỗ Trung Quốc bạn nhé!

Anh có còn chút trí nhớ nào không?

Có quá nhiều thứ phải ngoái nhìn
bao giờ thì chúng ta thanh thản?
Có quá nhiều thứ phải sái cổ gãi đầu
phải cố nhớ
phải ca hát
cái đầu – chúng ta ai cũng có vấn đề em ạ

phía trước là bầu trời – cái tựa phim nghe kêu ra phết
nhưng ta cứ phải ngoái nhìn
cứ phải nhắc nhau một ngày nào đó
cứ phải nhắc nhau một người nào đó
kỷ niệm này
truyền thống nọ
hiến chương kia…
Chúng ta ai nấy đầu mắc bệnh:
Chúng ta cứ tưởng mình tỉnh táo

anh có còn chút trí nhớ nào không?

Chúng ta đi ngược thì nhanh
đi bình thường thì chậm
phía trước là bầu trời
phía trước là tương lai
đơn giản thế thôi
nhưng chúng ta phải ngoái nhìn lại
để khỏi bị thổi còi
chúng ta mất trí nhớ
chúng ta kém tưởng tượng
chúng ta không còn khát vọng
chỉ toàn hoài vọng
sống hão huyền

anh có còn chút trí nhớ nào không?

Bài hát của hoa hồng

Nỗi khổ đau đấy ư?
Ra là người
Khuôn mặt lạnh lùng và độc ác
Người đã trải xuống chân ta những cành gai lấy từ thập giá
Đã giật khỏi tay ta nụ hoa bé nhỏ
Để đặt vào đấy than hồng.

Được rồi ta sẽ cầm như nhận lấy phần mình một điều thách thức
dù nỗi đau tận xương
dù nỗi đau ghê rợn
nỗi đau làm ta run lên

Nhưng hỡi nỗi đau – gương mặt của đá
Ta sẽ nói với ngươi bằng lời cây đàn nghiến răng ta hát
Ta sẽ cầm than hồng dù tay ta cháy lửa
tâm hồn cháy lửa
dể khi xoè tay ta sẽ gắp từ tro than
moi lên một bông hoa nghi ngút khói
một bông hoa còn rỏ máu
loài người sẽ gọi tên Hoa hồng
Hỡi nỗi đau
Hãy đến khi nào ngươi muốn đến
Hãy đi khi nào ngươi muốn đi
Còn tình yêu của ta
Đừng hòng ngươi lấy được!

Bài học đầu cho con

Quê hương là gì hở mẹ
Mà cô giáo dạy phải yêu
Quê hương là gì hở mẹ
Ai đi xa cũng nhớ nhiều

Quê hương là chùm khế ngọt
Cho con trèo hái mỗi ngày
Quê hương là đường đi học
Con về rợp bướm vàng bay

Quê hương là con diều biếc
Tuổi thơ con thả trên đồng
Quê hương là con đò nhỏ
Êm đềm khua nước ven sông

Quê hương là cầu tre nhỏ
Mẹ về nón lá nghiêng che
Là hương hoa đồng cỏ nội
Bay trong giấc ngủ đêm hè

Quê hương là vàng hoa bí
Là hồng tím giậu mồng tơi
Là đỏ đôi bờ dâm bụt
Màu hoa sen trắng tinh khôi

Quê hương mỗi người chỉ một
Như là chỉ một mẹ thôi
Quê hương nếu ai không nhớ…

Bài thơ về đôi lứa

“Nơi nào có em, nơi ấy là thiên đường”
Mark Twain

Nếu như đêm nay anh ngồi gác một mình
Chỉ riêng anh và những vì sao còn thức
Anh sẽ chọn một vì sao đẹp nhất
Để bảo rằng – đấy chính là em

Nếu trưa nào anh qua một khoảng đường êm
Chỉ có nắng và chân mình đạp lá
Trời thành phố khép hàng mi êm ả
Anh đi cùng chiếc bóng của mình
Anh sẽ chọn một bóng râm dịu mát
Để bảo rằng – đấy chính là em

Nếu khuya nào anh vào xưởng ca đêm
Giờ ngon giấc của em trong giấc ngủ
Anh sẽ gọi hương ngọc lan đầu phố
Theo dọc đường và bảo – đấy là em

Ở nơi nào mà anh chẳng có em
Có cả lúc một mình đi xuống phố
Đi theo anh chỉ lá me và gió
Thì lá me và gió chính là em

Anh nghiêng mình cảm tạ Mark Twain
Đã phát biểu tuyệt vời về đôi lứa
Đã cho anh những thiên đường mở cửa
Khắp mọi nơi trong cuộc sống của mình

Ở nơi nào mà anh chẳng có em
Có khi ngủ nữa là khi anh thức
Anh đưa tay là chạm vào hạnh phúc
Trái táo hồng treo giữa những cành êm
Em là ban mai, là chiều vắng, là đêm …

Biển nhớ

Em đã lấy hết của anh những buổi tối yên tĩnh
Những buổi tối bây giờ sóng biển tràn vào nhà
Em đã lấy của anh những trưa êm ả
Trưa đỏ trời sắc lửa cháy trên hoa.

Em lấy hết chừa cho anh nỗi nhớ
Nỗi nhớ ba mươi bốn năm cộng lại – Nhân mười
Nỗi nhớ biến gã đàn ông chợt thành lẩn thẩn
Giữa đám đông nào cũng thảng thốt – Em ơi!

Em đã lấy hết của anh những tháng ngày hạnh phúc
Chừa lại cho anh gió lạnh bốn mùa
Em vui vẻ trong dòng đời vui vẻ
Chừa một dòng hiu quạnh để anh đi…

Ừ, cứ lấy hết, anh dành cho em hết
Anh chỉ giữ lại riêng ánh mắt không lời
Chỉ giữ lại bông hoa đêm nào em cài trên mái tóc
Cạnh chỗ em ngồi, gần gũi mà xa xôi…

Em lấy hết của anh những tháng ngày lặng gió
Chung quanh anh ngập sóng tự lâu rồi
Biển nơi nào – biển trùng vây anh vậy?
Cứ xô vào bờ tên một người thôi!

Biển, núi, em và sóng

Xin cảm ơn những con đường ven biển
Cho rất nhiều đôi lứa dẫn nhau đi
Cám ơn sóng nói thay lời dào dạt
Hàng thuỳ dương nói hộ tiếng thầm thì

Anh như núi đứng suốt đời ngóng biển
Một tình yêu vươn chạm tới đỉnh trời
Em là sóng nhưng xin đừng như sóng
Ðã xô vào xin chớ ngược ra khơi

Anh như núi đứng nghìn năm chung thuỷ
Không ngẩng đầu dù chạm tới mây bay
Yêu biển vỗ dưới chân mình dào dạt
Dẫu đôi khi vì sóng núi hao gầy…

Cám ơn em dịu dàng đi bên cạnh
Biển ngoài kia xanh quá nói chi nhiều
Núi gần quá – sóng và em gần quá
Anh đủ lời để tỏ một tình yêu.

Blues

buổi chiều đi uể oải
như một điệu blues buồn
những buổi chiều ngơ ngác
nắng trên phố mênh mông
vàng lên một ngọn khói
người đàn ông mắt buồn
đong đưa trên ghế dựa
hoa tím lại tím hơn
những hoàng hôn ngoài cửa
người đàn ông mắt buồn
một hôm không trẻ nữa
những buổi chiều ngồi im
lá rụng đầy hai vai
lá rụng trên tóc dài
ngày đi qua lặng lẽ
một điệu blues buồn quá
đâu đó ở trong hồn
người đàn ông mắt buồn
ngủ thiu hay là chết
hoa tím đã tím hơn
từ buổi chiều ly biệt

Chia phần

nhận từ tháng chín
ô cửa vắng đèn
nhận từ góc phố
những ngày chân quen

nhận từ giường chiếu
hơi ấm chỗ nằm
nhận từ ký ức
buồn, vui mười năm

nhận từ kẻ lạ
đã thành tình nhân
nhận từ chia cách
giọt nước mắt thầm

nhận từ mối mọt
những đêm gặm mòn
lòng như sách cũ
nhện dài tơ giăng

gia tài ta đó
những ngày vắng không
buồn riêng ta đó
làm sao chia phần

Chiều đại nội

Ngựa xe nào khuất nẻo
thành xưa loang bóng chiều
hồn ai trong lá rụng
dấu hài mờ sân rêu
lòng ta như thành quách
nhớ một nàng ái phi
giật mình nghe… áo động
nắng rớt trên hoa quì
ta tìm vườn ngự uyển
cỏ hoang che dấu rồi
tiếng chim chiều đại nội
rụng xuống chiều mồ côi
lòng ta như sương khói
đậu vào tường đá rêu
dấu thời gian im ngủ
dấu thời gian tịch liêu
chiều cuối năm chớm lạnh
vàng phai nhuốm mái hiên
ai mộng làm quan trạng
ngựa qua vườn ngự Viên ?
giật mình nghe gió động
nón bài thơ… qua thềm…

Chỗ mẹ xưa ngồi

.. Con hẻm dài như mọi con hẻm của Sài Gòn. Đầu hẻm là đường giao thông chính, cuối hẻm là con kênh Nhiêu Lộc cắt ngang, chỗ cái xóm ổ chuột của dân tứ xứ lưu lạc vì đủ thứ lý do: chiến tranh, nhập cư tìm việc, học sinh, sinh viên trọ học, gái điếm, ca ve — đủ cả. Người phụ nữ lưu lạc với 3 đứa con cũng ở đấy. Hàng ngày bà ngồi đầu hẻm với gánh xôi buổi sáng, gánh chè buổi trưa cho học sinh đi học sà vào… Hàng chục năm qua, cái đầu hẻm nhỏ ấy dành chỗ cho bà, dù ngồi trước cửa nhà ai bà cũng không bị đuổi. Những người đầu hẻm biết bà nuôi con như mọi phụ nữ nghèo khác, lại thấy phong cách bà nhã nhặn, nhỏ nhẹ, ai cũng tự hỏi sao bà lam lũ mà chẳng có vẻ gì xuất thân lao động tay chân? Bà chỉ cười im lặng. Bà là một phụ nữ thời trẻ hẳn phải rất đẹp, bởi vì khi ngồi bán xôi chè đầu ngõ bà vẫn còn đẹp. Thời ấy bà chỉ xấp xỉ 40, còn dấu tích xuân sắc trên gương mặt. Có mấy ông ở gần đấy cứ tìm hiểu xem tại sao bà về đây, tại sao bà đến ngồi ở cái xóm ổ chuột này… Nhưng thảy đều vô ích. Người phụ nữ ấy nhã nhặn nhưng cực kỳ kín tiếng.

Nhiều năm trôi qua, Cái xóm ổ chuột đã biến mất, Chung cư mới mọc lên xoá hẳn dấu tích cũ. Người phụ nữ bán chè cũng vắng bóng nơi đầu con hẻm đã gần 20 năm. Bà mất lâu rồi…

Mẹ! Năm nào con cũng về đây. Nhà cũ xóm cũ không còn dấu tích, nhưng con hẻm còn, chỗ mẹ ngày xưa ngồi sớm chiều vẫn còn. Con thường đến đấy vào buổi trưa khi nó vắng vẻ hơn. Nơi cột đèn cũ, bờ tường cũ từng kê chiếc bàn gỗ nho nhỏ của mẹ, con thường đặt xuống một chân nhang, ngồi hút thuốc trước ngôi nhà đối diện và chờ nhang tàn mới đứng lên đi. Những người đầu hẻm cũ người còn, người mất, nhiều người biết con, họ chào và ngạc nhiên chút ít khi thấy cái gã thường gặp trên phương tiện truyền thông lại ngồi ở đây một mình im lặng. Hẻm phía bên kia đường chính là ngôi nhà của một người không họ hàng nhưng đã thay đổi số phận của con. Anh chị ấy cũng đã ở bên kia bờ đại dương lâu rồi. Nhưng con biết mỗi lần con ngồi đấy hút thuốc có nghĩa là đã cuối năm, Có nghĩa đã sắp tết rồi.

Con về thăm chỗ cũ mẹ ngồi.

Chút tình đầu

Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng
Em chở mùa hè của tôi đi đâu ?
Chùm phượng vĩ em cầm là tuổi tôi mười tám
Thuở chẳng ai hay thầm lặng – mối tình đầu

Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cơn mưa bay ngoài cửa lớp
Lá áo người trắng cả giấc ngủ mê
Lá bài thơ cứ còn hoài trong cặp
Giữa giờ chơi mang đến lại…. mang về.

Mối tình đầu của tôi là anh chàng tội nghiệp
Mùa hạ leo cổng trường khắc nỗi nhớ vào cây
Người con gái mùa sau biết có còn gặp lại
Ngày khai trường áo lụa gió thu bay…
Mối tình đầu của tôi có gì ?
Chỉ một cây đàn nhỏ
Rất vu vơ nhờ bài hát nói giùm
Ai cũng cũng hiểu – chỉ một người không hiểu
Nên có một gã khờ ngọng nghịu mãi… thành câm.

Những chiếc giỏ xe trưa nay chở đầy hoa phượng
Em hái mùa hè trên cây
Chở kỷ niệm về nhà
Em chở mùa hè đi qua còn tôi đứng lại
Nhớ ngẩn người tà áo lụa nào xa.

Chuyện kể của một gã lang thang

đấy là một ngày nào đó của một năm nào đó
người đàn ông trờ thành kẻ không nhà
tự nguyện
dù hắn có cửa nhà
hắn là thi sĩ ngốc nghếch
quen nói
trăng là trăng
mây là mây
gió là gió
không thể là gì khác
hắn không biết đánh bạc
ngôi nhà tự bao giờ trở thành nơi cờ bạc bịp
thế là hắn vui vẻ ra đi
đấy là một ngày nào đó của một năm nào đó
thế kỷ gần hết
còn hắn gần chết
hắn vẫn thản nhiên nói : ai mà không đi đời
nhưng cờ bạc bịp thì ta xin thôi
đã quá đủ trong ngôi nhà này
lửa
mồ hôi
máu
chia lìa
đói khổ
chòi lá dựng xong thì bão tố
lửa âm ỉ trong xương dưới những mộ phần
biển rã mục đêm xuống tàu định mệnh
sum họp nơi này
nơi kia ly tan
ngôi nhà ấy như phạm lời bùa chú
nên mồ hôi sôi vầng trán cha già
nên trẻ thơ ra đời trong lửa đạn
lưng mẹ như vòm trời úp trọn phong ba
ngôi nhà ấy như khoảnh vườn hoang dại
cây đau thương không hạt cũng đâm chồi
hạt nghi kỵ không gieo mà đậu quả
những dấu chân trôi góc bể chân trời
đấy là ngày nào đó của một năm nào đó
người đàn ông làm một kẻ không nhà
lầm lũi gập mình trên sỏi đá
bới tìm trong định mệnh
một chồi hoa

Chuyện ngày thường

Những ngày ốm trong căn phòng hẹp
Anh mơ những chiều vàng
Hoa dầu thả cơn mưa chong chóng
Con đường dài áo lụa thênh thang…
Anh nằm nhớ tiếng chân quen
Gõ nhịp ngoài thềm vội vã
Tan tầm em về như làn gió
Dìu anh ra cửa đón mặt trời
Những chiều nằm trong cơn sốt khô môi
Anh thèm lời hỏi thăm của một người bạn
Một câu nói đùa – một lời trêu chọc
Rất đỗi thân tình
Và…
Như trong truyê.n cổ tích – kẻ hiền… sẽ gặp lành
Anh mở mắt – hoa dầu rơi trước cửa
Anh tỉnh giấc – em về như ngọn gió
Tiếng máy xe quen thuộc đến… giật mình
Ông bạn già nheo mắt đứng cạnh bên.
Ðôi khi
Anh cũng phải cám ơn cơn nóng lạnh không rõ tên
Bắt anh trùm chăn dăm ba bữa
Bắt đôi chân nằm mơ ngoài cửa
Nhớ những ngày mạnh khoẻ xuống phố với mọi người
Ðể nhận ra cuộc đời
Hệt như là cổ tích
Ước niê`m vui – khi mở bừng con mắt
Tất cả đều có cạnh bên
Bạn – người yêu – hoa và nắng êm đềm…

Cỏ hoa cần gặp

Có thể chấm dứt được rồi những nụ cười giễu cợt
Rằng những ai nói về cỏ hoa là những kẻ
không chạm hai chân trên mặt đất này
Anh vẫn đến thăm em bằng bước chân có thật
Vẫn không quên chùm hoa cúc cầm tay…
Anh không dửng dưng trước hạt gạo khó khăn ngày hai bữa
Anh không quên những vất vả đời thường
Anh biết rõ những giọt nước mắt em đôi khi thành chất độc
Nhỏ xuống lòng mình loang lổ vết thương
Nhưng anh vẫn cần nói cùng em về hoa cỏ
Về những vòm me không ai có thể đốn mất của mình
Về những chiếc chuồng bồ câu màu hồng trên mái ngói
Về tím đỏ ráng chiều,
Về vạt nắng bình minh…
Dẫu hoa đã từ lâu không có mặt trên những bàn ăn đạm bạc.
Dẫu bóng mát vòm me chưa che tròn lưng
những đứa trẻ con lượm rác ven đường.
Dẫu đã xuất hiện quá nhiều kẻ vác súng săn
tìm bầy chim thành phố.
Và có người lạnh nhạt nhìn nhau nhân danh áo cơm
Thì những kẻ mơ mộng còn rất cần đấy chứ
Anh sợ vật giá leo thang nhưng cũng lo vầng trăng
không mọc nữa đêm rằm
Hay sợ trăng đã mọc rồi mà đầu anh vẫn cúi
Bởi trái tim mình đã thành đá tảng rêu phong
Nên anh vẫn muốn nói cùng em về hoa cỏ
Ta xanh xao – nhưng hãy rất con người
Ta phẫn nộ – nhưng chớ thành trái độc
Ai vấp ngã ven đường, không một giọt lệ rơi
Không một giọt lệ rơi vì mắt nhìn ráo hoảnh
Vì mắt đã lạnh tanh những dung tục đời thường
Nên anh cứ muốn nói hoài về hoa cỏ
Để còn biết giật mình khi chạm một làn hươn

Trên đây là những bài thơ của Đỗ Trung Quân hay nhất mà chúng tôi đã chọn lọc và muốn chia sẻ cùng với bạn. Thông qua các bài thơ này bạn sẽ hiểu thêm về phong cách sáng tác của nhà thơ này. Đó là một hồn thơ nhẹ nhàng và bay bổng. Trong đó có nhiều bài thơ được đánh giá rất cao mà bạn không nên bỏ lỡ.

Xem thêm: Nhà thơ Đỗ Trung Quân và tuyển tập thơ hay đặc sắc nhất phần 2